Hội thảo rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên

Trong 02 ngày 11,12/4/2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên tại Trường Đại học Hải Phòng với hơn 100 trường đại học, cao đẳng khu vực miền Bắc và Bắc miền Trung.

 

         Trong 02 ngày 11,12/4/2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên tại Trường Đại học Hải Phòng với hơn 100 trường đại học, cao đẳng khu vực miền Bắc và Bắc miền Trung.

          Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học đang thực hiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư liên tịch số 28/2015/TTLT-BGDĐT-BNV. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều bất cập do các văn bản khác cao hơn đã quy định một số nội dung mà hai thông tư nói trên không còn phù hợp như: Luật Giáo dục đại học sửa đổi đã được thông qua ngày 19/11/2018 (Luật số 34/2018/QH14); Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức; Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Quyết định 37/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/8/2018 quy định về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

          Nội dung hội thảo tập trung ý kiến bổ sung về dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, trong các trường cao đẳng sư phạm công lập; Thông tư hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.

         

Các cơ sở giáo dục đại học đã đề xuất một số nội dung để Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét trước khi ban hành thông tư như:

          - Khi xác định vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bám theo Luật Giáo dục đại học, không nên dựa nhiều nội dung vào Luật viên chức; có tính linh hoạt đối với các vị trí việc làm không nên quy định cứng nhắc các nhóm, để quyền chủ động cho các trường;

          - Khi xây dựng các hạng của giảng viên (giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp) và xếp lương của giáo sư, phó giáo sư thực hiện theo một trục có sự liên thông;

          - Quy định về bổ nhiệm giảng viên chính, giảng viên cao cấp, phó giáo sư và giáo sư phải phù hợp với thực tế và nên quy định tỷ lệ tối thiểu của các cơ sở giáo dục theo hạng trường, nên quy định tỷ lệ giảng viên chính tại các cơ sở đào tạo đại học tối thiểu từ 20-25% số giảng viên;

          - Có những nhóm giảng viên trợ giảng, kỹ thuật viên, những người có kiến thức thực hành tốt...thì sắp xếp lương theo nhóm nào cho phù hợp, nên quy định cụ thể trong thông tư để các cơ sở áp dụng;

          - Tiêu chuẩn để xét giảng viên chính, giảng viên cao cấp cao hơn tiêu chuẩn để xét điều kiện phong hàm giáo sư, phó giáo sư là chưa hợp lý;

          - Đối với những giảng viên là giáo sư khi xét bổ nhiệm giảng viên cao cấp không nên quy định cụ thể (như số bài báo, nghiên cứu...), nên giao cho các trường quy định để sử dụng tối đa những giáo sư có uy tín;

          - Đề nghị nên xây dựng khung năng lực giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên cao cấp để các trường xây dựng khung riêng của các trường nhưng không thấp hơn quy định của Bộ.

          Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Hải Thập, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận các ý kiến đóng góp và cùng ban soạn thảo làm việc với các ngành liên quan để hoàn chỉnh dự thảo sớm nhất.

Ảnh, tin bài: Nguyễn Đình Tường- Trưởng phòng TCHC


Bài viết khác