Hội đồng trường Đại học Kinh tế Nghệ An tham dự Hội nghị trực tuyến Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường

          Một trường đại học chắc chắn sẽ lớn mạnh hơn khi sức mạnh của Hội đồng trường được phát huy tốt nhất. Do hoạt động độc lập theo cơ chế dân chủ tập thể nên Hội đồng trường sẽ phát huy tối đa vai trò tư vấn, giám sát, định hướng kế hoạch phát triển nhà trường. 

          Ngày 26/5, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường.

          Tham dự tọa đàm có TS. Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; Các Phó Chủ tịch Hiệp hội; PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học; GS Trần Diệp Tuấn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường cùng 123 Chủ tịch Hội đồng trường, Lãnh đạo 18 trường Đại học, Cao đẳng sư phạm đang thành lập Hội đồng trường và  02 đại biểu Quốc hội tham dự.

          Đầu cầu trường Đại học Kinh tế Nghệ An có ông Nguyễn Đình Tường Chủ tịch Hội đồng trường; TS Trương Quang Ngân Phó Hiệu trưởng, thành viên Hội đồng trường; TS  Đặng Thị Thảo thư ký Hội đồng trường.

Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường – tổ chức trực tuyến

          Buổi tọa đàm ghi nhận những chia sẻ, ý kiến đóng góp của các trường, nêu kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp Hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về những giải pháp tháo gỡ khó khăn mà các cơ sở giáo dục đang gặp phải.

          Theo chia sẻ của đại diện các trường thành viên trong Câu lạc bộ, thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập các văn bản nhà nước về Chủ tịch Hội đồng trường. Chưa có văn bản quy định rõ mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu, chưa phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng trường và Hiệu trưởng.

          Hiện nay các văn bản của nhà nước mới chỉ có Luật Giáo dục đại học sửa đổi và Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Các nghị định, thông tư khác có liên quan chưa theo kịp. Các nội dung về trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường trong Luật 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP còn khá chung chung, cần làm rõ hơn trong Nghị định để Hội đồng trường thực hiện tốt và đúng vai trò.

          Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, nếu còn say sưa với chế độ tập quyền thì sự tồn tại của Hội đồng trường không có ý nghĩa gì.

          Kiên quyết từ bỏ tư duy về cơ quan chủ quản thì mới có tự chủ đại học đích thực, phải xác định cụ thể là trao quyền cho Hội đồng trường. Bên cạnh đó, cần phải có một hệ thống các văn bản pháp lý nhất quán phù hợp với xu hướng trao quyền tự chủ cho các trường. Nhà nước cũng cần sớm xây dựng bộ khung quy tắc ứng xử trong quản lý điều hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ giữa Đảng ủy- Hội đồng trường - Ban giám hiệu – Cơ quan quản lý nhà nước.

          Từ thực tiễn nêu trên, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường nêu ra 7 đề xuất, kiến nghị để thúc đẩy và phát triển tự chủ đại học.

1-Trong hoàn cảnh hành lang pháp lý chưa thông thoáng, còn chồng chéo, cần ban hành một Nghị định riêng cho các trường đại học tự chủ, những trường đại học đã thực hiện xây dựng được Hội đồng trường theo Luật 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

2- Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tác động Chính phủ chia sẻ để các cấp lãnh đạo ở các bộ, các tỉnh hiểu hơn về vai trò, quyền hạn của Hội đồng trường.

3- Cần thực hiện Hội nghị sơ kết đánh giá việc thực hiện Luật 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP về tự chủ đại học.

4- Cần tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản, đảm bảo trao quyền tự chủ cho các trường, phát huy vai trò, quyền lực của Hội đồng trường.

5- Trong trường hợp chưa thể ban hành nghị định mới thì nên có thông tư liên tịch khi hệ thống văn bản pháp lý còn chồng chéo đang gây khó khăn cho các trường thực hiện cơ chế tự chủ.

6- Do vấn đề quản lý đối với các trường cao đẳng chưa được nhất quán nên cần phải có thông tư hướng dẫn và mở rộng cơ chế tự chủ đối với các trường cao đẳng.

7- Cần đẩy mạnh công tác truyền thông, thay đổi tư duy nhận thức về vai trò của Hội đồng trường đến xã hội, các cấp lãnh đạo và trong từng nội bộ cơ sở.

          Ngoài ra, các trường phải phát huy, thực hiện tốt nhất có thể trong quy định của Luật 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP về vấn đề tự chủ Đại học, tổ chức sân chơi chung, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, học tập lẫn nhau, đặc biệt trong việc giải quyết mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu.

          Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, PGS.TS  Nguyễn Thu Thủy Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, chắc chắn chúng ta sẽ phải hoàn thiện về mặt cơ chế, chính sách cho phù hợp, giúp các trường thực hiện tốt cơ chế tự chủ.

          Với những vướng mắc mà các trường chia sẻ, Vụ Giáo dục Đại học đang đề xuất lên Chính phủ, kết hợp với việc sửa Nghị định 141/2013/NĐ-CP, sẽ sửa thêm một số điều đang vướng mắc nhiều nhất cho các trường trong Nghị định 99/2019/NĐ-CP, để Chính phủ hiểu những vấn đề cấp bách cần tháo gỡ trong hành lang pháp lý về tự chủ đại học để Hội đồng trường ngày một phát triển và thực hiện đúng chức năng tư vấn, giám sát đưa hoạt động điều hành của trường hiệu quả hơn so với trước đây.

Tin bài: Vân Diên (Ban truyền thông).


Bài viết khác