Hội thảo khoa học cấp khoa về "Kỹ năng tìm kiếm thông tin" năm 2018

          Sáng 24/5/2018 tại Hội trường B - Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đã diễn ra buổi sinh hoạt học thuật cấp khoa do hai giảng viên Nguyễn Thị Thùy Linh và Nguyễn Thanh Tâm thuộc tổ Kinh tế, Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh (QTKD) thực hiện. Chủ đề hội thảo: “Kỹ năng tìm kiếm thông tin”.

          Tham dự buổi học thuật gồm có TS. Đỗ Ngọc Đài – P. Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế; TS. Đặng Thị Thảo – Trưởng khoa Kinh tế -  QTKD; TS. Hồ Thị Hiền – Phó trưởng khoa Kinh tế - QTKD; và các giảng viên khoa Kinh tế - QTKD.

          Nội dung hội thảo gồm có hai phần. Phần 1 trình bày về chức năng và vai trò của thông tin đối với cuộc sống, đối với các hoạt động dạy và học tại trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Trong đó các tác giả nhấn mạnh đến vai trò của internet, bởi theo các thống kê tin cậy cho biết thông tin được thu thập và trao đổi phần lớn thông qua kênh internet. Nội dung phần 2 tập trung giới thiệu kỹ năng tìm kiếm thông tin qua kênh internet, cụ thể là kỹ năng tìm kiếm bằng công cụ tìm kiếm Google.

          Theo tapchitaichinh.vn: “một nghiên cứu sâu rộng của Viện nghiên cứu McKinsey toàn cầu tại 13 quốc gia chiếm hơn 70% tổng GDP toàn cầu, bao gồm các nước G8, Braxin, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Thụy Điển và Hàn Quốc, cho thấy các hoạt động qua mạng Internet chiếm phần đáng kể và ngày càng tăng trong GDP. Các cách tiếp cận vĩ mô và tiếp cận thống kê đều cho thấy tại các quốc gia trên, Internet chiếm 10% trong GDP.”

          Cũng theo tạp chí này thì: “Tại Việt Nam, Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2011 chỉ ra rằng, với tỷ lệ 42%, Internet đã trở thành phương tiện thông tin được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam, vượt qua radio với 23% và báo giấy 40%. Đọc tin tức trên mạng là hoạt động trực tuyến phổ biến nhất chiếm 97%, tiếp sau là truy cập vào các cổng thông tin điện tử với tỷ lệ gần 96%người tham gia.”

          Số liệu mới nhất thể hiện những xu hướng đang gia tăng hoặc đang ở tình trạng ổn định về % đối với những đóng góp của internet trong GDP cũng như tỷ lệ người sử dụng và tìm kiếm thông tin thông qua internet. Bằng chứng nhấn mạnh vai trò sống còn và ảnh hưởng bao trùm của internet đối với xã hội nói chung và với các hoạt động tìm kiếm thông tin nói riêng.

          Trong phần 1, các tác giả đặt vấn đề thảo luận: internet cung cấp cho bạn những gì? Chúng ta cần biết những khái niệm cơ bản nào về internet? Bên cạnh việc trình bày các lợi ích do internet mang lại rất gần gũi với mọi người, các tác giả giới thiệu thêm các khái niệm như www, email, phương thức truyền dữ liệu fpt, domain, webpage, homepage, url mang tính chất phổ cập và dễ hiểu với người nghe.

          Trong phần 2, các tác giả đã trình bày chi tiết về kỹ năng tìm kiếm thông tin thông qua cộng cụ tìm kiếm là Google.com. Trong đó bao gồm các bước tìm kiếm thông tin như: phân tích yêu cầu tìm kiếm, diễn đạt tìm kiếm, chọn công cụ tìm kiếm phù hợp, sử dụng phương pháp chuyên gia nhằm tham khảo các ý kiến của những người có nhiều kinh nghiệm, cuối cùng là đánh giá kết quả tìm kiếm. Ngoài ra, các tác giả cũng giới thiệu một số mẹo tìm kiếm bằng cách thêm vào những cú pháp hoặc ký tự đặc biệt nhằm giúp quá trình tìm kiếm nhanh và đạt hiệu quả hơn.

          Trong tham luận trình bày tại hội thảo về kỹ năng tìm kiếm thông tin, cô Phan Thị Hoa đề cập đến tầm quan trọng của việc tìm kiếm thông tin đối với các nhà nghiên cứu, các giảng viên và sinh viên trong hoạt động dạy và học, nghiên cứu hiện nay tại trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Cô đề xuất những tiêu chí cần thiết đánh giá trong quá trình tìm kiếm thông tin nhằm cải thiện chất lượng thông tin tìm kiếm.

          Xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam đòi hỏi các nhà nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên cần phải nâng cao về độ tin cậy, giá trị của thông tin thu thập được. Người tìm kiếm thông tin cần tìm kiếm từ các nguồn thông tin không chỉ từ internet mà nên tìm kiếm thêm từ sách, báo, tạp chí khoa học, các ấn phẩm thông tin, khoa học từ thư viện của Trường ĐH Kinh tế Nghệ An, thư viện Tỉnh Nghệ An, thậm chí là từ thư viện Quốc gia hay của các tổ chức giáo dục khác.

          Tham dự buổi hội thảo cùng khoa Kinh tế - QTKD, thầy Đỗ Ngọc Đài rất tâm huyết với chủ đề tìm kiếm thông tin vì đây là một phần quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học của các giảng viên và của chính bản thân thầy. Thầy cũng giới thiệu với hội thảo những kinh nghiệm quý của bản thân về kỹ năng tìm kiếm mà thầy có được từ thực tiễn.

          Thầy trực tiếp ngồi máy và hướng dẫn mọi người các thao tác tìm kiếm các bài báo khó tìm trên một số trang đặc biệt như “https://sci-hub.tw/”, “https://www.ncbi.nlm.nih.gov”, với các từ khóa chuyên ngành. Thầy cho biết, đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, việc trích dẫn các bài báo chiếm phần lớn thời gian vì các bài báo có trên mạng thường ở dạng tóm tắt. Để tìm được một bài báo trọn vẹn với chi phí thấp là rào cản lớn đối với các giảng viên hiện nay. Thầy cảm ơn và đánh giá cao về mục đích và lợi ích từ hoạt động học thuật của khoa lần này.

          Kết thúc hội thảo, cô Đặng Thị Thảo kết luận, bên cạnh những nội dung về kỹ năng tìm kiếm thông tin được thực hiện bởi hai tác giả Nguyễn Thị Thùy Linh và Nguyễn Thanh Tâm, cùng tham luận của cô Phan Thị Hoa giúp chúng ta hiểu được về kỹ năng tìm kiếm thông tin, và đặc biệt là những chia sẻ thiết thực từ kinh nghiệm thực tế của thầy Đỗ Ngọc Đài, giúp mọi người bổ sung thông tin và kinh nghiệm trong quá trình tìm kiếm thông tin trợ giúp cho các hoạt động nghiên cứu khoa học sau này. Cô cho biết hiện nay vấn đề nghiên cứu khoa học và tìm kiếm thông tin hỗ trợ nghiên cứu khoa học đang là vấn đề mà khoa Kinh tế - QTKD cần tập trung cải thiện nhằm nâng cao chất lượng dạy và học hiện nay. Trong quá trình thực hiện, cô rất mong nhận được sự hợp tác và hướng dẫn chi tiết hơn từ thầy và Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế. Thay mặt khoa, cô cảm ơn các tác giả và thầy Đỗ Ngọc Đài đã giúp buổi hội thảo thành công./.

Khoa Kinh tế - QTKD.


Bài viết khác