Phát triển hoạt động mua sắm xanh ở Việt Nam hiện nay

Mua sắm xanh là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc lựa chọn một sản phẩm hoặc dịch vụ có cùng chức năng nhưng ít gây tác động xấu đến môi trường. Để thực hiện mua sắm xanh một cách hiệu quả và thành công phải dựa vào cơ sở lý luận mua sắm xanh, kinh nghiệm thực tiễn trong nước và trên thế giới, đồng thời vận dụng phù hợp với bối cảnh quốc gia. 

        Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là một vấn đề quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia.Để thực hiện bảo vệ môi trường, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần thay đổi thói quen sản xuất lạc hậu, hoặc kém thân thiện với môi trường để tiến tới các giải pháp sản xuất xanh mà ngay cả người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen của mình và hướng đến một phong cách tích cực là tiêu dùng xanh.Từ nhiều năm nay, các chuyên gia trên thế giới và trong nước đã khẳng định, tiêu dùng “thân thiện với môi trường” sẽ trở thành một trong những khuynh hướng chính của cuộc sống hiện đại. Bởi người tiêu dùng ý thức rằng sản phẩm không chỉ có chất lượng tốt mà còn phải an toàn cho sức khỏe và không ảnh hưởng đến môi trường sống. Do đó phát triển hoạt động mua sắm xanh là một yêu cầu cấp thiết ở Việt Nam hiện nay.  

1. Cơ sở lý luận về mua sắm xanh

Mua sắm xanh là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc lựa chọn một sản phẩm hoặc dịch vụ có cùng chức năng nhưng ít gây tác động xấu đến môi trường, có cùng mức giá cạnh tranh mà vẫn thể hiện được trách nhiệm xã hội (International Green Purchasing Network, Green Purchasing: The new Growth Frontier, 2010).

Mua sắm xanh đòi hỏi các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và người dân cân nhắc sự cần thiết của việc mua sắm cũng như những tác động môi trường của sản phẩm hay dịch vụ này ở tất cả các giai đoạn vòng đời của chúng trước khi đưa ra quyết định mua sắm. Để thực hiện mua sắm xanh một cách hiệu quả và thành công, mạng lưới mua sắm xanh quốc tế (IGPN) đã xác định bốn nguyên tắc cơ bản của mua sắm xanh như sau:

Nguyên tắc 1- Tính cần thiết mua sản phẩm mới

Bước đầu tiên trước khi mua sắm là cân nhắc kỹ xem sản phẩm hay dịch vụ có cần thiết hay không. Việc sửa chữa hay thay đổi cũng nên được cân nhắc đối với các sản phẩm đang được sử dụng. Bên cạnh đó, giải pháp thuê hoặc cho thuê cũng nên được xem xét hoặc mua các sản phẩm mới với số lượng vừa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Nguyên tắc 2- Vòng đời của sản phẩm

Khi quyết định mua, các tác động khác nhau tới môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm, từ giai đoạn thu mua nguyên liệu thô cho tới khi sản phẩm bị thải bỏ, cần phải xem xét và cân nhắc đến một số các đặc tính sau:

+ Giảm thiểu các chất độc hại. Người tiêu dùng có thể góp phần giảm thiểu phát sinh các chất có hại bằng cách lựa chọn các sản phẩm thân thiện môi trường hay những sản phẩm chứa ít các chất độc hại. Điều này sẽ khuyến khích các nhà sản xuất loại bỏ việc sử dụng các chất gây hại đến môi trường và sức khỏe con người trong quá trình sản xuất sản phẩm hay dịch vụ.

+ Sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng. Khuyến khích người tiêu dùng mua các sản phẩm tiết kiệm tài nguyên và năng lượng.

+ Sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm sử dụng tài nguyên thiên nhiên tái tạo một cách bền vững, theo đó các tài nguyên tái tạo phải được sử dụng hiệu quả để giảm thiểu tối đa các tác động xấu đến môi trường.

+ Tăng độ bền. Người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm có tuổi thọ sử dụng lâu dài. Ngoài ra, trước khi mua sản phẩm, người tiêu dùng cũng nên cân nhắc đến việc sử dụng các bộ phận thay thế, khả năng sửa chữa và thời gian bảo trì. Nên tránh mua sản phẩm có yêu cầu thay thế các bộ phận quá thường xuyên.

+ Thiết kế để tái sử dụng. Người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm có thể tái sử dụng mà không cần phải sản xuất lại cho cùng mục đích sử dụng. Điều này sẽ làm giảm đáng kể gánh nặng cho môi trường.

+ Thiết kế để tái chế. Giải pháp tốt nhất cho những sản phẩm khi không thể sử dụng tiếp là tái chế. Trước khi quyết định mua một sản phẩm, người tiêu dùng cũng nên cân nhắc hệ thống thu hồi và tái chế sẵn có cho những vật liệu đó.

+ Sản phẩm có chứa vật liệu tái chế. Sản phẩm có chứa các vật liệu tái chế hoặc những bộ phận có thể tái sử dụng sẽ góp phần tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu phát sinh chất thải.

+ Tính thải bỏ. Với những sản phẩm không thể sử dụng nhiều lần hoặc tái chế, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm cho phép dễ dàng xử lý và thải bỏ nhằm giảm tối đa các tác động xấu đến môi trường.

Nguyên tắc 3- Nỗ lực của nhà cung ứng

Ngoài việc đánh giá sản phẩm, người tiêu dùng cũng cần đánh giá những hoạt động bảo vệ môi trường của nhà cung ứng như: Liệu doanh nghiệp có áp dụng chính sách môi trường không? Có triển khai các biện pháp quản lý môi trường phù hợp hay không? Hoặc họ có tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường không?

Nguyên tắc 4- Thu thập thông tin về môi trường

Trước khi quyết định mua một sản phẩm, những thông tin môi trường mà người tiêu dùng nên quan tâm như nhãn môi trường, thông tin của doanh nghiệp trên sản phẩm hoặc website. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể yêu cầu nhà phân phối cung cấp các thông tin chi tiết hơn về môi trường của sản phẩm đó

2. Tình hình mua sắm xanh ở một số quốc gia trên thế giới

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách về mua sắm xanh nhằm thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Những chính sách này đồng thời cũng góp phần hướng tới nền kinh tế xanh, các-bon thấp.

Tại Hoa Kỳ, mua sắm xanh được thiết lập và triển khai thực hiện trong một số chương trình mua sắm xanh của Liên bang, trong đó các cơ quan điều hành được yêu cầu cân nhắc các tác động môi trường, giá thành và các yếu tố khác của một sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua sắm. Theo quy định mua sắm Liên Bang và Sắc lệnh 13101 về xanh hóa chính phủ, tất cả các cơ quan chính phủ phải thực hiện mua sắm các sản phẩm có thành phần tái chế nhằm khuyến khích việc sử dụng các vật liệu tái sinh.

Ủy ban châu Âu cũng đã có nhiều nỗ lực và hoạt động nhằm thúc đẩy việc thực hiện mua sắm công xanh (Green Public Procurement-GPP) trong các nước thành viên, bao gồm việc triển khai các nghiên cứu/dự án, ban hành các chính sách và xây dựng các tiêu chuẩn. Mặc dù GPP vẫn là hệ thống tự nguyện, tuy nhiên hiện nay nhiều nước thành viên đã và đang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia và các hướng dẫn về mua sắm xanh.

Tại Châu Á, Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia đi đầu trong phong trào bảo vệ môi trường nói chung và mua sắm xanh nói riêng. Những quy định liên quan tới mua sắm xanh đã được đưa ra vào những năm 1990. Điển hình, Luật thúc đẩy mua sắm xanh đã được Chính phủ thông qua vào năm 2001 và trở thành quốc gia đầu tiên ban hành chính sách về mua sắm xanh. Chính sách này yêu cầu tất cả các bộ và cơ quan chính phủ phải thực hiện chính sách mua sắm xanh. Ngoài ra, Nhật bản cũng đã ban hành Luật hợp đồng xanh vào năm 2007 nhằm thúc đẩy ký kết các hợp đồng giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là quốc gia thưc hiện và áp dụng các chính sách về mua sắm xanh từ rất sớm. Chương trình dán nhãn môi trường bắt đầu được triển khai từ năm 1992 và đây là điểm khởi đầu chính thức của chính sách về sản phẩm xanh tại quốc gia này. Ngoài ra, Chính phủ đã có những nghiên cứu nhằm liên kết hệ thống dán nhãn môi trường với hệ thống mua sắm công và đã đạt được những kết quả rõ rệt. Không những vậy, chính phủ Hàn Quốc luôn coi những nhà sản xuất là những nhà tiêu dùng lớn. Thông qua những hợp đồng tự nguyện về mua sắm xanh sẽ gắn kết việc mua các nguyên liệu xanh, góp phần thúc đẩy sản xuất và bán ra các sản phẩm thân thiện môi trường.

Ở Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia,.., mặc dù chưa có chính sách cụ thể về mua sắm xanh, nhưng chính phủ các quốc gia này đã nhận thức được tầm quan trọng về sự cần thiết của mua sắm xanh trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Đặc biệt, mua sắm xanh trong lĩnh vực công đang dần được hình thành như là một trong nhiều  công cụ chính sách cải thiện chất lượng môi trường.

Từ những nghiên cứu ban đầu về kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy việc áp dụng mua sắm xanh có đặc điểm như sau:

- Mua sắm xanh cần được triển khai trước tiên ở khu vực công. Một trong những lý do chính là các cơ quan chính phủ luôn là khách hàng quan trọng của nhiều sản phẩm và dịch vụ. Vì vậy với những nỗ lực của chính phủ trong việc mua sắm các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường sẽ dễ dàng định hướng cho việc ban hành các chính sách phát triển bền vững cũng như khuyến khích thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ này.

- Sản phẩm thân thiện môi trường sẽ không có thị trường nếu không được quan tâm đúng mức. Vì vậy, để phát triển ngành công nghiệp môi trường toàn diện, cần thiết phải xây dựng đồng bộ các chính sách về sản xuất và tiêu dùng xanh.

- Ở hầu hết các quốc gia, để thúc đẩy mua sắm xanh một cách toàn diện và độc lập trên thị trường, hệ thống dán nhãn sinh thái phải được thực hiện.

- Cuối cùng, một yếu tố quan trọng góp phần việc thúc đẩy mua sắm sản phẩm thân thiện môi trường hiệu quả và thành công là cần thiết phải xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách về mua sắm xanh.

3. Thực trạng mua sắm xanh ở Việt Nam

Ở nước ta, Mạng lưới mua hàng xanh Việt Nam (VNGPN-Vietnam Green Purchasing Network) được thành lập từ năm 2009, do Trung tâm Năng suất Việt Nam (VPC) chủ trì thực hiện, là cầu nối với Mạng lưới mua hàng xanh quốc tế (IGPN), cũng như các mạng lưới mua hàng xanh của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Mạng lưới mua hàng xanh Việt Nam đã có trang web riêng (www.gpn.vn) là cổng thông tin giúp các doanh nghiệp, người tiêu dùng truy cập và cập nhập thông tin về cơ sở dữ liệu sản phẩm sinh thái, quy định về mua hàng xanh, mua sắm công xanh của các nước trong khu vực, nhằm hỗ trợ, nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển của các tổ chức, doanh nghiệp, thỏa mãn yêu cầu khánh hàng cũng như quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tuy vậy, hoạt động tiêu dùng xanh ở nước ta đang có một số vấn đề cần được quan tâm. Đó là Nhãn sinh thái.

Một sản phẩm được xem là xanh nếu đáp ứng được một trong 4 tiêu chí: Sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường; sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn đến môi trường và sức khỏe; sản phẩm giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng; sản phẩm tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khỏe.

Theo Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ISO, nhãn sinh thái là sự khẳng định, biểu thị thuộc tính môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ có thể dưới dạng một bản công bố, biểu tượng hay biểu đồ trên sản phẩm hoặc nhãn bao gói, trong tài liệu về sản phẩm, tạp chí, kỹ thuật, quảng cáo các hình thức khác.

Bộ Công Thương cho biết, đối với Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản đều phải chịu những kiểm duyệt khắt khe về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy định về bảo vệ môi trường. Vì thế, Nhãn sinh thái sẽ là một trong những công cụ giúp cho các sản phẩm nông sản, thủy sản, dệt may…của Việt Nam tăng giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo kết quả điều tra, có tới 98% người tiêu dùng ở nước ta hiện nay cho biết sẽ chọn sản phẩm có dán Nhãn sinh thái.

Nhưng tính đến đầu năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chỉ cấp được Nhãn sinh thái cho 6 sản phẩm là Bột giặt Tide của Công ty P&G; Bóng đèn huỳnh quang compact của Công ty Điện Quang; Bao bì nhựa tự phân hủy sinh học dùng gói hàng mua sắm; Sơn phủ dùng trong xây dựng Majestic Pearl Silk và jotashield của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sơn Jotun Việt Nam; Máy in Fuji Xerox DocuPrint P355d và Fuji Xerox DocuPrint P355db của Công ty Fuji; Bình ắc quy GS và Yuasa của Công ty trách nhiệm hữu hạn Ắc quy GS Việt Nam.

Số sản phẩm còn lại trên thị trường chỉ có các sản phẩm nhãn sinh thái kiểu II do nhà sản xuất và dịch vụ tự đưa ra. Khó khăn trong việc đăng ký Nhãn sinh thái ở Việt Nam là do các sản phẩm hàng hóa không đủ tiêu chuẩn để đăng ký nhãn xanh Việt Nam. Mặt khác, quy trình đăng ký vẫn còn phức tạp, tốn kém thời gian và kinh phí vì Việt Nam đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về cấp Nhãn sinh thái. Bên cạnh đó, ý thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường chưa đồng đều. Tỷ lệ chi cho môi trường trong các sản phẩm rất thấp. Những khó khăn về nội lực doanh nghiệp, tài chính, nguồn lực tri thức và công nghệ là bài toán đang đặt ra cho chương trình Nhãn sinh thái của Việt Nam. Hơn nữa, tiêu chí được cấp Nhãn sinh thái luôn thay đổi và ngày càng cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực không ngừng.

4. Một số kiến nghị cho việc phát triển hoạt động mua sắm xanh ở nước ta

Cùng với sự gia tăng dân số và sự gia tăng về tiêu dùng của xã hội, hơn bao giờ hết, đất nước ta đang đứng trước những thách thức to lớn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Vì vậy, việc triển khai và áp dụng các chính sách mua sắm xanh ở Việt Nam nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững là một nhu cầu bức thiết.

Để đẩy mạnh triển khai áp dụng mua sắm xanh ở Việt Nam, về phía các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện một số giải pháp sau:

-  Xây dựng và ban hành khung chính sách, hướng dẫn toàn diện, hiệu quả về mua sắm xanh, trong đó ưu tiên thực hiện mua sắm xanh tại khu vực công.

-  Nâng cao năng lực và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách nhằm thúc đẩy mua sắm xanh với các mục tiêu, chương trình cụ thể.

Nâng cao nhận thức về mua sắm xanh, mua sắm công xanh, đặc biệt chú trọng đào tạo cho các cán bộ mua sắm trong các cơ quan nhà nước về mua sắm công xanh thông qua các lớp đào tạo, tập huấn về đấu thầu.

Đặc biệt, cần nâng cao năng lực và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách nhằm thúc đẩy mua sắm xanh với các mục tiêu, chương trình cụ thể. Tăng cường năng lực cho cán bộ mua sắm về quy trình mua sắm xanh nhằm phát huy được hiệu quả chính sách.

-  Xây dựng và thực hiện các chiến lược, chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Một số nhóm sản phẩm công xanh nên được ưu tiên áp dụng mua sắm tại các cơ quan nhà nước cụ thể: Các dịch vụ (xây dựng, du lịch...) đáp ứng các tiêu chuẩn kinh tế xanh như đảm bảo các tiêu chuẩn sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu, thiết kế thích hợp điều kiện sinh thái, tính đến các tác động của biến đổi khí hậu; Các phương tiện giao thông cơ giới mua bằng kinh phí công phải đạt tiêu chuẩn khí thải, ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (điện, khí hóa lỏng) và xe lai (hybrid); và các loại hàng hóa, sản phẩm được dán nhãn sinh thái, dán nhãn tiết kiệm năng lượng, hàng hóa có khả năng tái chế.

-  Nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Doanh nghiệp là chủ thể trung tâm trong thực hiện cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các cơ quan Nhà nước và xuất khẩu. Do vậy, cần phải có những quy định về các yêu cầu và các tiêu chuẩn sản xuất xanh đối với các doanh nghiệp khi cung cấp hàng hóa công và thực hiện chuỗi cung ứng xanh.

-  Thúc đẩy và triển khai mua sắm xanh song song với các Chương trình dán nhãn sinh thái.

-  Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về mua sắm xanh để xây dựng thói quen tiêu dùng bền vững và lối sống thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, cần xây dựng một danh sách mua sắm xanh trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Danh sách có thể bao gồm hai phần: danh sách các sản phẩm có dán mác môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; danh sách các sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu và tài nguyên thiên nhiên.

Cùng với đó, cần hình thành hệ thống giám sát để bảo đảm những tác động tích cực đến xã hội và môi trường. Hệ thống giám sát và đánh giá này phải được xây dựng chương trình trong trung và dài hạn.

           Để phát triển hoạt động mua sắm xanh ở Việt Nam hiện nay đòi hỏi chính phủ phải có chính sách lâu dài, chương trình mục tiêu cụ thể để từ đó nâng cao nhận thức,thay đổi hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất theo hướng sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường. Khi một đất nước có người tiêu dùng thông thái thì đòi hỏi nhà sản xuất cũng phải thay đổi để có thể tồn tại và phát triển được.

Ths. Lê Thị Dung

Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An


Bài viết khác