Trao đổi về vấn đề dạy học ở bậc Đại học

VẤN ĐỀ DẠY HỌC Ở BẬC ĐẠI HỌC

Giảng viên: Nguyễn Thị Lan Hương

                                    Tổ ngoại ngữ

 “Giáo dục là người đồng hành mà không bất hạnh nào có thể phá hỏng, không tội ác nào có thể hủy diệt, không kẻ thù nào có thể liên minh và không thế lực chuyên quyền nào có thể khống chế”

                                                    (Joseph Addison, người Anh 1672 – 1719)

Dạy học ở bậc trung học là nói đến vai trò của người thầy. Ở bậc đại học, người thầy giảng dạy môn học mà họ là một chuyên gia, chứ không dạy học sinh như một người dạy ở bậc trung học. Ở đại học, đối tượng của giảng dạy là môn học, còn ở trung học đối tượng là học sinh. Chính vì thế mà ở bậc đại học, kĩ năng học (hay nói đúng hơn là tự học và đọc sách, báo) quan trọng hơn là nhồi nhét một mớ kiến thức căn bản.

Để truyền đạt kiến thức chuyên môn một cách hữu hiệu, người giảng viên ngoài những kĩ năng sư phạm, còn phải có kiến thức sâu và rộng về chuyên ngành để có thể khai triển những lí thuyết và ý tưởng từ nội dung của giáo trình. Giáo trình giảng dạy (ngày nay rất nhiều trên internet), cũng như sách giáo khoa, chỉ cung cấp những kiến thức mang tính chuẩn mực, và ít khi nào cập nhật hóa với những nghiên cứu khoa học mới nhất. Theo đó, một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, chúng ta phải bắt đầu từ người thầy, và người thầy phải là một nhà nghiên cứu khoa học chứ không đơn thuần là một người giảng bài.

Người thầy nên có kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học, vì nếu không thì người thầy chỉ là “thợ giảng”. Bởi vì “sản phẩm” của đào tạo là con người với kiến thức chuyên môn cao, cho nên nói đến chất lượng giáo dục đại học là nói đến chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Kiến thức chuyên môn tùy thuộc vào chuyên ngành mà sinh viên theo học. Kiến thức tổng quát bao gồm kiến thức về xã hội, nhận thức về các vấn đề ở tầm quốc gia và thế giới, thông thạo kĩ thuật vi tính, tiếng Anh, trách nhiệm cộng đồng, v.v… Người tốt nghiệp đại học chẳng những phải có kiến thức tổng quát, mà còn phải có khả năng phân tích và thẩm định thông tin một cách khoa học và logic. Kĩ năng đặt và giải quyết vấn đề bao gồm khả năng phát hiện (problem finding) và "giải quyết vấn đề" (problem solving). Tiêu chí nhân cách cũng rất quan trọng, như cụ Nguyễn Du từng viết “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Nhân cách bao gồm đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, trung thực, có tinh thần trách nhiệm cao với xã hội, tôn trọng sự khác biệt, và kĩ năng làm việc nhóm.

Xuất phát từ những vấn đề trên, người dạy cần có phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng sinh viên trong các trường cao đẳng, đại học hiện nay. Một trong những nội dung của việc đổi mới phương pháp dạy học là dạy sinh viên tự học, tự nghiên cứu, cụ thể là:

1. Dạy cách lập kế hoạch học tập

- Dạy cách lập kế hoạch phấn đấu với mục tiêu cụ thể: Nêu được mục tiêu phấn đấu, phân biệt được việc chính với việc phụ, việc làm ngay với việc sẽ phải làm. Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu phấn đấu để từng bước tích luỹ kết quả học tập.

- Dạy cách lập kế hoạch sử dụng thời gian: Có kế hoạch phân bổ thời gian cụ thể từng tuần, ngày dựa trên kế hoạch học tập của học kỳ, năm học để làm chủ được quỹ thời gian và không quên các việc sẽ phải làm, không bị động trước rất nhiều các tài liệu cần phải đọc và các công việc cần phải hoàn thành đúng hạn

2. Dạy cách nghe giảng và ghi bài trên lớp

- Dạy nguyên tắc chính của nghe-ghi: Nghe ghi đầy đủ, tỷ mỉ, kết hợp đồng thời thính giác, thị giác và tri giác, nhờ đó hiểu và tái hiện thông tin-tri thức một cách dễ dàng và sâu sắc nhất.

- Dạy các thủ thuật nghe – ghi: Tuỳ theo đặc điểm của từng môn học, dạy cách viết tắt, viết gạch chân, viết công thức... để nhấn mạnh và dễ nhớ.

3. Dạy cách học bài

- Dạy cách tự học: Học theo các bậc nhận thức cao của Bloom (học vận dụng, học phân tích, học tổng hợp và học bình luận đánh giá từng kiến thức), học tư duy logic, tư duy trừu tượng, tư duy sáng tạo trong mối quan hệ hệ thống của các kiến thức. Khi nghiên cứu một vấn đề, cần đặt ra những câu hỏi xoay quanh chủ đề: Các khái niệm cơ bản; các hệ quả của khái niệm; ...

- Dạy cách học nhóm: Học cách giao tiếp, học cách trình bầy diễn giải bằng lời, học cách thuyết phục đồng nghiệp, học cách quản lý và tổ chức từ một nhóm nhỏ học tập đến một hội thảo đông đảo, học cách tham khảo trí tuệ của bạn học và đồng nghiệp . . .

4. Dạy cách đọc sách

- Dạy cách chọn sách đọc: Chọn sách phù hợp với mục tiêu môn học, chọn sách phù hợp với trình độ người học, chọn sách để đào sâu, học rộng . .

- Dạy cách đọc sách và ghi chép: Khi đọc sách cần biết chọn lọc và lưu giữ thông tin liên quan đến bài giảng để bổ sung bài giảng và để tự học nâng cao tri thức, năng lực. .

5. Dạy cách nghiên cứu và giải quyết vấn đề

- Dạy cách chọn vấn đề: Trước khi nghiên cứu một vấn đề sinh viên cần biết chọn vấn đề theo ý nghĩa khoa học hay ý nghĩa thực tiễn; chọn vấn đề theo sở  thích hay theo hệ thống nghiên cứu của thầy, của bạn...

- Dạy cách nghiên cứu vấn đề: Hướng dẫn sinh viên cách xây dựng đề cương nghiên cứu; cách thu thập tư liệu; cách viết tổng quan; cách phân tích, tổng hợp và bình luận đánh giá các tài liệu thu thập được và đề xuất phương hướng giải quyết vấn đề ...

- Dạy cách giải quyết vấn đề: Hướng dẫn sinh viên khi giải quyết vấn đề cần chọn lọc phương pháp giải quyết vấn đề, các bước cần thiết triển khai giải quyết vấn đề, các thử nghiệm giải quyết vấn đề, cách kiểm tra đánh giá kết quả giải quyết vấn đề.

 “Mọi sự phát triển đều dựa trên các hoạt động. Trong đó, không có sự tiến bộ về thể chất hay tư duy mà không đỏi hòi nỗ lực và khi bạn nỗ lực có nghĩa là bạn đang làm việc”.

                                     (Calvin Coolidge, người Mỹ- 1872 – 1933)              

                                                                                             Tin bài: Lan Hương

                                                                                                            


Bài viết khác