Giảng viên và vấn đề tự học tự nghiên cứu

              

GIÁO VIÊN VÀ VẤN ĐỀ TỰ HỌC TỰ NGHIÊN CỨU


I. Đặt vấn đề

Tự học tự nghiên cứu là cách nói tắt của việc tự bồi dưỡng chuyên môn - nghiệp vụ của giáo viên. Đó là quá trình giáo viên tự học một cách tích cực nhằm chuẩn hóa, bổ sung, cập nhật, đào sâu, nâng cao  tri thức chuyên môn, rèn luyện những kỹ năng, kỹ xảo sư phạm về dạy học, giáo dục.  Việc tự học tự nghiên cứu của giáo viên là biện pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng  giáo viên, để trình độ ngang tầm với nhiệm vụ. Đây là nhiệm vụ có tính tất yếu của mọi cán bộ giáo viên không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà mãi mãi về sau.

II. Nội dung

- Quá trình đào tạo ở nhà trường sư phạm chỉ trang bị cho người giáo viên những tiềm lực ban đầu, chứ không thể giúp giáo viên có ngay, có đầy đủ những tri thức, kỹ năng sư phạm cần thiết. Nói một cách hình ảnh, vốn trí thức kỹ năng cần có cho người giáo viên như một tòa nhà cao tầng tráng lệ thì cái vốn có được từ trường sư phạm chỉ là cái khung nhà với những bức tường thô chưa tô hay chưa sơn phết. Đó là chưa nói tới tòa nhà ấy sẽ còn bị mài mòn, cũ đi và lạc lậu theo thời gian.

- Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mà tri thức khoa học, công nghệ đã tăng nhanh chóng. Nếu không tự học tự nghiên cứu  một cách tích cực và liên tục thì tri thức của người giáo viên sẽ mau chóng bị giảm đi và lạc lậu, không đáp ứng được nhiệm vụ đảm bảo chất lượng giáo dục theo mục tiêu đào tạo. Sự mâu thuẩn giữa một bên là tri thức khổng lồ không ngừng biến đổi, bổ sung với một bên là thời gian học tập có hạn trong nhà trường đòi hỏi phải dạy cho học sinh cách học để có thể tự học suốt đời, tự trang bị cho mình chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đi vào kho tàng tri thức nhân loại. Cách học, không chỉ thuộc phạm trù phương pháp mà còn là một thành tố quan trọng cả quá trình học tập. Hơn nữa, sinh viên ở các trường đại học còn phải được làm quen với việc nghiên cứu khoa học. Do vậy việc tích cực tự học, tự nghiên cứu của giáo viên là điều kiện bắt buộc để dạy cho sinh viên cách học, tập dượt nghiên cứu khoa học có hiệu quả, truyền cho các em lòng khát khao khám phá tri thức.

- Tự học tự nghiên cứu không chỉ để biết, để làm mà còn để biết rõ mình, hiểu đúng về người và để khẳng định mình. Chúng ta cần bỏ ngay lối suy nghĩ học một lần là đủ, mà phải học liên tục, học suốt đời; học mọi nơi, mọi lúc; học từ những thành công và cả những thất bại.

- Học cái gì, học cái gì trước, học cái gì sau, học cái gì đồng thời? Đó là vấn đề mấu chốt cần làm rõ, nhất là đối với giáo viên trẻ. Theo tôi, các giáo viên trẻ cũng nên nghiên cứu lại hệ thống tri thức cốt lõi của tâm lý- giáo dục học, nhất là lý luận giáo dục và dạy học hiện đại. Để có thể là nhà giáo theo đúng nghĩa của nó giáo viên phải thực sự nắm vững và cập nhật những tri thức mới và không ngừng học hỏi tích lũy kinh nghiệm đổi mới phương pháp giảng dạy. Đồng thời giáo viên cần quan tâm đúng mức tới phương châm “Dạy chữ, dạy người và dạy nghề”, nguyên lý “Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”.

- Tri thức văn hóa tổng hợp giúp bổ sung nhanh vốn sống, gia tăng tầm nhìn cho người thầy cả bề sâu và độ rộng. Nó gián tiếp làm tăng thêm chất lượng, tính hẫp dẫn của tiết dạy, sức cảm hóa trong công tác giáo dục sinh viên.  Để có được vốn tri thức này giáo viên cũng cần phải đọc các văn kiện lý luận của Đảng về văn hóa, văn nghệ, giáo dục, kinh tế, chính trị, xã hội; xã hội học, mỹ học, lịch sử;  tác  phẩm văn học, thơ ca; thông tin thời sự …

- Một vấn đề khác cũng vô cùng quan trọng đó là kiến thức và kỹ năng căn bản về tin học. Trong thời đại này mà không biết về công nghệ thông tin thì coi như là “mù chữ”, không được may mắn hưởng thụ một thành quả văn minh độc đáo của nhân loại, bỏ đi một công cụ sắc bén để tăng cường hứng thú và hiệu quả học tập cho sinh viên. Mỗi giáo viên cần có vốn tối thiểu về Word, Excel, Power- point, tìm kiếm - thu thập thông tin trên mạng Internet.

-  Ngoài con đường sách vở, tự học trực tiếp qua thói quen quan sát, phân tích, qua công việc cụ thể là rất khả thi, tích lũy nhanh kinh nghiệm. Chẳng hạn, xem một lễ hội trên truyền hình có thể học được cách giới thiệu đại biểu, cách bắt tay khi nhận hay trao bằng khen, một kiểu trang trí không cầu kỳ nhưng ấn tượng … Quan sát kỹ một hội nghị, có thể học được cách gợi ý phát biểu của chủ tọa, cách tổng kết vấn đề…

- Nghiên cứu, biên soạn chu đáo kế hoạch, đề cương chi tiết học phần sẽ giúp giáo viên hình dung được bức tranh tổng thể về bộ môn mình sẽ dạy, chủ động chuẩn bị các phương tiện dạy học, tài liệu tham khảo, trao đổi với đồng nghiệp, chọn bài tập và phương pháp tối ưu phù hợp với đối tượng sinh viên mình trực tiếp đứng lớp.

- Và vấn đề cuối cùng nhưng lại hết sức quan trọng đó là giáo viên phải có ý thức đầu tư tích cực cho giáo án, bài giảng của mình trước giờ lên lớp. Mỗi bài giảng cần là một công trình nghiên cứu nhỏ, thể hiện sự gia công, sáng tạo của giáo viên. Phải đầu tư, cân nhắc, chọn lọc hệ thống câu hỏi theo hướng tối ưu và ghi ra cụ thể. Sau mỗi tiết dạy nên có phần ghi rút kinh nghiệm ở cuối bài giảng để có kế hoạch bổ sung chỉnh sửa, có cơ sở để phát triển, hoàn thiện thêm cho phù hợp với đối tượng người học qua tùng năm học, nếu không hiệu quả của những tiết dạy sau sẽ không hơn tiết dạy trước được bao nhiêu.

III. Kết luận

Mỗi nhà giáo chúng ta phải luôn luôn tự rèn luyện mình, tu dưỡng và giữ vững đạo đức cách mạng, phẩm chất nhà giáo và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Mỗi chúng ta phải biết cách tự bảo vệ mình, tự nâng cao giá trị của chính bản thân mình, và hãy cố gắng để luôn cảm thấy rằng “ Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”

                                                                                                                                           Giảng viên:  Nguyễn Thị Lan Hương

                                    Tổ ngoại ngữ

 


Bài viết khác