Hội thảo khoa học kỷ niệm: “110 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước” (5/6/1911 - 5/6/2021)

Thực hiện kế hoạch hoạt động năm học 2020 - 2021 của khoa Lý luận chính trị; Thiết thực chào mừng kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) và 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2021).  Chiều ngày 2/6/2021, Khoa Lý luận Chính trị - Trường Đại học Kinh tế Nghệ An trang trọng tổ chức hội thảo khoa học cấp khoa với chủ đề: “110 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước”.

 Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có TS. Trương Quang Ngân – PBT Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; Các thầy cô giáo là trưởng, phó đại diện cho các khoa chuyên môn, phòng chức năng trong nhà trường; cùng toàn thể cán bộ giảng viên khoa Lý luận chính trị.

TS.Trương Quang Ngân – PBT Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường

phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, TS.Trương Quang Ngân – PBT Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã biểu dương, đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của Khoa Lý luận Chính trị trong việc tổ chức hội thảo, nhằm góp phần khẳng định sức sống, tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, để mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Đồng chí Phó hiệu trưởng cũng nhấn mạnh các ý kiến thảo luận tại hội thảo cần tập trung làm rõ việc nghiên cứu, phát triển vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Từ kết quả đạt được của hội thảo, Đảng uỷ, Ban giám hiệu Nhà trường kêu gọi mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên, nhân viên của Nhà trường tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, vận dụng sáng tạo các nội dung, kết quả hội thảo vào quá trình giảng dạy, nghiên cứu, học tập, công tác và phục vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong tình hình mới.

Các đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo

Với 12 tham luận của các giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài trường được tập hợp trong kỳ yếu hội thảo đã góp phần làm rõ thêm hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh và khẳng định được tính khoa học, tính sáng tạo của Người khi quyết định đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Bên cạnh đó, các bài tham luận tại hội thảo còn tập trung làm rõ những giá trị lý luận và thực tiễn của hành trình tìm đường cứu nước của Người. Những giá trị đó không chỉ để tôn vinh công lao của Bác với Tổ quốc và dân tộc, mà hơn thế đang được thế hệ sau tiếp bước, để học tập, noi gương, để làm theo, để thực hiện khát vọng quyết tâm xây dựng Tổ quốc ta đàng hoàng và to đẹp hơn như tâm nguyện của Bác hằng mong muốn.

Các đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo

Các tham luận trình bày tại hội thảo đã tập trung vào nghiên cứu,  thảo luận các nội dung: (1) Sự ảnh hưởng của gia đình, quê hương, tinh thần yêu nước, thương dân… đã hun đúc thành khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh. (2) Nghị lực, ý chí, bản lĩnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước, dẫn đến sự thay đổi về chất trong tư duy của người, đồng thời khẳng định lại những giá trị mà Người để lại cho đảng, cho dân, cho muôn thế hệ mai sau học tập và noi theo. (3) Hành trình gian khổ của Người qua các châu lục, khảo cứu thực tiễn cách mạng thế giới để đi đến quyết định chọn lựa con đường giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Mác - Lênin.

TS. Nguyễn Thị Tùng – Trưởng phòng QLĐTKH&HTQT

phát biểu tại hội thảo

Với các hướng nghiên cứu đó, các tham luận đều khẳng định rằng, quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - cách đây 110 năm là hoàn toàn đúng đắn, khoa học. Từ sự khởi đầu đúng đắn như vậy, Hồ Chí Minh đã kiên định và kiên trì thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân bằng sự mẫn cảm, thông minh, sáng tạo, Người đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

 ThS. Dương Tiến Dũng - Bí thư đoàn trường

phát biểu tại hội thảo

Hội thảo lần này là dịp để các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi thẳng thắn các vấn đề, nội dung liên quan đến hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh trong suốt 30 năm; là dịp để chúng ta khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, bồi đắp niềm tin, ngưỡng mộ, khâm phục ý chí, nghị lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Buổi hội thảo còn là dịp sinh hoạt chính trị đầy ý nghĩa dành cho những người làm công tác lý luận, nghiên cứu và giảng dạy các môn lý luận chính trị tại trường Đại học Kinh tế Nghệ An nhằm hiểu sâu, rõ hơn con đường cách mạng Việt Nam và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc.

TS. Trần Thị Bình – Trưởng Khoa Lý luận chính trị

Phát biểu tổng kết hội thảo

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Trần Thị Bình - Trưởng khoa Lý luận chính trị đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc và đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của các đại biểu, các thầy cô giáo, các nhà khoa học đã tạo nên sự thành công của hội thảo. Hội thảo khoa học lần này là cơ sở để  cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học trong Khoa Lý luận Chính trị nói riêng và Nhà trường nói chung tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn về tầm vóc và giá trị vô cùng to lớn và quý giá của di sản Hồ Chí Minh, đặc biệt là về khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Khẳng định vai trò to lớn của các khoa nghiên cứu, đội ngũ giảng viên Lý luận chính trị trong việc tham gia bảo vệ, bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Các Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tin bài: Nam Hưng


Bài viết khác