Trường Đại học Kinh tế Nghệ An tham dự hội nghị trực tuyến Tổng kết 8 năm thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức

          Sáng 18/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết 8 năm thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2021. Hội nghị tổ chức nhằm đánh giá những kết quả thực hiện trong những năm qua và đưa ra phương hướng nhiệm vụ cho thời gian tới về việc thực hiện xây dựng xã hội học tập.

          Tham dự Hội nghị trực tuyến Các đồng chí: Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Trần Xuân Bí - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh và các đồng chí đại diện lãnh đạo Sở, Ban, Ngành liên quan. Về phía Trường Đại học Kinh tế Nghệ An có TS. Trương Quang Ngân  - Phó hiệu trưởng nhà trường tham dự hội nghị.

Đầu cầu Nghệ An tham dự Hội nghị trực tuyến

          Đề án “Xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2012 – 2020” được triển khai từ năm 2013 với 4 mục tiêu chính, đó là xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; kết quả học tập nâng cao trình độ Tin học, Ngoại ngữ; kết quả học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề lao động có hiệu quả hơn; hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn.

          Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn tổng kết đề án 89 và báo cáo một số kết quả như sau:

          Tính đến tháng 12 năm 2020: có 34/63 tỉnh, thành phố đạt được mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; 22/63 tỉnh, thành phố đạt được mục tiêu nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ; 19/63 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề lao động có hiệu quả hơn và có 51/63 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn.

TS. Trương Quang Ngân – Phó hiệu trưởng Trường Đai học Kinh tế Nghệ An (người ngoài cùng bên phải) tham dự Hội nghị trực tuyến

          Trong thời gian tới, để đề án hiệu quả thì cần phải có sự đổi mới trong quá trình hoạt động và phương pháp thực hiện. Trọng tâm là phải xác định được rõ vai trò của các thành tố và các bên liên quan của quá trình xây dựng xã hội học tập và mỗi người phải nhận thức được nhu cầu hoạt động để phát triển bản thân. Đồng thời các cá nhân phải được tạo điều kiện học tập cũng như được ghi nhận về thái độ học tập.

          Các cơ sở giáo dục cũng phải đóng vai trò then chốt trong sự phát triển xã hội học tập. Bên cạnh đó, cũng phải có sự tham gia của các doanh nghiệp để tạo động lực cho sự phát triển của xã hội học tập.Thời gian tới, Bộ sẽ đánh giá lại mô hình Trung tâm GDTX và các Trung tâm học tập cộng đồng để củng cố các thành tố sao cho hoạt động hiệu quả.

          Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, để xây dựng xã hội học tập thì cần tăng cường hệ thống học tập từ xa, gia tăng nguồn dữ liệu tài nguyên số phục vụ cho việc học tập thường xuyên…

          Trong giai đoạn tới, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” đặt mục tiêu tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập theo hướng hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục suốt đời có chất lượng.

          Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Xây dựng xã hội học tập không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Giáo dục mà là của cả hệ thống chính trị, và Bộ Giáo dục và Đào tạo có vai trò nòng cốt, quan trọng. Qua 8 năm thực hiện Đề án 89 đã có nhiều kết quả quan trọng cho việc xây dựng hình thành xã hội học tập. Điều đó cho thấy, đây là một chủ trương được ban hành kịp thời và đi vào thực tiễn.

Tin bài: Kim Dung (Ban Truyền thông).


Bài viết khác