Thông cáo báo chí về tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Nghệ An 6 tháng đầu năm 2021

I. Những thuận lợi và khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2021

6 tháng đầu năm 2021, thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã tạo không khí phấn khởi, vui tươi trong đời sống nhân dân và tiếp thêm động lực để các cấp, các ngành phấn đấu đạt các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra từ đầu năm. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khá do thời tiết thuận lợi,  cùng với đó là các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Môi trường vốn đầu tư, xây dựng và doanh nghiệp luôn được cải thiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đời sống nhân dân được ổn định và từng bước được nâng lên.

Bên cạnh đó, cùng với đó dịch Covid-19 bùng phát trở lại với diễn biến rất phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Trước tình hình đó, để thực hiện thành công mục tiêu “kép” theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Trung ương và hướng dẫn của ngành Y tế; đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng. Do đó, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 cơ bản ổn định, một số ngành, lĩnh vực đạt được kết quả tăng trưởng khá.

II. Kết quả đạt được

1. Tăng trưởng kinh tế

Với chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo tỉnh và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế". Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) quý II/2021 ước tính tăng 7,93% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7,11% của quý I. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh theo giá so sánh ước tính đạt 42.866,4 tỷ đồng, tăng 7,58% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 4,61 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm 2020.

 Cả 3 khu vực đều có mức tăng trưởng khá, trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng ấn tượng, đóng góp lớn vào tốc độ tăng chung của tỉnh với 3,76 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ đóng góp 2,39 điểm phần trăm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 1,18 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,25 điểm phần trăm.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá với mức tăng 4,58% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,57 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm 2020. So với kế hoạch (tăng 4,44%) đề ra thì ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đã vượt. Để cả năm hoàn thành kế hoạch tăng trưởng thì ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 6 tháng cuối năm cần phải tăng 5,43%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 20,44% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 2,54% của 6 tháng đầu năm 2020 và có mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây (6 tháng/2018 tăng 14,98%, 6 tháng/2019 tăng 9,07%), đóng góp 2,83 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn tỉnh.

Khu vực dịch vụ trong các tháng đầu năm 2021 tăng trưởng tích cực khi dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động thương mại, mua bán đối với các nhóm hàng hóa thiết yếu vẫn diễn ra bình thường. Vận tải kho bãi tăng 13,27%; Bán buôn và bán lẻ tăng 8,07% so với cùng kỳ năm trước là hai ngành dịch vụ có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (tương ứng 0,47 và 0,53 điểm phần trăm).

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,62% do thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 tăng cao, nhất là các khoản thu của doanh nghiệp, cá thể thuộc dòng thuế sản phẩm như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu.

Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 28,21%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 26,07%; khu vực dịch vụ chiếm 40,43%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,29% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là 28,37%; 24,74%; 41,45%; 5,44%).

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản quý II và 6 tháng đầu năm  tiếp tục phát triển ổn định và đạt được kết quả khá toàn diện. Tổng diện tích gieo trồng 6 tháng 2021 ước đạt 185.323,6 ha. Đặc biệt, Lúa vụ Đông Xuân nhờ thời tiết thuận lợi, cơ cấu bộ giống tiến bộ cũng như áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất đạt cao hơn cùng kỳ năm trước với 2,45%..

          a) Nông nghiệp

Kết quả sản xuất cây hàng năm

Tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông Xuân 2021 đạt 185.323,6 ha, so với cùng kỳ giảm 1,08% (-2.014,01 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích lúa vụ Đông Xuân gieo trồng được 91.644 ha, so cùng kỳ năm trước diện tích lúa năm nay đạt 99,31%. Năng suất lúa sơ bộ đạt 68,13 tạ/ha (+2,45%), sản lượng đạt 624.407 tấn (+1,74%). Diện tích gieo trồng ngô vụ Đông Xuân ước đạt 34.277 ha (- 2,25% so cùng kỳ năm ngoái ), năng suất ước đạt 48,21 tạ/ha (-0,52%), sản lượng ước đạt 165.250 tấn (-2,76%). Cây lấy củ có chất bột: diện tích gieo trồng ước đạt 3.300 ha, giảm 13,94% (-534 ha) so với cùng vụ năm trước. Cây rau đậu, hoa, cây cảnh: diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2021 đạt 26.621 ha, tăng 1,38% so cùng kỳ năm 2020.

Kết quả sản xuất cây lâu năm

Diện tích cây ăn quả lâu năm ước tính đạt 23.209 ha, tăng 1,79% (+407 ha) so với 6 tháng đầu năm 2020. Nhóm cây ăn quả diện tích tăng tập trung ở nhóm cây nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhóm cây lấy quả chứa dầu: diện tích ước đạt 198 ha, tăng 2,44% (+5 ha) so với cùng kỳ năm 2020.  Diện tích cây cao su 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái khá ổn định, ước đạt 9.700 ha, tăng 4 ha. Diện tích cây cà phê ước đạt 15 ha, không tăng, không giảm. Cây chè búp diện tích ước đạt 11.474 ha, tăng 0,8% (+91 ha) so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng ước đạt 52.498 tấn. Diện tích cây gia vị và cây dược liệu lâu năm ước đạt 1.655 ha, tăng 1,26% (+21 ha).

Chăn nuôi

Tổng đàn trâu bò ước đạt 761.860 con, tăng 1,89% (+14.168 con) so với cùng kỳ năm trước. Đàn trâu 268.870 con, giảm 0,46% (-1.240 con). Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng là 10.317 tấn, tăng 1,05% (+107 tấn). Đàn bò 492.990 con, tăng 3,23% (+15.408 con), trong đó: bò sữa 69.155 con, tăng 7,53% (+4.840 con). Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 14.026 tấn, tăng 2,96% (+403 tấn).

 Tổng đàn lợn 6 tháng đầu năm ước đạt 914.620 con, tăng 3,67% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số con lợn thịt xuất chuồng là 1.123.012 con, tăng 2,74% (+29.910 con), sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 73.215 tấn, tăng 2,91% (+2.070 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.

Đàn gà vịt ngan ngỗng ước đạt 28.343 nghìn con, tăng 8,49% (+2.218 nghìn con) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó: đàn gà ước đạt là 24.075 nghìn con, tăng 9,11% (+ 2.010 nghìn con) và chiếm 84,94 % trong tổng đàn. Sản lượng gà, vịt, ngan, ngỗng 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 46.848 tấn, tăng 7,71% (+ 3.353 tấn) so cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình dịch bệnh:

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Từ đầu năm đến nay có 246 ổ dịch (5.614 hộ/959 xóm/246 xã), số lợn đã tiêu hủy: 16.646 con; tổng trọng lượng 1.049.241 kg. Số ổ dịch đã qua 21 ngày công bố hết dịch là 206 ổ (chiếm hơn 83% tổng số ổ dịch). Bệnh dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.

Bệnh Viêm da nổi cục: Đến tháng 6 năm 2021,  có 337 ổ bệnh (6.527 hộ/1.368 xóm/337 xã). Số gia súc mắc bệnh: 8.839 con (77 trâu, 26 nghé, 5.653 bò, 3.083 bê); số gia súc chết là 2.066 con (7 trâu, 3 nghé, 507 bò, 1.549 bê); Trọng lượng tiêu hủy: 283.091 kg. Số ổ dịch đã qua 21 ngày công bố hết dịch là 261 ổ (chiếm hơn 77% tổng số ổ dịch). Bệnh xảy ra tại các địa phương, hộ chăn nuôi trâu, bò chưa được tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục.

          b) Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng mới tập trung 6 tháng đầu năm ước đạt 8.085 ha, tăng 7,4% (+557 ha) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích trồng rừng tăng do người dân ý thức được trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế, đỡ rủi ro, ít phải đầu tư, nguồn cây giống phong phú, chất lượng cao.

Sản lượng gỗ khai thác rừng trồng 6 tháng đầu năm ước đạt 623.120 m3, tăng 10,72% (+60.340 m3). Sản lượng củi khai thác 6 tháng ước đạt 632.992 ste, tăng 0,32% (+2.044 ste).

6 tháng đầu năm xảy ra 114 vụ phá rừng, diện tích rừng bị phá là 51 ha. Công tác bảo vệ rừng thường xuyên được quan tâm, tăng cường công tác tuyên truyền, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.

c) Thủy sản

Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá do thời tiết thuận lợi cho ngư dân ra khơi. Sản lượng 6 tháng đầu năm ước đạt 131.510 tấn, tăng 8,66% (+ 10.481 tấn), cá 108.416 tấn, tôm 5.293 tấn, thủy sản khác 17.801 tấn. Trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 32.241 tấn, tăng 8,26% tấn (+2.460 tấn); sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 99.269 tấn, tăng 8,79% (+8.021 tấn) so cùng kỳ năm trước.

Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ về nguồn lực đầu tư, vốn, quy trình nuôi trồng… cho phát triển sản xuất thủy sản. Các cơ chế chính sách phát triển thủy sản được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn. Thu hút các nguồn lực đầu tư trong xã hội được đẩy mạnh, mở rộng hình thức tín dụng nhân dân, đặc biệt vùng nông thôn ven biển trong tỉnh để huy động nguồn vốn nhàn rỗi của nhân dân. Đồng thời, cho hộ nông ngư dân vay vốn để phát triển sản xuất. Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về khai thác hải sản theo mùa vụ, nghiêm cấm khai thác các đối tượng hải sản trong mùa vụ sinh sản, nghiêm cấm sử dụng các công cụ khai thác hủy hoại môi trường và nguồn lợi hải sản.

3. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 do một số ngành, sản phẩm vẫn đạt được mức tăng trưởng khá cao. Bên cạnh đó một số nhà máy với giá trị sản phẩm cao đã đi vào hoạt động từ đầu năm như: nhà máy Xi măng Tân Thắng, Nhà máy may An Hưng…

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng 25,15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 21,89%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 25,96%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 21,47%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,80%.

6 tháng đầu năm, một số sản phẩm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước như: đá xây dựng khác tăng 72,51%; tôn lợp tăng 68,03%; quần áo không dệt kim tăng 65,31%; xi măng tăng 35,23%; phân bón NPK tăng 24,85%; clanhke tăng 24,48%; sợi tăng 22,51%; bia đóng lon tăng 14,27%; sữa chua tăng 4,60... Ngoài ra một số sản phẩm giảm như: sản phẩm in khác giảm 31,40%; đường RS giảm 19,55%; Đá phiến đá khối giảm 18,67%; cửa ra vào bằng sắt giảm 4,16%; dịch vụ thu gom rác thải giảm 3,29%; bê tông trộn sẵn giảm 2,28%…

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Xác định được tầm quan trọng của doanh nghiệp trong đóng góp vào phát triển kinh tế và xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập đoàn liên ngành chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời xem xét, giải quyết thỏa đáng cho doanh nghiệp.

Theo kết quả điều tra ban đầu của Tổng điều tra Kinh tế năm 2021, tính đến ngày 31/12/2020, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 12.063 doanh nghiệp đang hoạt động.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, cả tỉnh có 938 doanh được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với số vốn đăng ký 10.516,7 tỷ đồng, tăng 14,95% so với cùng kỳ 2020 về số doanh nghiệp và tăng 63,4% về vốn đăng ký.

Có 454 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 628 doanh nghiệp, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm dừng hoạt động 64 doanh nghiệp, tăng 21 doanh nghiệp so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp giải thể là 79 doanh nghiệp, tăng 33,9%.

5. Thương mại và dịch vụ

Ngành thương mại và dịch vụ đã thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu, điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ khác trên địa bàn.

6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 33.257 tỷ đồng, tăng 7,87% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 3.224 tỷ đồng, tăng 5,15% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành) ước đạt 3.119,1 tỷ đồng, tăng 17,05%.

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải quý II ước đạt 2.953,2 tỷ đồng, đưa doanh thu 6 tháng ước đạt 5.834,8 tỷ đồng, tăng 14,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hàng hóa 3.860,5 tỷ đồng, tăng 15,77%; doanh thu vận tải hành khách 1.247,0 tỷ đồng, tăng 10,58%; doanh thu hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát 727.3 tỷ đồng, tăng 12,92%. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 6 tháng ước đạt 5.834,8 tỷ đồng, tăng 14,26% so với cùng kỳ năm trước.

6. Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

Trong 6 tháng đầu năm, dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động sản xuất - kinh doanh trở lại cơ bản bình thường đã tác động tích cực đến thu, chi ngân sách Nhà nước. Chi đầu tư phát triển trong kỳ có chuyển biến tốt, trong đó đã hỗ trợ kịp thời để mua sắm vật phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 9.504,6 tỷ đồng, đạt 67,7% dự toán cả năm và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa ước đạt 8.634,6 tỷ đồng, đạt 67,6% dự toán và tăng 27,4%. Thu ngân sách 6 tháng năm 2021 tăng so cùng kỳ năm trước do có một số khoản thu tăng đột biến như: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 870 tỷ đồng, đạt 69,6% dự toán giao từ đầu năm và tăng 71,1% so cùng kỳ năm 2020; Thu từ khu vực CTN-DV ngoài quốc doanh 2.739,1 tỷ đồng, đạt 63,8% dự toán và tăng 46,4%,…

Tổng chi ngân sách 6 tháng ước đạt 12.439,1 tỷ đồng, đạt 48,4% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển 3.400 tỷ đồng, đạt 52,3% dự toán; chi thường xuyên 8.919,1 tỷ đồng, đạt 47,5% dự toán. Chủ yếu tập trung chi lương, các khoản có tính chất lương của các cơ quan, đơn vị, các sự nghiệp và hỗ trợ kinh phí cho đối tượng bảo trợ xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành ngân hàng Nghệ An đạt mức tăng trưởng nguồn vốn huy động và dư nợ tốt, tiếp tục kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ dưới mức cho phép. Ước tính đến 30/6/2021 nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 168.163 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm (+8.008 tỷ đồng). Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn ước đạt 235.995 tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm (+9.964 tỷ đồng).

7. Đầu tư và xây dựng

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Tiếp tục chỉ đạo tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Đài Loan vào tỉnh Nghệ An.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 36.324,3 tỷ đồng, tăng 11,42% so cùng kỳ. Vốn nhà nước ước đạt 6.293,1 tỷ đồng (-11,00%); vốn ngoài nhà nước ước đạt 28.587,5 tỷ đồng (+17,60%); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 1.443,6 tỷ đồng (+18,08%). Phân theo khoản mục đầu tư: vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 32.584,4 tỷ đồng, tăng 10,77% so với cùng kỳ năm trước; vốn mua sắm tài sản cố định ước đạt 1.560,7 tỷ đồng(+ 5,76%); vốn sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản cố định ước đạt 1.518,2 tỷ đồng (+6,08%)

Những dự án trọng điểm được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ: Dự án nâng cấp, mở rộng QL15A đoạn Km320+700 - Km327+600 và Km330 - Km333+200; dự án đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền (giai đoạn 1), đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1); Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ điểm giao QL46 đến TL535 (Km76 - Km83+500); dự án LRAMP - Hợp phần đường.

8. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2021 tăng (+0,29%) so với tháng trước; tăng (+1,80%) so cùng kỳ năm trước; so với tháng 12 năm 2020 tăng (+1,15%); CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ tăng (+1,05%).

Bình quân 6 tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,05% so với cùng kỳ năm trước, tăng mạnh nhất là nhóm giao thông tăng 5,88%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,16%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,29%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,24%; giáo dục tăng 1,06%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,79%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,63%... Bên cạnh đó, có nhóm hàng hóa giảm là: nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 1,91%; Bưu chính viễn thông giảm 0,15%. 

Chỉ số giá vàng so với tháng trước tăng 1,01%, so với tháng 12/2020 giảm 0,42%, so với cùng kỳ năm trước tăng 12,00%. Chỉ số đô la Mỹ giảm 0,18% so với tháng trước, so với tháng 12/2020 tăng 11,13%, so với cùng kỳ năm trước tăng 10,87%.

9.  Một số lĩnh vực xã hội

 Trước tình hình Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Các cấp, các ban, ngành thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đời sống của các tầng lớp nhân dân được ổn định và ngày càng được nâng lên.

a) Dân số, lao động và việc làm

Dân số trung bình tỉnh Nghệ An năm 2020 ước đạt 3,365 triệu người, đứng thứ 4 cả nước. Trong đó lực lượng lao động có hơn 1,9 triệu người, hàng năm bổ sung hơn 30 nghìn người và đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”, đây là lợi thế về nguồn lao động dồi dào và cũng là thách thức khi giải quyết việc làm cho người lao động.

Thực hiện đồng bộ các chính sách giải quyết việc làm gắn với phát triển thị trường lao động. Ước 6 tháng đầu năm 2021, giải quyết việc làm cho 17.325 người, đạt 45% kế hoạch. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận gần 1.500 hồ sơ đăng ký dự tuyển, tuyển sinh trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 20.598 lượt người, đạt 31% KH và vượt 28,6% so với cùng kỳ năm 2020.

b) Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội

Tính đến thời điểm hiện nay (tháng 6/2021) trên địa bàn tỉnh Nghệ An không có hộ thiếu đói xảy ra. Đời sống cán bộ công nhân viên chức hưởng lương trong khu vực Nhà nước, khu vực doanh nghiệp nhìn chung đáp ứng được nhu cầu thiết yếu, ổn định cuộc sống. Thực hiện cấp giấy chứng nhận hộ nghèo cho 34.161 hộ và giấy chứng nhận hộ cận nghèo cho 53.990 hộ.

Tính đến ngày 30/5/2021, toàn tỉnh có 622.852 đối tượng, 461 doanh nghiệp/cơ sở, hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ. Tổng kinh phí đã hỗ trợ là 601.422 triệu đồng. Có 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được hỗ trợ vay vốn để trả lương cho 243 người lao động. Tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho 84 đơn vị, doanh nghiệp và 2.614 lao động, kinh phí đã  giải quyết hơn 5.664 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2021, ước toàn tỉnh giải quyết cho 59.967 lượt người hưởng chế độ BHXH, số lượt khám chữa bệnh BHYT là 2.523.480 lượt người; tăng 147.456 lượt so với cùng kỳ năm 2020. Tổng chi BHXH, BHTN, BHYT dự kiến lũy kế đến ngày 30/6/2021 là 5.945.521 triệu đồng; trong đó: Chi BHXH, BHTN là 4.084.948 triệu đồng, tăng tăng 3,96%; Chi BHYT là 1.860.573 triệu đồng, tăng 10,57% so với cùng kỳ năm 2020.                                                          

c) Giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao

Ngành giáo dục và đào tạo đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch hoàn thành năm học 2020-2021 trước ngày 25 tháng 5 năm 2021, tổ chức tốt các kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, an toàn trong điều kiện dịch bệnh. 6 tháng đầu năm đã công nhận mới 12 trường, công nhận lại và nâng chuẩn 21 trường chuẩn quốc gia. Tỉnh Nghệ An tiếp tục giữ vững tốp dẫn đầu của cả nước với 81 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia. Trong đó có 7 giải nhất, 25 giải nhì, 27 giải ba và 22 giải khuyến khích. Có 3 học sinh được tham gia đội tuyển Olympic quốc tế, trong đó có 01 học sinh đạt Huy chương Bạc Olympic Vật lý, 01 học sinh đạt Huy chương Vàng Olympic Tin học, tại kỳ thi Olympic châu Á - Thái Bình Dương năm 2021.

Ngành Y tế đã chủ động, tích cực và thực hiện kịp thời công tác phòng, chống dịch Covid-19. Toàn tỉnh đã thành lập 62 tổ lấy mẫu, có 7 cơ sở xét nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế cấp phép. Thiết lập hệ thống tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại 5 cơ sở tuyến tỉnh, 19 cơ sở tuyến huyện với 350 giường bệnh, thiết lập bệnh viện dã chiến với quy mô 100 giường bệnh sẵn sàng kích hoạt khi có yêu cầu. Toàn tỉnh có 30 cơ sở cách ly với hơn 10.000 giường cách ly theo quy định. Bệnh viên đa khoa Nghệ An được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện đa khoa tuyến cuối.

6 tháng đầu năm 2021, tiêu chảy xảy ra 4.484 ca; sốt rét 5 ca; sốt xuất huyết 29 ca; ngộ độc thực phẩm 1 vụ. So với 6 tháng năm trước tiêu chảy tăng 18,62%, sốt rét giảm 80%, sốt xuất huyết giảm 83,04%. Theo báo cáo của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh, lũy kế tính đến ngày 31/5/2021 số người bị nhiễm HIV là 12.493 người, trong đó có 10.254 người trong tỉnh (chiếm 82,08%), người ngoại tỉnh đến có 2.239 người (chiếm 17,92%). Đẩy mạnh công tác truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm, tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn

Công tác văn hóa thể thao được quan tâm chỉ đạo, tập trung tuyên truyền, trang trí cổ động và tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của dân tộc. Xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội thể dục thể thao lần thứ IX và kế hoạch phát động các hoạt động thể thao trên địa bàn tỉnh. Kết quả, các vận động viên của tỉnh Nghệ An tham gia Giải vô địch kéo co Toàn quốc đạt 02 huy chương vàng, 03 huy chương bạc, 11 huy chương đồng; Các đoàn vận động viên thể thao thành tích cao tham gia thi đấu 11 giải đạt 91 huy chương (16 vàng, 26 bạc, 49 đồng).

d) Tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông: 6 tháng đã xảy ra 191 vụ, làm chết 88 người, bị thương 156 người, ước giá trị thiệt hại 6.074 triệu đồng. So với 6 tháng năm trước số vụ tai nạn giao thông tăng 3,24%, số người chết tăng 12,82%, bị thương tăng 3,31%.

6 tháng đầu năm đã xảy ra 853 vụ phạm pháp kinh tế, tăng 9,92% với 960 đối tượng và tăng 10,22% so với cùng kỳ năm trước. Xảy ra 706 vụ phạm pháp hình sự, tăng 16,50% với 1087 đối tượng và tăng 15,88% so với cùng kỳ năm trước. Có 479 vụ buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện, tăng 6,68% so với cùng kỳ năm trước; bắt giữ 584 người, tăng 9,57%. Số đối tượng sử dụng ma túy bị phát hiện 316 người, giảm 21,20%; số đối tượng hoạt động mại dâm 46 người, tăng 2,4 lần. Phát hiện 184 vụ đánh bạc, 778 đối tượng, thu giữ 1.146 triệu đồng và nhiều tài sản khác.

e) Thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Trong quý II năm 2021 đã xảy ra 13 vụ cháy, không thiệt hại về người, ước giá trị thiệt hại tài sản là 2,4 tỷ đồng. Cộng dồn 6 tháng đã xảy ra 30 vụ cháy, làm 1 người chết, ước giá trị thiệt hại khoảng 4,2 tỷ đồng. Ngoài ra, rạng sáng  ngày 15/6/2021, trên địa bàn thành phố Vinh đã xảy ra vụ cháy lớn, làm chết 6 người, nguyên nhân và giá trị thiệt hại đang chờ xác minh làm rõ.

Tình hình vi phạm môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra, số vụ vi phạm ngày càng tăng, tái diễn nhiều lần. Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên toàn tỉnh đã xảy ra 596 vụ vi phạm môi trường, tăng gấp hơn 2,2 lần (+ 326 vụ), tổng số tiền xử phạt 976 triệu đồng, tăng 3 lần (+ 658 triệu đồng) so với cùng kỳ.

Tình hình các gói hỗ trợ dịch Covid-19:

Trước diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để kịp thời chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ. Tuyên truyền sâu rộng thông điệp 5K của Bộ Y tế. Tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên, lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện bảo quản, cấp phát vắc-xin cho các điểm tiêm chủng tuyến tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật về tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại các địa phương.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã thiết lập khu cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 của Văn phòng Chính phủ đối với địa bàn thành phố Vinh, thời gian thực hiện cách ly xã hội kể từ 00h00 ngày 19/6/2021.

Tính từ ngày 13/6 đến sáng ngày 25/6, Nghệ An đã có 51 ca dương tính với  Covid-19, trong đó, thành phố Vinh có 32 ca, huyện Diễn Châu có 9 ca, huyện Tân Kỳ có 1 ca, huyện Quỳ Hợp có 1 ca, Nam Đàn 2 ca, Đô Lương có 1 ca, Thi xã Hoàng Mai 2 ca, Nghĩa Đàn 1 ca, Nghi Lộc 1 ca và Quỳnh Lưu 1 ca.

Hưởng ứng tích cực lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng chống dịch Covid- 19", các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn đã chung tay góp sức ủng hộ để tiếp thêm nguồn lực cùng tỉnh và cả nước phòng, chống dịch. Theo số liệu báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An, từ ngày 01/5/2021 đến 16/6/2021, tổng tiếp nhận đăng ký ủng hộ phòng, chống Covid-19 toàn tỉnh đạt 27,64 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hàng hóa).

III. Giải pháp trong thời gian tới

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế năm 2021 đạt mức tăng trưởng khá, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm cần thực hiện như sau:

Một là, triển khai quyết liệt các biện pháp để kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đồng bộ, toàn diện, thực chất hơn.

Ba là, thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn..

Bốn là, tập trung chỉ đạo quyết liệt phát triển công nghiệp. Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển những dự án sử dụng công nghệ mới.

 Năm là, nâng cao vai trò của các ngành dịch vụ đối với phát triển kinh tế. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị cao.

Sáu là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Bảy là, chăm lo, phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.

Tám là, tiếp tục cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tổ chức vận hành có hiệu quả .

 

Chín là, xây dựng nền quốc phòng vững mạnh. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

 

CỤC THỐNG KÊ TỈNH NGHỆ AN

Nguồn: http://www.thongke.nghean.gov.vn/wps/portal/cucthongke/!ut/p/c5/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3i_MG9_TxPDUGcnPyczA09HU6NQYw8PY38XY6B8JJJ8kI-pi4GnmamFsbGRm5OrgSEB3eEg-_DrB8kb4ACOBvp-Hvm5qfqR-lHmuOwJDjbQj8xJTU9MrtQvyI0wyDIJVQQAq6Joqw!!/dl3/d3/L0lJSklna2shL0lCakFBTXlBQkVSQ0lBISEvWUZOQzFOS18yN3chLzdfTlZLT0k0MVVDQk5CNjBJQTUyVTNISDNTUzA!/?WCM_PORTLET=PC_7_NVKOI41UCBNB60IA52U3HH3SS0_WCM&WCM_GLOBAL_CONTEXT=/wps/wcm/connect/web+content+cuc+thong+ke/ctk/ttsk/tcn/56b5da0043271b038159fd506a4df77d 


Bài viết khác