Bệnh viêm da nổi cục và cách phòng chống

1. LỊCH SỬ PHÁT HIỆN BỆNH

Bệnh được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1929. Theo thông tin từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), từ năm 2013 đến nay, bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò đã xảy ra tại các nước trong khu vực Châu Á. Đặc biệt thời gian gần đây, dịch bệnh có chiều hướng gia tăng tại Trung Quốc, trong đó có các ổ dịch xảy ra tại các địa phương gần với biên giới Việt Nam. Tại Việt Nam, bệnh xuất hiện lần đầu tiên từ giữa tháng 10 năm 2020.

Đến nay, bệnh đã xảy ra tại 18 tỉnh, thành phố, trong đó có một số tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An làm hàng trăm bò mắc bệnh và làm chết nhiều bê con, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

2. DỊCH TỄ HỌC CỦA BỆNH

2.1. Loài mắc bệnh

Bệnh Viêm da nổi cục có thể xảy ra trên trâu bò ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trong thực tế, bệnh chủ yếu xảy ra ở bò và bê con chết nhiều nếu không được điều trị kịp thời.

Vi rút không gây bệnh trên người.

2.2. Đường truyền lây

Côn trùng hút máu như ruồi, muỗi, hoặc bọ, ve.

Tiếp xúc trực tiếp giữa con ốm và con khỏe.

Thức ăn, nước uống, dụng cụ mang mầm bệnh.

Lây truyền qua nhau thai cũng đã được báo cáo, bê con sinh ra bị tổn thương trên da

Bê con đang theo mẹ có thể bị nhiễm bệnh qua sữa, hoặc do tổn thương da ở núm vú (hiếm gặp do kháng thể mẹ truyền sang)

Lây truyền qua kim tiêm bị ô nhiễm trong quá trình điều trị hoặc trong quá trình tiêm phòng

Lây truyền qua đường giao phối tự nhiên hoặc qua thu tinh nhân tạo

Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20 %, tỷ lệ chết khoảng 1 - 5 %. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày.

2.3. Sức đề kháng của virus

Vi rút Viêm da nổi cục rất ổn định, tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đặc biệt là ở dạng vảy khô; tồn tại trong các nốt da hoại tử trên 33 ngày, trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và ít nhất 18 ngày trong da phơi khô. Vi rút nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và chất tẩy rửa có chứa dung môi lipid, nhưng trong điều kiện môi trường tối và ẩm ướt, ví dụ như chuồng trại bị ô nhiễm, vi rút có thể tồn tại trong nhiều tháng.

Sơ đồ lây truyền vi rút gây Viêm da nổi cục

2.4. Triệu chứng

Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu như sau: Sốt cao, có thể trên 41°C, bỏ ăn, suy nhược, gầy yếu; giảm năng suất sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt; hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng; để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn.

Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi.

Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như bao da, ức, bìu và âm hộ, có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển. Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời. Bò mang thai có thể bị sảy thai và động dục trong vài tháng.

Bê mắc bệnh Viêm da nổi cục                                       Bê khó thở, chảy nước mũi có lẫn máu

2.5. Phòng và điều trị

2.5.1. Điều trị

            Bệnh Viêm da nổi cục có tỷ lệ chết thấp, nếu phát hiện kịp thời có thể dùng một số loại kháng sinh như: Amoxicillin, tetracillin phòng chống nhiễm trùng kế phát.     Dùng anagil hạ sốt. Truyền dung dịch Glucoza 5% để tăng sức đề kháng. Tiêm ADE B complex, v.v..

Một số loại thuốc dùng trong điều trị Viêm da nổi cục

2.5.2. Phòng bệnh

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Viêm da nổi cục, các biện pháp phòng bệnh chính bao gồm chủ động giám sát để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp trâu, bò mắc bệnh, cách ly trâu, bò mắc bệnh và tiêm phòng cho đàn trâu, bò. Hiện nay chưa có vacxin phòng bệnh Viêm da nổi cục. Tuy nhiên, do chủng vi rút gây bệnh VDNC cùng họ với vi rút gây bệnh Đậu dê, có mức tương đồng kháng nguyên và gien di truyền trên 95%; nên các địa phương, doanh nghiệp thí điểm sử dụng vắc xin phòng bệnh đâu dê để tiêm phòng cho đàn gia súc tại các xã đã có dịch. Hiện nay, các tổ chức quốc tế như FAO, OIE và các nước (như Trung Quốc, Đài Loan và nhiều nước khác) cũng đã sử dụng vắc xin Đậu dê để tiêm (với liều cao gấp 5-10 lần) cho đàn gia súc nhằm phòng bệnh VDNC.

Ngoài ra, để công tác phòng chống bệnh Viêm da nổi cục trên đàn trâu bò đạt kết quả tốt, người chăn nuôi cần thực hiện đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, cụ thể như sau:

Nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y.

Định kỳ tẩy giun sán cho đàn trâu bò. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn trâu bò như: vắc xin Tụ huyết trùng trâu bò, vắc xin LMLM trâu bò, đặc biệt là vắc xin viêm da nổi cục trâu bò theo khuyến cáo của cơ quan thú y.

Thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi (máng ăn, máng uống), phương tiện vận chuyển. Có biện pháp để tiêu diệt các loài vật chủ trung gian truyền bệnh  như: ruỗi, muỗi, ve, mòng và các loại côn trùng hút máu khác,… tại khu vực chuồng nuôi.

Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt; đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn trâu bò.

Giám sát chặt chẽ đàn trâu bò trong quá trình chăn nuôi. Khi phát hiện trâu, bò nghi mắc bệnh cần báo cáo ngay cho Cơ quan Thú y và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Để công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục đạt kết quả tốt cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, nhất là ý thức chủ động, chấp hành pháp luật về chăn nuôi, thú y của người chăn nuôi, để tiến tới xây dựng một ngành chăn nuôi bền vững, an toàn.

                                                                                              TS. Võ Thị Hải Lê


Bài viết khác