Thực trạng và giải pháp rèn luyện kĩ năng mềm cho sinh viên trường Đại học Kinh tế Nghệ An

1. Đặt vấn đề

Trường Đại học Kinh rế Nghệ An là trường công lập trực thuộc UBND tỉnh Nghệ An, là cơ sở giáo dục chuyên đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu nhân lực cho khu vực Trung bộ và cả nước. Hiện nay nhà trường đang đào tạo 9 chuyên ngành hệ đại học khối Kinh tế và Nông Lâm nghiệp. Với phương châm “Đào tạo đón đầu và thực tế”, thương hiệu và chất lượng đào tạo của trường đã và đang được khẳng định trong thị trường lao động cả nước. Những năm qua, đội ngũ cán bộ do Trường cung cấp cho thị trường lao động ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành khối Nông Lâm cũng như Kinh tế.

Trong những năm gần đây, nhà trường và đội ngũ giảng viên đã xác định được tầm quan trọng của kĩ năng mềm bên cạnh kĩ năng chuyên môn mà SV cần đạt được trước khi ra trường, Nhà trường đã thử nghiệm để chuẩn bị đưa module ĐT kỹ năng mềm vào chương trình học chính khóa, bên cạnh đó, nhiều hoạt động liên quan đã được lồng ghép. Tuy nhiên, để tạo thế đứng thực sự vững chắc cho sinh viên khi tham gia thị trường lao động, đòi hỏi phải có những giải pháp mới cả về nội dung và hình thức. Để có tầm nhìn tổng quan về vấn đề này, Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 cần quan tâm đưa vào Nghị quyết đại hội về vấn đề định hướng đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên để từ đó xây dựng kế hoạch và có các giải pháp phù hợp nhằm phát triển và hoàn thiện kỹ năng mềm cho sinh viên TrườngĐại học Kinh tế Nghệ An trong giai đoạn tới là rất cần thiết.

2. Thực trạng và yêu cầu đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

2.1. Thực trạng

- Trong nhưng năm qua Đảng ủy BGH đã có các hành động cụ thể về tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch giảng dạy kỹ năng mềm. Tuy nhiên, công việc này đang được triển khai theo tinh thần tự nguyện, chưa được thể chế hóa, để có chế độ chính sách, sự đầu tư đúng, đầy đủ về CSVC, trang thiết bị cho các hoạt động giảng kỹ năng trong trường học.

- Đến năm 2020 trong các chương trình đào tạo của của nhà trường chưa có module về đào tạo kỹ năng mềm. Do vậy, chuẩn đầu ra đào tạo là chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà sử dụng nhận sự, các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất…, từ đó cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp còn hạn chế.

- Hoạt động giảng dạy kỹ năng mềm hiện nay của nhà trường chủ yếu đang lồng ghép từ các diễn đàn văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao, tuần sinh hoạt công dân, các câu lạc bộ đội nhóm, lồng ghép trong các tiết giảng, thực hành thực tập hoặc mời các chuyên gia về giảng dạy theo chuyên đề mang tính lý thuyết còn nhiều, chưa được huấn luyện thực hành…

- Nhu cầu rèn luyện kỹ năng đối với sinh viên là thực sự cần thiết, sinh viên thực sự có nhu cầu muốn được đào tạo huấn luyện để được trải nghiệm các kỹ năng mềm để hoàn thiện bản thân sau khi tốt nghiệp ra trường.

- Hiện nay nhà trường chưa có bộ phận chuyên trách về đào tạo kỹ năng cho sinh viên, đây chính là hạn chế rất lớn ảnh hưởng đến các hoạt động giảng dạy kỹ năng.

2.2. Yêu cầu thực hiện

Cách thức trang bị kỹ năng mềm hiệu quả, phù hợp với thời gian, điều kiện học tập của SV phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có chương trình đào tạo, tư duy của nhà quản lí đào tạo, cách thức đào tạo, chương trình môn học kỹ năng mềm cũng như khả năng và sự đam mê của GV.

3. Kiến nghị một số giải pháp

3.1. Đối với Nhà trường

        - Đưa module kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo như một học phần bắt buộc vào năm thứ 1 của khóa học, 1 học phần vào năm thứ 4 của khóa học. Nhà trường cần đặt mục tiêu về kỹ năng mềm cho SV như một tiêu chí song song cùng với các tiêu chí về KN chuyên môn, xem kỹ năng mềm như một trong những tiêu chí đánh giá SV.

        - Trang bị phòng học chuyên môn cho học phần kỹ năng mềm với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết cho module kỹ năng mềm như bàn ghế chuyên dụng, máy vi tính bàn, ti vi màn hình lớn, loa đài, micro, bảng mika lớn, bảng lật, máy tính, máy chiếu, sách, tạp chí, hình ảnh, pano về kỹ năng mềm...

        - Thành lập Tổ (hoặc Bộ môn) Kỹ năng mềm trực thuộc BGH hoặc trực thuộc trung tâm trong trường trực tiếp quản lí và chịu trách nhiệm về kỹ năng mềm cho SV toàn trường. Khoa cần đưa ra một chương trình, kế hoạch trang bị, rèn luyện và phát triển về kỹ năng mềm cho mỗi một SV của khoa. Xây dựng bảng test kỹ năng mềm, đánh giá kỹ năng mềm của mỗi một SV để đảm bảo mục tiêu ĐT của Nhà trường.

        - Thành lập câu lạc bộ kỹ năng mềm nhà trường, tăng cường tuyên tuyền các kỹ năng mềm trên website Trường, fanpage kỹ năng mềm, treo hoặc dán pano, áp phích tuyên truyền về các KN trước văn phòng Đoàn Trường. Tổ chức các buổi sinh hoạt chung, sinh hoạt riêng cho các nhóm chuyên ngành theo chuyên đề do câu lạc bộ kỹ năng mềm chủ trì thực hiện, các liên chi đoàn phối hợp, các khoa chuyên môn tư vấn chỉ đạo, Đoàn trường cần chủ động tổ chức các cuộc thi liên quan đến kỹ năng.

        - Xây dựng đội ngũ GV chuyên giảng dạy về kỹ năng mềm từ các khoa chuyên môn. Các GV kỹ năng mềm này cần có sự đầu tư kĩ về kịch bản (giáo án) giảng dạy, nội dung bài giảng, giáo trình, các phương tiện, dụng cụ đầy đủ phục vụ cho công tác giảng dạy về kỹ năng mềm.

3.2. Đối với giảng viên, cố vấn học tập

  • Cố vấn học tập chính là người thầy đầu tiên định hướng về tầm quan trọng, cách thức trang bị, rèn luyện và phát triển kỹ năng mềm cho SV, thường xuyên nhắc nhở, động viên, khuyến khích, tạo ra các hoạt động hoặc đốc thúc SV tham gia các hoạt động đoàn thể nhằm giúp cho SV có cơ hội phát huy kỹ năng mềm. Đa dạng hóa các buổi sinh hoạt lớp với mục đích vừa truyền đạt những thông tin cần thiết, vừa tạo điều kiện cho SV phát triển các kỹ năng mềm. Phải làm sao để mỗi GV là một chuyên gia về kỹ năng mềm cho chính học trò của mình học hỏi, trang bị kỹ năng mềm cho bản thân ngay chính từ người thầy và bài giảng của thầy. Có lẽ đó chính là cách trang bị kỹ năng mềm cốt yếu và tốt nhất cho SV trong tất cả các cách trang bị kỹ năng mềm hiện nay.
  • GV chuyên ngành nên đầu tư lồng ghép các kỹ năng mềm vào chương trình ĐT chuyên ngành, gắn vào từng tình huống cụ thể liên quan đến KN chuyên môn, ví dụ: lồng ghép KN làm việc nhóm, KN thuyết trình vào các phần thảo luận nhóm, KN lập kế hoạch vào chuyên đề thực tập, KN giao tiếp và KN quản lí thời gian vào cách ứng xử trong giao tiếp của sinh viên ở các buổi học trên giảng đường...
  • Việc tích hợp kỹ năng mềm vào các môn học là bắt buộc, cho nên, trước hết, GV phải thường xuyên cập nhật kiến thức về kỹ năng mềm, không ngừng trau dồi thêm vốn kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức của người thầy giáo, để có thể truyền tải kỹ năng mềm đến sinh viên, đồng cảm sâu sắc với sinh viên; đồng thời, hướng dẫn tốt SV trong các tình huống, KN trải nghiệm đa dạng cụ thể nói riêng và trong việc trang bị kỹ năng mềm nói chung.

3.3. Đối với sinh viên

  • Cần tìm hiểu về kỹ năng mềm thông qua hoạt động tuyên truyền trên website của Nhà trường, các kênh thông tin khác như fanpage kỹ năng mềm, bản tin của Đoàn trường, các trang mạng xã hội tin cậy.
  • Tích cực rèn luyện, bổ sung, hoàn thiện những KN cần thiết cho mình. Ngoài việc học trong sách vở, sinh viên có thể tham gia vào những câu lạc bộ phù hợp với thế mạnh, nhu cầu của bản thân để nâng cao các kỹ năng mềm như: làm việc theo nhóm, quản lí thời gian, thuyết trình, KN thích nghi và hội nhập.
  • Xây dựng hình thức và phương pháp rèn luyện học tập một cách khoa học, phù hợp với điều kiện của bản thân. Mỗi một sinh viên cần có một bảng kế hoạch cá nhân riêng, vạch ra mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, từ đó có kế hoạch để thu thập, hoàn thiện. SV cần tự xây dựng hình ảnh riêng cho bản thân, sống có mục đích, mục tiêu rõ ràng.
  • Tìm việc làm thêm phù hợp với ngành nghề là một lợi thế để rèn luyện kỹ năng mềm. Nếu bạn là một sinh viên ngành Tiếng Anh hãy bắt đầu với những công việc như gia sư tiếng Anh cho các em nhỏ hay hướng dẫn viên vào những ngày cuối tuần. Nếu bạn là một sinh viên thì bạn có thể làm thêm ở một quán café, bán hàng online, làm kế toán bán hàng, phân xưởng, cơ sở sản xuất nhỏ... để nâng cao khả năng giao tiếp, KN làm việc nhóm, KN quản lí thời gian và lập kế hoạch công việc.
  • Mỗi sinh viên cần chủ động thay đổi, hòa nhập. Sinh viên không có kỹ năng mềm cần thiết hay kỹ năng mềm còn yếu là do sự thụ động, không hòa nhập và thu mình vào thế giới an toàn của bản thân. Sinh viên phải thay đổi bản thân mình, hãy can đảm bước ra ngoài cuộc sống sinh động, theo đó sẽ học thêm được rất nhiều kiến thức, mở rộng thêm được những mối quan hệ, tăng thêm sự trưởng thành của bản thân và rèn luyện được nhiều kỹ năng mềm hữu ích.

3.4. Liên kết các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng

  • Nhà trường cần tăng cương quan tâm liên kết với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để đề xuất, góp ý chương trình đào tạo của Nhà trường cả về kiến thức chuyên môn và các kỹ năng mềm.
  • Tiếp tục duy trì và phát triển các mối quan hệ hợp tác về tuyển dụng việc làm, liên kết đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ, nhận sinh viên đến thực tập, tham quan, tài trợ về các phương tiện dạy học, phòng chuyên môn về kỹ năng mềm và các hỗ trợ khác; cử đại diện lãnh đạo tham dự các Hội nghị về tuyển dụng, đối thoại giữa sinh viên với các đơn vị, doanh nghiệp.
  • Xây dựng để có được các thông tin phản hồi về khả năng vận dụng kỹ năng mềm của người lao động cho các công trình nghiên cứu về chất lượng đào tạo của Nhà trường thông qua khảo sát các doanh nghiệp.

                                  

                                                               Khoa Nông Lâm ký kết hợp tác đào tạo với doanh nghiệp

                                  

                            Thầy Trương Quang Ngân - Trưởng khoa Nông Lâm phát biểu trong lễ ký kết hợp tác đào tạo với doanh nghiệp

4. Kết luận

Rèn luyện và phát triển toàn diện các kỹ năng cho sinh viên là mục tiêu quan trọng trong giáo dục và đào tạo của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Các ký năng chuyên môn và kỹ năng mềm tuy có đặc trưng riêng nhưng đồng thời lại tác động tương hỗ lẫn nhau, cùng thúc đẩy nhau phát triển. Với xu thế hội nhập và phát triển, thể hiện tốt kỹ năng mềm sẽ đem đến cho sinh viên nhiều cơ hội thành công trong công việc. Vì vậy, việc nghiên cứu thực hiện các giải pháp rèn luyện nhằm phát triển kỹ năng mềm  cho sinh viên là rất thiết thực. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu của người học mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Để đạt được các mục tiêu đã đặt ra, đòi hỏi Nhà trường, đội ngũ cán bộ quản lí đào tạo, giảng viên, sinh viên và các doanh nghiệp đã và đang hợp tác với Nhà trường cần có những sự nỗ lực cần thiết để góp phần làm cho xã hội ngày càng tiến bộ và tốt đẹp hơn.

                                                                        Trương Quang Ngân

                                        Trưởng khoa Nông Lâm Ngư, phụ trách Tổ kỹ năng mềm


Bài viết khác