Việt Nam và bẫy thu nhập trung bình

VIỆT NAM VÀ BẪY THU NHẬP TRUNG BÌNH

Tác giả: Lê Tú Anh

 

1. Đặt vấn đề:

Khái niệm “bẫy thu nhập trung bình” trong những năm gần đây đã trở nên quen thuộc với các chuyên gia phân tích kinh tế. Bởi nó là “tấm trần thủy tinh” vô hình luôn ngăn cản nhiều quốc gia như Argentina, Philippines, Thái Lan, Malaysia... vươn tới mức thu nhập cao. Việt Nam là một nền kinh tế đi sau và vừa mới vượt qua ngưỡng thu nhập thấp năm 2008. Rút kinh nghiệm từ những nền kinh tế đi trước, chúng ta cũng cần phải thận trọng với bẫy thu nhập trung bình. Bài viết này, ở mức độ phân tích đơn giản nhất, sẽ khẳng định nguy cơ sa bẫy của Việt Nam, đồng thời đưa ra một số biện pháp trọng tâm có tính chất định hướng cho mục tiêu tránh bẫy.

2. Nội dung

2.1. Bẫy thu nhập trung bình là gì?

Khái niệm “bẫy thu nhập trung bình” được Ngân hàng Thế giới (WorldBank) lần đầu đưa ra trong báo cáo “Đông Á phục hưng - ý tưởng phát triển kinh tế”, năm 2007. Nó dùng để chỉ tình trạng một quốc gia mặc dù đã thoát nghèo, gia nhập vào nhóm nước có thu nhập trung bình nhưng mất nhiều thập kỷ vẫn không trở thành quốc gia phát triển.

Thu nhập quốc dân (GNI, trước đây là GNP) của các nền kinh tế, theo công bố ngày 1/7/2015, được Ngân hàng Thế giới phân loại theo mức bình quân đầu người cụ thể như sau:

- Thu nhập thấp:  GNI bình quân đầu người là 1.045 USD hoặc ít hơn.

- Thu nhập trung bình thấp: GNI bình quân đầu người  từ 1.046 USD đến 4.125 USD.

- Thu nhập trung bình cao: GNI bình quân đầu người từ 4.126 USD đến  12.735 USD.

- Thu nhập cao: GNI bình quân đầu người  là 12.736 USD hoặc cao hơn.

Vậy nếu theo cách hiểu như trên thì đối tượng của “bẫy thu nhập trung bình” là các quốc gia có mức GNI bình quân đầu người vào khoảng từ 1.046 USD đến 12.735 USD. Tuy nhiên, phạm vi này chỉ có tính chất tương đối và có thể thay đổi tùy thuộc vào việc hàng năm, Ngân hàng Thế giới sẽ điều chỉnh lại cách phân loại các nền kinh tế theo mức thu nhập bình quân đầu người như thế nào.

2.2. Các quốc gia sập “bẫy thu nhập trung bình” như thế nào?

2.2.1. Quá trình sập “bẫy thu nhập trung bình” của các nền kinh tế

Như một lẽ tất yếu, bất kỳ quốc gia nào, với xuất phát điểm là một nền kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác các nguồn lực sẵn có, xuất khẩu nông sản độc canh, nông nghiệp tự cấp tự túc và mong chờ vào viện trợ, thì để tăng trưởng, quốc gia đó cần tiến hành công nghiệp hóa. Quá trình công nghiệp hóa bắt kịp được GS. Kenichi Ohno (thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Tokyo) mô tả gồm 4 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Bắt đầu bằng sự xuất hiện ồ ạt của các công ty chế tạo có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thực hiện các hoạt động lắp ráp giản đơn hoặc chế biến các sản phẩm công nghiệp nhẹ phục vụ xuất khẩu như dệt may, giày dép, thực phẩm… Trong giai đoạn này, tất cả các hoạt động như thiết kế, công nghệ, sản xuất và marketing đều do người nước ngoài hướng dẫn, nguyên vật liệu chính và phụ tùng được nhập khẩu, còn quốc gia tiếp nhận đầu tư chỉ đóng góp nguồn lao động giản đơn và đất công nghiệp. Điều đó dẫn tới một mức giá trị nội tại rất nhỏ, bị lấn át bởi giá trị do người nước ngoài tạo ra mặc dù công ăn việc làm và thu nhập cho người nghèo được cải thiện.

- Giai đoạn 2: Khi số vốn FDI đã được tích luỹ và quy mô sản xuất mở rộng, nguồn cung nội địa về phụ tùng và linh kiện bắt đầu tăng lên. Điều này diễn ra một phần là do các nhà cung cấp FDI đầu tư vào và một phần là do sự ra đời của các nhà cung cấp trong nước. Các công ty lắp ráp trở nên cạnh tranh hơn và mối liên kết giữa công ty lắp ráp và nhà cung cấp bắt đầu xuất hiện. Ngành công nghiệp này tăng trưởng mạnh về lượng do khả năng cung cấp các yếu tố đầu vào trong nước gia tăng. Sản xuất về cơ bản vẫn chịu sự quản lý và chỉ đạo của người nước ngoài nên giá trị nội tại tăng không nhiều. Hiển nhiên, tiền lương và thu nhập trong nước cũng như vậy.

- Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn nội lực hoá kỹ năng và tri thức thông qua tích luỹ vốn con người trong ngành công nghiệp. Lao động trong nước phải thay thế cho lao động nước ngoài trong tất cả các lĩnh vực sản xuất bao gồm cả quản lý, công nghệ, thiết kế, vận hành nhà máy, hậu cần, quản lý chất lượng và marketing . Vì sự phụ thuộc vào người nước ngoài giảm nên giá trị nội tại tăng lên rõ rệt. Quốc gia trở thành một nước xuất khẩu các sản phẩm chế tạo chất lượng cao, thách thức những đối thủ cạnh tranh đi trước và xác lập lại vị trí của mình trên bức tranh công nghiệp toàn cầu.

- Giai đoạn 4: Quốc gia có năng lực tạo ra sản phẩm mới và dẫn đầu xu thế thị trường toàn cầu.

Trong 4 giai đoạn trên đây, GS. Kenichi Ohno cho rằng với những lợi thế sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý…, mỗi quốc gia đều có thể chạm ngưỡng thu nhập trung bình thấp ở ngay từ giai đoạn 1 và tăng trưởng đến mức thu nhập trung bình cao ở giai đoạn 2. Khi bước sang được giai đoạn 3, họ sẽ đạt mức thu nhập cao. Sẽ không có gì phải nói nếu quốc gia nào cũng vượt qua các giai đoạn đó một cách suôn sẻ. Nhưng thực tế là có rất nhiều nước, sau khi vượt ngưỡng thu nhập thấp lại tăng trưởng chậm lại và bị mắc kẹt ngay ở đó. Họ trở thành nạn nhân của “bẫy thu nhập trung bình”.

2.2.2. Nguyên nhân sập “bẫy thu nhập trung bình”

Tiến trình công nghiệp hóa bắt kịp mà GS. Kenichi Ohno mô tả đã cho thấy rằng: Các quốc gia không thể vượt ngưỡng thu nhập trung bình nếu không thay đổi cơ cấu công nghiệp từ các ngành có hàm lượng công nghệ thấp sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao bằng chính nguồn lao động nội địa (chuyển từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 3). Đó là điều dễ hiểu bởi sau khi vượt ngưỡng thu nhập thấp, một quốc gia sẽ mất dần các lợi thế sẵn có và vốn FDI bắt đầu chuyển sang các nước kém phát triển hơn nhưng có nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn hoặc lao động giá rẻ hơn. Để tiếp tục tăng trưởng, buộc quốc gia đó phải hướng vào phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, là những ngành có tính cạnh tranh lớn. Việc sử dụng lao động trong nước sẽ giúp nâng cao giá trị nội tại cho nền kinh tế. Tuy nhiên, sự thay đổi này sẽ có thể không thực hiện được do những nguyên nhân chính sau:

- Nhân lực trong thời kỳ thu nhập thấp chủ yếu được khai thác ở phần thô (lao động cơ bắp, thủ công) mà chưa được chú trọng về mặt kỹ năng, trình độ, dẫn đến mặt bằng chất lượng kém. Lao động sẽ không đủ khả năng để sáng tạo và sử dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Nền tảng khoa học công nghệ lạc hậu so với thế giới.

- Hiệu quả sử dụng vốn kém gây lãng phí vốn, đồng thời làm giảm đi sức hấp dẫn của nền kinh tế đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

- Các nhà quản lý kinh tế vĩ mô có tư tưởng chủ quan, thỏa mãn. Họ ngộ nhận những thành quả đã đạt được là kết quả của sức mạnh nội lực nên không kịp thời có các biện pháp, chính sách phù hợp với điều kiện và yêu cầu mới của nền kinh tế.

Bốn nguyên nhân trên đây đã cản trở quá trình công nghiệp hóa, cũng như mở rộng đường dẫn nền kinh tế tự sa vào “bẫy thu nhập trung bình”.

2.3. Việt Nam và nguy cơ sập “bẫy thu nhập trung bình”

2.3.1. Việt Nam đang ở đâu trong quá trình công nghiệp hóa bắt kịp?

Việt Nam chính thức thoát ngưỡng thu nhập thấp vào năm 2008 với mức GNI bình quân là 1.018USD/người[1]. Kể từ thời điểm đó đến nay, chỉ tiêu này vẫn tăng hàng năm nhưng luôn nằm trong giới hạn thu nhập trung bình thấp[2]. Bước đầu, đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang ở vào giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2 của tiến trình công nghiệp hóa bắt kịp. Tuy nhiên, để xác định cụ thể 1 trong 2 giai đoạn thì cần thiết phải nghiên cứu tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài và sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ.

(1) Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Mục tiêu thoát “nghèo và kém phát triển” lần đầu tiên được Nhà nước Việt Nam chính thức đề cập đến trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 1991 - 2000. Làm tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu đó, năm 1986, Nhà nước đã thực hiện chuyển đổi từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường; năm 1987, đã ban hành Luật đầu tư nước ngoài và tiếp theo sau là nhiều văn bản dưới luật khác khuyến khích thu hút vốn FDI. Bởi vậy, suốt từ 1991 đến nay, cùng với mức tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, Việt Nam còn gây ấn tượng bởi sự đổ bộ của các dòng vốn FDI, tiêu biểu là 2 làn sóng lớn vào các thời kỳ 1991 - 1997, 2005 - 2008. Thời kỳ 1991 - 1997, vốn FDI thu hút được đạt 35,6 tỉ USD vốn đăng ký (chiếm 37,5% vốn đầu tư đăng ký cả nước) và 13,37 tỉ USD vốn thực hiện; thời kỳ 2005 - 2008, vốn đăng ký đạt gần 112 tỉ USD USD (chiếm 24% vốn đầu tư đăng ký cả nước), vốn thực hiện đạt gần 27 tỉ. Từ 2009 đến 2012, mặc dù vốn đăng ký FDI có giảm, song vốn thực hiện vẫn giữ ổn định bình quân 10 - 11 tỉ USD/năm. Sau đó, vào các năm 2013, 2014, nền kinh tế Việt Nam lại chứng kiến sự khởi sắc trở lại của dòng vốn này. Năm 2013, Việt Nam có số vốn FDI đăng kí là hơn 22,35 tỉ đô la Mỹ, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó vốn thực hiện khoảng 11,4 tỉ đồng. Năm 2014, vốn FDI đăng kí là 21,92 tỷ USD, giảm đi so với 2013 nhưng số vốn thực hiện lại tăng lên với khoảng 12,5 tỉ USD. Điều quan trọng hơn nữa là tỉ trọng % vốn FDI thực hiện trong tổng số vốn đầu tư thực hiện của cả nước luôn ở mức tương đối cao.

Năm

2006

2007

2008

2009

2010

2011

2012

2013

Tỉ trọng % FDI thực hiện so với vốn đầu tư thực hiện cả nước

16,2

24,3

30,9

25,6

25,8

24,5

21,6

22,0

Xét về cơ cấu đầu tư theo ngành, Công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là lĩnh vực thu hút vốn FDI mạnh mẽ nhất. Năm 2014, lĩnh vực này có 880 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 15,5 tỷ USD, chiếm 70,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,83 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,08 tỷ USD.

(2) Tình hình phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng. Theo nhận định của Bộ công thương, “ngành công nghiệp hỗ trợ ở nước ta hiện nay chỉ mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất các linh kiện chi tiết đơn giản, giá trị gia tăng thấp và còn có sự chênh lệch về năng lực phụ trợ giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa của Việt Nam với các yêu cầu của các hãng sản xuất toàn cầu”[3]. Đơn cử, ngành dệt may phải nhập khẩu 70 - 80% nguyên phụ liệu từ nước ngoài; ngành xe máy có tỉ lệ nội địa hóa khá cao (40 - 70%) nhưng các linh phụ kiện sản xuất trong nước chủ yếu do các liên doanh sản xuất xe máy tự sản xuất hoặc mua từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài khác, số doanh nghiệp thuần túy trong nước có đủ năng lực cung cấp linh phụ kiện cho lắp ráp xe máy là rất ít; ngành điện tử Việt Nam sau 30 năm phát triển vẫn trong tình trạng lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài, các doanh nghiệp điện tử FDI có "tên tuổi" đều phải nhập khẩu trên 90% linh kiện, thậm chí có doanh nghiệp như Công ty Fujitsu Việt Nam phải nhập khẩu cả 100%.

Sự kém phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chủ yếu khai thác lợi thế về nguồn lao động giá rẻ cung cấp sức lao động giản đơn và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, còn lại hoạt động sản xuất kinh doanh hầu như phụ thuộc vào các yếu tố nước ngoài. Dừng lại ở đặc điểm này, có thể khẳng định nền kinh tế vẫn đang ở trong giai đoạn 1 của tiến trình công nghiệp hóa bắt kịp.

2.3.2. Nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam

Vừa bước chân qua ngưỡng thu nhập thấp 5 năm, vẫn đang ở giai đoạn đầu tiên của tiến trình công nghiệp hóa bắt kịp, bẫy thu nhập trung bình có thể chưa hiện rõ hình thái. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không giăng sẵn chờ nền kinh tế Việt Nam sa vào. Bởi trong lịch sử, có rất ít quốc gia thoát bẫy và Việt Nam thì lại có con đường bước chân sang ngưỡng thu nhập trung bình giống với họ là dựa vào những lợi thế cạnh tranh sẵn có và các yếu tố nước ngoài mà ít chú ý sáng tạo giá trị nội tại, trong khi đó, cho đến hiện nay các vấn đề về chất lượng lao động, trình độ khoa học công nghệ và hiệu quả sử dụng vốn đều không được đánh giá cao. Theo kết quả điều tra Lao động việc làm năm 2011 của Tổng cục Thống kê, trong tổng số 51,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động của cả nước, chỉ có hơn 8 triệu người đã được đào tạo, chiếm 15,6% tổng lực lượng lao động. Về khoa học công nghệ, nhìn chung các ngành sản xuất nước ta hiện lạc hậu khoảng 2 - 3 thế hệ so với khu vực. Ở khía cạnh hiệu quả sử dụng vốn, chỉ số ICOR của Việt Nam không những cao so với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới mà còn liên tục tăng, chứng tỏ hiệu quả đầu tư vừa thấp vừa sụt giảm (ICOR năm 2011 bằng 5,75%, cao gấp hơn 1,5 lần năm 1996, cao gấp trên 1,2 lần năm 2001, cao gấp 1,3 lần năm 2006). Vốn dĩ, xét về mặt bản chất, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là tăng trưởng theo chiều rộng, tức là chủ yếu dựa vào sự tăng vốn, ít dựa vào sự gia tăng hiệu quả sử dụng lao động và vốn thông qua ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế tạo và quản lý (biểu đồ). Do vậy khi hiệu quả sử dụng vốn ngày một giảm, các nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng tìm đến các quốc gia khác, thì với một nguồn nhân lực chất lượng thấp, một nền công nghệ lạc hậu, Việt Nam sẽ không thể nào duy trì được mức tăng trưởng hiện tại, từ đó cũng không thể tăng mức thu nhập bình quân đầu người. Phân tích này báo động nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam là rất rõ ràng và cần xử lý kịp thời.

Biểu đồ: Tỉ trọng đóng góp của các yếu tố vào tăng trưởng kinh tế[4]

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2.4. Định hướng một số nhóm giải pháp thoát bẫy thu nhập trung bình

Những nguyên nhân dẫn đến sập bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác suy cho cùng đều là kết quả của một hệ thống tổng hợp nhiều chính sách quản lý vi mô và vĩ mô của Chính phủ. Bởi vậy, để tránh bẫy phải xem xét một cách toàn diện trên nhiều góc độ, mỗi góc độ phải đưa ra nhiều giải pháp ứng dụng đồng thời. Tuy nhiên, trong phạm vi hạn hẹp của bài viết, với những sự phân tích tương đối giản đơn, tác giả sẽ đề xuất một số giải pháp có tính tổng quát và trọng tâm theo quan điểm của mình. Đó là:

(1) Tăng cường đầu tư cho giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trước mắt cần tiếp tục nâng cao trình độ văn hoá và trình độ nhận thức cho người lao động thông qua việc hoàn thiện phổ cập bậc trung học phổ thông. Đồng thời từng bước xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dạy nghề hiện có theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới và chuẩn hoá nội dung, chương trình đào tạo, giáo trình của các cơ sở đào tạo để tăng tính thực tiễn, sát với thực tế VN, theo kịp tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và thế giới.

(2) Tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ nhằm nâng cao trình độ khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sử dụng vốn.

Cần đầu tư có trọng tâm để tạo sự đột phá của một số công nghệ cao có tác động tích cực đến sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Khuyến khích các tổ chức nghiên cứu khoa học tham gia trao đổi sản phẩm công nghệ trên thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu chế tạo công nghệ mới. Đối với các nhà đầu tư FDI nên có giải pháp hướng hoạt động bỏ vốn vào các ngành công nghệ cao và sử dụng họ như là xung lực để tạo hiệu ứng lan toả thúc đẩy công nghệ phát triển.

(3) Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ Ngân sách; Tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư trong nước nhằm thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân; Đồng thời tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngoài nước, cụ thể là FDI và ODA. 

(4) Thay đổi tư duy về mô hình tăng trưởng kinh tế, cần quán triệt thực hiện tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng coi trọng chất lượng.

Theo đó, trong dài hạn cần từ bỏ quan điểm phải đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh theo chiều rộng, tăng trưởng nhờ tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên thiên nhiên và sức lao động, mà chuyển dần sang mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ.

3. Kết luận

Như vậy, “bẫy thu nhập trung bình” đối với nền kinh tế Việt Nam, cũng giống như nhiều nền kinh tế khác, đang giăng sẵn chờ con mồi sập bẫy. Tránh bẫy là vấn đề cần được giải quyết kịp thời nếu chúng ta không muốn mãi được gọi là nước đang phát triển. Và để làm tốt điều đó, Chính phủ phải thực hiện đồng bộ cùng lúc các biện pháp, chính sách vi mô, vĩ mô hướng đến trọng tâm phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ. Tác giả hi vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ có những sự quan tâm nhất định về “bẫy thu nhập trung bình”, đặc biệt sẽ lấy nó làm một dẫn chứng thực tế sinh động trong các bài giảng kinh tế của mình.

Tài liệu tham khảo:

1. Vượt qua bẫy thu nhập trung bình:Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam” (NXB Giao thông vận tải,năm 2010, Chủ biên: TS. Giang Thanh Long,TS. Lê Hà Thanh; Bản quyền thuộc về Diễn đàn Phát triển Việt Nam)

2. Bẫy thu nhập trung bình nhìn từ các nước ASEAN” (Tạp chí Thời đại mới, số 24, tháng 3/2012, tác giả: Trần Văn Thọ - Đại học Waseda, Tokyo)

3. “Khát vọng phát triển và bẫy thu nhập trung bình” (Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 12, năm 2009, tác giả: GS., TS. Hồ Sỹ Quý, Viện thông tin khoa học xã hội)

4. “Báo cáo năng suất Việt Nam 2010” (Trung tâm Năng suất Việt Nam, tháng 12/2011)

5. “Tình hình Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2001 - 2010” (NXB Thống kê Hà Nội, năm 2011)6. “Chất lượng tăng trưởng kinh tế nhìn từ góc độ các nhân tố sản xuất” (http://www.vietinbank.vn/web/home/vn/research/09/090219.html, năm 2009,  tác giả: TS. Nguyễn Hữu Hiểu)

7. Thực trạng phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam” (Tạp chí Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội  số 19-7/2007)

8. “Đầu tư 2012: Hiệu quả là hàng đầu” (Báo Đầu tư, tháng 2/2012, tác giả: Minh Nhung)


[1] Năm 2008, cách xếp loại các quốc gia dựa trên dữ liệu GNI bình quân đầu người của Ngân hàng thế giới như sau: quốc gia có thu nhập thấp (975 USD hoặc thấp hơn); quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp (976USD - 3.855USD), các quốc gia có mức thu nhập trung bình cao (3.856 USD - 11.905 USD); các quốc gia có thu nhập cao (11.906 USD hoặc nhiều hơn)

[2] Theo số liệu của Tổng cục thống kê, GNI bình quân đầu người của Việt Nam năm 2009 là 1.026 USD, năm 2010 là 1.113,6 USD.

[3] “Đầu tư nước ngoài trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam” (Báo cáo của Bộ công thương tại Hội nghị tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ngày 27/03/2013)

[4] Trong biểu đồ, TFP là chỉ tiêu năng suất bình quân tổng hợp, phản ánh hiệu quả sử dụng lao động và vốn thông qua ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế tạo và quản lý


Bài viết khác