Một số thay đổi mới về Thuế thu nhập cá nhân theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP

           Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế chính thức có hiệu lực từ ngày 05/12/2020. Nghị định này ra đời kéo theo rất nhiều thay đổi trong Luật quản lý thuế, đặc biệt là đối với sắc Thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể như sau:

          Thứ nhất, Doanh nghiệp không phát sinh khấu trừ vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế TNCN. Cụ thể, Tại Điểm d1, Khoản 6, Điều 8, Nghị định 126/2020/NĐ-CP có quy định: “Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi trả, không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.”Như vậy, chỉ khi doanh nghiệp không phát sinh trả thu nhập thì mới không phải tiến hành khai quyết toán thuế TNCN.

          Thứ hai, các cá nhân, hộ gia đình có số tiền thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công từ 50.000 đồng trở xuống sẽ được miễn nộp thuế TNCN. Cụ thể có 02 đối tượng được miễn thuế TNCN bao gồm:

- Các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có số tiền thuế phải nộp hằng năm từ 50.000 đồng trở xuống;
- Các cá nhân có số tiền thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công từ 50.000 đồng trở xuống.

          Thứ ba, Doanh nghiệp  được phép khai thuế TNCN theo quý nếu đủ điều kiện khai thuế GTGT theo quý. Ngoài ra, liên quan tới vấn đề khai thuế TNCN, trong nội dung của Điều 8, Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Chính Phủ đã quy định rõ các đối tượng phải áp dụng kê khai thuế TNCN theo tháng, quý, năm hay theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế. Cụ thể:

- Đối tượng phải khai thuế TNCN theo tháng là các đơn vị kinh doanh có phát sinh số thuế thu nhập cá nhân phải nộp trên 50 triệu đồng thì phải kê khai theo tháng.

- Đối tượng phải khai thuế TNCN theo quý bao gồm:

+ Các tổ chức tín dụng hoặc bên thứ ba được tổ chức tín dụng ủy quyền khai thác tài sản bảo đảm trong thời gian chờ xử lý khai thay cho người nộp thuế có tài sản bảo đảm;

+ Các tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện khấu trừ thuế theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân, mà tổ chức, cá nhân trả thu nhập đó thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo quý và lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý; cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế và lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý;

+ Người nộp thuế TNCN theo tháng nhưng có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống thì được khai thuế giá trị gia tăng theo quý.

- Đối tượng phải khai thuế TNCN theo năm là các tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện khấu trừ thuế theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân, mà tổ chức, cá nhân trả thu nhập đó thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo quý và lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý; cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế và lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý;

- Đối tượng khai thuế TNCN theo từng lần phát sinh là các cá nhân trực tiếp khai thuế hoặc tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại, trúng thưởng từ nước ngoài; thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng.

          Trên đây là một số nội dung thay đổi của Nghị định 126/2020/NĐ-CP liên quan đến Luật Thuế thu nhập cá nhân. Những thay đổi này ảnh hưởng rất lớn đến công tác kế toán thuế của doanh nghiệp, đặc biệt là công tác quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho người lao động. Cho nên, kế toán cần tìm hiểu, nắm rõ quy trình để thực hiện.

GV: Trần Thị Bích Ngọc


Bài viết khác