Thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp thích ứng với xu hướng tiêu dùng hiện đại trong thời kỳ Covid 19

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải

Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh

          Đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các nền kinh tế trên toàn cầu. Theo Ủy ban Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển - Unctad, nợ nước ngoài năm 2020 đã tăng lên mức cao kỷ lục, đạt 31% GDP ở các nền kinh tế đang phát triển. Tăng trưởng kinh tế và thương mại, đầu tư quốc tế có xu hướng giảm… Những điều này tác động không nhỏ, gây ra khủng hoảng kinh tế thế giới, làm thay đổi sâu sắc cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị, cách thức hoạt động kinh tế; thể hiện rõ nét nhất ở xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Xu hướng tiêu dùng hiện đại

          Kinh tế vĩ mô suy yếu, việc làm không ổn định và thu nhập hộ gia đình giảm khiến người tiêu dùng buộc phải đánh giá lại các giá trị và ưu tiên của họ cũng như nắm bắt thói quen tiêu dùng mới. Có thể thấy, đại dịch đã thúc đẩy việc mua sắm có kế hoạch, có chủ đích và chuyển sang tiêu dùng bền vững, hợp lý.

Xu hướng chi tiêu và sở thích mua sắm

- Mặt hàng được lựa chọn hàng đầu: thực phẩm và sản phẩm y tế. Người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến thực phẩm sản phẩm y tế vì những mặt hàng này chính là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và duy trì sự sống trước thực trạng dịch bệnh đang ngày càng lan rộng với những biến thể nguy hiểm hơn. Theo báo cáo về chỉ số giá thực phẩm trên thế giới của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc - FAO, chỉ số giá các mặt hàng thực phẩm trong tháng 5/2021 cao hơn 4,8% so với tháng 4/2021 và 39,7% so với cùng kỳ năm ngoái do giá dầu, đường và ngũ cốc cùng với giá thịt và sữa tiếp tục tăng cao.

- Tiện lợi:  Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như giãn cách, hạn chế tiếp xúc... khiến việc đặt hàng trên thiết bị di động, công nghệ và giao hàng tại nơi người tiêu dùng thuận tiện nhận hàng giúp người tiêu dùng mua sản phẩm họ cần vào thời điểm họ muốn trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết. Các hoạt động như làm việc, mua sắm, giải trí… vẫn được thực hiện mà không cần di chuyển đến nhiều vị trí, địa điểm.Người tiêu dùng có thể tối đa hóa thời gian, tăng tính linh hoạt, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thông qua truy cập từ nhà. Do đó, “tiện” đã trở thành một trong những tiêu chí tiêu dùng trong xã hội trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay.

- Tiêu dùng xanh, tiêu dùng có trách nhiệm: Khủng hoảng sức khỏe ảnh hưởng sâu sắc đến nhu cầu và thói quen mua sắm của mọi người. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường nặng nề dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như suy thoái đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên nước, ảnh hưởng môi trường sống của các loài thủy hải sản hay sản xuất nông nghiệp... tác động không nhỏ đến nguồn cung thực phẩm hàng ngày của con người. Vì vậy, người tiêu dùng quan tâm hơn về môi trường với tư duy khôi phục hệ sinh thái vừa góp phần giảm giá hàng hóa vừa làm cho mọi người sống khỏe hơn, sống lâu hơn.

Doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới:

          Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống cá nhân người tiêu dùng, buộc doanh nghiệp cũng phải sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới của người dân.

          Theo đó, thay đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ, là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển trong tình hình mới.

- Phát triển thương mại điện tử

          Do tính chất lây nhiễm cao của vi rút Covid-19 và tính tiện lợi từ việc giao-đặt hàng online, các dịch vụ mua bán hàng hóa không tiếp xúc gia tăng mạnh. Theo một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường của Hoa Kỳ - Forrester, năm 2020, 58% người tiêu dùng chọn chi tiêu trực tuyến, tăng 12% so với mức trước đại dịch.Xét ở nhiều góc độ, không chỉ ảnh hưởng bởi dịch bệnh, số người tiêu dùng trực tuyến ngày càng tăng còn do thế hệ Z – thế hệ được sinh ra sau khi internet trở nên phổ biến rộng rãi, được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ - đang dần trở thành lực lượng dân số chính hiện nay. Vì vậy, ứng dụng công nghệ số trong chi tiêu, mua sắm là xu hướng tất yếu của những người tiêu dùng trẻ hiện đại.

          Theo UNCTAD, doanh số thương mại điện tử năm 2019 đạt 26,7 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, bao gồm cả doanh số bán hàng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C). Năm 2021, theo eMarketer, thị trường thương mại điện tử toàn cầu dự kiến sẽ đạt 4,89 nghìn tỷ USD.

- Kinh doanh có ý thức

          Kết quả cuộc khảo sát được thực hiện bởi Accenture PLC - một công ty trong Fortune Global 500 - vào tháng 4/2020 cũng cho thấy, 60% người tiêu dùng muốn mua hàng thân thiện với môi trường. Sử dụng ít nhựa hơn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng trước Covid-19, nhưng hiện nay là những lo ngại về biến đổi khí hậu kèm theo môi trường sống.

          Theo Worldbank, tính bền vững là một yếu tố được người tiêu dùng hiện đại quan tâm khi mua sắm. 71% người tiêu dùng trên toàn thế giới cho rằng biến đổi khí hậu cũng quan trọng như Covid và họ sẵn sàng góp phần xây dựng môi trường sống bền vững thông qua chi tiêu vào các sản phẩm được chứng nhận “xanh”, “không ảnh hưởng môi trường”.

          Người tiêu dùng thiện cảm nhiều hơn đối với các thương hiệu có tinh thần trách nhiệm, có thể giúp làm cho thế giới sạch hơn. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng sẽ phải thay đổi mô hình sản xuất – kinh doanh, từ tìm nguồn cung ứng tiêu chuẩn và bền vững đến xây dựng quy trình sản xuất không ô nhiễm, tác động tiêu cực đến môi trường, phân phối các sản phẩm có “nhãn xanh” thân thiện môi trường đến tay người tiêu dùng.

- Ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong phân phối,

          Vận chuyển hàng hóa Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, giảm dịch vụ khách hàng và gây ra sự chậm trễ giao hàng. Đồng thời, người tiêu dùng hiện đại cũng nâng cao kỳ vọng, trở thành tiêu chuẩn trong nhu cầu chi tiêu, tạo ra áp lực mới cho các doanh nghiệp. Do đó, ngay cả những doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hậu cần, logistics cũng cần thay đổi mô hình kinh doanh. Các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và tự động hóa đang được tích hợp vào mạng cung cấp kỹ thuật số, tích hợp dữ liệu và thông tin từ các nguồn khác nhau để thúc đẩy phân phối hàng hóa sản xuất dọc theo chuỗi giá trị.

          Công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) đóng một vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng hiện đại. Chẳng hạn, đối với hàng hóa lưu kho, trí thông minh nhân tạo và vị trí có thể giúp các nhà bán lẻ duy trì lợi thế cạnh tranh cho hoạt động phân phối sản phẩm và chuỗi cung ứng của họ. Dữ liệu lớn nhiều mặt từ các vị trí địa lý cụ thể kết hợp với các tương tác trực tuyến có thể hiển thị các mô hình mua hàng dựa trên các thời điểm, sự kiện và điều kiện nhất định trong các phân khúc khách hàng chi tiết.

          Do đó, một nhà bán lẻ có thể sử dụng AI để dự đoán sản phẩm nào tiết kiệm chi phí hơn để nhập kho trong một nhà kho nhất định ở vị trí gần các khu vực cụ thể. Hay công nghệ blockchain là một cách phân phối quá trình xác minh cho bất kỳ thứ gì từ giao dịch tài chính đến ghi nhật ký thông tin vận chuyển.

          Doanh nghiệp sẽ có thông tin về hành trình của sản phẩm dọc theo chuỗi cung ứng, cung cấp mọi thứ từ địa điểm đến thời điểm hàng đến, và thậm chí tất cả các điều kiện môi trường trong suốt hành trình. Ví dụ, đây có thể là một công cụ mới mang tính cách mạng, nếu một công ty đang vận chuyển những thứ dễ hỏng như cá và phải duy trì ở một nhiệt độ nhất định trong suốt chặng đường. Công ty vận chuyển cá có thể xem liệu nhiệt độ thực tại hay nhiệt độ tại bất kỳ thời điểm nào trong hành trình có vượt quá ngưỡng cho phép không. Nếu điều này ảnh hưởng đến hàng hóa thì khả năng này cho phép họ giảm thiểu các vấn đề về chất lượng thực phẩm.


Bài viết khác