Thu hồi đất xây dựng và phát triển khu kinh tế đông nam Nghệ An tác động đến sinh kế và việc làm của người dân địa phương

THU HỒI ĐẤT XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ ĐÔNG NAM NGHỆ AN TÁC ĐỘNG ĐẾN SINH KẾ VÀ VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI DÂN ĐỊA PHƯƠNG

                                                                        Th.s Trương Quang Ngân(1)

                                                                        Th.s .Nguyễn Thị Thùy Dung(1)

1. Đặt vấn đề

            Tại Hội nghị Trung ương 4 khoá VIII tháng 12 năm 1997 ý tưởng xây dựng các khu kinh tế đã được hình thành, đến năm 2002 chủ trương xây dựng thí điểm mô hình khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) mới được quyết định và đến nay đã có 18 khu kinh tế ven biển được phê duyệt với tổng diện tích khoảng 730.553 ha. Một trong số đó có KKT Đông Nam Nghệ An, nằm ở vị trí giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường biển và đường hàng không, có nhiều tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên, lao động.KKT Đông Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai thực hiện các dự án, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, nâng cao giá trị sản xuất của tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, khi triển khai các dự án của KKT đã đã thu hồi một diện tích đất rất lớn, chắc chắn đã có sự tác động đến sinh kế và việc làm của người dân địa phương.

2. Kết quả trao đổi

2.1.Khái quát thực trạng phát triển KKT Đông Nam

KKT Đông Nam thành lập theo Quyết định số 85/2007/QĐ-TTgngày 11/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ, với diện tích 18.830 ha nằm một diện tích trên địa bàn huyện Nghi Lộc, huyện Diễn Châu và thị xã Cửa Lò.Đây là KKT tổng hợp đa ngành, đa chức năng, là trung tâm giao thương quốc tế, công nghiệp, du lịch, thương mại, cảng biển vùng Bắc Trung Bộ, trung tâm đô thị lớn của Nghệ An. Chức năng hoạt động gồm các khu vực phi thuế quan gắn với cảng biển Cửa Lò; Khu thuế quan gồm các khu công nghiệp sản xuất nhiên liệu ethanol, chế biến gỗ, sản xuất phân bón tổng hợp, lắp ráp và sữa chữa máy nông nghiệp, sản xuất vật liệu và thiết bị điện, dệt may, khu cảng và dịch vụ; khu dân cư và khu hành chính. Thực trạng phát triển KKT đến nay như sau:

- Tình hình sử dụng đất

Bảng 1. Tình hình sử dụng đất của KKT năm 2017

Chỉ tiêu

ĐVT

Diện tích

Diện tích đất quy hoạch

ha

18.826,0

Diện tích đất công nghiệp dành cho thuê

ha

3073,6

Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê

ha

1914,8

Diện tích đất công nghiệp chư­a cho thuê

ha

1158,8

Tỉ lệ đã cho thuê

%

62,3

 

 Nguồn: Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An

Đến năm 2017 diện tích đất quy hoạch khu công nghiệp thuộc KKT là 3073,6 ha, trong đó diện tích đã cho thuê 1.914,8 ha đạt 62,3%, diện tích đất chưa cho thuê là 1158,8 ha (Quy hoạch).

-Tình hình sản xuất kinh doanh

Bảng 2. Tình hình sản xuất kinh doanh của KKT 2015- 2017

Tiêu chí

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

1. GTSX (Tỉ đồng)

4.481

5.706

11.494

2. Xuất khẩu (Triệu USD)

62,27

88,11

103,70

3. Nộp ngân sách (Tỉ đồng)

741,20

873,00

947,57

 

Nguồn: Báo cáo hoạt động của Ban quản lý KKT Đông Nam

Qua số liệu trên cho thấy GTSX của các KKT ngày càng tăng, từ 4481 tỷ năm 2015 lên 11491 tỷ năm 2017. Trong 3 năm từ 2015 đến 2017 tỷ lệ đóng ngân sách liên tục năm sau cao hơn năm trước, việc nộp ngân sách của các KKT đang có sự chuyển biến rõ rệt. Giá trị nộp ngân sách của các KKT không ngừng tăng qua các năm từ 741,2 tỉ đồng năm 2015 lên 947,57 tỉ đồng năm 2017.

-Tình hình thu hút đầu tư và lao động: Đến năm 2017 KKT Đông Nam có 103 dự án đầu tư (trong đó có 10 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 19.481 tỷ đồng và 1.073 triệu USD. Năm 2008, số lao động làm việc trong các KKT chỉ có 3.689 người thì đến năm 2011 đã là 10.776 người, tăng gấp 2,9 lần, đến năm 2015 là trên 82.510 lao động.

2.2. Thực trạng xây dựng phát triển KKT Đông Nam với sinh kế vàviệc làm của người dân địa phương.

(1)Việc thu hồi trên 3073,6 ha đất để xây dựng các dự án tại KKT Đông Nam Nghệ An tại địa bàn 3 huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Cửa Lòlà các địa phương có quỹ đất nông nghiệp hạn chế,do đó sẽ có nhiều áp lực đối với tài nguyên đất, nhất là tài nguyên đất nông nghiệp, từ đó làm nảy sinh mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp và phát triển nông nghiệp, dẫn đến tình trạng người dân thiếu đất sản xuất, chiến lược sinh kế việc làm của họ phải thay đổi để phù hợp với nguồn lực mới, nhưng không bền vững.  

(2)Sự phát triển của KKT Đông Nam đã có các hệ lụy về môi trường như môi trường đất, nước và không khí do tình trạng san lấp mặt bằng, chất thải từ các nhà máy sản xuất. Từ đó, đã tác động rất mạnh đến quá trình sản xuất nông nghiệp cũng như NTTS của người dân địa phương, đặc biệt là sinh kế của người dân sống từ nghề biển, ven biển chịu tác động của ô nhiễm môi trường.

(3)Lao động địa phương khi bị thu hồi đất ít có cơ hội được vào làm việc tại các khu công nghiệp, các nhà máy thuộc KKT, nguyên nhân do tuổi cao, trình độ tay nghề không đáp ứng được yêu cầu, trong khi đó việc tham gia các khóa đào tạo tay nghề còn nhiều bất cập, hoặc không cơ hội để tham gia, dẫn đến  sinh kế của người dân bị ảnh hưởng. Vấn đề đặt ra là việc xây dựng và phát triển các KKT Đông Nam Nghệ An cần đi kèm với việc xây dựng đề án lao động, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị mất đất sản xuất, các đề án đào tạo tay nghề phải đi trước một bước, để đón đầu trong quá trình vận hành và sản xuất tại các KCN thuộc KKT.

(4)Hiện nay KKT Đông Nam Nghệ An còn thiếu những dự án động lực lớn để đẩy nhanh sự phát triển của KKT trên địa bàn. Các dự án chưa thực sự thu hút được lượng lao động lớn để để giải quyết việc làm cho người dân vùng thu hồi đất và người dân gần các KKT, đây là một vấn đề rất cần được quan tâm giải quyết tại KKT Đông Nam Nghệ An hiện nay.

(5)Chất lượng, hiệu quả quy hoạch KKT Đông Nam cần đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đất đai, quy hoạch điểm dân cư, khu đô thị, phù hợp với đặc điểm dân cư, khả năng đất đai, tài nguyên, giá cả lao động và yêu cầu về môi trường của khu vực. Do vậy, rất cần xác định rõ có định lượng và dự báo quy mô cũng như chức năng  hợp lý của các đô thị, các khu chức năng, bố trí không gian ven biển của KKT hiện nay. Việc quy hoạch hiện nay với quy mô diện tích quá lớn nhưng thực tế không sử dụng, dẫn đến người dân bị tác động từ các quy hoạch treo, từ đó ảnh hưởng đến sinh kế của họ khi nguồn lực vật chất, nguồn lực pháp lý không ổn định, tạo tâm lý hoang mang, người dân không an tâm đầu tư sản xuất ổn định lâu dài.       

2.3.  Giải pháp xây dựng và phát triển KKT Đông Nam để giải quyết được vấn đề sinh kế và việc làm của người dân địa phương.

(1) Xây dựng phát triển KKT Đông Nam đi đối với phát triển đồng bộ vấn đề “tam nông"; phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân hài hòa về kinh tế - xã hội và môi trường. Xây dựng nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sinh thái, sử dụng công nghệ cao và tạo ra giá trị cao, khai thác hiệu quả các nguồn lực lao động và đất đai. Trong đó, người nông dân là chủ thể sáng tạo ra các giá trị mới và được hưởng lợi ích từ quá trình phát triển KKT. Đây là giải pháp duy trì một phần sinh kế và việc làm cho lao động địa phương, tạo được sự phát triển hài hòa. 

(2) Phát triển KKT đi đôi với giải quyết sinh kế, việc làm đảm bảo thu nhập và đời sống cho người dân sau thu hồi đất phải gắn với quá trình đào tạo nghề để chuyển dịch ngành nghề và tạo công ăn việc làm mới cho người lao động.

(3) Giải quyết sinh kế phải là kết quả của sự hợp tác giữa các bên và đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của địa phương, của người dân có đất bị thu hồi và lợi ích của các nhà đầu tư. Do vậy, để có sự phát triển trong quá trình thu hồi đất cần có chính sách đảm bảo lợi ích thỏa đáng. Thu hồi đất vì lợi ích phát triển đất nước nhưng ảnh hưởng đến lợi ích cơ bản và sống còn của mỗi người dân có đất bị thu hồi. Do đó, nếu không đảm bảo cho họ có viêc làm, thu nhập thường xuyên và ổn định sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như tệ nạn xã hội, dễ nảy sinh nhiều tiêu cực nơi vùng đất tái định cư mới.

(4) Các hộ dân cần khai thác triệt để những nguồn lực sinh kế của gia đình, đa dạng cách thức phối hợp giữa các nguồn lực trong các chiến lược và hoạt động sinh kế của mình. Một công việc ổn định với thu nhâp cao sẽ chỉ đến nếu người lao động được đào tạo, có trình độ, kỹ năng và phù hợp với yêu cầu công việc; Một cửa hàng kinh doanh - dịch vụ sẽ chỉ thành công nếu họ biết nắm bắt nhu cầu thị trường, tiếp cận nguồn vốn đúng lúc. Và một hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ có lãi khi họ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, phương pháp quản lý và tiếp cận thị trường. Như vậy, việc củng cố và phát triển các nguồn vốn sẽ giúp người dân tự tin nắm bắt khi cơ hội đến. Và khi các tài sản sinh kế được dồi dào và vững chắc, họ cũng sẽ biết cách phối hợp thành các chiến lược sinh kế hiệu quả.

(5) Sinh kế của người dân chỉ bền vững khi nó được thiết lập và duy trì bằng khả năng tự lực của người dân thông qua các hổ trợ và thúc đẩy từ bên ngoài, người dân phải là trung tâm bởi họ là người biết rõ khả năng, những khó khăn và ước nguyện của mình. Mỗi sinh kế được gọi là bền vững khi nó có thể chống chọi và phục hồi từ những áp lực và tác động. Nó phải duy trì và nâng cao những sinh lực và tài sản vốn có của hộ cả ở hiện tại và trong tương lai mà không hủy hoại đến tài nguyên thiên nhiên ban đầu. Phát triển sinh kế bền vững đã trở thành một trong những ưu tiên cho việc đưa ra những can thiệp nhằm xóa đói giảm nghèo và lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội dựa vào cộng đồng.

(6) Các tổ chức bên ngoài (chính quyền các cấp, doanh nghiệp) cần đóng vai trò lớn hơn trong việc tạo lập và hỗ trợ các hộ dân ổn định sinh kế. Nguồn vốn xã hội là rất quan trọng trong việc kết nối các tài sản sinh kế khác cũng như tạo ra các cơ hội để ổn định sinh kế của người dân. Tuy nhiên, điều này lại phụ thuộc nhiều vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương và mạng lưới các tổ chức chính trị xã hội. Do đó, tổ chức hỗ trợ bên ngoài, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội địa phương cần nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn kết hơn trong việc giúp người dân giải bài toàn sinh kế bền vững.

(7) Về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của KKT. Sau khi có mặt bằng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị, đường, điện, nước... tương đối đầy đủ thì vấn đề tuyển dụng lao dộng, đào tạo tay nghề đối với các nhà đầu tư hiện nay quả thật không đơn giản. Mâu thuẫn phổ biến trong cơ cấu lao động hiện nay là “thừa thầy, thiếu thợ”. Vì vậy, đề giải quyết được nhu cầu này cũng như sinh kế việc làm của người lao động thì ngay từ ngày đầu được cấp phép đầu tư, các chủ dự án cần chuẩn bị kế hoạch đào tạo lao động địa phương theo thời gian, số lượng với tay nghề kỹ thuật phù hợp với nhu cầu triển khai thực hiện. 

3. Kết luận

Như vậy, việc phát triển KKT là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước Việt Nam, KKT đã thu hút được nhiều dự án đầu tư tại các địa phương, giải quyết được việc làm cho hàng vạn lao động, nâng cao thu nhập người dân, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách tỉnh, CSHT được đầu tư xây dựng mới…Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được thì KKT vẫn còn bộc lộ những nhược điểm, hạn chế nhất định…Vì vậy, cần có giải pháp để giải quyết được các vấn đề nêu trên nhằm đảm bảo sinh kế bền vững và giải quyết việc làm cho người dân tại các KKT.

                                                                              TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam - Nghệ An(2016). Báo cáo tổng kết hoạt động của Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam Nghệ An năm 2015 và định hướng kế hoạch năm 2016.
  2. Nguyễn Quang Thái (2010). Vấn đề phát triển các khu kinh tế mở hiện đại vùng ven biển Việt Nam, NXB ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội.
  3. Nguyễn Văn Sửu (2008). Tác động của công nghiệp hóa và đô thị hóa đến sinh kế nông dân Việt Nam: trường hợp một làng ven  đô Hà Nội.
  4. Vương thị Bích Thủy (2013). Đánh giá thực trạng thay đổi tài sản sinh kế của các hộ dân bị thu hồi đất tại KKT Đông Nam Nghệ An, Thông tin KH-CN Nghệ An, tháng 11, năm 2012, trang 21-24. 

Bài viết khác