Ông Nguyễn Thế Kỷ: Người làm tuyên giáo phải tự nêu gương trước quần chúng

Tuyên giáo là một trong những công tác lớn của Đảng, góp phần tạo nên sự thống nhất trong nhận thức, lý tưởng và hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Nhân kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo, PV NTV đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ một số vấn đề về công tác tuyên giáo trong tình hình mới, đặc biệt là trong việc giáo dục, định hướng nhận thức, lý tưởng, lối sống cho ĐVTN.

PV: Thưa ông! Nhân kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo, ông có thể chia sẻ một vài điều tâm đắc cũng như những băn khoăn, trăn trở của công tác tuyên giáo hiện nay?

 Ông Nguyễn Thế Kỷ: Từ năm 1930 đến nay, công tác tuyên giáo luôn luôn được gắn với công tác tổ chức xây dựng Đảng và trở thành một bộ phận rất khăng khít, tuyên truyền về Chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng, tạo cho họ sự đồng thuận cao, từ đó dấy lên phong trào cách mạng trong quần chúng nhân dân.

Mỗi thời kì, công tác tuyên giáo nói chung và mỗi cán bộ ngành tuyên giáo đều có những mặt thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định. Bây giờ đất nước hòa bình, thống nhất đã mấy chục năm rồi nhưng công tác tuyên giáo trong thời kì mới này cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là sự phân hóa giàu nghèo cũng rõ hơn, tư tưởng, tâm trạng trong xã hội bây giờ cũng có sự phân hóa. Cùng một sự việc, hiện tượng nhiều người có cách nhìn nhận khác nhau. Đó là chưa nói đến âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động từ bên ngoài.

PV: Thực tế đó đặt ra yêu cầu gì cho công tác tuyên giáo hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Công tác tuyên giáo bây giờ không thể dùng những mệnh lệnh hành chính để nói là anh được làm cái này, anh không được làm cái kia, mà là anh được làm hay không làm, nên hay không nên. Người làm tuyên giáo phải bằng lý lẽ có tính khoa học cao, đồng thời cũng rất nhuần nhuyễn với thực tiễn. Như vậy mới làm tốt nhiệm vụ của mình. Phải đi vào bản chất sự vật hiện tượng, để phân tích, lý giải đâu là đúng, đâu là sai và đâu là xu hướng đi lên của xã hội. Anh phải biết chấp nhận thách thức và vượt qua thách thức, rồi trang bị kiến thức, bản lĩnh của người làm công tác tuyên giáo, nhưng cũng phải có năng lực.

PV: Ban Bí thư cũng vừa có Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030. Ông có thể nói rõ hơn tầm quan trọng của Chỉ thị này?
 
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Tuổi trẻ là tương lai của đất nước, là tương lai của chế độ chúng ta. Nhìn chung tuyệt đại bộ phận đoàn viên, thanh niên của chúng ta đều có nhận thức, tình cảm và hành động đúng. Nhưng bên cạnh đó, do cuộc sống hiện nay sôi động, phức tạp nên những quan điểm, luận điệu xuyên tạc, thù địch, xảo độc cũng tác động đến các em rất nhiều. Từ trên giảng đường, từ trong cuộc sống thường nhật đặc biệt là trên hệ thống internet. Ở đó có muôn vàn điều hay, điều tốt nhưng cũng đầy rẫy những điều mê hoặc các em, thậm chí lôi kéo vào những vấn đề không đúng đắn. Việc Đảng ta có Chỉ thị về giáo dục truyền thống, đạo đức lý tưởng cho thế hệ trẻ trong giai đoạn cách mạng mới là điều cần thiết. Điều này cũng đặt ra cho ngành tuyên giáo hiện nay trong công tác tuyên truyền vận động thì anh phải quan tâm đến đối tượng này, truyền cho các em ngọn lửa yêu nước, rồi những giá trị rất cao đẹp, rất bền vững của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh hướng tới một xã hội tốt đẹp. Để rồi từ đó các em tin tưởng con đường mà Đảng đã dẫn dắt các em.

Thứ hai nữa là hướng các em vào những việc làm trong học tập, trong lao động, trong phấn đấu, trong rèn luyện, theo những định hướng lớn mà Đảng ta đã nêu ra. Các em cũng phải phấu đấu, trau dồi cả về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chuyên môn, lập thân lập nghiệp, lựa chọn những điều tốt đẹp, để mình trở thành một công dân tốt, thực sự là một đội quân dự bị của Đảng, vươn lên trở thành chủ nhân của đất nước.

PV: Như vậy, theo ông, trong tình hình hiện nay thì đâu là đức tính cần có để người làm công tác tuyên giáo hoàn thành nhiệm vụ của mình?

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Tính nêu gương là hết sức quan trọng. Một cán bộ Đảng viên, người làm công tác tuyên giáo dứt khoát phải tự nêu gương trước quần chúng. Cũng không phải là những lời hô hào sáo rỗng, giáo điều mà bằng việc làm cụ thể. Tôi nói ví dụ như việc tiết kiệm điện chẳng hạn, anh phải vận động mọi thành viên trong gia đình, trong nhà trường, trong cơ quan chẳng hạn. Ra khỏi phòng thì tắt đèn, đặt máy điều hòa như thế nào cho hợp lý và rất nhiều việc khác. Tiết kiệm, rồi những sáng kiến để nâng cao chất lượng dạy, học, rèn luyện, lao động, công tác. Việc nêu gương từ những việc làm nhỏ thôi nhưng thiết thực và nó có tính thuyết phục với mọi người. Điều đó sẽ tác động sâu sắc hơn chứ không phải là khi nào anh cũng chọn điều to tát để làm. Tôi cho rằng, những người làm công tác tuyên giáo hiện nay khó ở chỗ là anh phải thuyết phục được người ta, không phải là mệnh lệnh hành chính, không phải là những lời nói giáo điều, hô hào chung chung.

PV: Vâng! Xin cảm ơn ông!

 

 


Bài viết khác