Hiểu biết về bệnh lao (Tuberculosis) ở bò và cách phòng chống

Bệnh lao bò (Tuberculosis) là bệnh truyền nhiễm mạn tính gặp nhiều ở động vật (chủ yếu là trâu bò) và con người.

Đây là một bệnh truyền lây giữa động vật và người. Hiện nay, chăn nuôi bò rr nước ta, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa đang ngày càng phát triển, vì vậy nguy cơ bệnh truyền lây sang người do uống sữa bò mắc bệnh, do tiếp xúc trực tiếp tăng cao. Hiểu biết về bệnh lao giúp phòng chống bệnh cho động vật và ngăn chặn bệnh lây sang người.

  1. Lịch sử phát hiện bệnh lao

Bệnh lao được biết đến từ rất lâu với thể lao ở phổi (Dr Richard Morton, 1689) và năm 1820, bệnh mới chính thức được J. L. Shonlein đề nghị gọi là bênh lao “Tuberculosis”.

Trực khuẩn gây bệnh lao lần đầu tiên được Robert Koch phân lập vào ngày 24/3/1882.

Bệnh lao có ở khắp nơi trên thế giới. Thế kỉ 17 - 18, bệnh lao gây chết khoảng 25% trong các ca bệnh ở châu Âu.

Tuy nhiên, hiện nay ở các nước phát triển đã thanh toán được bệnh Lao.

Ở Việt Nam, bệnh Lao thường gặp ở bò nhập nội.

  1. Tác nhân gây bệnh

Typ gây bệnh: Mycobacterium bovis gây bệnh lao cho bò, nhưng vi khuẩn cũng gây lao cho người, lợn, chó, mèo.

Vi khuẩn lao - nhuộm bằng PP Ziehl – Neelsen

3. Sức đề kháng của vi khuẩn lao.

Trực khuẩn lao có sức đề kháng cao hơn so với các vi khuẩn không sinh nha bào khác. Vi khuẩn lao bò rất mẫn cảm với tia tử ngoại và sức nóng. Ánh sáng mặt trời giết chết vi khuẩn sau 8 giờ.

Trong đờm ẩm trực khuẩn lao có thể sống được một tháng, trong sữa sống được nhiều tuần; trong phân gia súc vi khuẩn tồn tại hàng tháng, trong phân khô vi khuẩn sống 6 tháng.

Trong chuồng nhốt gia súc lao, mầm bệnh thải ra có thể tồn tại dài hoặc ngắn ngày tùy thuộc vào điều kiện vệ sinh.

4. Chất chứa mầm bệnh

Trong cơ thể bệnh, máu và các tổ chức bị lao đều có mầm bệnh.

Nếu lao ở phổi và đường tiêu hóa, thì nước mũi, nước bọt, phân chứa nhiều mầm bệnh: nước tiểu, tinh dịch, dịch âm đạo có vi khuẩn nếu lao ở cơ quan sinh dục.

5. Phương thức truyền lây

Bệnh lao trên trâu bò lây trực tiếp từ con ốm sang con khỏe. Lây gián tiếp qua các nhân tố trung gian.

Bệnh thường xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp (phổ biến ở người và bò). Vi khuẩn từ cơ thể bệnh bài xuất ra ngoài qua nước bọt, phân, dịch tiết. Khi mầm bệnh dính vào hạt bụi lơ lửng trong không khí, vật khỏe hít phải sẽ nhiễm bệnh.

Trường hợp bệnh xâm nhập qua đường tiêu hóa (phổ biến ở bê và lợn). Bê bú sữa mẹ bị lao sẽ lây bệnh lao bò. Nếu thức ăn, nước uống bị ô nhiễm mầm bệnh, động vật khỏe ăn phải sẽ bị lây bệnh.

Ngoài ra bệnh có thể lây qua núm nhau, đường sinh dục.

6. Cơ chế sinh bệnh

Trên một cơ thể, trực khuẩn lao đầu tiên xâm nhập vào sẽ gây nhiễm lao cho cơ thể (giao đoạn lao nhiễm).

Vi khuẩn sau khi xâm nhiễm sẽ gây bệnh tích tại chỗ hoặc ở hạch lympho lân cận. Sự tác động tương hỗ giữa sức đề kháng của cơ thể và mầm bệnh tạo ra những hạt viêm đặc biệt gọi là hạt lao.

Nếu sức đề kháng của cơ thể tốt, các tổn thương có thể thành sẹo, cở thể lành bệnh.

Nếu sức đề kháng của co thể kém, mầm bệnh lan tràn theo đường bạch huyết, tuần hoàn gây tổn thương các bộ phận khác trong cơ thể (giai đoạn lao bệnh).

7. Miễn dịch trong bệnh lao

Miễn dịch trong bệnh lao bò chủ yếu là miễn dịch qua trung gian tế bào, miễn dịch dịch thể có ít tác dụng.

          Miễn dịch bệnh lao thuộc kiểu miễn dịch mang trùng.

          Vi khuẩn lao bò sau khi bị thực bào không bị tiêu hóa, chúng chỉ bị tiêu hóa khi đại thực bào đã được hoạt hóa bởi Lymphokin.

8. Triệu chứng

          Thời kỳ nung bệnh lao biến đổi khó xác định, thông thường từ 2 - 4 tuần hoặc hơn nữa. Mỗi loài động vật có những biểu hiện khác nhau.

Triệu chứng bệnh lao trên trâu bò

 +> Lao phổi

    Thể bệnh hay gặp, với các triệu chứng ho, lúc đầu ho khan sau ho ướt, ho từng cơn.

Con vật ho khi gõ lồng ngực, bị đuổi chạy, uống nước lạnh, nằm xuống, đứng lên.

Ho ra đờm con vật lại nuốt vào, đờm lẫn máu mủ.

Bò gầy gò, lông dựng, da khô, mệt mỏi, ăn ít, thở khó ngày càng tăng. Nghe và gõ vùng phổi thấy âm dục phân tán, âm bùng hơi và âm ran ướt.

+> Lao hạch

Thể bệnh khá phổ biến. Nếu lao ở phổi thì hạch phổi cũng bị lao, hạch bị sưng thành từng cục cứng.

Các hạch hay bị lao: hạch dưới hàm, hạch trước vai, hạch trước đùi, hạch ruột.

+> Lao vú

Tùy mức độ bệnh mà bầu vú hoặc núm vú có thể bị biến dạng. Sờ vào có thể thấy những hạt lao lổn nhổn.

Hạch vú sưng to, cứng nổi cục.

Sản lượng sữa giảm.

Lao đường tiêu hóa:

Phổ biến lao ở ruột, gan.

Gia súc tiêu chảy kéo dài, gầy dần, có chướng hơi nhẹ và rối loạn tiêu hóa.

9. Bệnh tích bệnh lao bò: Có 3 dạng lao

a. Hạt lao

Tùy theo tiến triển của bệnh mà biểu hiện hạt lao khác nhau.

Các hạt lao xuất hiện rõ ở phổi, hạch màng treo ruột.

Ở phổi hạt có giới hạn rõ, màu xám, khó bóc, nếu hạt nhiều nắn phổi sẽ có cảm giác lạo xạo.

b. Khôi tăng sinh thượng bì

Hạt xơ tăng sinh mạnh có khi to bằng quả bóng bàn có chứa mủ, xác tế bào hoặc canxi hóa.

c. Đám viêm bã đậu

Ở giai đoạn sau các hạt lao vỡ ra biến tổ chức lao thành đám viêm hóa mủ (bã đậu), nát, thẩm dịch.

10. Chẩn đoán

Do đặc điểm của bệnh lao, các triệu chứng khó phát hiện, không đặc hiệu ít nên trong thực tế sản xuất dùng phản ứng dị ứng tuberculin chẩn đoán hàng loạt để bước đầu phát hiện những con có dấu hiệu bệnh.

Tiêm tuberculin để kiểm tra lao ở bò                                      Kiểm tra phản ứng sau khi tiêm

Đây là nội dung kiểm tra thường xuyên tại các trang trại chăn nuôi bò sữa, nhằm mục đích phát hiện bệnh Lao sớm ở bò, đảm bảo các trang trại chăn nuôi bò sữa không có con mắc bệnh Lao.

    Ngoài phản ứng tuberculin kiểm tra lao bò nói trên thì có thể dùng một số phản ứng khác để chẩn đoán, như:

    Chẩn đoán phi lâm sàng:

    Do trực khuẩn lao có nhiều kháng nguyên chéo với các loài trong giống Mycobacterium khác nên không chẩn đoán huyết thanh học đối với bệnh lao.

    Tuy nhiên, nhờ nghiên cứu sâu về cấu trúc kháng nguyên, kháng nguyên A60 của Mycobacterium bovis đã được dùng trong kỹ thuật ELISA để phát hiện kháng thể lao.

    Chẩn đoán phòng thí nghiệm chủ yếu áp dụng phương pháp PCR.

    Chẩn đoán bệnh lao bò tại trang trại hiện nay sử dụng kỹ thuật POCKIT iiPCR.

11. Cách phòng bệnh lao ở trâu bò

    Để phòng ngừa bệnh lao trên trâu bò cũng như các loại gia cầm khác, người chăn nuôi cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa tổng hợp:

Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh và định kỳ phát hiện bệnh bằng kỹ thuật POCKIT iiPCR hoặc phản ứng dị ứng.

Với bò cái, đực giống mỗi năm kiểm tra 2 lần vào mùa xuân và mùa thu.

Ngựa lừa mỗi năm kiểm tra 1 lần.

Các trại lợn giống mỗi năm kiểm tra 1 lần.

Những con có phản ứng dương tính (xét nghiệm bằng POCKIT iiPCR) nên tiêu hủy ngay. Trường hợp kiểm tra bằng phản ứng dị ứng nếu dương tính và có triệu chứng rõ nên tiêu hủy ngay, nếu dương tính nhưng chưa có triệu chứng phải nuôi cách ly theo dõi chặt chẽ.

Gia súc mới mua về phải cách ly 1 tháng và kiểm tra bằng kỹ thuật POCKIT iiPCR, phản ứn dị ứng, nếu an toàn mới cho nhập đàn.

Nâng cao sức đề kháng cho con vật. Cho gia súc ăn uống tốt, làm việc, khai thác hợp lý, chuồng trại ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè.

Sát trùng chuồng trại định kỳ.

12. Điều trị bệnh lao bò

      Bệnh lao trên trâu bò khi phát hiện không điều trị, cần phản tiêu hủy ngay.    Tránh lây lan trong quần thể và cho người.

      Bệnh lao bò cực kỳ nguy hiểm, các trang trại chăn nuôi bò sữa hiện nay và người chăn nuôi cần định kỳ chẩn đoán phát hiện sớm mầm bệnh lao ở trâu bò để có các phương pháp loại bỏ kịp thời, tránh dịch bệnh lây lan trong trại nuôi.

                                                                                                    TS. Võ Thị Hải Lê


Bài viết khác