Học thuật cấp tổ: Nâng cao chất lượng học môn Kinh tế Vi mô tại trường Đại học Kinh tế Nghệ An

          Sáng ngày 2/5/2019 tại hội trường A Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh (QTKD) đã tổ chức buổi học thuật cấp Tổ do ThS. Trịnh Thị Lê và ThS. Lê Thị Mỹ Tâm – Giảng viên tổ Kinh tế Khoa Kinh tế - QTKD thực hiện. Buổi học thuật có chủ đề: “Nâng cao chất lượng học môn Kinh tế Vi mô tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An”

          Tham dự buổi học thuật có TS. Nguyễn Công Trường – Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, TS. Đặng Thị Thảo – Trưởng Khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh, TS. Hồ Thị Hiền – Phó Trưởng khoa Kinh tế - QTKD, ThS. Lê Thị Xuân – Tổ trưởng Bộ môn Kinh tế, ThS. Hoàng Thúy Hằng – Tổ trưởng Bộ môn Quản trị Kinh doanh, các giảng viên và sinh viên trong Khoa Kinh tế - QTKD. Nội dung buổi học thuật gồm 4 phần: (1) Giới thiệu về môn Kinh tế Vi mô; (2) Thực trạng chất lượng học môn Kinh tế Vi mô; (3) Thảo luận, lấy ý kiến; (4) Đề xuất và Tổng kết nội dung.

          Mở đầu buổi học thuật, nhóm tác giả đã giới thiệu về môn học Kinh tế Vi mô, kết quả học tập và các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập. Hai tác giả đã tổng hợp các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến kết quả học tập môn Kinh tế Vi mô của sinh viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An gồm 3 yếu tố chính: Điều kiện môi trường học tập, Người dạy và Người học. Điều kiện môi trường học tập bao gồm chất lượng đầu vào, cơ sở vật chất, hoạt động đoàn thể và hoàn cảnh gia đình; Yếu tố Người dạy gồm nội dung chương trình truyền đạt , phương pháp giảng dạy, kiếm tra đánh giá, ý thức thái độ; Yếu tố Người học gồm động lực, ý thức, thái độ học tập, kế hoạch học tập, phương pháp học tập.

          Phần thực trạng chất lượng môn học Kinh tế Vi mô, nhóm tác giả trình bày khảo sát, phân tích tình hình học tập môn Kinh tế Vi mô dựa trên các số liệu thống kê kết quả học tập từ Phòng Quản lý Đào tạo, Phòng Thanh tra – Khảo thí – Quản lý chất lượng. Số liệu thống kê kết quả thi kết thúc học phần môn Kinh tế Vi mô từ 323 sinh viên khóa 3 và 189 sinh viên khóa 4 cho biết có 9 sinh viên khóa 3 và 32 sinh viên khóa 4 xếp loại giỏi(TB>=9), tương ứng với tỷ lệ 2,79% và 16,93%; có 127 sinh viên khóa 3 và 75 sinh viên khóa 4 xếp loại khá (7<=TB<9), tương ứng với tỷ lệ 39,32% và 39,68%; có 118 sinh viên khóa 3 và 65 sinh viên khóa 4 xếp loại trung bình (5<=TB<7), tương ứng tỷ lệ 36,53% và 34,39%; có 69 sinh viên khóa 3 và 17 sinh viên khóa 4 xếp loại yếu (TB<5), tương ứng tỷ lệ 21,36% và 8,99%.

          Dễ dàng nhận thấy rằng nếu tỷ lệ sinh viên xếp loại khá và trung bình ở khóa 3 và khóa 4 là giống nhau và đạt xấp xỉ tương ứng 40% và 35%, thì tỷ lệ % sinh viên giỏi khóa 4 nhiều gấp 5 lần tỷ lệ % sinh viên giỏi của khóa 3, đồng thời tỷ lệ % sinh viên yếu ở khóa 4 chưa bằng một nửa tỷ lệ % sinh viên yếu của khóa 3. Điều này cho thấy kết quả học tập ở khóa 4 đã được cải thiện so với khóa 3, tuy nhiên kết quả vẫn chưa đạt mức kỳ vọng. Tổng tỷ lệ sinh viên xếp loại mức trung bình và yếu khóa 3 và 4 vẫn chiếm tỷ lệ lớn trên 40%, đây là một vấn đề cho thấy chất lượng học môn Kinh tế Vi mô chưa tốt. Như số liệu từ Phòng Thanh tra-Khảo thí-Quản lý chất lượng đã thống kê, một số lớp khóa 3, 4 có tỷ lệ thi lại cao từ 24% đến 30%, nhóm tác giả nhấn mạnh.

          Kết hợp với các số liệu thống kê, nhóm tác giả đã khảo sát sự hài lòng của người học về nhiều nội dung liên quan đến kết quả học tập môn Kinh tế Vi mô đáng chú ý như có đến 33.3% sinh viên không hài lòng về kết quả học tập môn Kinh tế Vi mô, đồng thời 54,2% sinh viên cho biết không lập kế hoạch học tập cho môn học này. Hơn 90% sinh viên cho biết nội dung chương trình giảng dạy của giảng viên bám sát đề cương môn học, tuy nhiên, vẫn có khoảng 20% sinh viên không đồng ý với ý kiến giảng viên luôn cập nhật ứng dụng trong thực tiễn. Bên cạnh đó, 25% sinh viên còn cho biết bài giảng khó hiểu và bài tập vận dụng ít, đây là một vấn đề mà các giảng viên cần tập trung phân tích đánh giá để cải thiện phương pháp dạy học phù hợp với sinh viên hiện nay.

          Về phía người học, nhóm tác giả cũng trình bày góc nhìn chất lượng đầu vào của trường trong những năm gần đây có giảm xuống, như điểm chuẩn năm 2016 là 15 điểm thì năm 2017 đã giảm xuống còn 14 điểm (năm 2016 và 2017 tương ứng với khóa 3 và 4). Điểm chuẩn năm 2018 là 15 điểm, đồng thời hình thức tuyển sinh học bạ dù tăng lên vẫn chưa phải là tối ưu trong việc nâng cao chất lượng đầu vào từ phía người học. Đây là một nguyên nhân mà nhóm tác giả đánh giá là có ảnh hưởng nhất định đến kết quả học tập môn Kinh tế Vi mô tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An hiện nay.

          Đánh giá về thực trạng cơ sở vật chất, trên 60% sinh viên cho biết cơ sở vật chất có ảnh ưởng đến kết quả học tập của môn học Kinh tế Vi mô, những kiến nghị về cơ sở vật chất đã được nhóm tác giả tổng hợp để kiến nghị nhằm cải thiện vấn đề này trong thời gian tới. Buổi học thuật đã trực tiếp thảo luận với các sinh viên đến dự về những vấn đề liên quan đề cập ở trên nhằm lắng nghe, phân tích và đánh giá cụ thể hơn trước khi đưa ra tổng hợp cuối cùng.

          Nhóm tác giả đã tổng hợp những đề xuất đáng chú ý như: cần cho sinh viên thêm bài tập để rèn luyện; trang bị lại máy chiếu trên các giảng đường; thầy cô cần dạy nhiệt tình, tâm huyết hơn; giảm học lý thuyết và tăng phần thực hành lên; giảng viên cần dạy sâu hơn và nghiêm túc trong việc kiểm tra đánh giá bài tập giao về nhà; giảng viên cần gần gũi với sinh viên hơn; giảng viên nên có cách dạy hấp dẫn hơn; sinh viên cần chủ động, ý thức cao hơn trong quá trình học trên lớp; sinh viên cần chủ động tự học hơn; sinh viên cần tăng cường học hỏi lẫn nhau; sinh viên cần có kế hoạch học tập rõ ràng và hoàn thành tốt các bài tập được giao.

            Kết luận buổi học thuật cấp khoa, TS. Nguyễn Công Trường đánh giá cao chất lượng buổi học thuật, việc thu thập các số liệu từ nhiều nguồn cho thấy sự nghiêm túc trong học thuật của nhóm tác giả. TS. Đặng Thị Thảo đồng tình với đánh giá của TS. Nguyễn Công Trường và tổng hợp lại những nội dung chính đáng chú ý, đồng thời kết luận buổi học thuật thành công và đạt chất lượng về yêu cầu học thuật./.

Khoa Kinh tế - QTKD.


Bài viết khác