Học thuật cấp tổ: Một số đề xuất về việc thiết kế bài giảng điện tử

          Sáng ngày 2/5/2019 tại hội trường A Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh (QTKD) đã tổ chức buổi học thuật cấp Tổ do ThS. Nguyễn Quỳnh Trang và ThS. Nguyễn Lan Anh (B) – Giảng viên tổ Kinh tế Khoa Kinh tế - QTKD thực hiện. Buổi học thuật có chủ đề: “Một số đề xuất về việc thiết kế bài giảng điện tử cho các môn học chung thuộc khối ngành Kinh tế - QTKD do Tổ quản trị đảm nhiệm”

          Tham dự buổi học thuật có TS. Nguyễn Công Trường – Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, TS. Đặng Thị Thảo – Trưởng Khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh, TS. Hồ Thị Hiền – Phó Trưởng khoa Kinh tế - QTKD, ThS. Lê Thị Xuân – Tổ trưởng Bộ môn Kinh tế, ThS. Hoàng Thúy Hằng – Tổ trưởng Bộ môn Quản trị Kinh doanh, các giảng viên và sinh viên trong Khoa Kinh tế - QTKD. Nội dung buổi học thuật gồm 4 phần: (1) Giới thiệu chung về bài giảng điện tử; (2) Thiết kế bài giảng điện tử cho các môn học chung thuộc khối ngành kinh tế - QTKD; (3) Trao đổi, chia sẻ về việc thiết kế bài giảng điện tử; (4) Thảo luận và kiến nghị.

          Phần giới thiệu chung về bài giảng điện tử, nhóm tác giả trình bày khái niệm bài giảng điện tử và các phần mềm soạn bài giảng điện tử như Powerpoint, Lecture Maker, Violet, Adobe Presenter. Ưu điểm của bài giảng điện tử giúp bài giảng sinh động, dễ hiểu và có tính tương tác cao. Bài giảng điện tử giúp người dạy và người học thông qua nhiều hình thức phong phú như văn bản, đồ họa, hoạt ảnh, âm thanh, video, website, các phần mềm ứng dụng hỗ trợ khác. Đối với người dạy, việc áp dụng các bài giảng điện tử giúp giảm hoạt động thuyết giảng, tăng cường đối thoại, thảo luận và dễ kiểm soát người học. Đối với người học, bài giảng điện tử giúp thu hút, kích thích sự chú ý của sinh viên, tăng tính chủ động học tập cho sinh viên, đồng thời, tăng hứng thú cho người học.

          Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sử dụng bài giảng điện tử như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất? Hiện nay các giảng viên Khoa Kinh tế - QTKD đã sử dụng bài giảng điện tử đúng phương pháp chưa? Căn cứ vào những nội dung nào để soạn một bài giảng điện tử đúng chuẩn? Khi soạn bài giảng điện tử, các giảng viên có sử dụng đề cương tín chỉ học phần để xác định các nội dung để đưa vào bài giảng điện tử không? Hay chỉ đơn thuần đưa hết tất cả các nội dung, đề mục trong giáo trình vào bài giảng như quán tính dạy và học theo niên chế xưa nay?

          Một tình trạng đáng chú ý là nhiều tiết giảng dù sử dụng bài giảng điện tử nhưng thời lượng dạy còn dài, thêm nữa, có một khoảng cách khá lớn giữa nội dung thao giảng và nội dung thiết kế cho một tiết dạy trong đề cương tín chỉ(?). Trong quá trình bình giảng, nội dung thao giảng vẫn chưa được so sánh chính xác với thiết kế nội dung trong đề cương tín chỉ môn học(?). Hay nói cách khác, đề cương tín chỉ chưa được sử dụng đúng mục đích, chưa thực thi vai trò góp phần hoàn thiện phương pháp giảng dạy của giảng viên hiện nay(?), trong khi đây là xương sống, là cối lõi của phương pháp dạy học theo tín chỉ. Việc không/chưa/chưa nghiêm túc sử dụng đề cương tín chỉ trong dạy tín chỉ hiện nay nói chung, trong soạn bài giảng điện tử nói riêng là một vấn đề cần được cải thiện. Đây cũng là lý do nhóm tác giả tìm hiểu, phân tích và đề xuất về việc thiết kế bài giảng điện tử cho các môn học chung thuộc khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh do Tổ Quản trị kinh doanh đảm nhiệm.

          Việc tổ chức thiết kế bài giảng điện tử cho các môn học chung nên được hiểu là nhằm tuân thủ thiết kế nội dung theo đề cương tín chỉ, dựng khung sườn kiến thức cho bài giảng điện tử, làm căn cứ cho việc đánh giá thao giảng sau này, hỗ trợ các giảng viên trong soạn giảng và sáng tạo các bài giảng hấp dẫn cho riêng mình.

          Phần thiết kế bài giảng điện tử bao gồm 4 phần chính: (i) cấu trúc một bài giảng điện tử; (ii) quy trình thiết kế bài giảng; (iii) thiết kế nội dung bài giảng; (iv) tiêu chí đánh giá bài giảng.

          Trong đó, phần (i), cấu trúc một bài giảng điện tử gồm nội dung N1, nội dung N2, nội dung N3, phần ôn tập kiểm tra, phần tóm tắt – tổng kết. Phần (ii), quy trình thiết kế bài giảng được chia làm 2 giai đoạn là (ii-1) tổ chức thực hiện và (ii-2) đánh giá thẩm định bài giảng. Giai đoạn (ii-1), tổ chức thực hiện được tiến hành theo 3 bước: lựa chọn môn học thiết kế bài giảng điện tử; lựa chọn căn cứ chính xây dựng nội dung bài giảng; phân công giảng viên biên soạn bài giảng. Trong đó việc thiết kế bài giảng điện tử sẽ do một nhóm giảng viên chuyên trách thực hiện, nhóm đề xuất là 3 người cùng soạn 1 môn. Phần căn cứ N1, N2, N3 sẽ dựa vào đề cương tín chỉ môn học.

          Phần (iii), thiết kế nội dung bài giảng gồm phần lý thuyết và phần minh họa, nhóm tác giả đã trình bày tổng quan cách sử dụng các yếu tố để thiết kế nội dung bài giảng đạt hiệu quả cao như font chữ, màu chữ, âm thanh, hình ảnh, clip, các yêu cầu đối với lý thuyết, minh họa. Phần (iv), tiêu chí đánh giá bài giảng điện tử, nhóm giới thiệu 4 tiêu chí đánh giá gồm: tiêu chí về mặt khoa học, về lý luận dạy học, về mặt kỹ thuật và về mặt sư phạm.

          Buổi học thuật nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các giảng viên trong Khoa Kinh tế - QTKD. Các ý kiến tập trung phản biện về tính cấp thiết của việc tổ chức soạn bài giảng điện tử theo nhóm. Theo đó, nhiều nghi vấn được đặt ra đối với để xuất của nhóm ví dụ như phương pháp giảng dạy mỗi giảng viên là khác nhau, các ví dụ minh họa cũng tùy thuộc vào từng giảng viên, từng thời điểm, việc soạn sẵn có thể tạo tâm lý copy&paste cho các giảng viên mới lần đầu dạy môn học đó. Tuy vậy, việc đề xuất của nhóm tác giả mang lại nhiều lợi ích về khía cạnh đáp ứng đầy đủ nội dung căn cứ đề cương tín chỉ môn học. Điều này càng cần thiết hơn nữa vì trong tương lai gần, Khoa Kinh tế - QTKD sẽ thực hiện việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Sự khác biệt giữa bài soạn giảng điện tử và đề cương tín chỉ môn học có thể là một trong những nội dung được kiểm định.

            Kết luận buổi học thuật cấp khoa, TS. Đặng Thị Thảo đánh giá đây là một nội dung cần thiết và nên triển khai thí điểm. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của nhóm tác giả gây nhầm lẫn cho người nghe về mục đích của nhóm giống như thiết kế sẵn bài giảng cho giảng viên trong khi mục đích của nhóm tác giả là đồng bộ hóa bài soạn giảng với nội dung đề cương tín chỉ dưới dạng bài soạn giảng điện tử. Nội dung trình bày của nhóm được đánh giá là đạt yêu cầu về mặt học thuật./.

Khoa Kinh tế - QTKD.


Bài viết khác