Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An

         Theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 nêu rõ Nhà nước hỗ trợ đầu tư 3 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại 3 vùng miền Bắc, miền Trung và miền Nam, làm động lực thúc đẩy sự phát triển ngành lâm nghiệp nói chung và ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ nói riêng trong khu vực.

        Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa triển khai đầu tư được khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao nào trong cả nước.

         Đồng thời theo định hướng quốc gia, gỗ và sản phẩm gỗ hiện nay được xếp là 1 trong 13 sản phẩm chủ lực quốc gia và tại Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến năm 2025 đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 20 tỷ USD, đưa sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam.

Đoàn công tác khảo sát đầu tư tại Nghi Lâm, Nghi Lộc. Ảnh tư liệu

         Tỉnh Nghệ An quyết tâm đầu tư xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An”  nhằm phát huy những lợi thế, thế mạnh của tỉnh Nghệ An cũng như của vùng Bắc Trung Bộ (BTB) để quản lý và phát triển bền vững ngành và tái cơ cấu lại ngành lâm nghiệp hiệu quả, góp phần đưa chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ thành một ngành kinh tế động lực trong sản xuất và xuất khẩu của vùng, thực hiện tốt định hướng quốc gia. 

          Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Nghệ An sẽ trở thành một trong ba khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao được định hướng xây dựng trong cả nước theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thể hiện khát vọng và quyết tâm của tỉnh Nghệ An trong thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu; Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. 

Rừng săng lẻ Tương Dương - Nghệ An. Ảnh tư liệu

          Về Đề án Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ, tại thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đồng ý chủ trương thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ tại tỉnh Nghệ An.

           Tại cuộc họp ủy ban mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã khẳng định sẽ quyết tâm để Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ trong thời gian sớm nhất và triển khai thực hiện thật tốt khi đã có những nhà đầu tư tiềm năng và nhà đầu tư rất quyết tâm đầu tư tại đây.

            Theo đề án, Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng BTB tại tỉnh Nghệ An thuộc nhóm 1 là Khu có vị trí thuận lợi, nằm trung tâm của Vùng Bắc Trung Bộ, nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ (đường bộ, sắt, cảng biển, hàng không), các khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung, đồng thời đây là khu vực có nguồn nhân lực dồi dào, có tay nghề và kỹ thuật trong chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng và Hệ thống logistic từng bước được hình thành.

Chế biến gỗ tại nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn. Ảnh: Tư liệu

             Khu lâm nghiệp UDCNC vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An có vốn đầu tư chủ yếu do Doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước hỗ trợ chủ yếu về chính sách.

            Về chức năng: Khu Lâm nghiệp UDCNC vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An là khu đa chức năng như các khu NNUDCNC do nhà nước đầu tư gồm: (1) nghiên cứu ứng dụng; (2) thử nghiệm; (3) trình diễn CNC; (4) đào tạo nguồn nhân lực và (5) sản xuất sản phẩm NNUDCNC.

            Về quy mô Khu lâm nghiệp UDCNC vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An: là một trong các khu có diện tích lớn trong cả nước.

            Về tổ chức quản lý điều hành: sẽ không thành lập mới Ban quản lý mà giao cho ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam thực hiện quản lý khi đi vào hoạt động.

          Về sản phẩm chủ yếu của khu LNUDCNC vùng BTB tại tỉnh Nghệ An gồm: Giống lâm nghiệp chất lượng cao; Hệ thống rừng trồng thâm canh ứng dụng công nghệ cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ lớn và LSNG chất lượng cao cho chế biến; Các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm phù trợ ngành gỗ; Cung cấp máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ công nghiệp chế biến gỗ.

             Mô hình phát triển của khu được kết hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp cùng quản lý. Trong đó: Giao Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An quản lý chung các hoạt động đầu tư của Khu, Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm hướng dẫn và định hướng phát triển lâm nghiệp trong khu theo đúng quy định; Các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, quản lý hoạt động từng phân khu chức năng theo mô hình doanh nghiệp, cụ thể:

           + Khu Trung tâm sản xuất giống lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao: do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh đức đầu tư và thực hiện quản lý, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

          + Khu sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ: do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh đức đầu tư cơ sở hạ tầng và phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam thu hút các doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư phát triển.

          + Sàn giao dịch kết hợp triển lãm gỗ nguyên liệu, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ: do một số công ty về chế biến lâm sản đầu tư và thực hiện quản lý, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Bà Chu Thị Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh Đức phát biểu về tiến độ dự án. Ảnh Phạm Bằng (tư liệu)

          Hiện, dự án thuộc Phân khu chức năng 1 đã được Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức đầu tư. Đến nay, Công ty đã khảo sát thực địa, lập quy hoạch, hồ sơ xin chủ trương thực hiện Dự án Trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc và đã được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch.

          Công ty đã phối hợp với 14 đơn vị chủ rừng ký hợp đồng nguyên tắc liên kết trồng rừng; rà soát diện tích, hiện trạng đất rừng sản xuất, lập dự án liên kết để triển khai thực hiện Phương án phát triển vùng nguyên liệu kinh doanh rừng trồng gỗ lớn gắn với quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng đã được UBND tỉnh chấp thuận. 

           Bà Chu Thị Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thiên Minh Đức cho biết tập đoàn sẽ triển khai trồng rừng bền vững, có thu hoạch dưới tán rừng và luôn luôn có rừng tại đây.

          Mục tiêu: - Xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao (KLNUDCNC) vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An trở thành một trong ba KLNUDCNC theo đúng Luật Công nghệ cao và quy định của Chính phủ tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016.

         - Phát triển kinh tế rừng theo chuỗi giá trị từ giống, quản lý rừng bền vững, trồng rừng chất lượng cao, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản. Đến năm 2025, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành ngành kinh tế động lực của toàn khu vực Bắc Trung Bộ và tỉnh Nghệ An. Xây dựng Nghệ An thành Trung tâm sản xuất chế biến và xuất khẩu gỗ lớn ở Bắc Trung Bộ và khu vực miền Trung

         - Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đến 2025 của vùng Bắc Trung Bộ đạt khoảng 2,0 tỷ USD, định hướng đến năm 2035 đạt khoảng 3,0 tỷ USD.

                                                                    Võ Thị Dung theo Baonghean.vn


Bài viết khác