Thu hút FDI xanh vì sự phát triển bền vững của Việt Nam

                                                                                Lê Thị Hồng Ngọc

                                                                             Tổ Quản trị  - Khoa Kinh tế - QTKD

     Trong giai đoạn phát triển kinh tế trước đây, chúng ta tìm mọi cách để thu hút vốn FDI càng nhiều càng tốt, thậm chí thu hút bằng mọi giá và xem sự gia tăng về số lượng các dự án, về vốn đăng ký, vốn thực hiện, đối tác đầu tư…là thành quả đáng tự hào mà chưa chú trọng đến yếu tố chất lượng, hiệu quả. Kết quả là, nhiều dự án FDI khi thực hiện đã gây ra tác động tiêu cực cho kinh tếmôi trường. Từ những bài học thực tế đó, cần quan tâm đến việc thu hút FDI xanh nhằm phát triển bền vững.

         FDI XANH LÀ GÌ?

          Theo Golub và cộng sự (2011),  FDI xanh (Green FDI) được hiểu theo hai khía cạnh: (i) Là các dự án FDI hướng vào lĩnh vực sản xuất hàng hóa và dịch vụ môi trường; (ii) Là các dự án FDI sử dụng năng lượng sạch hoặc tiêu hao ít năng lượng. Tuy nhiên, bộ tiêu chí để đánh giá tiểu chuẩn “xanh” của dòng vốn FDI còn khá chung chung, chưa được hoàn thiện nên rất khó khăn để xác định chính xác dự án đầu tư nào thuộc nhóm này, dự án đầu tư nào là FDI công nghệ bẩn. Bên cạnh đó, đôi khi có trường hợp sản phẩm phù hợp với môi trường, được coi là xanh nhưng có thể quá trình sản xuất chúng lại tạo ra nhiều rác thải hoặc tiêu hao nhiều năng lượng.

          UNCTAD (2008) đề cập tới FDI xanh gồm 2 loại: (1) Là đầu tư nước ngoài tuân theo tiêu chuẩn môi trường quốc gia; (2) Đầu tư vào việc sản xuất trực tiếp các sản phẩm và dịch vụ môi trường ở nước nhận đầu tư.

          Nhìn chung, có thể hiểu FDI xanh là đầu tư trực tiếp nước ngoài vào sản xuất sản phẩm và dịch vụ môi trường, hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy trình sản xuất giảm thiểu hủy hoại môi trường, nhằm mục đích vừa phát triển kinh tế mà vẫn sử dụng được hợp lý tài nguyên, tránh được việc hủy hoại môi trường, biến đổi khí hậu và mất cân bằng sinh thái ở nước nhận đầu tư.

         Đặc điểm của FDI xanh là hướng đến sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, do nó gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường và bảo đảm lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội cho tất cả các bên tham gia, cụ thể: 

          Về lợi ích kinh tế: các nhà đầu tư có điều kiện thuận lợi để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, tạo được lợi nhuận trong quá trình đầu tư. Nơi tiếp nhận đầu tư phải đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, ổn định và bền vững. Hay nói cách khác, dòng vốn đầu tư này sẽ đảm bảo đôi bên đều có lợi ích kinh tế.

          Về lĩnh vực môi trường: môi trường tự nhiên của nơi tiếp nhận đầu tư cần được bảo vệ, kiểm soát được mức độ ô nhiễm, không làm gia tăng tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi.

          Về lợi ích xã hội: nơi tiếp nhận đầu tư đạt được bước tiến đáng kể về phúc lợi xã hội, như sự tiến bộ và công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng giáo dục, trình độ dân trí…

    SỰ CẦN THIẾT PHẢI THU HÚT FDI XANH VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA VIỆTNAM

           Cùng với quá trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế, ngày 29/12/1987, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN), đánh dấu bước ngoặt trong thu hút dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Từ đó đến nay, khu vực có vốn FDI ngày càng đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

          Cụ thể, theo Tổng cục thống kê, giai đoạn 2016 – 2019 không chỉ gia tăng về số vốn đăng ký, mà vốn FDI thực hiện cũng tăng cao, từ  15.800 triệu USD năm 2016 lên 20.380 triệu USD năm 2019; số dự án đầu tư đăng ký mới tăng từ 2.613 dự án năm 2016 lên 4.028 dự án năm 2019. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, Việt Nam chỉ có 2.610 dự án đăng ký mới (giảm 21% so với năm 2019) với số vốn đăng ký là 31.045 triệu USD (giảm 35%). Mặc dù vậy, vốn thực hiện không bị ảnh hưởng nhiều (Bảng). Lũy kế đến hết năm 2020, Việt Nam đã thu hút được hơn 33.148 dự án FDI đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký trên 377 tỷ USD.

Bảng: Số lượng dự án và vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn 2016 đến 2020

Năm

Số dự án đăng ký mới

Tổng vốn đăng ký (Triệu USD)

Tổng vốn thực hiện (Triệu USD)

Vốn thực hiện/Vốn đăng ký (%)

2016

2.613

26.890,5

15.800,0

58,76

2017

2.741

37.100,6

17.500,0

47,17

2018

3.147

36.368,6

19.100,0

52,52

2019

4.028

38.951,7

20.380,0

52,32

2020

2.610

31.045,3

19.980,0

64,35

Nguồn: Tổng hợp và tính toán của tác giả từ Tổng cục thống kê

           Trong giai đoạn 2016 – 2020, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tập trung nhiều nhất vào 4 ngành kinh tế tính theo số vốn đăng ký. Trong đó,  ngành công nghiệp chế biến chế tạo là lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất với 5.281 dự án, chiếm 35,1% số dự án và 54,5% số vốn đăng ký; kinh doanh bất động sản 428 dự án, chiếm 2,8% số dự án và 13% số vốn; sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí chỉ có 71 dự án được cấp phép chiếm 0,47% số dự án nhưng chiếm tới 9,9% số vốn; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy với 3.765 dự án, chiếm 25% số dự án và 6% số vốn đăng ký.

          Các đối tác truyền thống Châu Á vẫn dẫn đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, xét theo tiêu chí tổng vốn đăng ký thì đứng đầu là Hàn Quốc với 4.605 dự án đầu tư chiếm 30,6% tổng số dự án với tổng số vốn đăng ký, cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 36,3% tỷ USD chiếm  21,6% tổng số vốn; Nhật Bản 1.914 dự án, chiếm 12,7% với 27,7 tỷ USD bằng  16,5%; Xin – ga – po 1.187 dự án, chiếm 7,9% với số vốn đạt 27 tỷ USD, chiếm 16,1%; đặc khu hành chính Hồng Koong (TQ) 1.044 dự án, chiếm 6,9% với số vốn đạt 16,7 tỷ USD, chiếm 9,9%; Trung Quốc 2.033 dự án, chiếm 13,5% với tổng số vốn đạt 13,4 tỷ USD, chiếm 8%. Tính chung lại, các quốc gia và vùng lãnh thổ này chiếm 71,6% tổng số dự án đầu tư và 72,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, trong 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam vẫn có đến 7 quốc gia và vùng lãnh thổ đến từ khu vực Châu Á. Đầu tư của Hoa Kỳ đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây, song cũng chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng số vốn đăng ký trong giai đoan 2016 – 2020.  

         Việc thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách, tạo việc làm và thúc đẩy hội nhập quốc tế, đã cho thấy vai trò quan trọng của FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Cụ thể,  FDI hiện đóng góp khoảng 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỉ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 58% tổng vốn đầu tư FDI tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, kim ngạch xuất khẩu của khu vực này cũng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong xuất khẩu cả nước. Khu vực FDI cũng  tạo việc làm cho gần 4 triệu việc làm trực tiếp và khoảng 5 triệu việc làm gián tiếp (Văn Nguyễn, 2021).

         Hơn nữa,  theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020),  thu nhập trung bình 1 lao động của khu vực doanh nghiệp FDI đạt khoảng 11,2 triệu đồng/tháng, cao hơn mức trung bình của nền kinh tế khoảng 1,2 lần. Đóng góp của doanh nghiệp FDI vào thu ngân sách nhà nước trong những năm gần đây ngày càng tăng (khoảng 10,8% năm 2010 tăng lên 13,6% năm 2019).

         Cùng với những kết quả có thể định lượng, còn có nhiều tác động lan tỏa từ dòng vốn FDI, như: thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh;  nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Đầu tư nước ngoài vừa là thành quả của hội nhập, vừa góp phần quan trọng vào phát triển hội nhập có chiều sâu hơn.

         Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, FDI cũng đã và đang tạo ra nhiều thách thức cho Việt Nam, nhất là vấn đề môi trường. Như đã trình bày ở trên , hiện nay, hầu hết các nhà đầu tư  FDI  vào Việt Nam là từ khu vực Châu Á. Ngoại trừ các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, còn lại nhà đầu tư từ các quốc gia khác trong khu vực cơ bản có trình độ công nghệ trung bình, hàm lượng công nghệ cao còn rất ít, hiệu quả thấp, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên.

          Nhiều  doanh nghiệp FDI đã nhập khẩu công nghệ, thiết bị máy móc cũ, lạc hậu, thiếu giải pháp công nghệ xử lý chất thải. Xu hướng xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua đầu tư FDI đang ngày càng gia tăng và Việt Nam có nguy cơ trở thành một trong những nước có mức nhập ô nhiễm cao.

          Hơn nữa, nhiều dự án FDI ở Việt Nam là ngành sản xuất thô, có tính gia công cao, mức độ phát thải lớn, giá trị gia tăng thấp… Đây là những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do có lượng chất thải (gồm: nước thải, khí thải và chất thải rắn) lớn, có nồng độ các chất ô nhiễm cao. Trong khi đó, năng lực phòng ngừa, kiểm soát, bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp FDI còn bất cập. Vì vậy, hoạt động của các doanh nghiệp này tiềm ẩn nguy cơ gây ra sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Thực tế, đã có nhiều  doanh nghiệp FDI chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường khi thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian qua, như: Vedan, Miwon, Fomasa, Mei Sheng Textiles Việt Nam, Pagan Neotex (Hàn Quốc),… Điều đó đã làm cho hiệu quả sử dụng vốn FDI đối với nền kinh tế thiếu bền vững và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Những vấn đề, tồn tại trên xuất phát từ những nguyên nhân sau:

          - Việt Nam chưa có đủ kinh nghiệm và cơ chế, tiêu chuẩn môi trường để sàng lọc hiệu quả các dự án FDI; chưa lường hết được những nguy cơ tiềm ẩn về vấn đề gây ô nhiễm môi trường của một số dự án FDI, nhất là những dự án phát sinh nguồn thải lớn để có biện pháp quản lý, giám sát hiệu quả. Sự phối hợp của các cấp, các ngành trong kiểm soát các nguồn thải từ các dự án FDI chưa hiệu quả, đồng bộ, chặt chẽ.

           Công tác thẩm tra năng lực, sàng lọc các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, các dự án có tính khả thi còn bộc lộ nhiều hạn chế do thiếu thông tin về các nhà đầu tư nước ngoài. Các văn bản hướng dẫn thẩm tra năng lực và điều kiện thực hiện dự án vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ và cụ thể. Mặt khác, các quy định về môi trường của Việt Nam áp dụng chuẩn của các nước phát triển, song việc thẩm định chỉ mang tính hình thức, tập trung nhiều vào khâu tiền kiểm mà chưa chú ý hậu kiểm, dẫn đến nhiều dự án khi triển khai đã vi phạm nghiêm trọng quy định về môi trường.

          Đó là chưa kể, tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định xét duyệt, thực hiện các dự án FDI. Nhiều địa phương trải thảm đỏ thu hút dự án FDI bằng mọi giá, ít có chọn lọc, đã chấp nhận những doanh nghiệp FDI khai thác tài nguyên giá rẻ với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

         - Ý thức của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các quy định bảo vệ môi trường còn chưa cao. Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của địa phương và của Việt Nam dẫn đến gia tăng chi phí, ảnh hưởng lợi nhuận, nên họ tìm mọi cách để trốn tránh, lách các quy định này.

          Với các thực trạng nêu trên, thì hiện nay, thu hút FDI xanh là nhiệm vụ hết
sức cấp thiết để đảm bảo hài hòa giữa hai mục tiêu: kinh tế và môi trường, hướng tới cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

    MỘT VÀI KIẾN NGHỊ

             Việc tiếp tục thực hiện các biện pháp thu hút FDI là điều tất yếu và
cần thiết trong bối cảnh Việt Nam là một nước thiếu vốn, thiếu công nghệ. Tuy
nhiên, cần có cách tiếp cận mới, phù hợp với sự phát triển kinh tế, quan trọng về số lượng nhưng phải chú trọng đến chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn FDI vì mục tiêu phát triển bền vững. Không đánh đổi môi trường để đạt được tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, vì thực tế, cái giá phải trả có thể là rất lớn. Để thu hút, sử dụng FDI một cách chọn lọc, theo hướng xanh, cần tập trung thực hiện những giải pháp sau:

          -Một là, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư. Rà soát sửa đổi những nội dung chưa phù hợp giữa luật Bảo vệ môi trường và các luật chuyên ngành khác nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thu hút FDI. Tiếp tục cập nhật và ban hành quy định về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và giám sát môi trường, quy định thời lượng phát thải.

          - Hai là, đẩy mạnh việc hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra doanh nghiệp FDI trong việc chấp hành luật pháp về bảo vệ mội trường. Yêu cầu doanh nghiệp phải công bố công khai thông tin về môi trường và giải pháp xử lý lượng phát thải. Mặt khác, ban hành hạn ngạch ô nhiễm, quy định lượng khí thải được thải ra môi trường đối với các doanh nghiệp, đồng thời có
những chế tài để thu phí, thuế hoặc phạt thật nặng các doanh nghiệp gây ô nhiễm
môi trường vượt mức cho phép hoặc trốn tránh các nghĩa vụ liên quan đến bảo vệ
môitrường.

          - Ba là, ngoài việc duy trì đối tác trọng tâm theo quốc gia, vùng lãnh thổ truyền thống có công nghệ cao đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, thì Việt Nam cần mở rộng xúc tiến thu hút FDI đến từ các nước có nền kinh tế phát triển, các nước sở hữu công nghệ nguồn với năng lực tài chính lớn, có bề dày kinh nghiệm, chuỗi cung ứng mạnh mẽ, như: Mỹ, EU, … Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại.

          Bên cạnh đó, chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ một số nước trong khu vực để có giải pháp ngăn chặn kịp thời. Việc thu hút FDI từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án quy mô nhỏ, siêu nhỏ phải đảm bảo điều kiện nâng cấp công nghệ và gia nhập mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

         - Bốn là, nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư theo nguyên tắc tuân thủ quy hoạch tổng thể phát triển các vùng kinh tế - xã hội,  chú trọng xem xét, đánh giá lợi ích kinh tế - xã hội của dự án. Việc cấp phép đầu tư cần ưu tiên các dự án FDI sạch có công nghệ cao, thân thiện môi trường, như: công nghệ thông tin và truyền thông, dược, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường và các ngành sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, vật liệu mới… Đồng thời, hạn chế tối đa việc cấp phép cho những lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: giấy, dệt nhuộm, xi măng, thép…, những dự án không phù hợp với quy hoạch phát triển của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến định hướng phát triển bền vững của đất nước.

        - Năm là, triển khai và áp dụng có hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là các công nghệ mới về xử lý chất thải, khắc phục suy thoái môi trường; có cơ chế chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn. Khuyến khích thành lập các trung tâm nghiên cứu triển khai của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

         Cần nâng cao khả năng chuyển giao công nghệ bằng cách đưa ra tiêu chuẩn về trình độ công nghệ đối với các dự án đầu tư tại Việt Nam; yêu cầu nhà đầu tư có cam kết về việc chuyển giao công nghệ; tăng cường hình thức đầu tư mua cổ phần hoặc sáp nhập, mua lại doanh nghiệp; đẩy mạnh lien kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Sách trắng doanh nghiệp năm 2020. Nxb Thống kê

2. Tổng cục thống kê (2016 -2021). Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2016 đến năm 2020, Nxb Thống kê

3. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2020). Chuyên đề 4: Thu hút FDI xanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam, tháng 12/2020

4. Lâm Dương (2021), Phát huy vai trò của FDI trong phát triển kinh tế đất nước, truy cập từ http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/phat-huy-vai-tro-cua-FDI-trong-phat-trien-kinh-te-dat-nuoc-333279.html

5. Văn Nguyễn (2021), Kỳ tích FDI cú hích nâng quy mô nền kinh tế lên 13 lần, truy cập từ http://laodong.vn/kinh-te/ky-tich-FDI-cu-hich-nang-quy-mo-nen-kinh-te-len-13-lan-873004-Ido

6. Golub, S.S, C. Kauffmann, P. Yeres (2011). Defining and Measuring green FDI: An exploratory review of existing work and evidence, OECD Working Papers on International Investment, 2011/02, OECD Publishing

7. UNCTAD (2008). Creating an institutional environment conducive to increased foreign investment and sustainable development, Accra, Ghana


Bài viết khác