Bức tranh kinh doanh DN niêm yết 2020: Tìm điểm sáng trong gam màu tối

Bức tranh kết quả kinh doanh quý II/2020 tiêu cực là chuyện đã được lường trước dưới áp lực COVID-19.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2020, 9/15 nhóm ngành đều có tăng trưởng lợi nhuận âm, tiêu cực nhất là dầu khí có tăng trưởng lợi nhuận giảm hơn 370%, theo sau là du lịch giải trí giảm 161%, hàng cá nhân, bán lẻ cũng giảm mạnh. Đây là điều đã được nhìn nhận trước vì các ngành này đều chịu tác động mạnh nhất từ khoảng thời gian giãn cách xã hội xuyên suốt tháng 4.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 không hẳn làm khó được tất cả doanh nghiệp, bằng chứng là vẫn có những nhóm ngành tăng trưởng, thậm chí là tăng tốt, ví dụ như công nghệ thông tin tăng 83,7%. Tài nguyên cơ bản tăng hơn 30% với đại diện Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận Quý 2/2020 lãi kỷ lục nhờ mở rộng thị phần thép tại phía Nam và hiệu quả từ mảng nông nghiệp. Cổ phiếu HPG cũng là 1 trong số ít mã có thời điểm vượt đỉnh cũ trước khi dịch bệnh tác động tới thị trường.

Nhưng ấn tượng hơn cả là nhóm tài chính. Dịch vụ tài chính tăng trưởng hơn 156% so với cùng kỳ hay khối nhà băng với ước tính của 17/19 ngân hàng niêm yết, tăng trưởng lợi nhuận đạt 23,6%. Nhóm dịch vụ tài chính tăng thì dễ hiểu vì giao dịch trên thị trường chứng khoán quá sôi động trong quý II, tuy nhiên tại sao nhóm nhà băng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan giữa dịch bệnh và liệu triển vọng kinh doanh sắp tới của các nhóm ngành trụ cột của thị trường chứng khoán sẽ thế nào?

Triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong năm 2020

Dù phải thực hiện giãn hoãn thuế hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhưng các ngân hàng được phép chưa phải trích lập dự phòng các khoản nợ, điều này tạo ra độ trễ trong ghi nhận ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Tuy nhiên với tình hình khối doanh nghiệp phi tài chính thu hẹp sản xuất, ảnh hưởng với các nhà băng được đánh giá không hề nhỏ trong thời gian tới.

Ông Lê Ngọc Nam, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư, CTCP Chứng khoán Tân Việt, cho biết: "Giữa nhóm ngân hàng và phi tài chính có sự liên kết tương đối chặt chẽ, hiện tại theo dõi quý II gần đây tăng tài sản cố định đang chậm lại, nợ ngắn hạn và dài hạn tăng 4% so với cùng kỳ đồng nghĩa tăng trưởng tín dụng giảm".

Trong khi đó, nhóm bất động sản dù ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận quý II giảm đến 49,1% nhưng bức tranh được dự báo tươi sáng hơn trong nửa cuối năm do đặc điểm về tính chu kỳ của ngành cũng như đặc tính gắn với tiêu dùng trong nước.

Ông Lê Ngọc Nam cho biết thêm: "Bất động sản có tính chu kỳ tương đối lớn, quý III và IV triển khai bàn giao lợi nhuận nhiều hơn và chưa có gì ảnh hưởng tổng thể lắm với doanh nghiệp. COVID-19 có ảnh hưởng phân khúc nhỏ và hiện tại việc chênh lệch cung cầu và giá liên tục có sự tiến triển sẽ tiếp tục duy trì ổn định, nhóm BĐS vẫn tương đối ổn định nửa cuối năm".

Vẫn có 1 số điểm sáng nhưng nhìn chung, bức tranh tăng trưởng lợi nhuận 2020 vẫn sẽ khó khăn. Theo ước tính của FiinGroup, tăng trưởng lợi nhuận khối doanh nghiệp niêm yết năm 2020 sẽ ở mức -13%. Đấy là kịch bản dựa trên kế hoạch kinh doanh được công bố của hơn 1.400 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đây có lẽ là kết quả chưa tính đến biến số mới có thể khiến kịch bản này còn có thể xẩu hơn, đó là sự xuất hiện trở lại của dịch COVID-19. Bản thân thị trường chứng khoán đại diện bởi VN-INDEX cấu thành trên sức khỏe các doanh nghiệp cũng khó tránh việc bị ảnh hưởng.

Tính trong giai đoạn bắt đầu COVID-19 trở lại từ ngày 24/7, trong khi nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng khoảng 1.000 tỷ đồng, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1 lượng tương ứng.

Nguồn: vtv.vn


Bài viết khác