Khoa Lý luận Chính trị Trường Đại học Kinh tế Nghệ An vươn lên để phát triển

Khoa Lý luận Chính trị của trường Đại học Kinh tế Nghệ An được thành lập ngày 15 tháng 9 năm 2014 theo Quyết định số 243/QĐ-ĐHKT của Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Nghệ An trên cơ sở bộ môn Lý luận Chính trị thuộc trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An.

KHOA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ VƯƠN LÊN ĐỂ PHÁT TRIỂN

 Trưởng khoa Lý luận chính trị

* Quá trình thành lập

Khoa Lý luận Chính trị của trường Đại học Kinh tế Nghệ An được thành lập ngày 15 tháng 9 năm 2014 theo Quyết định số 243/QĐ-ĐHKT của Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Nghệ An trên cơ sở bộ môn Lý luận Chính trị thuộc trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An.

Tròn 6 năm song hành cùng với thương hiệu của trường Đại học đã khẳng định được tên tuổi, bề thế như hôm nay. Cán bộ, giảng viên khoa Lý luận Chính trị đã không ngừng vươn lên, nỗ lực phát huy tinh thần đoàn kết, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng nhà trường ngày càng phát triển vững mạnh.

* Nhân sự

Hiện nay khoa Lý luận Chính trị có 11 người (09 giảng viên cơ hữu, 02 giảng viên kiêm nhiệm). Trong đó: có 02 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh, 08 thạc sĩ, 01 cử nhân là giáo vụ. Khoa được tổ chức thành 2 bộ môn: Những Nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin và Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam.

* Chức năng, nhiệm vụ

Là khoa giảng dạy các môn cơ sở, điều kiện tiên quyết cho sinh viên tất cả các nghành đào tạo của nhà trường, giúp Hiệu trưởng quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng chương trình, kế hoạch giảng dạy học tập các môn khoa học lý luận chính trị và các hoạt động giảng dạy khác trong chương trình, kế hoạch giảng dạy chung của nhà trường nhằm nâng cao hiểu biết của người học về Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khoa đảm nhận giảng dạy 6 học phần ở các loại hình đào tạo, bậc học trong nhà trường: (1) Triết học Mác - Lênin; (2) Kinh tế Chính trị Mác - Lênin; (3) Chủ nghĩa xã hội khoa học; (4) Lịch sử các học thuyết kinh tế; (5) Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; (6) Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, với tôn chỉ: "Hãy để sinh viên mong chờ  học các môn Lý luận Chính trị", "Sinh viên yêu thích hội thi các môn Lý luận Chính trị", Ban chủ nhiệm cùng cán bộ, giảng viên của khoa luôn sáng tạo, tìm các nội dung phù hợp để tổ chức thực hiện các cuộc thi có ý nghĩa thiết thực như; Cuộc thi "Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh";  "Kể chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; "Sinh viên Đại học kinh tế Nghệ An với các môn Lý luận Chính trị". Mục tiêu tạo ra sân chơi bổ ích, lý thú, kết nối sinh viên của tất cả các ngành đào tạo trong trường được giao lưu, học hỏi, thể hiện nhận thức, tài năng, tình cảm, thái độ chính trị, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho sinh viên. Đồng thời để sinh viên hiểu thêm giá trị của việc học tập các môn Lý luận Chính trị trong nhà trường là xây dựng và hình thành thế giới quan khoa học, tư duy biện chứng trong tiếp thu, đánh giá, nhìn nhận sự vật hiện tượng trong cuộc sống một cách khách quan, có ý thức trách nhiệm trong học tập, rèn luyện, chủ động sáng tạo trong mọi công việc.

* Thành tích đạt được

Đóng góp vào quá trình phát triển, khẳng định thương hiệu của nhà trường, khoa luôn đáp ứng tốt yêu cầu của nhà trường và xã hội, góp phần hiệu quả vào sự nghiệp trồng người, điều này được thể hiện trong phong trào thi đua khen thưởng của nhà trường. Trong nhiều năm qua, tập thể cán bộ, giảng viên của khoa đã đạt được nhiều thành tích nổi bật:

Tại Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015, khoa Lý luận Chính trị là một trong ba tập thể được vinh danh là tập thể tiêu biểu. Tổ Công đoàn khoa nhiều năm được tặng giấy khen. Chi bộ nhiều năm liên tục đạt danh hiệu chi bộ trong sạch, vững mạnh. Tập thể nữ công của khoa được Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tặng giấy khen.

Đối với cán bộ, giảng viên của khoa, bất cứ hoàn cảnh nào, ở đâu cũng luôn phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, hoàn thành tốt, xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Vì vậy nhiều cá nhân đã được các cấp khen thưởng:

Trong 6 năm qua có 05 giảng viên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Trung ương đoàn tặng bằng khen; 03 giảng viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 2/9 đồng chí đạt điển hình tiên tiến giai đoạn 2016 - 2019 về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; 3/7 cá nhân điển hình của trường đạt gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 - 2020; 01 cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen trong chỉ đạo phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"; Năm học 2019 - 2020 được Hiệu trưởng nhà trường  tặng giấy khen có thành tích cao trong công tác tuyển sinh; 01 cá nhân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen trong phong trào thi đua "giỏi việc nước, đảm việc nhà" giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đối với công tác nghiên cứu khoa học, cán bộ, giảng viên của khoa luôn nhận thức rõ: là một trong hai nhiệm vụ hàng đầu của giảng viên nên luôn chủ động, tích cực tham gia và đạt nhiều kết quả, nhiều công trình khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành, sách chuyên khảo, đề tài cấp nhà nước, bộ, cấp tỉnh, … Cụ thể, từ năm 2014 đến nay; có 44 bài báo khoa học công bố trên tạp chí chuyên ngành phát hành trên toàn quốc; 22 bài báo khoa học công bố trên tạp chí Khoa học - Công nghệ của tỉnh; chủ biên của 05 cuốn sách chuyên khảo và đồng tác giả của 03 cuốn sách chuyên khảo khác với các nhà khoa học có uy tín trong nước; Biên soạn 01 giáo trình và là đồng tác giả 01 giáo trình với các nhà giáo có uy tín; 10 đề tài cấp trường và 01sáng kiến kinh nghiệm; 30 bài đăng ký yếu hội thảo cấp tỉnh, các trường đại học, cao đẳng và của trường ; 42 bài báo công bố trên Tập san Thông tin Khoa học - Kỹ thuật của trường; 15 sinh hoạt học thuật cấp bộ môn, cấp khoa; 6 hội thảo khoa học cấp trường có sự tham gia của các nhà giáo, nhà khoa học ở các trường CĐ, ĐH trên địa bàn tỉnh.

* Định hướng phát triển trong thời gian tới

Thứ nhất: Không ngừng xây dựng sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất trong khoa. Đây được xem là chìa khóa thành công để xây dựng tập thể khoa vững mạnh, hoàn thành tốt, xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị, chuyên môn. Song để có được điều này đòi hỏi trước hết ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý khoa phải tiên phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm. Làm việc với phong cách, tinh thần dân chủ, công bằng, khách quan, tạo điều kiện, môi trường làm việc vui tươi, phấn khởi, đảm bảo minh bạch thông tin trong mọi hoạt động của nhà trường, tạo công bằng, dân chủ là vấn đề quyết định cho sự phát triển bền vững của khoa và nhà trường.

Thứ hai: Cán bộ, giảng viên phải không ngừng tự học tập, nghiên cứu, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Phấn đấu đến năm 2025, khoa có 01 Phó giáo sư, 4 tiến sĩ, 4 giảng viên chính, tất cả cán bộ, giảng viên của khoa đạt chứng chỉ văn bằng 2 tiếng Anh. Bản thân mỗi cán bộ, giảng viên phải nhận thức được vị trí, vai trò, trách nhiệm về con đường tự học, tự nghiên cứu, phải xem nó là nhu cầu, động cơ, mục đích của cá nhân; chủ động, tích cực tự giác, phấn đấu tự học, tự bồi dưỡng bởi thực tiễn luôn luôn thay đổi. Giảng viên phải cập nhật kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, đảm bảo tính thời sự trong quá trình giảng dạy.

Thứ ba: Tiếp tục thực hiện vai trò phân cấp, phân quyền cho Ban Chủ nhiệm khoa; tổ chuyên môn hoạt động theo hướng chuyên môn hóa để phát huy vai trò trách nhiệm của trưởng bộ môn, các tổ chức quần chúng trong điều hành công việc của đơn vị. Phát huy năng lực sáng tạo, tự chịu trách nhiệm trong chuyên môn, đoàn thể của từng cá nhân trong khoa.

Thứ tư: Tiếp tục nghiên cứu về đổi mới phương pháp dạy học theo học chế tín chỉ phù hợp với người học trong giai đoạn hiện nay. Tăng cường đổi mới đa dạng các hình thức sinh hoạt chuyên môn, học thuật. Mời các giảng viên, các nhà khoa học có kinh nghiệm từ các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín để làm rõ các nội dung còn nhiều ý kiến tranh luận nhằm mở rộng sự hiểu biết kiến thức cho giảng viên, bồi dưỡng nâng cao trình độ, phương pháp kỹ năng trong dạy học.

Thứ năm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong giảng viên dưới nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt phát huy tính độc lập, tự chủ, năng động của đội ngũ giảng viên trẻ, phấn đấu từ nay đến năm 2025, khoa tham gia ít nhất 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, tỉnh. Tất cả giảng viên đều phải tham gia làm sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, các đề tài thực hiện phải gắn với chuyên môn, phục vụ cho công tác dạy - học. Hàng năm tối thiểu mỗi cán bộ, giảng viên đều có ít nhất 01 bài đăng tạp chí chuyên ngành phát hành toàn quốc...Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung các cuộc thi olimpc chính trị để tạo động lực cho sinh viên ngày càng yêu thích các môn học lý luận chính trị.

Thứ sáu:Tiếp tục đồng hành, chủ động trong công tác tuyển sinh của nhà trường, cán bộ, giảng viên của khoa xác định: Tuyển sinh là một trong những vấn đề sống còn để phát huy, khẳng định thương hiệu nhà trường và chính đội ngũ giảng viên, vì vậy phải biết hy sinh lợi ích cá nhân, đặt lợi ích tập thể, nhà trường lên hàng đầu.

Thứ bảy: Chủ động liên kết với doanh nghiệp, các địa phương, tổ chức cho cán bộ, giảng viên đi thực tế tại cơ sở ít nhất 1 lần/năm nhằm khảo sát, nâng tầm hiểu biết về sự phát triển của doanh nghiệp, địa phương trước xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu.

Nhìn lại chặng đường 60 năm của trường Đại học Kinh tế Nghệ An và 6 năm kể từ ngày khoa Lý luận Chính trị được nâng cấp thành một khoa cơ sở, tập thể cán bộ, giảng viên, viên chức của khoa rất đỗi tự hào về những thành quả đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển. Trước mắt là một chặng đường dài đầy khó khăn, vất vả với công tác tuyển sinh ngày càng khó khăn và chuẩn bị cho cơ chế tự chủ, giáo dục đại học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi sự đoàn kết, đồng thuận lại càng phải cao. Kết quả trên là cơ sở, tiền đề hết sức quan trọng để khoa Lý luận chính trị vững bước tiến lên, phải  đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học, vươn lên về mọi mặt, đem hết khả năng và trí tuệ, góp sức xây dựng nhà trường ngày càng phát triển, viết tiếp những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp đào tạo của trường Đại học Kinh tế Nghệ An; 60 năm xây dựng và phát triển./.

 

 

 


Bài viết khác