Đời người

ĐỜI NGƯỜI

TS. Dương Xuân Thao

Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Nghê An

 

Đời người có ai tròn trĩnh, có ai nắm tay qua đêm được đâu, có ai suốt đời không mắc sai lầm được đâu, làm nhiều thì sai nhiều, nhưng cái sau đó đừng vì vụ lợi, lợi ích cá nhân. Năm 1957 Bác Hồ đã khóc và nhận sai lầm trước Quốc hội trong việc chỉ đạo cải cách ruộng đất, Đảng và Nhà nước ta cũng có những sai lầm trong lãnh đạo đất nước, những sai lầm đó là không thể tránh khỏi, vấn đề là nhận biết và sửa chữa. Ở đời mọi việc phải thực hiện theo quy định, nhưng nhiều khi 100 cái lý không bằng một tý cái tình.

Cuộc đời con người chỉ là chớp nhoáng so với sự tồn tại vĩnh hằng, vô cùng vô tận của thời gian, và không gian. Hãy đối xử với nhau cho có tình người, đừng rình rập nhau. Người làm chưa về, người chê đã đến. Hãy làm tròn bổn phận của mình, hãy nhìn lại mình trước khi chê bai người khác. Đừng thấy ai xung quanh mình cũng xấu, cũng sai phạm, cũng cần phải sửa cái này đến cái kia, ai cũng cần phải hoàn thiện hơn nữa. Nên biết ghi nhận những mặt tốt và tha thứ bớt cho những mặt xấu của họ. Một con người dù có xấu đến đâu vẫn có những mặt tốt mà ta cần học tập. Đừng thấy bóng mình to mà tưởng mình vĩ đại, để khi về hưu còn lại những kỷ niệm đẹp, để lại nhớ nhung cho nhau. Tiền bạc là phù du, chức quyền là tạm thời, vinh quang là dĩ vãng, chỉ có sức khỏe và tình người là có thật, là của mình, thiết nghĩ phải sống với nhau cho tốt hơn, rồi tất cả sẽ trở về với cát bụi.

Vua Ngô ba sáu tấn vàng

Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì

Chúa Chổm mặc nợ tỳ tỳ

Chết xuống âm phủ kém gì Vua Ngô

Dù có giàu sang đến đâu, mỗi ngày cũng chỉ ăn được 3 bữa, mặc 3 bộ quần áo, tối chỉ ngủ được trên một chiếc giường. làm giàu là tốt thôi, nhưng đừng làm giàu bằng mọi giá. Con người ta nhiều khi biết đủ là đủ, nhiều khi phải biết tự bằng lòng với những gì mình có, khi không thể làm khác hơn. Cuộc đời đừng nên thù hận, lấy ân trả oán thì oán tiêu tan, nhiều khi oán biến thành ân. Lấy oán trả oán, thì oán chồng chất. Ở đời để oán cho nhau làm gì? Tại sao không để lại ân nghĩa cho nhau? Cuộc đời nhiều khi năm sáu bỏ làm chín mười, gây khó khăn cho nhau làm gì. Nhà thơ Tố Hữu có viết “Người với người sống để yêu nhau”, có người nói đó là sáo rỗng, đó là hoang tưởng, đó là lừa nhau.. Nhưng tôi cho rằng sự thật thì nên như vậy. Con hổ không bao giờ ăn thịt hay đe dọa con của mình, không bao giờ làm hại đồng loại, huống chi con người. Hãy để cho phần người chi phối phần con, mà hướng tới sự tốt đẹp phần người. Nếu phức tạp với cuộc đời, thì cuộc đời sẽ phức tạp với mình. Hãy bao dung với cuộc đời, thì cuộc đời sẽ bao dung với mình, âu đó cũng là quy luật nhân quả của muôn đời. Được thua giàu nghèo âu là số phận, suy nghĩ dằn vặt làm chi cho khổ chút đời, hãy để cho tâm hồn thanh thản. Thói đời là vậy, nhưng hãy tránh xa những thói đời “Xưa trắng tay gọi nhau bằng hữu, giờ giàu sang quên kể tâm giao..Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử; hết cơm, hết rượu, hết ông tôi.. Thớt có tanh tao ruồi đỗ đến, giang không mật mỡ kiến bò chi..”

Vẫn biết rằng nhiều khi giếng trong, nước ngọt sẽ bị cạn nước, cây cao gỗ tốt sẽ bị chặt trước. Thẳng thẳng quá hay mất lòng, nguyên tắc quá hay lỡ việc. Trong cuộc sống không tránh khỏi những bon chen, kèn cựa của thói đời. Nhưng hãy biết chấp nhận nó để cố gắng tạo cho mình thanh thản, bình thường hóa mọi chuyện, kể cả chuyện sống chết. Cuộc đời nếu biết hơn người thì tha thứ cho họ, khi họ mỉa mai nguyền rủa ta.

Ở đời đừng nên báo thù, hãy trao tặng nhau những nụ cười, một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ, đó là liều thuốc tốt nhất mà tạo hóa chỉ ban tặng riêng cho con người. Nụ cười không mất tiền mua, nhưng không mua được, không vay được, không mượn được, không xin được hay ăn cắp được, nhưng cho được. Người cho không mất đi mà được lợi, người nhận lại càng được lợi nhiều hơn. Nếu ai không bao giờ nở một nụ cười, thì cần cho họ thật nhiều nụ cười. Nhưng chỉ cần cười vui tươi, cười hạnh phúc, đừng cười châm biếm, mỉa mai, đừng cười đau đớn, cười ra nước mắt. Một nụ cười thân thiện, một ánh mắt cảm thông, một lời nói an ủi, một bàn tay vỗ về đó là món quà vô giá mà biết bao người đang chờ đợi ở chúng ta. Tục ngữ nói, muốn ăn gắp bỏ cho người, những điều mình thích thì có lẽ mọi người đều thích, điều mình không thích thì có lẽ nhiều người đều không thích, đừng bắt người ta làm cái mà người ta không thích, như mình cũng vậy thôi. Đừng đếm nỗi buồn và sự thất bại, mà nên đếm có bao nhiêu niềm vui và sự hạnh phúc.

Cuộc đời không được “dẫm đạp” lên dư luận mà sống như quan điểm của một số người. Cần phải lắng nghe dư luận nhưng phải chọn lọc, nếu vì dư luận mà không dám quyết đoán một việc gì cả thì thật đáng buồn và suốt đời chỉ là bác thợ mộc kém cỏi, vụng về đẽo cày giữa đường và không làm được một việc gì có ích cả.

Trong thực tế khó có một quyết định lại thỏa mãn được yêu cầu của tất cả mọi người. Ngay trong một gia đình đã khó, huống chi những vấn đề liên quan đến nhiều người, vấn đề phải quyết định càng rộng lại càng khó thỏa mãn hơn.chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng vậy, không thể có một văn bản pháp luật hay chính sách nào có thể thỏa mãn lợi ích của tất cả mọi người, chỉ có thể tiếp cận đến nó mà thôi. Phải chấp nhận cái chung, trong cái chung nào cũng có cái riêng, không thể có một cái chung nào cũng có cái riêng, cái riêng rộng hơn cái chung, nó bao hàm cái chung, cái chung nằm trong cái riêng, không thể có một cái chung nào thỏa mãn mọi cái riêng. Không có bất cứ một vĩ nhân nào dám nói rằng mình được sự đồng thuật của tất cả mọi người. Chúng ta không quên quá khứ, nhưng đừng sống với quá khứ, với kỷ niệm. Quá khứ chỉ là cái đến trước tương lai, chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng có thể thay đổi được tương lai, sẽ có một tương lai tốt đẹp, ngược lại sẽ có một tương lai đầy thất vọng cho chúng ta. Tất nhiên để có những quyết định chính xác cho tương lai, không phải là vấn đề dễ dàng.

Cuộc đời đừng nhìn thấy cây mà không nhìn thấy rừng. Hãy đối xử với nhau bằng tấm lòng nhân ái, vì đời người thì quá ngắn, nhưng kiếp người thì dài lê thê, đừng cho cuộc đời là bể khổ. Đừng tiêu cực với đời như Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người; Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Đừng như lão Hạc, thế cũng xong một kiếp người. Vẫn biết rằng cuộc đời bây giờ đâu còn chuyện hoang đường, một túp lều tranh với hai trái tim vàng, vẫn biết rằng con người ta không thể có hạnh phúc trong nghèo nàn và túng quẫn. Giá trị của một con người chưa phải được đo bằng thời gian sống, quyền cao chức trọng, hay lắm của nhiều tiền.. mà thực ra được đo bằng những gì mình để lại cho đời. Hãy cố gắng để lại cho đời một chút gì dù rất nhỏ, để mai sau được thanh thản khi trở về với cát bụi. ở đời làm phúc cho ai được cái gì thì hãy làm, cứu một mạng người phúc đẳng hà sa.

Đời người ta, vay của cha mẹ để trả cho con cái,vậy nên suốt đời ta măc nợ mẹ cha ta, và cũng đừng mong chờ nhận lại, dựa dẫm nhiều vào con cái, nhất là về vậ chất. Con cái chăm ngoan, biết yêu thương cha mẹ, thương con của chúng, và tốt hơn là thành đạt, đó là món quà báo đáp cho ta, là phần nào ta đã trả được sự thiếu thốn, sự ân hận của mình đối với mẹ cha ta. Chúng ta đừng buộc con cái của chúng ta phải suy nghĩ, làm việc, ứng xử.. hoàn toàn theo lối tư duy, cách đây mấy chục năm, ở cái thời thiếu thốn, nghèo đói của chúng ta, vì tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, tư tưởng và nhận thức của con người thay đổi theo từng thời đại. sự đời là vậy, biết không công bằng, nhưng không thể làm khác hơn. Ai cũng biết rằng “Dù đi cho trọn cuộc đời; vẫn không đi hết những lời mẹ ru.. Còn cha gót đỏ như son; Đến khi cha thác gót con đen sì.. Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ; gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha; Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ; mây trời lồng lộng không phủ kín tình cha”.

Bỏ đa sầu, đa cảm, điều vui tươi là liều thuốc sống. Trong điều kiện hiện nay khi khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin phát triển nhanh, các quan điểm cuộc sống, về giá trị đạo đức có phần thay đổi, con cái có thể có nhiều suy nghĩ, quan điểm khác xưa, đó cũng là quy luật của tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội nói trên. Trước đây chúng ta chỉ mong ăn no, mặc ấm, ngày nay thì chỉ cần ăn ngon, mặc đẹp. Ngày xưa thì mơ ước ngôi nhà ngói và chiếc xe đạp, ngày nay thì mong ước biệt thự, xe hơi. Chúng ta cần phải hiểu và chia sẻ với con cái của chúng ta. Bố của nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ là một vị quan lớn của triều đình, nhưng Hoàng Văn Thụ vẫn quyết tâm từ bỏ cuộc sống giàu sang nhung lụa, để chấp nhận một cuộc sống gian khổ, thậm chí hy sinh để làm cách mạng vì dân, vì nước. Trong sự đấu tranh giữa chữ hiếu với tình thương nòi giống, Hoàng Văn Thụ đã xin lỗi cha: “Thôi từ nay hai chữ cương thường; Con xin hạ để tôn thờ Tổ Quốc”. Thời phong kiến và theo đạo Khổng, các mối quan hệ tam cương, ngũ thường là những mối quan hệ quan trọng nhất trong ứng xử của người với người trong cuộc sống. Tam cương là mối quan hệ như dây cương, vua tôi, cha con, vợ chồng. Ngũ thường là quy phạm về chuẩn mực đạo đức: trung, hiếu, lễ, nghĩa, đạo. Đây là mối quan hệ để một số nhà tư tưởng cho rằng Nhà nước chỉ cần quản lý xã hội bằng đức trị, do các chuẩn mực đạo đức điều chỉnh mọi hành vi của con người.

Hôm nay khi đi tập thể dục buổi sáng về, những dòng suy tư cứ vẩn vơ, tôi vội ghi lại những dòng này cho kịp giờ đi làm ở cơ quan.

Đời người lạ kỳ lắm!


Bài viết khác