Liên kết Doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho SV Nông Lâm - Trường ĐH Kinh tế NA

             Thực hiện sáng kiến mô hình liên kết với doanh nghiệp là một hướng đi đúng, hiệu quả, nâng cao được chất lượng đào tạo tại Khoa Nông Lâm, trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Để nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở đào tạo cần liên kết với các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm huy động được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, kỹ sư thường xuyên tiếp cận được những công nghệ sản xuất hiện đại và có nhiều kinh nghiệm sản xuất của các doanh nghiệp tham gia giảng dạy đồng thời sinh viên có thể được học thực hành trên những thiết bị hiện đại của doanh nghiệp mà cơ sở đào tạo không thể có được. Các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp có thể áp dụng mô hình liên kết thích hợp tuỳ vào các điều kiện giảng dạy và sản xuất của mình.

LIÊN KẾT NHÀ TRƯỜNG VỚI DOANH NGHIỆP ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM  CHO SINH VIÊN KHỐI NÔNG LÂM, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ NGHỆ AN 

 

Trương Quang Ngân

Trưởng Khoa Nông lâm, Đại học Kinh tế Nghệ An

 

1. Đặt vấn đề  

     Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đòi hỏi phát triển thị trường lao động theo thể chế kinh tế thị trường là vô cùng bức thiết và phải đặt lên hàng đầu. Để phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực (Trường đại học) và nơi sử dụng nguồn nhân lực (Doanh nghiệp) phải có tiếng nói chung, có quan điểm đổi mới, để cùng nhau bàn bạc, chia sẻ trách nhiệm (Hoàng Dương Hùng, 2012). Như thế mới có thể thực hiện hiệu quả sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, đạt về chất lượng. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay việc thực hiện "Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng nhu cầu xã hội do Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chỉ đạo thì  vấn đề liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp càng trở nên cấp thiết. Mặt khác trong hoạt động đào tạo tại các cơ sở giáo dục rất cần việc tiếp cận các kiến thức kỹ thuật, công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, giảm thải ô nhiễm môi trường... mà bản thân cán bộ giảng dạy của các trường nếu không tìm tòi thì rất khó tiếp cận, trong lúc đó các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hiện nay đang đầu tư công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật mới. Hơn nữa, các trường nếu thực hiện đào tạo và nghiên cứu độc lập không gắn kết với thực tiễn xuất thì sản phẩm đào tạo không đáp ứng được yêu cầu xã hội. Tuy nhiên, hiện nay mối quan hệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp chưa thực sự được gắn kết nhất là chưa có định hướng rõ ràng trong vấn đề hợp tác hai chiều. Do vậy các trường đại học mà nhất là các trường đại học địa phương và các doanh nghiệp của địa phương cần thống nhất mục tiêu đào tạo, cam kết hồ trợ và tuyển dụng cũng như phối hợp trong việc tư vẩn tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi.

     Khoa Nông Lâm Ngư, trường Đại học Kinh tế Nghệ An cũng không phải là một ngoại lệ, trong giai đoạn trước năm 2015 công tác đào tạo của khoa bên cạnh những thành tích đã đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: kiến thức thực tiễn của giảng viên, sinh viên còn hạn chế, thiết bị thực hành thực tập thiếu thốn, chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn thấp, công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, thu hút nguồn lực xã hội hóa từ Doanh nghiệp còn hạn chế, công tác đào tạo chưa đáp ứng được các yêu cầu đổi mới, các doanh nghiệp không có cơ hội để tiếp cận tuyển dụng tại trường. Do vậy, từ năm 2015 đến nay một trong giải pháp đã được triển khai là “Liên kết với doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh để phối hợp tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi khi tốt nghiệp”, kết quả của mô hình đã khắc phục được các tồn tại hạn chế nêu trên, từ đó Khoa Nông Lâm Ngư trở thành đơn vị tiêu biểu của trường Đại học Kinh tế Nghệ An trong giai đoạn 2015 - 2018.     

2. Nội dung giải pháp, phương pháp thực hiện

2.1. Nội dung giải pháp

     Khoa/Bộ môn và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để thương thảo để thống nhất về chủ trương liên kết đào tạo và ký kết ghi nhớ với các nội dung sau đây:

     - Phối hợp xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, chương trình thực hành, thực tập theo từng nội dung đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và kế hoạch mục tiêu đào tạo của nhà trường.

     - Phối hợp trong công tác tuyển sinh: Định kỳ hàng năm khoa chủ động gửi kế hoạch tuyển sinh với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, để tuyển sinh các bậc học, ngành học hiện nay của nhà trường và của khoa.

     - Khoa/bộ môn chịu trách nhiệm giảng dạy phần lý thuyết, chuyên gia hoặc cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp đảm nhận phần giảng dạy lý thuyết thực tế, thực hành chuyên sâu các kỹ thuật - công nghệ có liên quan đến chuyên môn tại cơ sở.

     - Phối hợp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo năng lực thực hiện và theo chuẩn công nghiệp để chất lượng sau khi tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, không phải đào tạo bổ sung, đào tạo lại.

     - Mời các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia tập huấn các kinh nghiệm khoa học, kỹ thuật, tham gia đánh giá góp ý cho việc xây dựng chương trình đào tạo.

     - Tổ chức, cam kết tuyển dụng việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

     - Huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp để trao học bổng, hỗ trợ sinh viên học tập, giảng dạy kỹ năng mềm cho sinh viên, hỗ trợ kinh phí thực hành, thực tập tại cơ sở.   

2.2. Phương pháp thực hiện giải pháp, số lượng đơn vị liên kết

        - Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể giao nhiệm vụ đến từng cán bộ, giảng viên, trước tiên các đồng chí Đảng viên, trưởng khoa, trưởng bộ môn tiên phong chịu trách nhiệm triển khai thực hiện, sau đó cán bộ, quần chúng đăng ký thực hiện để liên kết các đầu mối triển khai thực hiện nội dung các giải pháp.

       - Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện giải pháp theo tháng, theo quý và cả năm, gắn liền với công tác xét thi đua hàng tháng, hàng năm, cũng như xếp loại đảng viên trong chi bộ hàng năm. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, động viên khuyến khích cán bộ giảng viên thực hiện.

      - Số lượng đơn vị đã liên kết, giai đoạn 2015 đến tháng 3/2019 khoa Nông Lâm đã liên kết được với 67 đơn vị, trong đó, điển hình là Công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh, Công ty cổ phần thức ăn Greendfeed Việt Nam, Tập đoàn DeHues Hà Lan, Công ty cổ phần thuốc Thú y Marphavet, Phổ Yên, Thái Nguyên, Các trung tâm nghiên cứu: Trung tâm nghiên cứu Dê và Thỏ Sơn Tây, Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, Trung tâm tinh đông lạnh Moncada, trung tâm giống gia cầm Thụy Phương…, các chi cục Thú y, trạm Thú y các huyện trong địa bàn các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Hòa Bình, các trang trại chăn nuôi tư nhân (địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Nam), công ty ANOVA TECH, Công ty CP mía đường Sông con, Công ty Cổ phần Hải Nguyên, Công ty Tài nguyên Môi trường Đông Á, Công ty Môi trường Á Châu; Công ty Lâm nghiệp, Vườn quốc gia, Văn Phòng Đăng ký Đất đai, Phòng Tài nguyên môi trường, Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Đại học Lâm Nghiệp, Đại học Nông Lâm Bắc Giang, Khoa Nông Lâm Đại học Vinh, Đại học Hà Tĩnh, các viện Nghiên cứu (Báo cáo Khoa Nông Lâm, 2019).

3. Kết qủa đạt đưc   

3.1. Đối với cơ sở đào tạo (Khoa/bộ môn)

     - Thay đổi được tư duy, thói quen của cán bộ giảng viên trong khoa: Cán bộ giảng viên trong khoa đã ý thức được trách nhiệm, thay đổi thói quen, tư duy đổi mới, cán bộ giảng viên luôn tận tâm với công việc, đồng lòng đồng thuận để hoàn thành nhiệm vụ được giao, chủ động trong công việc, tích cực học tập nâng cao trình độ, cũng như tăng cường các hoạt động đối ngoại để liên kết.  

     - Nâng cao chất lượng đào tạo: Từ năm 2015 - 2018 trung bình mỗi lớp sinh viên được bố trí từ 2 đến 3 lần xuống học tập tại cơ sở, để thực hành, thực tập. Từ đó hiệu quả đạt được trong học tập của sinh viên rất lớn, trình độ tay nghề của sinh viên được nâng cao, sinh viên tiếp cận được quy trình, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, tạo được sự thích thu trong học tập và nghiên cứu khoa học. Kết quả học tập của sinh viên từ khá trở lên tăng từ 10 đến 15 % so với giai đoạn trước.

     - Tiết kiệm kinh phí thực hành thực tập: So với giai đoạn trước do việc tổ chức thực hành thực tập tại trường, nên nhà trường phải đầu tư kinh phí. Nhưng từ khi thực hiện các giải pháp liên kết, do kết hợp, khai thác được trang thiết bị máy móc, cũng như vật liệu tại các cơ sở liên kết nên kinh phí thực tập nhà trước được tiết kiệm ước giảm khoảng 15 đến 20 %.

     - Thu hút nguồn lực xã hội hóa: Từ khi thực hiện các giải pháp đến nay khoa đã thu hút được nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên thông qua việc cấp học bổng, đào tạo kỹ năng mềm, kinh phí học tập, thực hành, thực tập, đi lại mỗi năm trung bình 50 đến 100 triệu đồng. Bình quân mỗi năm khoa được tài trợ để mở lớp kỹ năng mền (1 lớp 200 sinh viên theo học) do chuyên gia cấp trung ương về giảng dạy.   

     - Giới thiệu việc làm: trung bình mỗi năm khoa đã giới thiệu và kết nối giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đạt tỷ lệ rất cao. Riêng ngành Thú y 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm, chủ yếu các doanh nghiệp tuyển dụng tại trường trong lễ bế giảng. Các ngành khác có tỷ lệ việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 75%.

     - Nâng cao vị thế, quảng bá thương hiệu nhà trường: Nhà trường cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn vững vàng cho doanh nghiệp, nâng cao thương hiệu cho trường, quảng bá cho hình ảnh của trường, chủ động trong việc xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn, yêu cầu của doanh nghiệp.

     - Tăng được quy mô đào tạo: Do thực hiện tốt các giải pháp của mô hình, nên trong giai đoạn qua khoa Nông Lâm đã thu hút được nhiều sinh viên theo học, tăng được quy mô học sinh, sinh viên trong điều kiện công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.

3.2. Đối với Doanh nghiệp

     Có được đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật với số lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo...đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp, giảm tối đa chi phí và thời gian đào tạo lại.

3.3. Đối với người học

     - Tốt nghiệp ra trường có cơ hội được các doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc ngay.

     - Được hỗ trợ từ phía doanh nghiệp (các doanh nghiệp thường hỗ trợ vật tư cho các khóa đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí đào tạo kỹ năng mềm, học bổng khuyến khích học tập).

4. KẾT LUẬN

     Thực hiện sáng kiến mô hình liên kết với doanh nghiệp là một hướng đi đúng, hiệu quả, nâng cao được chất lượng đào tạo tại Khoa Nông Lâm, trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Để nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở đào tạo cần liên kết với các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm huy động được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, kỹ sư thường xuyên tiếp cận được những công nghệ sản xuất hiện đại và có nhiều kinh nghiệm sản xuất của các doanh nghiệp tham gia giảng dạy đồng thời sinh viên có thể được học thực hành trên những thiết bị hiện đại của doanh nghiệp mà cơ sở đào tạo không thể có được. Các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp có thể áp dụng mô hình liên kết thích hợp tuỳ vào các điều kiện giảng dạy và sản xuất của mình.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016).“Báo cáo tổng hết hoạt động KH&CN giai đoạn 2010- 2015", Hà Nội.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018). Chỉ thị số 2919/CT-BGDĐT ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, “Chỉ thị về nhiệm vụ năm học 2018-2019 của ngành giáo dục”, Hà Nội. 
  3. Hoàng Dương Hùng (2012). Giải pháp tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực. Kỷ yếu hội thảo khoa học, trường Đại học Hà Tĩnh, tháng 5 năm 2012, tr.58-61.
  4. Khoa Nông Lâm Ngư (2019). “Báo cáo mô hình học tập và làm theo phong cách, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh”. 

Bài viết khác