Hệ thống đánh giá điểm rèn luyện cho sinh viên, góp phần thực hiện chuyển đổi số trong trường học

1. Thực trạng chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo hiện nay

Hiện nay, nhiều trường đại học trên thế giới đã thực hiện chuyển đổi số, bao gồm phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; hình thành các mô hình giáo dục thông minh; số hóa tài liệu, giáo trình. Từ năm 2012, các trường Đại học ở Mỹ như Đại học Stanford, Đại học Princeton, Đại học Michigan, Đại học Penn State đã ứng dụng điện toán đám mây (cloud computing) để cung cấp chương trình cho người học. Hiện nay, quốc gia này đang sử dụng nền tảng edX do đại học Đại học Harvard hợp tác với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) sáng lập. Nhật Bản sử dụng mô hình Smart Education giúp người học hiểu sâu hơn nội dung bài giảng và phát triển khả năng tự học, tự nghiên cứu. Bắt đầu từ năm 2017, Ấn Độ tạo nên cuộc cách mạng giáo dục bằng cách phát triển các khóa học trực tuyến (Massive Open Online Course- MOOC), cung cấp các khóa học điện tử giúp người học có quyền học tập mọi lúc, mọi nơi và được học với các giáo viên giỏi từ xa. Đại học Quốc gia North Carolina của Malaysia đã đưa phòng thí nghiệm ảo vào giáo dục, phục vụ một số lượng lớn học viên thực hành, thí nghiệm thông qua địa chỉ Web [1]. Việc chuyển đổi số trong đào tạo đã nâng cao trách nhiệm người học, từng bước cá nhân hóa việc học và thúc đẩy, khuyến khích người học tự nghiên cứu, hoàn thành mục tiêu học tập. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục.

Ở Việt Nam, để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với nội dung mục tiêu kép là: “vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu”, trong đó giáo dục là một trong tám lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Chuyển đổi số có ý nghĩa rất quan trọng đối với cơ sở giáo dục đào tạo hiện nay, trong đó bao gồm hệ thống các trường đại học. Chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả cho các cơ sở giáo dục; nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý; thay đổi về ý thức và kỹ năng của đội ngũ cán bộ giảng viên, học viên trong quá trình ứng dụng CNTT; tăng tính cạnh tranh cho các trường; liên thông giữa đào tạo nhân lực và cung ứng nguồn lao động. Để thành công trong chuyển đổi số và kịp tiến độ, cần phải hiểu đúng về chuyển đổi số, đánh giá đúng thực trạng, xác định các nội dung phù hợp cần chuyển đổi số, dự báo đúng các thách thức và đề xuất các giải pháp hợp lý với từng giai đoạn, từng điều kiện, từng nhóm trường đặc thù.

2. Các nội dung chuyển đổi số trong trường đại học

Từ bốn nội dung trọng tâm trong chuyển đổi số gồm: tư duy số, dữ liệu số, quy trình số, công nghệ số; có thể phân tích thành các nội dung chi tiết, trọng tâm cần tiến hành chuyển đổi số trong trong trường đại học như sau:

- Quản lý hành chính: bao gồm thông tin đội ngũ cán bộ giảng viên, kỷ luật lao động, thi đua khen thưởng, cơ sở vật chất, xử lý và lưu trữ văn bản, tiến độ triển khai các dự án đầu tư.

- Quản lý hoạt động đào tạo, khảo thí và đảm bảo chất lượng: bao gồm kế hoạch đào tạo, tuyển sinh, chương trình đào tạo, học liệu, chất lượng bài giảng, công tác đảm bảo chất lượng giáo dục, văn bằng, chứng chỉ.

- Quản lý sinh viên: bao gồm phân tích dữ liệu sinh viên, kết quả học tập, các phong trào hoạt động, chấm và đánh giá kết quả rèn luyện mỗi kỳ học, khóa học, xét duyệt cấp học bổng.

- Quản lý hoạt động khoa học công nghệ (KHCN): bao gồm hội nghị hội thảo, thông tin về quỹ hỗ trợ nghiên cứu, đề xuất, đề tài, dự án, phát minh, sáng chế công nghệ, bài viết cho các tạp chí khoa học.

- Quản lý tài chính: bao gồm dự toán và thực tế thu chi, tiền lương, học phí và các hoạt động khác.

3. Vai trò của công nghệ thông tin trong chuyển đổi số ở các trường đại học

Ngành giáo dục trong những năm qua đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy, học và quản lý, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường dạy học qua Internet, trên truyền hình; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho các học sinh, giáo viên trong quá trình dạy học qua Internet; ban hành kịp thời hướng dẫn tinh giản chương trình giáo dục phổ thông để các địa phương kịp thời thực hiện. Qua việc giảng dạy trực tuyến, cho thấy năng lực sử dụng công nghệ thông tin của các thầy cô giáo đã được nâng lên rõ rệt. Đến nay, việc dạy học trực tuyến đã trở thành một hoạt động thiết yếu, duy trì sự tương tác giữa thầy và trò. Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%) [1].

          Không chỉ đơn thuần là ứng dụng CNTT trong việc chuyển đổi dữ liệu thực sang dữ liệu số mà còn tạo ra các giá trị khác nhau cho dữ liệu số bằng cách sử dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu phân tán... để tạo ra giá trị khác nhau cho dữ liệu số. Như vậy có thể khẳng định chuyển đổi số liên quan mật thiết với công nghệ thông tin (CNTT), hoạt động trên nền tảng CNTT [2]. CNTT là chìa khóa để giải quyết các bài toán về số hóa dữ liệu, xử lý dữ liệu và cung cấp khả năng chia sẻ dữ liệu; đảm bảo dữ liệu được thu thập phong phú, thống kê nhanh chóng chính xác, lưu trữ đầy đủ. Áp dụng chuyển đổi số, các trường đại học sẽ khó có thể tiến hành một cách đồng bộ, mà thực hiện từng phần, từng bước nâng cao độ tin cậy, kế thừa, tái sử dụng, mở rộng, chia sẻ dữ liệu. Tùy vào sứ mạng, chiến lược và đặc thù đào tạo, mỗi trường xây dựng đề án chuyển đổi số, thiết kế các modun trọng tâm và lựa chọn triển khai các modun theo thứ tự ưu tiên.

Trần Cẩm Vân


Bài viết khác