Mở lối cho nông nghiệp công nghệ cao

Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đang mở ra những cơ hội mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động môi trường.

Không thể cạnh tranh dựa trên chi phí thấp

Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm. Cùng với đó là mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, với mục tiêu tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5-6%/năm.

Theo nhận định của Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh dựa trên chi phí thấp, thâm dụng lao động và tài nguyên. Cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Việc phát triển nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao, chứ không đơn thuần chỉ là phát triển NNCNC. Phát triển nông nghiệp thông minh, NNCNC, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hóa đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp (DN), nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.

Ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH chia sẻ, tương lai công nghệ 5.0 đã hiện hữu trước mắt. Tập đoàn TH đã thực hành nông nghiệp thông minh, đặc biệt là chăn nuôi, trong suốt 15 năm qua, do đó càng hiểu rõ hơn xu thế này.

Với kinh nghiệm là một “đầu tàu”, tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp bền vững, thực hành kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tại Việt Nam, đại diện Tập đoàn TH cho rằng nếu 4.0 mang lại nhiều công cụ, như AI, dữ liệu lớn hay trợ lý ảo, thì 5.0 chú trọng vào việc tương tác giữa con người và máy móc, đòi hỏi con người sử dụng hiệu quả các công cụ đó.

Ông Đặng Kim Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhấn mạnh, cả hai mảng nông nghiệp xanh và nông nghiệp hiện đại đều phải dựa trên nền tảng vững chắc là nông dân và DN.

Trong đó chủ lực là các tập đoàn, DN ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ông Sơn cũng đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ các DN đi đầu này.

Cụ thể, cần hình thành các khu NNCNC, vùng NNCNC gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực. Tại đây, nhà nước và DN có cơ chế phối hợp để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cần hình thành được các chuỗi giá trị gắn kết thành những hệ sinh thái của các DN đầu tàu chịu trách nhiệm chế biến nâng cao giá trị nông sản, đưa hàng hóa ra thị trường.

Gắn bó xung quanh hạt nhân này là các DN vừa và nhỏ tại địa phương cung cấp vật tư đầu vào, cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Kế tiếp là các hợp tác xã trang trại và hộ nông dân liên kết tạo thành một tổng thể đồng bộ về quy trình công nghệ, xuất xứ hàng hóa, cung cấp nguyên vật liệu đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ thời gian cho hoạt động chế biến và kinh doanh.

Nông nghiệp công nghệ cao mang lại năng suất cao.

Cần nhân lực thông minh

Dưới góc nhìn khác, ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng DN nông nghiệp Việt Nam (VCAC) nêu quan điểm, muốn có một nền nông nghiệp thông minh cần phải có nguồn nhân lực thông minh. Tại Việt Nam, phần lớn nông dân cũng như đội ngũ nhân lực làm nông nghiệp còn đang làm theo các phương thức truyền thống. Kinh nghiệm, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn ở mức thấp, chưa có nhiều mô hình liên kết chặt chẽ và bền vững.

Chính vì vậy, theo ông Thắng, việc liên kết chặt chẽ giữa các DN nông nghiệp và các tổ chức DN khoa học là tất yếu, phải được tổ chức như một thiết chế hợp tác đầu tư, sản xuất và kinh doanh để tạo ra sức mạnh tổng thể, phát huy nguồn lực, xây dựng nền tảng để phát triển nông nghiệp xanh - tuần hoàn - bền vững.

Ông Thắng kiến nghị, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng tích cực, cởi mở để có chính sách phù hợp cho các hoạt động liên kết và hợp tác đầu tư vào nông nghiệp cho cả hai khu vực công – tư. Đối với các tổ chức, DN khoa học đang thuộc sở hữu Nhà nước nhưng đã được giao tự chủ cần làm rõ hơn quyền tự chủ của các tổ chức này. Các tổ chức khoa học được giao tự chủ, tự cân đối tài chính, tự thu, tự chi cần phải được giao quyền tự quyết việc dùng tài sản nhà nước được giao để tham gia hợp tác, đầu tư trên nguyên tắc không làm mất quyền sở hữu Nhà nước.

Đồng thời, Nhà nước sớm ban hành các quy định đủ mạnh để có một khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn theo hướng đi mới. Các mô hình hợp tác phát triển và đổi mới sáng tạo cần được cho phép thực hiện theo hình thức thử nghiệm, thí điểm theo cơ chế mở, sẽ được thử nghiệm sẽ được quy định thời gian thử nghiệm, thí điểm theo đề xuất và phải được tổng kết, đánh giá những ảnh hưởng tích cực hoặc hạn chế của mô hình, từ đó làm cơ sở để cơ quan chức năng hoàn thiện thể chế cho loại hình đó.

                                     Nguồn https://baomoi.com/


Bài viết khác