ĐIỀU HÀNH CHẾ ĐỘ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

ĐIỀU HÀNH CHẾ ĐỘ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Ths. Lê Thị Dung

Khoa Tài chính – Ngân hàng

  1. LỜI NÓI ĐẦU

Tỷ giá hối đoái là một phạm trù kinh tế quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của mỗi nước, là công cụ để đo lường giá trị giữa các đồng tiền và do vậy có tác động như một công cụ cạnh tranh trong thương mại quốc tế, một công cụ quản lý kinh tế, có ảnh hưởng mạnh mẽ tới giá cả, tới mọi hoạt động kinh tế – xã hội của nước đó và các nước có liên quan.

Do đó việc điều hành chế độ tỷ giá nào là điều kiện tiên quyết cho quá trình phát triển nền kinh tế của đất nước.

  1. NỘI DUNG

1. Thực tế chính sách điều hành chế độ tỷ giá ở Việt Nam

Năm 2018, vượt qua những thách thức khó khăn, Ngân hang nhà nước Việt Nam đã thực thi khá linh hoạt một số biện pháp nhằm bình ổn tỷ giá trên thị trường, cụ thể như sau:

Thứ nhất, NHNN tiếp tục phát đi thông điệp về điều hành chính sách tiền tệ thận trọng linh hoạt nhằm ổn định lạm phát, kinh tế vĩ mô. Như:

- Cơ bản giữ tỷ giá ổn định, song có xem xét diễn biến trên thị trường ngoại hối thế giới (sự biến động của các ngoại tệ mạnh, đặc biệt là USD) để điều chỉnh khi cần thiết.

- Cho phép tỷ giá được dao động trong một biên độ nhất định (có lúc cao nhất lên đến ±5%, sau  giảm còn ±3%).

- Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước đưa ra tuyên bố về giới hạn điều chỉnh của tỷ giá trong năm để thị trường biết trước.

- Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp mỗi khi thị trường tự do có biến động mạnh. Trước hết, bằng các tuyên bố chính thức về ổn định thị trường. Sau đó, nếu thị trường vẫn có biến động mạnh, thì áp dụng các nghiệp vụ mua vào, bán ra USD để giữ tỷ giá ổn định.

 Biện pháp này góp phần làm gia tăng niềm tin của công chúng vào hoạt động điều hành của NHNN và giá trị nội tệ, qua đó góp phần ổn định thị trường tài chính nói chung và thị trường ngoại hối nói riêng.

Thứ hai, NHNN đã can thiệp trực tiếp thông qua việc bán ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối nhằm cân xứng kịp thời lượng cung cầu trên thị trường ngoại hối, qua đó giảm áp lực tới tỷ giá hối đoái.

- Nếu tỷ giá trên thị trường vẫn tiếp tục dao động mạnh trong một thời gian dài, Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái điều chỉnh tỷ giá, thường là với mức độ nhỏ vài phần trăm. Lần điều chỉnh tỷ giá lớn nhất gần đây là tháng 2/2011 với mức tăng 9%, các đợt điều chỉnh sau đó đều áp dụng mức độ giao động thấp hơn.

Thứ ba, NHNN Việt Nam đã có động thái điều hành, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, NHTM đẩy mặt bằng lãi suất VND tại các kỳ hạn tăng lên quanh mốc 4% nhằm duy trì mức hấp dẫn đối với các tài sản ghi bằng nội tệ so với tài sản bằng ngoại tệ, qua đó giảm tâm lý đầu cơ nắm giữ tài sản bằng ngoại tệ.

2. Đánh giá chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước

2.1. Những thành tích đạt được:

- Trong năm 2018, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố đã tăng khoảng 1,6%, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng khoảng 2,7% so với đầu năm. Trong 7 năm qua, chỉ có năm 2015 chứng kiến tỷ giá biến động mạnh hơn với mức tăng 5,1%

- Cán cân thương mại trong năm 2018 ghi nhận con số thặng dư ở mức kỷ lục (khoảng 7 tỷ USD).

- Nguồn cung ngoại tệ tăng mạnh trong mấy năm qua không chỉ do xuất siêu, mà còn là kết quả tổng hợp của các nguyên nhân khác, trong đó có: dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao bất chấp những biến động trên thị trường thế giới. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, vốn FDI đăng ký và bổ sung cả năm 2018 ước đạt 35,5 tỷ USD (tương đương mức của năm 2017), giải ngân FDI đạt trên 19 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

- Với sự tăng mạnh của các nguồn cung ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước thông qua các hoạt động mua vào ngoại tệ, hiện nắm giữ trong tay một lượng dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, tính đến quý I/ 2019 dự trữ ngoại hối vượt mốc 65 tỷ USD. Lượng dự trữ ngoại hối cao cho phép Ngân hàng Nhà nước có khả năng can thiệp giữ ổn định tỷ giá mỗi khi thị trường có biến động lớn, bằng cách bán ra ngoại tệ khi giá lên nhằm giữ cho tỷ giá không dao động quá lớn.

- Tình trạng đô la (USD) hóa nền kinh tế đã giảm mạnh trong các năm gần đây, trong khi niềm tin vào đồng nội tệ tăng lên. Đồng thời, lãi suất tiết kiệm gửi bằng VND cao hơn nhiều so với gửi bằng USD. Các yếu tố đó khiến nhu cầu nắm giữ USD trong dân cư và tình trạng đầu cơ USD trên thị trường giảm mạnh, do vậy giảm áp lực về cầu ngoại tệ.

2.2. Hạn chế:

Bên cạnh những thành công đáng ghi nhận nói trên, việc hành chế độ tỷ giá hối đoái của NHNN thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: 

Thứ nhất, việc điều hành chính sách tỷ giá của NHNN nhiều khi vẫn chưa theo kịp biến động của thị trường và có độ trễ nhất định. Cơ chế điều hành tỷ giá hiện nay tuy đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn chậm so với sự biến động của môi trường trong nước và quốc tế.

Thứ hai, chính sách “hai tỷ giá” gây nên nhiều bất cập. Tại Việt Nam, song song với thị trường ngoại hối chính thức là sự tồn tại của thị trường chợ đen. Giao dịch trên thị trường chợ đen hiện nay vẫn còn sôi động và thanh khoản cao hơn so với thị trường chính thức. Tỷ giá trên hai thị trường này luôn có sự chênh lệch đáng kể. Sự chênh lệch này là nguyên nhân gây nên những khó khăn trong việc cạnh tranh thu mua ngoại tệ của các NHTM và thị trường chợ đen.

Thứ ba, chính sách tỷ giá của Việt Nam vẫn đánh giá quá cao giá trị thực của VND so với USD và các đồng tiền khác. Trong những năm gần đây, NHNN đã nhiều lần điều chỉnh tỷ giá chính thức USD/VND theo hướng tăng lên và mở rộng biên độ giao dịch nhằm điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa sát hơn với tỷ giá thị trường tự do. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều bất ổn, do yếu tố lạm phát ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các đối tác thương mại chính và sự điều chỉnh tỷ giá của NHNN thường chậm hơn so với sự thay đổi của lạm phát nên VND thường bị định giá cao hơn giá trị thực của nó.

 2.3. Nguyên nhân

Thứ nhất, thị trường ngoại ngoại tệ Việt Nam nói chung và thị trường ngoại tệ lien ngân hàng còn ở trình độ thấp, đã hạn chế việc điều hành chính sách tỷ giá của NHNN.
Thứ hai, thiếu các công ty môi giới tiền tệ. Mặc dù NHNN đã ban hành QĐ số 351/2004/QĐ-NHNN về môi giới tiền tệ, tuy nhiên trên thị trường tiền tệ Việt nam còn thiếu vắng các công ty môi giới tiền tệ chuyên nghiệp nên đã hạn chế tính thanh khoản của thị trường.

Thứ ba, sự phối hợp giữa chính sách tỷ giá và các chính sách vĩ mô khác chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả, chưa tạo được sự tác động cùng chiều và hỗ trợ nhau.
Thứ tư, môi trường pháp lý chưa hoàn thiện và đồng bộ.

3. Kiến nghị về việc điều hành chế độ tỷ giá ở Việt Nam.

NHNN cần thực hiện một số chính sách nhằm điều hành chế độ tỷ giá góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Cụ thể:

Thứ nhất, NHNN tiếp tục kiên định mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất và tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến kiềm chế lạm phát. NHNN cũng cần điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng có thận trọng.

Thứ hai, Nghiên cứu thực hiện cải cách chế độ tỷ giá, chuyển sang chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý, trước hết Việt Nam cần học tập tấm gương của Trung Quốc để đảm bảo rằng hệ thống các doanh nghiệp quốc doanh đã được cải tổ về chất và sẵn sang đáp ứng được yêu cầu cho một cuộc cải cách tiếp theo về tỷ giá.

Thứ ba, Tự do hóa tài khỏa vốn cần được thực hiện sau khi quốc gia chính thức chuyển sang chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý. Bởi vì, nếu tài khoản vốn được mở trước và chế độ tỷ giá vẫn là neo với một đồng tiền, dòng vốn vào gia tăng, có nguy cơ gây bong bóng tín tệ. Ngược lại, khi vốn bị rút ra ồ ạt, dự trữ sẽ cạn kiệt nếu NHTW không phá giá.

Thứ tư, tiếp tục kiên định với các biện pháp hạn chế tình trạng đô la hóa, tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Đồng thời, cần chú ý đặc biệt tới tình trạng đô la hóa tiền mặt trong nền kinh tế, vì từ đó có thể giảm quy mô của mục sai số thống kê trong cán cân thanh toán quốc tế. 

Thứ năm, triển khai triệt để chủ trương chuyển toàn bộ từ quan hệ vay mượn ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ.

  KẾT LUẬN

Chính sách điều hành tỷ giá hối đoái của NHNN trong những năm qua đã đạt được những thành công bước đầu đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cùng với xu hướng Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc điều hành chính sách tỷ giá hối đoái của NHNN vẫn còn một số hạn chế nhất định, cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện để từ đó nâng cao vai trò của NHNN trong việc ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế của đồng nội tệ của và góp phần quan trọng vào ổn định nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Jeffrey A.Frankel, 2003, “A proposed monetary regime for small commodity exporters: Peg to the Export Price (PEP)”

2.  UBGSTCQG (2013), Báo cáo ổn định tài chính năm 2018.

3. website của Quỹ tiền tệ quốc tế http://imf.org.com

4. website của Ngân hàng phát triển Châu Á http://adb.org.com


Bài viết khác