Đổi mới hơn nữa về nhận thức về Kinh tế tư nhân

ĐỔI MỚI HƠN NỮA NHẬN THỨC VỀ KINH TẾ TƯ NHÂN

                          TS. Trần Thị Bình

Tóm tắt: Ở Việt Nam kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhưng kinh tế tư nhân chưa phát triển hết tiềm năng của nó. Nhiều người chưa nhận thức đúng về bản chất và vai trò của kinh tế tư nhân. Mặc dù có một số doanh nghiệp tư nhân gây tác động tiêu cực đối với xã hội nhưng về bản chất kinh tế tư nhân nói chung là tích cực, vì góp phần tạo ra của cải vật chất, giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của xã hội. Để làm cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn với tất cả tiềm năng của nó thì cần tiếp tục đổi mới tư duy về kinh tế tư nhân, cụ thể là những người còn kỳ thị với kinh tế tư nhân cần phải thay đổi quan điểm và thái độ ứng xử với kinh tế tư nhân.

Từ khóa: Kinh tế tư nhân; kinh tế thị trường; động lực; phát triển.

  1. Mở đầu

Nền kinh tế ở nước ta hiện nay là nền kinh tế thị trường, hơn nữa là nền kinh tế thị trường  đầy đủ (mặc dù một số người chưa thừa nhận như vậy). Nền kinh tế đó có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân. Đảng và Nhà nước chủ trương khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế kinh tế tư nhân chưa phát triển hết tiềm năng của nó. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ở chỗ, nhiều người chưa nhận thức và vận dụng đúng  quan điểm của Đảng về vai trò động lực của kinh tế tư nhân; họ quan niệm sai lầm rằng về bản chất các doanh nghiệp tư nhân hoạt động chỉ vì lợi nhuận của mình. Từ nhận thức như vậy, họ đã đặt ra những rào cản đối với kinh tế tư nhân. Đương nhiên thực tiễn sẽ tự vạch đường đi cho mình, kinh tế tư nhân sẽ vượt qua những những rào cản đó, nhưng để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn với tất cả tiềm năng của nó thì về lý luận chúng ta cần làm rõ vai trò động lực của kinh tế tư nhân, làm cho những người còn kỳ thị với kinh tế tư nhân phải thay đổi quan điểm và thái độ ứng xử với kinh tế tư nhân.

  1. Đặc điểm của kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân là hình thức kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất.  Kinh tế tư nhân xuất hiện từ khi chế độ công hữu cộng sản nguyên thủy tan rã và chế độ tư hữu hình thành. Kinh tế tư nhân bao gồm kinh tế tư nhân phi tư bản và kinh tế tư nhân tư bản. Kinh tế tư nhân phi tư bản không có quan hệ người thuê lao động và người lao động làm thuê, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ. Kinh tế của các hộ gia đình nông dân, những người kinh doanh và buôn bán nhỏ là kinh tế tư nhân phi tư bản. Kinh tế tư nhân tư bản có quan hệ người thuê lao động và người lao động làm thuê. Người lao động làm thuê được người thuê lao động trả công lao động dưới nhiều hình thức khác nhau dựa vào kết quả sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp do các cá nhân (trong nước hay nước ngoài) cùng góp vốn (cổ phần) thuộc thành phần kinh tế tư nhân. Các doanh nghiệp liên doanh giữa nhà nước và tư nhân không hoàn toàn thuộc thành phần kinh tế tư nhân hay kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp mà vốn nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối thì có thể được xếp vào thành phần kinh tế nhà nước, ngược lại doanh nghiệp mà vốn tư nhân chiếm tỷ lệ chi phối thì có thể được xếp vào thành phần kinh tế tư nhân. Kinh tế ở nước ta hiện nay tuy có nhiều thành phần nhuwg có thể quy về hai thành phần là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước.

Kinh tế tư nhân dưới hình thức phát triển là kinh tế tư nhân tư bản. Những người sản xuất hàng hóa nhỏ phải cạnh tranh với nhau, cạnh tranh thì dẫn đến tình trạng là: một số người kinh doanh có lãi thì ngày càng phát triển, mở rộng kinh doanh và phải thuê lao động và trở thành người thuê lao động; một số người kinh doanh thua lỗ thì phá sản và trở thành người lao đông làm thuê. Như vậy, kinh tế tư nhân phi tư bản hàng ngày hàng giờ phát triển thành kinh tế tư nhân tư bản.

Sở hữu của kinh tế tư nhân là sở hữu tư nhân. Nếu kinh doanh có lãi thì người kinh doanh được hưởng lợi; ngược lại nếu kinh doanh thua lỗ thì người kinh doanh bị thiệt. Vì thế, mục đích của những người làm kinh tế tư nhân trước hết là vì lợi nhuận (nhưng không phải chỉ vì lợi nhuận). Một số người cho rằng, người làm kinh tế tư nhân vì lợi nhuận mà có thể bất chấp tất cả, kể cả tính mạng của mình. Chẳng hạn, T.J.Dunning cho rằng: “tư bản sợ tình trạng không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận quá ít, cũng như giới tự nhiên sợ chân không. Với một lợi nhuận thích đáng thì tư bản trở nên can đảm. Được đảm bảo 10 phần trăm lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được; được 20 phần trăm thì nó hoạt bát hẳn lên; được 50 phần trăm thì nó trở nên thật sự táo bạo, được 100 phần trăm thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của xã hội loài người, được 300 phần trăm thì không còn tội ác nào là nó không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ” [dẫn theo: 5; tr.1056]. Câu nói trên đúng cho một số người làm kinh tế tư nhân chứ không phải đúng cho tất cả người làm kinh tế tư nhân. Câu nói trên có ý đúng rằng người làm kinh tế tư nhân rất quan tâm và tích cực phấn đấu để có lợi nhuận cao nhất. Chính vì thế nên kinh tế tư nhân thường có hiệu quả cao.

Nhiều người chưa nhận thức đúng về bản chất và vai trò của kinh tế tư nhân. Trên thực tế tấ cả các nước đều có một số doanh nghiệp tư nhân gây tác động tiêu cực đối với xã hội (kinh doanh trái phép, trốn thuế, buôn lậu, lừa đảo và các hành vi phạm pháp khác). Nhưng về bản chất thì kinh tế tư nhân nói chung là tích cực, vì góp phần tạo ra của cải vật chất, giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của xã hội. Không nên vì có một số doanh nghiệp tư nhân gây tác động tiêu cực mà cho rằng kinh tế tư nhân về bản chất là tiêu cực. Nhận thức sai lầm này vẫn đang là một nguyên nhân cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân. Vì vậy, để làm cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn với tất cả tiềm năng của nó thì cần tiếp tục đổi mới tư duy về kinh tế tư nhân, cụ thể là những người còn kỳ thị với kinh tế tư nhân cần phải thay đổi quan điểm và thái độ ứng xử với kinh tế tư nhân.

  1. Quan điểm của Đảng về vai trò của kinh tế tư nhân

Ở Việt Nam trong thời kỳ của cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp trước đổi mới, kinh tế tư nhân được coi là kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, không có vai trò động lực thúc đẩy nền kinh tế, là đối tượng bị cải tạo và xóa bỏ. Do chính sách cải tạo và xóa bỏ kinh tế tư nhân nên trong lịch sử hàng ngàn năm lần đầu tiên ở nước ta, kinh tế tư nhân chỉ chiểm một tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế, riêng kinh tế tư nhân tư bản thì không còn tồn tại. Quan điểm của Đảng trong giai đoạn này là không thừa nhân vai trò động lực của kinh tế tư nhân. Đây cũng là quan điểm chung của các nước xã hội chủ nghĩa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986) của Đảng đã khởi xướng công cuộc đổi mới. Công cuộc đổi mới được bắt đầu bằng việc đổi mới tư duy kinh tế với việc chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, thực chất là chủ trương phát triển kinh tế tư nhân. Với chủ trương này kinh tế tư nhân đã phục hồi và không ngừng phát triển. Cho đến này, kinh tế tư nhân đã chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, tuy không phải là thành phần kinh tế chủ đạo nhưng đã được thừa nhận là một trong những động lực của nền kinh tế. Vai trò động lực đó lần đầu tiên được khẳng định trong văn kiện Đại hội X Đảng ta: ''Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng là một trong những động lực của nền kinh tế". Văn kiện Đại hội XI tiếp tục khẳng định như vậy. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng một lần nữa khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Báo cáo viết: “Thống nhất nhận thức nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường” [8]. Với chủ trương nói trên của Đảng và Nhà nước, kinh tế tư nhân không ngừng phát triển.

Đảng ta khẳng định rằng “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Theo quan điểm này, thì kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân đều là động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng giữ vai trò chủ đạo thì chỉ có kinh tế nhà nước. Có ý kiến cho rằng nếu coi kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, còn kinh tế tư nhân không giữ vai trò chủ đạo thì vai trò động lực của kinh tế tư nhân chưa được nhìn nhận đúng mức. Có ý kiến khác cho rằng không nên coi kinh tế nhà nước hay kinh tế tư nhân giữ vai trò chủ đạo, vai trò chủ đạo sẽ tùy thuộc vào thực lực của mỗi thành phần kinh tế.

Chúng tôi không tán thành quan điểm này. Bởi vì chúng ta cần xác định đúng nội hàm của khái niệm “kinh tế nhà nước” và “giữ vai trò chủ đạo”. Kinh tế nhà nước không phải chỉ gồm có các doanh nghiệp nhà nước, mà còn gồm toàn bộ nguồn lực của quốc gia. Tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất thuộc sở hữu nhà nước, nguồn nhân lực, quyền ban hành chính sách, đó đều là nguồn lực của nhà nước (tư nhân không thể có nguồn lực ấy). Nguồn lực của kinh tế nhà nước lớn hơn nhiều so với nguồn lực của kinh tế tư nhân. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo đối với kinh tế tư nhân, chứ không phải kinh tế tư nhân giữ vai trò chủ đạo đối với kinh tế nhà nước. Giữ vai trò chủ đạo không có nghĩa là đóng góp vào GDP chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, cũng không phải là hiệu quả kinh tế cao hơn. Giữ vai trò chủ đạo là định hướng sự phát triển. Kinh tế nhà nước định hướng sự phát triển đối với kinh tế tư nhân, chứ không phải kinh tế tư nhân định hướng sự phát triển đối với kinh tế nhà nước. Với cách hiểu đó thì ở nước ta kinh tế nhà nước trong thực tế đang giữ vai trò chủ đạo đối với kinh tế tư nhân. Hơn nữa, không phải chỉ ở nước ta mà ở các nước có nền kinh tế thị trường thì kinh tế nhà nước trong thực tế cũng giữ vai trò chủ đạo đối với kinh tế tư nhân. Việc khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là ghi nhận thực tế hiện có, đồng thời khẳng định sự cần thiết nhà nước phải can thiệp vào nền kinh tế để nó phát triển theo định hướng chính trị của nhà nước, cụ thể là định hướng xã hội chủ nghĩa.

  1. Thực trạng vai trò của kinh tế tư nhân 

Ở Việt Nam hiện nay có không ít doanh nghiệp tư nhân gây tác động tiêu cực đối với xã hội. Các phương tiện thông tin đại chúng hầu như hàng ngày đều có phản ánh sự vi phạm pháp luật của một số doanh nhân. Một số doanh nhân đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, từ đó bất chấp pháp luật và đạo lý. Những người này (đúng như điều T.J.Dunning nói ở trên) nếu đạt được tỷ suất lợi nhuận 100 phần trăm thì “chà đạp lên mọi luật lệ của xã hội loài người, được 300 phần trăm thì không còn tội ác nào là nó không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ” Tuy nhiên, khi xem xét thực trạng vai trò của kinh tế tư nhân thì cần nhìn một cách toàn diện. Với cách nhìn toàn diện thì có thể cho rằng, trong quá trình đổi mới vừa qua, kinh tế tư nhân ngày càng chứng tỏ là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, thích ứng được với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong đóng góp cho nền kinh tế của đất nước.  

Bảng 1. Tổng sản phẩm và cơ cấu tổng sản phẩm trong nước [4], [5]

Năm

Tổng số

Kinh tế nhà nước

Kinh tế ngoài nhà nước

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

Tỷ đồng

Cơ cấu %

Tỷ đồng

Cơ cấu %

Tỷ đồng

Cơ  cấu %

Tỷ đồng

Cơ cấu %

2005

839.211

100,00

322.241

38,40

382.804

45,61

134.166

15,99

2006

974.266

100,00

364.250

37,39

444.560

45,63

165.456

16,98

2007

1.143.715

100,00

410.883

35,93

527.432

46,11

205.400

17,96

2008

1.485.038

100,00

527.732

35,54

683.684

46,03

273.653

18,43

2009

1.658.389

100,00

582.674

35,13

771.688

46,54

304.027

18,33

2010

2.157.828

100,00

633.187

29,34

926.928

42,96

326.967

15,15

2011

2.779.880

100,00

806.425

29,01

1.219.625

43,87

435.392

15,66

2012

3.245.419

100,00

953.789

29,39

1.448.171

44,62

520.410

16,04

2013

3.584.262

100,00

1.039.725

29,01

1.559.741

43,52

622.421

17,36

2014

3.937.856

100,00

1.131.319

28,73

1.706.441

43,33

704.341

17,89

Nhìn vào bảng thống kê trên, ta thấy đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế nhà nước ngày càng giảm (từ 38,40 % năm 2005 xuống còn 28,73% năm 2014). Trong khi đó đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm kinh tế ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài)  ngày càng tăng (từ 61,60 % năm 2005 lên 71,27% năm 2014). Kkinh tế tư nhân có khả năng cạnh tranh trên thị trường hơn các kinh tế nhà nước, đó một phần là do đội ngũ doanh nhân của kinh tế tư nhân có năng lực và trình độ, có tác phong kinh doanh năng động, có khả năng làm kinh tế, nhạy bén với cơ chế thị trường, có trách nhiệm cao đối với hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Khu vực kinh tế tư nhân đang thu hút một khối lượng vốn ngày càng lớn của toàn xã hội, góp phần nâng cao nội lực đẩy mạnh sự phát triển của sức sản xuất và có những đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Từ năm 2005 - 2013, mức huy động vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của các doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng liên tục, từ 24,98% năm 2005 lên 41,83% năm 2008 và đến năm 2013 tăng lên 48,57%, trong khi đó mức huy động vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của doanh nghiệp nhà nướcngày càng giảm dần (từ 54,88% năm 2005 xuống còn 32,61% năm 2013).

Không chỉ tăng thêm về nguồn vốn, kinh tế tư nhân còn có đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần tích cực vào tăng trưởng nhanh nền kinh tế. Theo bảng xếp hạng 1.000 danh nghiệp nộp thuế nhiều nhất Việt Nam (V-1000) ngày 23/9/2010 số lượng doanh nghiệp tư nhân đã chiếm tỷ lệ ngang với doanh nghiệp nhà nước. Đây là năm đầu tiên, thông qua bảng xếp hạng để nhi nhận và tôn vinh các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, tuân thủ luật pháp, chính sách về thuế và đóng góp thuế thu nhập lớn cho ngân sách quốc gia. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân vẫn có hiệu quả đầu tư cao nhất. Xét trên chỉ số doanh thu/tổng tài sản và lợi nhuận tài sản, vốn chủ sở hữu và doanh thu, khu vực tư nhân luôn có thể tạo ra nhiều doanh thu nhất với cùng một giá trị tài sản, với một tỷ đồng tài sản. Ngoài đóng góp vào nguồn thu ngân sách, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân còn có sự đóng góp đáng kể vào việc xây dựng các công trình văn hoá, thể dục thể thao, trường học, đường sá, cầu cống, nhà tình nghĩa, tình thương và các công trình phúc lợi khác ở tất cả mọi miền trên tổ quốc. Trong mấy năm qua nền kinh tế nước ta chịu nhiều tác động tiêu cực của thiên tai và sự suy thoái kinh tế toàn cầu, tuy nhiên khu vực kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục tăng trưởng khá.

Khu vực kinh tế tư nhân góp phần to lớn trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo, đào tạo nguồn nhân lực mới cho thị trường lao động. Lợi thế nổi bật của kinh tế tư nhân là có thể thu hút một lực lượng lao động đông đảo, đa dạng (ở mọi trình độ từ lao động thủ công đến lao động trí tuệ, ở tất cả mọi miền của đất nước, ở tất cả mọi tầng lớp dân cư) vào tất cả mọi loại hình sản xuất, kinh doanh. Một điểm hết sức đáng chú ý là năng suất lao động của người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân cũng đã được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, để đứng vững trong cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp tư nhân tích cực đào tạo và nâng cao trình độ cho người lao động, tìm ra những biện pháp tổ chức sản xuất có hiệu quả nhất, chính điều này đã góp phần vào việc đào tạo nên đội ngũ người lao động có kỹ năng và tác phong công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tư nhân trong quá trình phát triển thường xuyên áp dụng các khoa học công nghệ mới hiện.

   Kinh tế tư nhân góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội. Nền kinh tế cần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tổ tổng hợp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trên cơ sở đó hình thành nền cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn có năng lực cạnh tranh cao hơn và sức tăng trưởng bền vững hơn. Trong những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam bộc lộ nhiều yếu kém, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp và xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh nền kinh tế kém, năng suất lao động vẫn chủ yếu từ nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Hoạt động đầu tư nhìn chung kém hiệu quả, xét tương quan với tốc độ tăng trưởng kinh tế, hiệu quả đầu tư (thể hiện ở hệ số ICOR; đó là hệ số sử dụng vốn, hay hệ số đầu tư tăng trưởng, hay tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm) của Việt Nam ở mức rất thấp, trong đó đầu tư công kém hiệu quả ở mức nghiêm trọng. Hệ số ICOR trong khu vực công (kinh tế nhà nước) cao gấp rưỡi hệ số ICOR chung của nền kinh tế và gấp đôi ICOR của khu vực dân doanh (khu vực kinh tế tư nhân). Như vậy, hệ số ICOR trong khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần làm cho hệ số ICOR chung của nền kinh tế tăng cao. Ngoài ra ở nhiều phương diện khác, kinh tế tư nhân đang đóng góp tích cực cho nền kinh tế, thậm chí còn tích cực hơn so với kinh tế nhà nước.

Kết luận

Sự phân tích ở trên cho thấy, về lý luận và thực tiễn kinh tế tư nhân đã và đang đóng vai trò động lực quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế nước ta, thể hiện trước hết ở tỷ lệ đóng góp ngày càng cao vào GDP và nguồn thu ngân sách, cũng như thẻ hiện ở hiệu quả sản xuất kinh doanh và ở nhiều phương diện khác. Tuy nhiên, hiện nay, kinh tế tư nhân vẫn chưa được phát triển tương xứng với tiềm năng của nó. Vì vậy, để kinh tế tư nhân tiếp tục góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, thì cần có sự đổi mới hơn nữa về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính quyền các cấp cũng như sự nỗ lực vươn lên của các chủ thể. Chúng ta hy vọng rằng, kinh tế tư nhân sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tài liệu tham khảo

[1]  Trần Thị Bình (2014), “Phát huy vai trò và động lực của kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 4.

[2]  Trần Thị Bình (2015), “Phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Triết học, số 2.

[3] Vũ Hùng Cường (2011), Kinh tế tư nhân và vai trò động lực tăng trưởng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[5] C.Mác và Ăngghen (1995), Toàn tập, tập1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[6] Tổng cục thống kê (2009), Niên giám thống kê, Nxb Thống kê, Hà Nội.

[7] Tổng cục thống kê (2014), Niên giám thống kê, Nxb Thống kê, Hà Nội.

[8] http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/toan-van-bao-cao-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-ve-cac-van-kien-dai-hoi-xii-cua-dang-367706.html

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Bài viết khác