Xét duyệt GS, PGS yêu cầu chặt hơn để nâng cao chất lượng

Mặc dù quy định xét duyệt khắt khe nhưng điểm của các ứng viên Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) năm nay lại cao hơn, bước đầu cho thấy chất lượng thay đổi tương đối cao so với mặt bằng trước đây và tiệm cận dần với khu vực và trên thế giới.

Mặc dù quy định xét duyệt khắt khe nhưng điểm của các ứng viên Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) năm nay lại cao hơn, bước đầu cho thấy chất lượng thay đổi tương đối cao so với mặt bằng trước đây và tiệm cận dần với khu vực và trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì Phiên họp lần thứ III Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023.

Đó là ý kiến của ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Ông Tuấn cho biết, việc xét ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2019 được thực hiện theo Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 8/2018.

Quyết định 37 thay thế Thông tư 174 trước đây nhằm nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn của ứng viên GS, PGS, quy định và kế thừa những quy định về tiêu chuẩn quy định chức danh GS, PGS, tiêu chuẩn nhà giáo, đồng thời tiếp cận được với chuẩn của quốc tế.

Nhiều thay đổi khi xét duyệt GS, PGS

Ông Tuấn cho hay, theo tinh thần Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ, các ứng viên phải đảm bảo được có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ của đất nước. Nội dung quy định này rất quan trọng vì chức danh GS, PGS là dành cho nhà giáo, nên phải thực hiện các nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Có 5 quy định khung cơ bản. Thứ nhất, theo như tiêu chuẩn trong Quyết định 37, có một số tiêu chuẩn cao hơn trước đây như ứng viên GS, PGS phải có các bài báo đăng công bố quốc tế. Cụ thể, ứng viên PGS phải có ít nhất 2 bài báo quốc tế, GS phải có 3 bài báo quốc tế hoặc bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc những yêu cầu tương đương.

“Các tạp chí khoa học quốc tế nổi tiếng được thuộc danh mục Scopus, ISI, SCI hoặc các tạp chí uy tín của ngành đó mới đủ yêu cầu. Như với các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, y tế thì đã quá quen thuộc các tạp chí nổi tiếng, riêng ngành khoa học xã hội, nhân văn thì các bài được đăng trên tạp chí uy tín khác của ngành sẽ được các hội đồng ngành tự xác định và phải nằm trong top 500 trường đại học thế giới”, ông Tuấn giải thích.

Thứ hai, để đạt chuẩn chức danh GS, PGS, ứng viên cần có đủ điều kiện tham gia nghiên cứu và hướng dẫn các nghiên cứu sinh tiến sỹ. Với ứng viên GS cần hướng dẫn ít nhất 2 nghiên cứu sinh tiến sỹ bảo vệ thành công luận án và với ứng viên PGS phải hướng dẫn ít nhất 2 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn.

Tất cả các ứng viên phải hoàn thành những mốc quy định này trước trước ngày 5/7/2019 mới được tính.

Thứ ba, về việc tham gia nghiên cứu và bảo vệ thành công đề tài khoa học: Ứng viên GS phải chủ trì ít nhất 2 đề tài cấp Bộ trở lên, ứng viên PGS phải chủ trì ít nhất 2 đề tài cấp cơ sở.

Thứ tư, về vấn đề sách và giáo trình, ứng viên GS phải chủ trì biên soạn sách phục vụ cho đào tạo bao gồm sách chuyên khảo, giáo trình.

Thứ năm là về thâm niên đào tạo. Thâm niên đào tạo đối với ứng viên GS phải có ít nhất là 3 năm. Đối với PGS, ông Trần Anh Tuấn cho biết, bắt buộc người xét duyệt PGS phải có bằng tiến sỹ đến ngày xét duyệt hồ sơ ít nhất 3 năm, thâm niên đào tạo 6 năm, trong đó 3 năm cuối là phải liên tục.

Ông Trần Anh Tuấn nói kỹ hơn về thâm niên đào tạo, theo quy định của Bộ GD&ĐT, giờ dạy của một giảng viên cần hoàn thành nhiệm vụ: Đối với giảng viên cơ hữu là 270 giờ, đối với giảng viên thỉnh giảng là 135 giờ. Quan trọng là theo quy định trong thời gian này phải có ít nhất 50% trực tiếp đứng lớp.

“Cái này tương đối khó với ứng cử viên khi vượt qua. Chính vì thế có nhiều ứng cử viên điểm nghiên cứu rất cao nhưng không đủ tiêu chuẩn này nên vẫn bị loại”, ông Tuấn nói.

Chất lượng tiệm cận dần với khu vực và thế giới

Quyết định 37 có những điểm khác so với Thông tư 174 là nếu thiếu tiêu chuẩn có thể được là thay thế. Ví dụ, về thâm niên, nếu không đủ sẽ được cho bù bằng điểm mà ứng viên đạt được, gấp đôi số điểm bài báo… Đối với ứng viên GS ngành xã hội nhân văn phải cộng 8 điểm nữa, nghĩa là phải 28 điểm mới đạt nếu thiếu về tiêu chuẩn thâm niên.

“Giữa hai khối ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, khối ngành khoa học tự nhiên dễ đăng bài hơn, khoa học xã hội khó đăng bài hơn, điểm tích lũy cho công trình có sự chênh giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Ví dụ như các ngành thể dục thể thao, múa, hát để công bố bài rất khó. Vì vậy chỉ quy định là 4 điểm so với 6 điểm của khoa học tự nhiên”, ông Tuấn cho biết.

Liên quan đến đề tài, ông Tuấn cho hay, năm nay theo Quyết định 37 không tính điểm đề tài - so với Thông tư 174 trước đây là chủ trì đề tài được tính điểm, hướng dẫn nghiên cứu sinh là được tính điểm nhưng hiện nay đây chỉ là điều kiện phải có nhưng mà không được tính điểm.

Ông Tuấn giải thích nếu tính điểm đề tài mà tính điểm cả bài báo công bố bài báo liên quan đến đề tài này nghĩa là sản phẩm được tính hai lần.

Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước chia sẻ rằng: “Mặc dù quy định khắt khe như vậy nhưng điểm của các ứng viên GS, PGS năm nay lại cao hơn. Như vậy, để thấy chất lượng thay đổi tương đối cao so với mặt bằng trước đây và tiệm cận dần với khu vực và trên thế giới”.

Xét duyệt GS, PGS theo quy trình như thế nào?

Việc xét ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2019 được thực hiện Quy trình từ hội đồng cơ sở đến hội đồng nhà nước gồm 2 bước.

Bước một, sau khi rà soát hồ sơ ứng viên, hội đồng sẽ biểu quyết danh sách. Đối với hội đồng cơ sở và hội đồng ngành sẽ có báo cáo tổng quan, đối với Hội đồng Giáo sư Nhà nước đưa vào danh sách bỏ phiếu tín nhiệm. Sau khi phân tích tất cả các trường hợp, từng hội đồng báo cáo những trường hợp đặc biệt.

Việc xét duyệt năm nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Hội đồng Giáo sư Nhà nước quán triệt là vận dụng Quyết định 37 theo hướng tiệm cận trên, chặt hơn để nâng cao chất lượng.

Tất cả các thành viên hội đồng đã biểu quyết là vận dụng nâng cao chất lượng, đặt tiêu chuẩn cao hơn, tiệm cận ở ngưỡng trên và có biểu quyết trong buổi họp đầu tiên. Hội đồng cũng thảo luận, phân tích, biểu quyết 32/32 người thống nhất nếu ứng viên nào không có hướng dẫn nghiên cứu sinh, không có hướng dẫn thạc sĩ thì không bỏ phiếu, vì đây là tiêu chuẩn cứng.

Ông Tuấn cũng chia sẻ về các trường hợp ứng viên không đạt GS, PGS năm nay. Với 7 ứng viên GS thì có 6 người Hội đồng Giáo sư Nhà nước không đưa vào danh sách bầu là do đều không có hướng dẫn nghiên cứu sinh; không chủ trì biên soạn giáo trình/chuyên khảo theo quy định.

Cụ thể ứng viên ngành Vật lý, thiếu hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh, không có sách, không có công trình nghiên cứu.

Ứng viên ngành Cơ khí-Động lực thiếu hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh. Ngành Kinh tế, ứng viên thiếu hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh, không chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo.

Ngành Y học, ứng viên thiếu hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh và không chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo.

Còn một trường hợp ứng viên GS mới được công nhận PGS năm 2018 và đến năm 2019 thì nộp hồ sơ xin xét chức danh GS. Điểm rất cao, đạt tới hơn 65 điểm nhưng Hội đồng nhận ra số điểm này được tích lũy chủ yếu trong thời gian trước khi làm PGS. Còn thời gian từ PGS đến trước khi xét tuyển mới chỉ công bố được 6 bài báo quốc tế ISI, đề tài không có, giải pháp hữu ích không có và mới chỉ đang hướng dẫn được một nghiên cứu sinh (phải bù 3 bài báo quốc tế mới đủ điểm về hướng dẫn nghiên cứu sinh).

Đối với 7 trường hợp ứng viên GS này được 100% hội đồng bỏ phiếu 32/32 không được vào danh sách.

Còn đối với 9 PGS không đạt yêu cầu cũng là do hoàn toàn không có hướng dẫn học viên cao học.

“Theo Quyết định 37 cho phép các hội đồng vận dụng ở ngưỡng thấp nhất và cao nhất, nên các hội đồng cơ sở vẫn để các trường hợp này đạt yêu cầu. Nhưng khi trình lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước thì đã không đạt, vì chúng ta đang hướng tới đến nâng cao chất lượng thật sự nên cần làm nghiêm”, ông Tuấn giải thích.

“Chúng tôi phải thực hiện qua hai vòng, Năm nay, số lượng hồ sơ đăng ký tham gia xét duyệt ban đầu rất lớn hơn 700 ứng viên nhưng số hồ sơ đạt yêu cầu lại chỉ có 424 ứng viên. Văn phòng Hội đồng đã làm rất chặt và rà soát từng hồ sơ một.

Vòng thứ hai, Hội đồng Giáo sư Nhà nước vẫn tiếp tục rà soát gần 424 bộ hồ sơ, mỗi bộ có một phiếu ghi chú để chuyển cho hội đồng ngành cần lưu ý với từng trường hợp ứng viên. Sau khi hội đồng ngành xét xong, văn phòng sẽ tiếp tục soát lại một lần nữa để đảm bảo tính chính xác trước khi cáo cáo với Hội đồng Giáo sư Nhà nước”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng trả lời về việc có một số nhà khoa học yêu cầu công bố danh sách, thành tích của các thành viên hội đồng chấm chức danh GS, PGS. Theo đó, khi lựa chọn các thành viên, Hội đồng Giáo sư Nhà nướcđã nắm chắc các thành tích và thông tin từng người một. Như trước đây, các hội đồng ngành sẽ hoạt động theo nhiệm kỳ 5 năm, nhưng bắt đầu từ năm 2019, các hội đồng sẽ chỉ có có nhiệm kỳ 1 năm.

Theo Nhật Nam/VGP


Bài viết khác