Nâng cao tính bền vững trong hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại Việt Nam

1. Giới thiệu

            Bên cạnh những thiệt hại gây ra về người, Cavallo và Noy (2011) nhận thấy rủi ro thiên tai tác động trực tiếp đến tài sản, gián tiếp ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Thiên tai xảy ra đã làm giảm các thành quả từ xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Theo UNDRR (2006) thì 1 đô la chi nhằm giảm thiểu rủi ro giúp tiết kiệm tới 25 đô la trong việc tránh được thiệt hại do thiên tai gây ra. Vì vậy, giảm thiểu rủi ro thiên tai là một trong những mục tiêu quan trọng để đảm bảo giảm thiểu được những tác động tiêu cực của con người đối với môi trường, đồng thời nâng cao được năng lực của nhóm người dễ bị tổn thương để họ có thể tự bảo vệ mình trước các hiểm họa từ thiên nhiên.

            Việt Nam là một trong những quốc gia rất dễ bị tổn thương trên thế giới, xếp hạng thứ 13 trong số 180 quốc gia theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu của Germanwatch trong giai đoạn 2000-2019 (Eckstein và cộng sự, 2021). Trong những năm gần đây, mức tăng nhiệt độ và mực nước biển của Việt Nam cao hơn so với mức tăng trung bình toàn cầu (Bộ Tài Nguyên và Môi trường, 2021). Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có chỉ số chưa sẵn sàng để đối phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan, nhiệt độ tăng và mực nước biển dâng cao (xếp hạng 91 trên 192 theo Chỉ số Sẵn sàng của ND-GAIN) (World Bank, 2022). Tính đến năm 2021, tổng dân số tại Việt Nam vượt trên 98 triệu dân, khoảng 70% cư dân sống ở các cộng đồng ven biển với khả năng tiếp xúc nhiều với bão và lũ lụt, biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng (CFE-DM, 2021). Nếu Chính phủ Việt Nam không nhanh chóng thực thi các biện pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai thì các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương và cả nền kinh tế Việt Nam sẽ phải hứng chịu thiệt hại nặng nề.

            Các hoạt động ứng phó với thiên tai dựa vào cộng đồng đang đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lực thích ứng và khả năng chống chịu với thiên tai (Azad và cộng sự, 2020). Tại Việt Nam, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; năm 2009, phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại Quyết định số 1002/QĐ-TTg (Đề án 1002). Với mục tiêu đưa ra các hoạt động, giải pháp về phòng ngừa, trong đó cộng đồng đóng vai trò làm trung tâm trong mọi hoạt động phòng, chống thiên tai, khuyến khích và huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng vào công tác quản lý rủi ro thiên tai, nâng cao nhận thức, năng lực, giảm thiểu rủi ro thiên tai, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai. Trong thực tiễn triển khai, Việt Nam cũng đã đạt được những thành quả nhất định, tuy nhiên vẫn cần phải tập trung để nâng cao tính bền vững của các hoạt động này trong quá trình bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đóng góp vào việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai trên toàn cầu.

             Tác giả đã dựa trên các dữ liệu thứ cấp như, các chính sách của Chính phủ, kế hoạch quốc gia, các đề án… liên quan đến công tác phòng chống rủi ro thiên tai và quản lý rủi ro thiên tai đã ban hành tại Việt Nam cùng với các nghiên cứu đã được công nhận của các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai đến từ những quốc gia có những điều kiện tự nhiên cũng như có những rủi ro thiên tai khá tương đồng với Việt Nam, là Thái Lan, Philippine, Nhật Bản. Các chương trình triển khai trong chiến lược phòng chống thiên tai tại các quốc gia đó đều khẳng định: (1). Các chương trình quản lý thiên tai được xây dựng xuất phát từ trung ương mà không có sự tham gia của cộng đồng đều không hiệu quả, cộng đồng tham gia vào việc lập kế hoạch quản lý thiên tai chưa được chú trọng (Tanwattana, 2014); (2). Sự tham gia của những người dễ bị tổn thương cùng với việc xác định vai trò, trách nhiệm trước, trong và sai thiên tai trong quá trình tự quyết định của cộng đồng sẽ làm tăng hiệu quả của các chính sách phòng chống thiên tai (Matthies. A, 2017). Với những kết quả tổng hợp của nhóm tác giả về những hoạt động, dự án về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã và đang triển khai tại Việt Nam để có những gợi ý nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong thời gian tới của Việt Nam.

2. Nội dung

2.1. Khái niệm và đặc điểm cơ bản về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

2.1.1. Khái niệm về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

            Khi thiên tai xảy ra, người dân ở cộng đồng địa phương là những người trực tiếp bị ảnh hưởng và họ cũng trở thành những người ứng phó đầu tiên, những người quản lý các trường hợp khẩn cấp ở hộ gia đình và ở cấp cộng đồng (Salajegheh và Pirmoradi, 2013). Cộng đồng là những người cung cấp thông tin chi tiết liên quan khu vực bị ảnh hưởng.  Do đó, với mục tiêu phát triển tiềm năng và năng lực của cộng đồng để tự mình đối phó thiên tai, thì cần phải đạt được sự đồng thuận và có chủ trương khuyến khích cộng đồng tham gia đầy đủ vào tất cả các khía cạnh của quá trình quản lý thiên tai (Akiojano và Obafemi, 2021). Theo cách tiếp cận của Salajegheh và Pirmoradi (2013), quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là xây dựng năng lực của người dân đối phó với rủi ro thiên tai và giảm tính dễ bị tổn thương của họ, từ đó phát triển các cộng đồng an toàn hơn và có khả năng phục hồi cao hơn.

           Trong khi, Akiojano và Obafemi (2021) cho rằng quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng là cách tiếp cận nhằm xây dựng năng lực của cộng đồng để đánh giá mức độ dễ bị tổn thương của họ đối với các hiểm họa do thiên tai và con người gây ra, đồng thời phát triển các chiến lược và nguồn lực cần thiết để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tác động của các hiểm họa đã xác định cũng như gia tăng khả năng phục hồi sau thiên tai.

          Nhìn chung, quản lý rủi ro thiên tai (QLRRTT) dựa vào cộng đồng là việc khuyến khích sự tham gia của các cộng đồng trong việc đánh giá rủi ro thiên tai (bao gồm các mối nguy hiểm, tính dễ bị tổn thương và năng lực phòng chống thiên tai) và sự tham gia của cộng đồng trong cả việc phân tích nguyên nhân để tìm ra cách giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ngày càng được thúc đẩy giữa các chính quyền địa phương nhằm tăng cường mối liên kết giữa hệ thống quản lý thiên tai chính thức và các tổ chức dựa vào cộng đồng (Kafle và Murshed, 2006). Mục tiêu của hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng chính là góp phần nâng cao năng lực cho người dân trong công tác phòng chống thiên tai, nhờ đó mà cộng đồng sẽ biết cách cùng nhau phòng ngừa, ứng phó và phục hồi khi thiên tai xảy ra thông qua việc phát huy tối đa nguồn lực tại chỗ cũng như các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài khác.

2.1.2. Đặc điểm cơ bản về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

            Công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có một số đặc điểm chính, gồm:

           Thứ nhất, cộng đồng chính là nhân vật trung tâm và chủ động trong suốt quá trình QLRRTT dựa vào cộng đồng. Hàm ý, cộng đồng là những người nắm rõ nhất rủi ro của họ khi thiên tai xảy ra, vì vậy sự tham gia của cộng đồng là cần thiết, và họ phải được trao quyền tham gia thực sự vào quá trình QLRRTT. Mặc dù, không có sự đồng nhất về tuổi tác, giới tính, kinh nghiệm, phong cách lãnh đạo nhưng tất cả các thành phần dân cư đều có cơ hội bình đẳng ngang nhau trong toàn bộ hoạt động của quá trình QLRRTT dựa vào cộng đồng và cùng được tạo mọi điều kiện để tham gia chủ động, đồng thời được cùng hưởng lợi từ các hoạt động QLRRTT. Thông qua việc tìm ra những điểm yếu, điểm thiếu cũng như điểm bất lợi của cộng đồng dân cư trước những thiên tai, phát triển tiềm năng và năng lực của cộng đồng để hướng dẫn người dân tìm ra những nguyên nhân chính từ đó đề xuất các giải pháp giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong cộng đồng dân cư đối với công tác phòng chống thiên tai, giúp họ chủ động tự mình đối phó với thiên tai, các thành viên trong cộng đồng sẽ quan tâm lẫn nhau để giảm thiểu các tổn hại do thiên tai gây ra.

         Thứ hai, QLRRTT dựa vào cộng đồng là một quá trình phát triển liên tục, thường xuyên cập nhật, điều chỉnh dựa trên những kinh nghiệm thực tế trong cộng đồng dân cư. Các phản ứng của cộng đồng không tuân theo các giai đoạn thiên tai, mà họ thường xuyên hình thành và phát triển các cơ chế ứng phó thiên tai và chiến lược sinh tồn cho bản thân và gia đình trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ những lần thiên tai xảy ra trước đó tại khu vực sinh sống. Bên cạnh đó, kết hợp với khoa học kỹ thuật, bảo vệ hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu thì QLRRTT dựa vào cộng đồng ngày càng được mở rộng.

          Thứ ba, sự phối hợp giữa chính quyền từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động này. Cùng với đó, chính là sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ sẽ góp phần thúc đẩy sự vận hành và phát triển bền vững của quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Nghiên cứu của Isidiho và Sabran (2016) chỉ ra QLRRTT dựa vào cộng đồng đòi hỏi sự hợp tác của các cơ quan và tổ chức trong các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng. Tại Việt Nam, một đặc điểm hết sức quan trọng được vận dụng sáng tạo trong quá trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng chính là đã vận dụng linh hoạt phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ; lực lượng tại chỗ; và hậu cần tại chỗ). Để thúc đẩy quá trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng phát huy tối đa tính hiệu quả, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành chỉ đạo các địa phương cần lồng ghép nội dung phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mình.

2.2. Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ở Việt Nam

2.2.1. Cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ở Việt Nam

            Luật phòng, chống thiên tai được Quốc hội thông qua tháng 6/2013, có hiệu lực từ 01/05/2014 (Quốc hội, 2013);

            Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 (Chính phủ, 2007);

            Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/07/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (Chính phủ, 2009);

            Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 18/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” giai đoạn 2013-2015 (Chính phủ, 2013);

            Công văn số 15009/BTC-NSNN ngày 01/11/2013 của Bộ Tài chính về kinh phí thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” (Bộ Tài chính, 2013);

            Quyết định số 583/QĐ-TCTL-ĐĐ ngày 13/7/2011 của Tổng cục Thủy lợi về Ban hành tài liệu đào tạo cho tập huấn viên về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (Tổng cục Thủy lợi, 2011);

            Quyết định số 666/QĐ-TCTL-ĐĐ ngày 22/8/2011 của Tổng cục Thủy lợi về Phê duyệt nội dung tài liệu tham khảo Hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (Tổng cục Thủy lợi, 2011);

            Quyết định 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia biến đổi khi hậu (Chính phủ, 2011);

            Quyết định 553/QĐ-TTg ngày 06/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” (Chính phủ, 2021).

2.2.2. Quy trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại Việt Nam

            Đây là quy trình nằm trong bộ tài liệu kiến thức về Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng do Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, và bổ sung thêm các nội dung dự án GCF-UNDP được xây dựng và ban hành vào năm 2018, sửa đổi, bổ sung vào năm 2019.

           Quy trình đã thể hiện rõ mục tiêu chính là giúp cho cộng đồng có đặc điểm dễ bị tổn thương trước thiên tai sẽ nâng cao được năng lực ứng phó, phòng chống khi thiên tai xảy ra. Để làm được điều đó, cần phải thực hiện những bước cụ thể:

Bước 1: Giới thiệu chung

           Cộng đồng sẽ được tiếp cận những vấn đề tổng quan về rủi ro, thiên tai, thảm họa, năng lực phòng chống thiên tai, tình trạng dễ bị tổn thương…. Và tầm quan trọng của việc cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình đánh giá rủi ro thiên tai cũng như quản lý rủi ro thiên tai.

Bước 2: Chuẩn bị thực hiện

          Trong bước này lãnh đạo địa phương sẽ thành lập nhóm Hỗ trợ kỹ thuật cấp xã và nhóm Cộng đồng, thông qua thời gian tập huấn các nhóm sẽ được trang bị các kiến thức và kỹ năng về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; Nhóm Hỗ trợ kỹ thuật và nhóm cộng đồng lập kế hoạch chi tiết bao gồm các vấn đề về hoạt động cụ thể, người thực hiện, người chịu trách nhiệm, thời gian thực hiện, nguồn kinh phí, hoạt động theo dõi, giám sát. Kết quả bước 2 sẽ giúp cho địa phương có được bản kế hoạch phân công nhiệm vụ chi tiết.

Bước 3: Đánh giá rủi ro thiên tai/biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng

         Trong giai đoạn này, các thành viên nhóm sẽ thực hiện việc thu thập, tổng hợp và phân tích các thông tin thu thập được có sự tham gia của cộng đồng dân cư về: các loại hình thiên tai, tình trạng dễ bị tồn thương và năng lực phòng chống thiên tai của cộng đồng từ đó xác định được mức độ rủi ro của cộng đồng trước những loại hình thiên tai có khả năng xảy ra tại địa phương.

Bước 4: Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai/thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng

        Sau khi đạt được những kết quả của bước 3, mỗi xã sẽ tự mình xây dựng được kế hoạch phòng, chống thiên tai có sự tham gia của chính dân cư địa phương mà xã quản lý. Bên cạnh đó, những kế hoạch phòng chống thiên tai này còn được lãnh đạo các địa phương lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để đảm bảo sự huy động tối đa các nguồn lực nội tại cũng như bên ngoài, giúp đạt được các kết quả bền vững.

Bước 5: Thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai

         Trong bước này, UBND xã tổ chức triển khai và thông báo cho người dân về kế hoạch đã được phê duyệt;

         Đồng thời huy động người dân tham gia thực hiện các hoạt động theo kế hoạch xây dựng, chú ý có sự tham và giám sát của những đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng.

Bước 6: Giám sát và đánh giá kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng

        Sau khi có sự thống nhất của nhóm Hỗ trợ kỹ thuật và nhóm cộng đồng trong việc xây dựng kế hoạch giám sát, đánh giá và được sự đồng ý của UBND xã, các thành viên điều hành cần phải đảm bảo thực hiện kế hoạch có hiệu quả, điều chỉnh kịp thời những phát sinh trong quá trình thực hiện, đồng thời tổ chức các cuộc họp định kỳ nhằm đánh giá và rút bài học kinh nghiệm.

 

 

Hình 1. Quy trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

2.2.3. Một số dự án quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ở Việt Nam

            Trong năm 2007, Việt Nam đã triển khai Chiến lược quốc gia về Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu (2009) và Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (2009) tiếp tục quá trình giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương của cộng đồng dân cư, đặc biệt là các khu vực và các ngành dễ bị ảnh hưởng bởi các hiểm họa và thảm họa thiên nhiên có liên quan đến biến đổi khí hậu. Hiện tại, hầu hết các Bộ, ngành (bao gồm tất cả các Bộ, ngành có lãnh đạo Bộ là thành viên của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đều đã xây dựng Kế hoạch về lồng ghép nội dung quản lý rủi ro thiên tai vào các lĩnh vực của ngành mình. Tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước cũng đã xây dựng Kế hoạch hành động Quản lý rủi ro thiên tai.

            Hiện nay, tại Việt Nam, một số dự án về hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã và đang triển khai:

            - Một trong những mô hình phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng hiệu quả là Dự án “Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng có lồng ghép giới tại các tỉnh Tây Bắc Việt Nam” do Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Pháp, Hội CTĐ Mỹ tài trợ. Trong 3 năm (2016 - 2018), Dự án đã triển khai đồng bộ đúng tiến độ và có hiệu quả. Một số hoạt động từ dự án đã trang bị cho người dân kiến thức về phòng ngừa, ứng phó với thảm họa thiên tai như: Mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ hội, tập trung vào các nội dung cơ bản gồm đào tạo tập huấn viên quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng; đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh; sơ cấp cứu ban đầu; quản lý dự án, giới; ứng phó khẩn cấp; tuyên truyền viên truyền thông về giảm thiểu rủi ro thảm họa. 

            - Dự án Quản lý thiên tai (gọi tắt là WB5) là một trong những dự án do Chính phủ đầu tư nhằm hỗ trợ việc thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tới năm 2020”. Một phần kinh phí của dự án được cấp từ khoản vay Ngân hàng Thế giới và được thực hiện tại 10 tỉnh miền Trung Việt Nam gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Ninh Thuận. Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng ứng phó của con người và tài sản kinh tế trước thiên tai. Dự án bao gồm 5 hợp phần, cụ thể: Hợp phần 1-Tăng cường thể chế, hệ thống thông tin và lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai; Hợp phần 2-Tăng cường Hệ thống Dự báo khí tượng thủy văn và cảnh báo sớm thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn; Hợp phần 3-Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; Hợp phần 4-Hỗ trợ đầu tư giảm thiểu rủi ro thiên tai cho các tỉnh dự án ưu tiên; Hợp phần 5-Quản lý dự án. Trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2020, việc triển khai thực hiện Đề án 1002 đã ghi nhận một số kết quả như: hơn 3.000 xã đã triển khai thực hiện các hoạt động về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, hơn 10.000 lớp đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, học sinh và cộng đồng cùng với hơn 1,6 triệu hoạt động truyền thông thu hút khoảng 3,7 triệu lượt người dân tham gia (Nguyễn Văn Tiến, 2022).

            Lần đầu tiên, ngày 24/3/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”. Cùng với đó, ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 6/4/2021.

            - Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ khí hậu xanh (GCF), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Chính phủ Việt Nam hỗ trợ. Tính từ năm 2018 tới nay, dự án đã tổ chức các khóa tập huấn tập huấn Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM) tại 373 xã ven biển và cận ven biển tại 7 tỉnh gồm Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau cho hơn 44.000 người. Thông qua các khóa tập huấn này, chính quyền xã và người dân đã cùng nhau xác định các giải pháp phòng chống thiên tai và xây dựng kế hoạch hành động để tăng cường khả năng sẵn sàng phòng ngừa và ứng phó thiên tai và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Từ các khóa tập huấn của dự án GCF đã đạt được một số kết quả nhất định như: (i) Giúp cho cộng đồng phân tích tình hình thiên tai, đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương, năng lực phòng chống thiên tai, phân tích các rủi ro thiên tai, xác định những vấn đề cấp thiết cộng đồng trong việc ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; (ii) Hoàn thiện và áp dụng công cụ hỗ trợ thu thập thông tin và đánh giá nhằm xây dựng báo cáo đánh giá về rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng; (iii) Đã thực hiện tập huấn, áp dụng công cụ thu thập thông tin và đánh giá để xây dựng báo cáo đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại 121 lớp TOF tại 7 tỉnh dự án (trong đó có 1 lớp thí điểm tập huấn trong điều kiện giãn cách xã hội); (iv) Áp dụng gói thông tin rủi ro (Risk pack) và Lồng ghép rủi ro thiên tai - thích ứng biến đổi khí hậu vào lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho 7 tỉnh dự án do UNDP hỗ trợ đã được triển khai đồng bộ ở cấp tỉnh; (v) Phối hợp với Trường Đại học Thủy Lợi tổ chức lớp đào tạo chuyên ngành về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng - xây dựng đội ngũ giảng viên Trung ương cho Chính phủ để thực hiện Đề án 1002; (vi)  Mở rộng ra 21 tỉnh ven biển.

Bảng 1. Tổng số lớp tập huấn đã được triển khai của dự án GCF

Tỉnh

Thực tế

Kế hoạch

Tổng

2018

2019

2020

2021

Lũy kế 2018-2021

2022

Nam Định

2

2

22

 

26

21

47

Thanh Hóa

36

6

20

 

62

20

82

Quảng Bình

9

69

20

10

108

 

108

Thừa Thiên Huế

20

17

20

 

57

23

80

Quảng Nam

13

32

21

 

66

25

91

Quảng Ngãi

16

17

14

 

47

25

72

Cà Mau

4

9

4

 

17

23

40

21 tỉnh

 

 

 

21

21

 

21

Tổng số

100

152

121

 

404

137

541

Nguồn: Số liệu của dự án GCF

Bảng 2. Số người đã tham gia tập huấn trong dự án GCF

 

Tỉnh

Thực tế

2018

2019

2020

2021

Lũy kế 2022

Nam Định

287

300

2,412

 

2,999

Thanh Hóa

5,057

830

2,187

 

8,074

Quảng Bình

1,427

7,513

2,181

1,009

12,130

Thừa Thiên Huế

3,022

1,792

2,011

 

6,825

Quảng Nam

2,509

3,378

2,162

 

8,049

Quảng Ngãi

2,532

1,799

1,473

 

5,804

Cà Mau

526

1,111

392

 

2,029

21 tỉnh ven biển

 

 

 

2,252

2,252

Tổng số

15,360

16,723

12,818

3,261

48,162

Nguồn: Số liệu của dự án GCF

3. Một số gợi ý cho Việt Nam trong việc nâng cao tính bền vững của hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

            Liên quan đến vấn đề nâng cao tính bền vững trong hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng chính là việc hỗ trợ để cộng đồng có khả năng phục hồi trong cả ba giai đoạn: (1) Khả năng hấp thụ các cú sốc của tác động nguy hiểm để chúng không trở thành thảm họa; (2) Khả năng phục hồi trong và sau thảm họa; (3) Cơ hội để thay đổi và thích ứng sau thảm họa. Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai đến 2030, tầm nhìn 2050, đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi bão, lũ; giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011 - 2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011 - 2020, không vượt quá 1,2% GDP; Phấn đấu 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng PCTT; lực lượng làm công tác PCTT được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức, trang thiết bị cần thiết; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm "4 tại chỗ";...(Chính phủ, 2021).   Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đề ra trong Chiến lược về phòng chống thiên tai, Việt Nam có thể đúc rút một số bài học kinh nghiệm về QLRRTT dựa vào cộng đồng của các quốc gia trên thế giới. Cụ thể:

            (1) Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng chống thiên tai bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi; Xây dựng và củng cố thể chế và nâng cao năng lực của các cấp, trong đó chú trọng đến nâng cao năng lực của cộng đồng với mục tiêu xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai một cách có hệ thống.

            Hiện nay, trong việc xây dựng và triển khai các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình và hoạt động về quản lý rủi ro thiên tai của Việt Nam vẫn còn những khó khăn nhất định. Các chương trình về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và rủi ro biến đổi khí hậu vẫn còn tình trạng thiếu sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương. Chưa có những quy định có tính ràng buộc cao cũng như việc thiếu sự liên kết trong vấn đề chia sẻ thông tin liên quan đến quá trình quản lý rủi ro thiên tai. Năng lực dành cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng cần được đào tạo một cách bài bản với hệ thống các tài liệu đào tạo, các công cụ được sử dụng trong quá trình quản lý rủi ro thiên tai được cập nhật, điều chỉnh theo đúng thực tiễn và tiêu chuẩn của quốc tế. Khi năng lực của cộng đồng được cải thiện, việc tham gia vào các công đoạn trong quá trình quản lý rủi ro sẽ đạt kết quả tốt hơn từ đó sẽ giúp khai thác hiệu quả các nguồn lực.

            (2). Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cho cộng đồng; Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho những người làm công tác phòng chống thiên tai; Tập huấn nâng cao kiến thức cho trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ truyền thông, tuyên truyền cấp cơ sở; xây dựng kế hoạch, tổ chức đánh giá rủi ro thiên tai có sự tham gia của cộng đồng; phổ biến, tuyên truyền kịp thời tới cộng đồng để không bị lặp lại thiệt hại cho các thiên tai tương tự;…

             Để hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đạt hiệu quả và có tính bền vững thì vấn đề đầu tiên cần tập trung giải quyết chính là cung cấp kiến thức cho người dân để tạo ra một cộng đồng có kiến thức, kỹ năng trong phòng chống thiên tai và quản lý rủi ro thiên tai. Muốn làm được như vậy, cần lồng ghép các nội dung cần đào tạo vào hệ thống các trường học với thiết kế nội dung có sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp học và lồng ghép cả vào các chương trình giảng dạy đại học. Đồng thời cần xác định hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực là một quá trình luôn tiếp diễn và có sự cập nhật phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của xã hội và quy trình tư duy mới trong toàn bộ lĩnh vực đời sống xã hội của cộng đồng.

            (3). Thực hiện trao quyền cho cộng đồng trong toàn bộ quá trình quản lý rủi ro thiên tai;

            Khi xảy ra thiên tai, cộng đồng dân cư chính là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của thiên tai. Họ chính là những đối tượng dễ bị tổn thương đầu tiên khi thiên tai xảy ra và cũng chính là những người gánh chịu trực tiếp những ảnh hưởng của thiên tai đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, nếu việc quản lý rủi ro thiên tai có hiệu quả cao thì cũng chính họ-cộng đồng dân cư cũng là người được hưởng lợi đầu tiên của việc giảm nhẹ tác động của thiên tai. Nói cách khác, cộng đồng chính là những đối tượng bị đe dọa trực tiếp bởi những mối hiểm họa tiềm tàng của thiên tai. Vì vậy, việc trao quyền cho cộng đồng trong quá trình quản lý rủi ro thiên tai đặc biệt quan trọng để giúp họ có sự tự chủ trong việc ra quyết định hành động nhằm giảm thiểu nguy cơ thiệt hại về người, về tài sản, về môi trường sinh sống và làm việc và thiệt hại về sinh kế của cộng đồng trong hiện tại và tương lai.

           Đây là một nội dung then chốt trong mục tiêu nâng cao tính bền vững của hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay tại Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Trong Đề án có hiệu lực thi hành mới nhất về vấn đề quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (Đề án 553) cũng chỉ đề cập đến mục tiêu về việc nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cơ chế, chính sách liên quan tới các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng từ trung ương đến địa phương mà chưa đề cập trực tiếp đến chính sách về trao quyền cho cộng đồng địa phương trong quá trình quản lý rủi ro thiên tai.

            (4). Trong hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cần thiết phải tăng cường lồng ghép vào các chính sách, kế hoạch phát triển bền vững ở địa phương và các cấp, các ngành trong nền kinh tế;

          Thiên tai và sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Cho dù thành quả của sự phát triển xã hội có tốt đến đâu nếu không coi trọng bảo vệ môi trường, hệ sinh thái dẫn đến sự thay đổi môi trường sống theo chiều hướng tiêu cực, thiên tai, hiểm họa ngày càng có nguy cơ cao xảy ra với loại hình, cường độ ngày càng khó lường. Nếu thực sự xảy ra thiên tai thì mọi thành quả kinh tế-xã hội của cộng đồng bị thiên tai đều ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, muốn phát triển bền vững kinh tế-xã hội thì việc lồng ghép quản lý thiên tai trong các chính sách là nhiệm vụ quan trọng. Thông qua các kế hoạch này, các cấp, ngành liên quan sẽ xác định được nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể đối với công tác giảm thiểu rủi ro thiên tai. Như, xây dựng kế hoạch quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội cụ thể cho các vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu; Tiến hành điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của ngành và địa phương theo những rủi ro thiên tai, rủi ro biến đổi khí hậu.

            (5). Cần thiết phải duy trì các nguồn lực từ bên ngoài như từ Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ toàn diện cho các cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là nguồn tài chính ổn định và các chuyên gia đào tạo nhằm duy trì được hoạt động phổ biến kiến thức cũng như sự tham gia thường xuyên của cộng đồng trong công tác quản lý rủi ro thiên tai;

            Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng bản chất chính là nhằm đạt được mục tiêu giảm thiểu rủi ro thiên tai từ đó có thể xây dựng các cộng đồng an toàn hơn, kiên cường hơn và có thể chống chịu được với thiên tai từ đó có sự phát triển bền vững. Để làm được điều này, mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cần được nghiên cứu và giải quyết cùng một lúc. Với mục tiêu đó, chỉ có nguồn lực tại chỗ của cộng đồng dân cư-những đối tượng dễ bị tổn thương nhất thì không thể thực hiện được, họ không thể tự mình giải quyết. Vì vậy, sự hỗ trợ của chính quyền sở tại, chính phủ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân… là vô cùng cần thiết.

            (6). Cách quản lý cần tiếp cận cả hai chiều hướng, chiều từ trên xuống và chiều từ dưới cộng đồng địa phương lên với phương châm ưu tiên những điều thích hợp và được cộng đồng chấp nhận so với điều được xem là cần thiết cho cộng đồng.

            Như phân tích ở trên đã chứng minh rằng, một trong những lý do cần phải triển khai hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng chính là đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng cũng như trực tiếp được hưởng lợi trong quá trình này chính là cộng đồng-nơi diễn ra thiên tai. Vì vậy, việc thu thập thông tin từ cộng đồng và chính họ cung cấp các thông tin trước, trong và sau thiên tai là một trong những căn cứ quan trọng để xây dựng các phương án, chương trình chống chọi và khắc phục sau thiên tai phù hợp nhất với thực tế của địa phương. Đồng thời, những chương trình, dự án, Đề án được cung cấp từ chính quyền trung ương, các tổ chức phi chính phủ tích hợp cùng với những thông tin được cung cấp từ dưới lên sẽ tạo ra những gói giải pháp hiệu quả và bền vững nhất trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai và phát triển sinh kế bền vững cho người dân.

4. Kết luận

            Việt Nam là một trong những quốc gia thường xuyên bị ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây do bị tác động bởi biến đổi khí hậu nên thời tiết và thiên tai có hiện tượng cực đoan, khó đoán và nguy hiểm hơn rất nhiều. Do đó, Chính phủ Việt Nam hết sức xem trọng việc phòng chống và ứng phó với rủi ro thiên tai, rủi ro biến đổi khí hậu. Kết quả là chính phủ Việt Nam đã ban hành và triển khai chiến lược quốc gia về Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, chiến lược quốc gia về biến đổi đổi khí hậu… và mới đây nhất là ban hành Đề án 553 có hiệu lực từ năm 2021 về việc quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Trước khi ban hành Đề án 553, chính phủ Việt Nam đã được nhiều tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các chương trình, dự án về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và đã đạt được những kết quả quan trọng như: xây dựng được nhiều cộng đồng dân cư an toàn hơn, tạo sinh kế bền vững cho những cộng đồng dễ bị tổn thương, nhận thức của các cấp chính quyền cũng như người dân về thiên tai, rủi ro thiên tai và các biện pháp phòng chống, thích ứng với thiên tai được nâng cao. Các kết quả mà các dự án mang lại đã chứng minh được tính hiệu quả của việc cộng đồng dân cư tham gia vào ngay từ đầu của hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Họ chính là nhân vật trung tâm, là đối tượng dễ bị tổn thương và cũng là người được hưởng lợi trực tiếp khi thực hiện tốt công tác quản lý rủi ro thiên tai. Do đó, nhu cầu, nguyện vọng cũng như các đặc điểm văn hóa, dân cư,… cần được xem xét trong quá trình quản lý rủi ro thiên tai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Akiojano, S. A., & Obafemi, S. (2021). Community – Based Risk Management and Resilience Assessment. IRE Journals, 5(4).

[2] Azad, M. A., Uddin, M. S., Zaman, S., & Ashraf, M. A. (2020). Community-based Disaster Management and Its Salient Features: A Policy Approach to People-centred Risk Reduction in Bangladesh. Asia-Pacific Journal of Rural Development, 1-26.

[3] Bộ Tài chính (2013). Công văn số 15009/BTC-NSNN ngày 01/11/2013 của Bộ Tài chính về kinh phí thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”.

[4] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021). Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia. Hà Nội: Viện khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.

[5] CFE-DM. (2021). Viet Nam Disaster Management Reference Handbook. Center for Excellence in Disaster Management & Humanitarian Assistance.

[6] Chính phủ (2007). Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.

[7] Chính phủ (2009). Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/07/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

[8] Chính phủ (2011). Quyết định 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia biến đổi khi hậu.

[9] Chính phủ (2013). Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 18/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” giai đoạn 2013-2015.

[10] Chính phủ (2021). Quyết định 553/QĐ-TTg ngày 06/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”.

[11] Chính phủ (2021). Quyết định số 379/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

[12] Eckstein, D., Künzel, V., & Schäfer, L. (2021). Global climate risk Index 2021. Germanwatch.

[13] Eduardo Cavallo, I. N. (2011). Natural Disasters and the Economy — A Survey. International Review of Environmental and Resource Economics, 5, 63-102.

[14] Isidiho, A., & Sabran, M. (2016). Evaluating the top-bottom and bottom-up community development approaches: Mixed method approach as alternative for rural un-educated communities in developing countries Mediterranean. Journal of Social Sciences, 7(4), 266–273.

[15] Kafle, S. K., & Murshed, Z. (2006). Community - Based disaster risk management. Local Authorities: Participant's Workbook, Pathumthani: Asian Disaster Preparedness Center.

[16] Nguyễn Văn Tiến, (2022). Nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. https://tuyengiao.vn/chung-suc-phong-chong-thien-tai/nang-cao-nhan-thuc-va-quan-ly-rui-ro-thien-tai-dua-vao-cong-dong-137466.

[17] Quốc hội (2013). Luật phòng, chống thiên tai được Quốc hội thông qua tháng 6/2013, có hiệu lực từ 01/05/2014.

[18] Salajegheh, S., & Pirmoradi, N. (2013). Community- Based Disaster Risk Management (CBDRM) and Providing a Model for Iran. International Journal of Engineering Research and Development, 7(9), 60-69.

[19] Tổng cục Thủy lợi (2021). Quyết định số 583/QĐ-TCTL-ĐĐ ngày 13/7/2011 của Tổng cục Thủy lợi về Ban hành tài liệu đào tạo cho tập huấn viên về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

[20] Tổng cục Thủy lợi (2021). Quyết định số 666/QĐ-TCTL-ĐĐ ngày 22/8/2011 của Tổng cục Thủy lợi về Phê duyệt nội dung tài liệu tham khảo Hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

[21] UNDRR. (2006). A Guide to community - based disaster risk reduction in Central Asia. United Nations Office for Disaster Risk Reduction.

[22] WB. (2022). Việt Nam: Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển. World Bank Group.


Bài viết khác