Sứ mệnh của ngành thú y trong chiến lược một sức khỏe phòng chống bệnh truyền lây giữa động vật và người

Tại Việt Nam, dịch bệnh truyền lây từ động vật là mối đe dọa thường trực gây nhiều ảnh hưởng đến các mặt y tế, kinh tế và xã hội. Trong bối cảnh những biến đổi môi trường của quốc gia và trên thế giới đang diễn ra một cách nhanh chóng, nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh mới nổi và bệnh truyền lây từ động vật có xu hướng ngày càng tăng.

Cách tiếp cận Một sức khỏe (One Health) được công nhận rộng rãi là phương pháp kiểm soát hiệu quả nhất đối với các dịch bệnh này. Đây là cách tiếp cận liên ngành trên cả khía cạnh phòng ngừa và ứng phó, đã và đang được triển khai tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Cách tiếp cận Một sức khỏe (One Health) trong kiểm soát bệnh có nguồn gốc từ động vật bao gồm:

Các hoạt động có sự phối hợp liên ngành (Y tế, Thú y, Môi trường…) hoặc cần đẩy mạnh hợp tác nhằm cải thiện sức khỏe con người, động vật và môi trường.

Các hoạt động áp dụng cách tiếp cận Sức khỏe sinh thái để giải quyết những vấn đề dịch bệnh phức tạp. Cách tiếp cận Sức khỏe sinh thái quan tâm đến cả những yếu tố môi trường và xã hội, đồng thời các đối tượng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ phối hợp cùng các bên liên quan tại địa phương trong việc thiết kế và triển khai các biện pháp giải quyết vấn đề.

Hai hoạt động này có mối liên hệ với nhau và cần được triển khai đồng thời nhằm phát huy tối đa khả năng kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh phát sinh trong mối tương tác giữa con người – động vật – môi trường. Cách tiếp cận Một sức khỏe (One Health) trong phòng chống bệnh truyền lây từ động vật khi dịch bệnh xảy ra không nhất thiết đòi hỏi các đơn vị khác nhau phối hợp trong mọi hoạt động. Trong một số trường hợp, một tổ công tác liên ngành sẽ là lực lượng giải quyết vấn đề hiệu quả nhất. Tuy nhiên, về cơ bản Một sức khỏe (One Health) hướng đến việc đạt được những mục tiêu chung, kịp thời chia sẻ kiến thức và đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan cũng như các cá nhân, tổ chức phù hợp nhất trong quá trình tìm kiếm giải pháp phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh.

Trong những năm vừa qua, ngành Thú y đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản theo cách tiếp cận Một sức khỏe (One Health).

Các thành tựu tiêu biểu là đã loại trừ và kiểm soát tốt nhiều dịch bệnh nguy hiểm, bệnh truyền lây từ động vật sang người; nghiên cứu thành công và sản xuất được hầu hết các sản phẩm thuốc, vắc xin thú y để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong nước và phục vụ xuất khẩu; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho cộng đồng ngày càng được cải tiến rõ rệt.

Trong công tác phòng chống dịch bệnh, toàn ngành đã thay đổi tư duy, cách tiếp cận, chuyển từ thế bị động chống dịch sang chủ động phòng dịch, do đó bệnh Dịch tả trâu bò đã được thanh toán, loại trừ hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam; tổ chức kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm, truyền lây giữa động vật và người, đặc biệt như bệnh Nhiệt thán; bệnh Cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, bệnh Dại ở động vật; ngăn ngừa bệnh Cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam; đồng thời kiểm soát tốt được nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh Tai xanh, Dịch tả lợn cổ điển, Tụ huyết trùng, Đóng dấu, Niu-cát-xơn, Gum-bô-rô, Dịch tả lợn Châu Phi…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra và chỉ đạo công tác chẩn đoán,
xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương

 

Kiểm dịch và kiểm soát giết mổ đã và đang bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Đặc biệt, năm 2019, Đại dịch COVID-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Khởi nguồn vào cuối tháng 12 năm 2019 với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán thuộc miền Trung Trung Quốc, bắt nguồn từ một nhóm người mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân. Giới chức y tế địa phương xác nhận rằng trước đó họ đã từng tiếp xúc, chủ yếu với những thương nhân buôn bán và làm việc tại chợ bán buôn hải sản Hoa Nam.

Xung quanh vấn đề này, khi dịch Covid-19 xảy ra, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các đơn vị  của ngành Thú y tham gia xét nghiệm. Bộ NN&PTNT chỉ đạo, trên cơ sở đó, Cục Thú y đã phối hợp với Bộ Y tế, các tổ chức quốc tế tổ chức đào tạo, tập huấn, đảm bảo an toàn sinh học trong xét nghiệm Covid -19, sau đó hoàn thiện hồ sơ theo quy định gửi sang Bộ Y tế.

Bộ Y tế tiến hành thẩm định, sau đó ra 5 quyết định cho 5 phòng thí nghiệm của Cục Thú y đủ năng lực xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 (chủng virus gây ra đại dịch Covid-19-PV). Ngày 17/4, Viện Vệ sinh dịch tễ cấp giấy chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR cho Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương thuộc Cục Thú y và một số chi cục thú y vùng.

Các cán bộ của Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương đang thực hiện
xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real-time RT PCR

Về năng lực của các đơn vị, riêng Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương có đủ vật liệu để xét nghiệm 5.000 mẫu, mỗi ngày có thể xét nghiệm 100- 1.000 mẫu. Trung tâm này có hệ thống 40 phòng xét nghiệm hiện đại mà bất cứ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh thành nào cũng không theo kịp.

Trung tâm được trang bị tới 6 hệ thống Realtime-PCR, hệ thống xét nghiệm bằng phương pháp giải trình tự gen được sử dụng trong chẩn đoán xác minh ca nhiễm Covid-19. Trong khi đó, Chi cục Thú y vùng 6 có hệ thống chiết tách tự động bằng robot rất hiện đại. Nếu có sinh phẩm của Bộ Y tế là các đơn vị vào cuộc với tinh thần cao nhất.

Nhiều năm qua, ngành Thú y cũng thường xuyên tổ chức phòng chống các bệnh truyền lây từ động vật sang người, nhất là bệnh cúm gia cầm, dại... có yêu cầu về an toàn sinh học; kinh nghiệm, năng lực chẩn đoán xét nghiệm đã được khẳng định. Ngành Thú y Việt Nam cũng đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc ngăn chặn dịch bệnh động vật từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam, cũng như ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong nước, thể hiện năng lực tốt của một hệ thống kiểm dịch tương đối hoàn chỉnh.

Đến nay, hệ thống đơn vị kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đã được xây dựng, phát triển thành 7 Chi cục Thú y vùng và 3 Chi cục Kiểm dịch động vật vùng với hệ thống các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17025, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm động vật sang cả những thị trường khắt khe nhất như EU,Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... đồng thời bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, an toàn đối với động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu.

                                                                                                 Trần Thị Cúc (Theo Nông nghiệp VN)

 


Bài viết khác