60 năm truyền thống xây dựng và phát triển

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ NGHỆ AN

60 năm truyền thống xây dựng và phát triển

Hiệu trưởng: TS. Dương Xuân Thao

 

      Tiền thân là các trường trung cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, qua nhiều lần sáp nhập, năm 2005 nâng cấp lên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An, năm 2014 tiếp tục được nâng cấp lên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Với 60 năm truyền thống xây dựng và phát triển, Nhà trường đã trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.

Từ những trường trung cấp

Năm 1960, trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đồng loạt thành lập nhiều trường trung cấp để góp phần cùng cả nước thực hiện hai mục tiêu chiến lược là xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, thực hiện kế hoạch xây dựng xây dựng đất nước 5 năm lần thứ nhất.

Về khối trường Tài chính có Trường Trung cấp Tài chính Nghệ An và Trường Trung cấp Tài chính Hà Tĩnh. Năm 1976, sáp nhập hai trường thành Trường Trung cấp Kinh tế Nghệ An. Nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo trình độ trung cấp kế toán cho các ngành công nghiệp, xây dựng cơ bản, tiểu thủ công nghiệp, hành chính sự nghiệp. Từ năm 1980, Nhà trường đào tạo thêm ngành thuế phục vụ cho công tác quản lý thu thuế.

Về khối trường Nông - Lâm nghiệp có các trường: Trường Trung cấp Nông nghiệp I, Nghi Vạn, Nghi Lộc; Trường Trung cấp Nông nghiệp, Nghĩa Khánh, Nghĩa Đàn; Trường Thủy lợi; Trường Trung cấp Nông Lâm; Trường Trung cấp Nông nghiệp Hà Tĩnh; Trường Quản lý Hợp tác hóa Hà Tĩnh; Trường Hợp tác hóa Nông nghiệp Hà Tĩnh; Trường Hợp tác hóa Nghệ An; Trường Trung cấp Nông nghiệp Nghệ An; Trường Trung cấp Nông nghiệp Nghệ An 2; Trường Kỹ thuật Nông nghiệp Hà Tĩnh; Trường Trung cấp Nông Lâm Miền núi Nghệ An; Trường Trung cấp Thủy lợi,… Sau nhiều lần hợp nhất, năm 1997 Trường Trung cấp Nông Lâm Nghệ An được thành lập với nhiệm vụ đào tạo trình độ trung cấp các ngành trồng trọt, BVTV, chăn nuôi thú y, quản lý đất đai, lâm nghiệp, thủy lợi, cơ điện,…

Về khối trường Thương mại có các trường: Trường Trung cấp Thương nghiệp; Trường Quản lý nghiệp vụ và Hợp tác xã mua bán; Trường Dạy nghề ăn uống, khách sạn,… Năm 1976, khi sáp nhập 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thì 2 trường dạy nghề thương nghiệp của 2 tỉnh cũng được sáp nhập thành Trường dạy nghề thương nghiệp Nghệ Tĩnh. Năm 1982, Trường hợp nhất với Trường Ăn uống (thuộc Công ty Ăn uống Nghệ Tĩnh) thành Trường Dạy nghề Thương nghiệp. Năm 1988, Trường được nâng cấp lên thành Trường Trung cấp Thương nghiệp.

Về khối Kinh tế kế hoạch có Trường Công nghiệp địa phương thuộc Ty Công nghiệp tỉnh Nghệ An (do Bộ Công nghiệp Nhẹ thành lập năm1964). Năm 1974, UBND tỉnh thành lập Trường Nghiệp vụ kế hoạch trên cơ sở sáp nhập luôn cả Trường Công nghiệp địa phương. Năm 1976, khi 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập thành Nghệ Tĩnh thì Trường cũng sáp nhập với Trường Kế hoạch Hà Tĩnh thành Trường Trung cấp Kinh tế Kế hoạch Nghệ Tĩnh. Năm 1988, Trường sáp nhập với Trường Trung cấp Tài chính Nghệ Tĩnh thành Trường Trung cấp Kinh tế Nghệ Tĩnh.

Do nhu cầu phát triển của xã hội, các trường trung cấp chuyên nghiệp cần được hợp nhất để tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, học tập đáp ứng yêu cầu mới. Năm 1988, Trường Trung cấp Tài chính Nghệ Tĩnh và Trường Trung cấp Kế hoạch Nghệ Tĩnh sáp nhập thành Trường Trung cấp Kinh tế Nghệ Tĩnh. Năm 1991 tách tỉnh, Trường đổi tên thành Trường Trung cấp Kinh tế Nghệ An. Năm 1993, Trường sáp nhập thêm Trường Trung cấp Thương nghiệp Nghệ An. Năm 1998, Trường lại sáp nhập thêm Trường Trung cấp Nông Lâm và đổi tên thành Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An.

Lên trường cao đẳng

Sau hơn một thập kỷ đổi mới (từ 1986), các thế hệ học sinh được đào tạo ở bậc trung cấp không còn đáp ứng được nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về trình độ quản lý tài chính trong nền kinh tế thị trường. Xã hội ngày càng phát triển, năng lực làm việc của người lao động nâng lên, việc tiếp nhận lao động ở các cơ sở đều ưu tiên cho đối tượng có bằng từ bậc cao đẳng trở lên. Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất và dân số đứng thứ tư cả nước (gần 3 triệu người) nhưng chưa có trường cao đẳng nào đào tạo trên lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật để cung cấp đội ngũ cán bộ cho xã hội. Nắm bắt nhu cầu này, trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật Nghệ An đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng lên bậc cao đẳng nhằm thỏa mãn nhu cầu thực tiễn. Xu hướng, trào lưu chung của xã hội vào thời điểm những năm 2000 các trường trung cấp chuyên nghiệp trong cả nước đều phấn đấu nhanh chóng nâng bậc trường. Việc đó không chỉ đáp ứng nhu cầu lao động ở trình độ mới cho xã hội mà còn là điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của chỉnh mỗi trường.

Bằng sự nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Nhà trường và sự ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các ngành, các cấp, ngày 30/01/2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định số 483/QĐ-BGD&ĐT về việc thành lập (nâng cấp) Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An thành Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An. Trụ sở tại khối 12, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh.

Đến năm 2014, trải qua 8 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả rực rỡ. Nhà Trường có 203 cán bộ, giảng viên, trong đó cán bộ quản lý và giảng viên cơ hữu 150 người, cán bộ hành chính và phục vụ 53 người; trình độ giảng viên có 09 tiến sĩ, 88 thạc sĩ, còn lại là đại học, cao đẳng và trung cấp; có 01 giáo viên đạt danh hiệu “nhà giáo ưu tú”, 15 giáo viên đạt danh hiệu “giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia”, 45 giáo viên đạt danh hiệu “giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh”, 50 giáo viên đạt danh hiệu “giáo viên dạy giỏi cấp trường”; có 07 phòng, 01 trung tâm, 6 khoa với 16 bộ môn thuộc các khoa đào tạo. Nhà trường duy trì cả 2 hệ đào tạo là trung cấp và cao đẳng các ngành: Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Quản lý đất đai, Lâm nghiệp, Chăn nuôi thú y. Đồng thời đào tạo cả hệ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng các ngành trên. Hàng năm Nhà trường tuyển sinh, đào tạo duy trì quy mô từ 2.500 - 3.500 học sinh, sinh viên. Học sinh, sinh viên ra trường hầu hết đều đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng và có việc làm ổn định.

Ghi nhận những thành tích đó, Nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất (năm 2009), Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và các cấp, các ngành tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua cho tập thể, các đơn vị và cá nhân.

Và trở thành trường đại học đa ngành

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển nhân lực tỉnh Nghệ An, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo dứt điểm cùng với sự tập trung cao độ của Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An đã chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết. Từ việc làm đề án, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, chuẩn bị đội ngũ cán bộ giảng viên cả về số lượng và chất lượng,…, cho đến các bước đi cho việc thẩm định của tỉnh, của Bộ Giáo dục & Đào tạo đảm bảo đáp ứng được yêu cầu. Kết quả, sau hơn hai năm, Nhà trường đã gặt hái được thành công rực rỡ. Ngày 27/01/2014, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt Chính phủ ký Quyết định số 205/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Kinh tế Nghệ An trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Nghệ An. Đây là niềm vinh dự của tập thể cán bộ, giảng viên Nhà trường và là niềm tự hào của tỉnh Nghệ An, góp phần đưa Nghệ An trở thành trung tâm giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực Bắc Trung bộ.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị, cá nhân trong trường, Nhà trường đã hực hiện tinh giảm biên chế. So với năm 2014, hiện nay đã giảm phòng, ban, trung tâm từ 8 đơn vị xuống còn 7 đơn vị; giảm cán bộ, giảng viên từ 203 người xuống còn 171 người. Trong khi đó, trình độ chuyên môn lại được nâng lên, tiến sĩ từ 9 lên 14 người, thạc sĩ từ 88 lên 122 người, và 16 người đang đi học nghiên cứu sinh. Bên cạnh đó, đã có 14 người trình độ cao cấp lý luận chính trị, 29 người trình độ trung cấp lý luận chính trị và 2 người đang theo học lớp cao cấp lý luận chính trị.

Về cơ sở vật chất, Nhà trường có 2 cơ sở với 15 héc ta tại trung tâm thành phố Vinh, được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại gồm các nhà giảng đường 3-7 tầng có thang máy, có thư viện điện tử, có hệ thống wifi miễn phí toàn trường, có ký túc xá bảo đảm lưu trú cho sinh viên, có 4 sân bóng đá cỏ nhân tạo, có nhà thi đấu đa năng, có nhà hàng - cantin rộng lớn, có khu thực hành cho khối kỹ thuật nông lâm ngư trên 10 héc ta.

Kể từ khi trở thành trường đại học đến nay, Nhà trường đã không ngừng phấn đấu vươn lên, đào tạo đại học với nhiều ngành: Kế toán, Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính- Ngân hàng, Thú y, Lâm nghiệp, Quản lý đất đai, Khoa học cây trồng…; và liên kết đào tạo nhiều ngành thạc sĩ, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho trong và ngoài tỉnh. Các ngành đào tạo đều đáp ứng nhu cầu việc làm của thị trường lao động hiện nay và tương lai cho trong và ngoài nước. Chương trình, nội dung đào tạo được đổi mới theo hướng ứng dụng, sáng tạo, gắn với bồi dưỡng kỹ năng và thái độ. Nhà trường liên kết với các doanh nghiệp cho sinh viên thực hành, thực tập, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đặc biệt là tạo việc làm trước và sau khi tốt nghiệp.

Mục tiêu phát triển của Nhà trường đến năm 2025 theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là xây dựng trường trở thành trung tâm đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, kỹ thuật nông lâm nghiệp có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội và trở thành một trong những trường chất lượng cao của tỉnh Nghệ An và khu vực miền Trung; góp phần xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm của vùng Bắc Trung bộ trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Về nhiệm vụ chính trị, mở thêm 02 mã ngành đại học, 01 mã ngành cao học; trên 80% sinh viên chính quy tốt nghiệp có việc làm trong thời gian dưới một năm; giảng viên có trình độ tiến sĩ trên 30%, 01- 02 phó giáo sư; 100% giảng viên có bài báo, công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên tạp chí trong và người nước; hàng năm có 15 đề tài khoa học và sáng kiến kinh nghiệm cấp trường, 1 đề tài cấp tỉnh trở lên; nâng cấp Tập san thành Tạp chí Khoa học Kinh tế - Kỹ thuật; hoàn thành đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn mới; các chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng đáp ứng chuẩn đầu ra, trong đó tối thiểu 02 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài. Về Công tác xây dựng Đảng và đoàn thể, 100% đảng viên tham gia học tập, quán triệt các Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025; hàng năm có 100% chi bộ trực thuộc và đảng viên được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó có trên 20% chi bộ và đảng viên được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảng bộ được xếp hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 100% đảng viên chấp hành tốt chế độ học tập chính trị, nghị quyết của đảng các cấp, 05 đảng viên học cao cấp lý luận chính trị, 10 đảng viên học trung cấp lý luận chính trị; hàng năm có 100% tập thể khoa, phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó 20% tập thể khoa, phòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đoàn thể đạt danh hiệu xuất sắc từ 1- 2 lần trong nhiệm kỳ.

Để đạt được kết quả trên, tập thể cán bộ, giảng viên Nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tích cực. Trước hết là phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề, có trách nhiệm cao trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

 Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, Nhà trường chú trọng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn (công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, công tác sinh viên, công tác đảm bảo chất lượng giáo dục); cải cách hành chính, cải tiến lề lối, phong cách làm việc; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở đơn vị; bảo đảm an ninh - quốc phòng. Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà trường và đoàn thể, Đảng bộ chú trọng công tác chính trị, tư tưởng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên; công tác kiểm tra, giám sát, kỉ luật đảng; công tác dân vận; xây dựng cơ quan và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể chính trị- xã hội trong cơ quan; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ Nhà trường.

Đồng thời, Nhà trường tăng cường “kết nối cung - cầu” với doanh nghiệp để hiểu và nắm bắt được nhu cầu về kỹ thuật, công nghệ và đặc biệt là yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, năng lực của ứng viên dự tuyển vào doanh nghiệp, từ đó xây dựng được chương trình đào tạo phù hợp. Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, Nhà trường chuyển đổi sang mô hình đào tạo "những gì thị trường sẽ cần". Sinh viên được tăng cường kỹ năng nghề nghiệp, tiếp cận doanh nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng mềm. Tổ chức cho sinh viên đi trải nghiệm thực tế sản xuất tại các doanh nghiệp, triển khai chương trình hợp tác đào tạo trước tuyển dụng,… Đẩy mạnh liên kết “3 nhà” (nhà trường - nhà nước - nhà doanh nghiệp) nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học đào tạo nguồn cán bộ giảng viên và sinh viên.


Bài viết khác