Phương hướng, mục tiêu và giải pháp phát triển đàn Dê tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025

Ngày 19/9/2020, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3117/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển đàn dê tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025 nhằm khai thác tiềm năng, phát triển đàn dê quy mô hàng hóa; nâng cao thu nhập cho người dân; từng bước chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng hiệu quả góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Một số nội dung chính của đề án như sau:

I. Phương hướng, mục tiêu phát triển

1.1. Phương hướng phát triển

- Phát triển chăn nuôi dê theo hướng quy mô trang trại, nông hộ, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, phát triển dê đặc sản chất lượng cao của tỉnh Nghệ An.
- Ưu tiên phát triển trang trại chăn nuôi dê thịt ở vùng núi thấp và đồng bằng; dê địa phương, dê đặc sản ở vùng núi cao; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết phát triển trang trại chăn nuôi dê quy mô hàng hóa.
- Ưu tiên cơ chế chính sách phát triển chăn nuôi dê hiệu quả, sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

1.2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung

Khai thác tiềm năng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát triển các vùng chăn nuôi dê có chất lượng theo hướng sản xuất hàng hóa. Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ; đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, gắn chăn nuôi với chế biến và thị trường tiêu thụ; xử lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; xây dựng thương hiệu “Dê Nghệ An” và Dê ở các địa phương.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tăng trưởng đàn dê bình quân giai đoạn 2020-2025 đạt 4-4,5%/năm; sản lượng thịt dê xuất chuồng đạt 6,5-7%/năm; Gía trị sản xuất chăn nuôi dê đạt 6-6,5%/năm. Năm 2025 giá trị sản xuất chăn nuôi dê đạt 450-500 tỷ đồng, chiếm khoảng 2- 2,5% tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi.
- Tổng đàn dê đến năm 2025 đạt khoảng 285.000 con, trong đó dê thịt 149.500 con, chiếm 52,46%; dê sinh sản 66.500 con, chiếm 23,33%; dê con dưới 3 tháng tuổi 69.000 con, chiếm 24,21%. Tỷ lệ giống dê lai 45-50%, dê địa phương  50-55% tổng đàn.

- Sản lượng thịt dê xuất chuồng năm 2025 đạt khoảng 3.080 tấn; bình quân trọng lượng xuất chuồng đạt 24,26 kg/con (dê lai 29,79 kg/con, dê cỏ 19,5 kg/con).

- Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận dê ở một số địa phương: “Dê Nam Đàn”; “Dê Thanh Chương”; “Dê Nghi Lộc”; “Dê leo núi Kỳ Sơn”; “Dê leo núi Qùy Châu”; Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Dê Nghệ An”; Củng cố phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Dê Tân Kỳ”.
- Giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 8.000-10.000 lao động vùng nông thôn.

1.3. Nội dung nhiệm vụ phát triển đàn dê

  a) Quy mô, địa bàn phân bố và kế hoạch phát triển đàn giai đoạn 2020-2025:
          Phát triển số lượng đàn dê hợp lý, theo hướng chăn nuôi dê thịt, dê sinh sản có chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, ưu tiên phát triển sản xuất dê hàng hóa ở vùng đồng bằng và vùng núi thấp; dê đặc sản ở vùng núi cao.
  b) Cơ cấu giống:

          - Kế hoạch năm 2020 cơ cấu giống dê địa phương chiếm 67% tổng đàn (tương đương 165.500 con); dê lai chiếm 33% tổng đàn (tương đương 81.500 con).
           - Dự kiến đến năm 2025 cơ cấu giống dê địa phương chiếm khoảng 53,75% tổng đàn dê toàn tỉnh (tương đương 153.200 con); dê lai chiếm khoảng 46,25% tổng đàn dê toàn tỉnh (tương đương 131.800 con). 
 c) Cơ cấu đàn:

          - Kế hoạch năm 2020 tổng số dê thịt đạt 127.200 con, chiếm 51,5%; dê sinh sản 58.000 con, chiếm 23,5%; dê con dưới 3 tháng tuổi 61.800 con, chiếm 25%.
          - Dự kiến năm 2025 tổng số dê thịt đạt 149.500 con, chiếm 52,5%; dê sinh sản 66.500 con, chiếm 23,3%; dê con dưới 3 tháng tuổi 69.000 con, chiếm 24,2%.

 d) Dự kiến sản lượng thịt dê xuất chuồng:

- Vùng đồng bằng: trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 26,22 kg/con.
- Vùng núi thấp: trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 24,4kg/con.
- Vùng núi cao: trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 21,19kg/con.
e) Định hướng sản xuất thức ăn chăn nuôi dê:
Đến năm 2025, diện tích trồng cây thức ăn chăn nuôi dê cần khoảng 3.200 ha; Rà soát bố trí như sau:

- Chuyển đổi một phần diện tích đất trồng cây hàng năm, đất lúa, đất trồng các loại cây khác kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn cho dê và gia súc khác.
- Trồng thâm canh cây thức ăn (cỏ, ngô, cây họ đậu,…) cung cấp cho chăn nuôi dê; Các trang trại thuê đất hoặc liên kết để trồng cây thức ăn cho dê.
- Phát triển lâm nghiệp kết hợp với chăn nuôi dê dưới tán rừng; Khai thác quỹ đất chưa sử dụng đưa vào trồng cây thức ăn chăn nuôi dê và gia súc.

- Áp dụng công nghệ chế biến, ủ chua bảo quản thức ăn thô xanh (cỏ, cây ngô và phụ phẩm nông nghiệp) đảm bảo đủ thức ăn thô xanh cho dê. Bổ sung chất đạm cho dê dưới dạng chế biến tảng liếm, ủ rơm với urê; bổ sung thức ăn tinh hỗn hợp…
 f) Cơ sở giết mổ, chế biến, thị trường tiêu thụ:

- Cơ sở giết mổ, chế biến: Phát huy các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc gia cầm hiện có, đồng thời thực hiện xây dựng các cơ sở mới theo quy hoạch; cải tạo, nâng cấp và sử dụng các cơ sở giết mổ dê kết hợp với các loại vật nuôi khác.
- Thị trường tiêu thụ: Khai thác hiệu quả thị trường nội tỉnh, mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc. Tập trung phát triển xây dựng thương hiệu “Dê Nghệ An” đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

g) Một số nhiệm vụ ưu tiên tập trung thực hiện:
- Thu hút đầu tư dự án trang trại chăn nuôi dê giống, dê sinh sản và chuyển giao tiến bộ KHKT-CN theo hướng ứng dụng công nghệ cao;
- Xây dựng và nhân rộng mô hình chăn nuôi dê hiệu quả tại các huyện miền núi tỉnh Nghệ An;

- Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa chuyển sang trồng cây thức ăn chăn nuôi dê;

- Xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận dê ở một số địa phương: Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc, Kỳ Sơn, Quỳ Châu;

- Xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận "Dê Nghệ An".

1.4. Hiệu quả và tác động môi trường

a) Hiệu quả kinh tế

          - Sẽ tận dụng được lao động nhàn rỗi, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp, chế biến, giảm chi phí thức ăn nên khả năng thu lợi nhuận cao.

        - Xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận “Dê Nghệ An” nâng cao giá trị sản xuất chăn nuôi dê.

b) Hiệu quả xã hội

          - Tạo việc làm khoảng 8.000-10.000 lao động vùng nông thôn; Tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm dê hàng hóa, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân vùng nông thôn còn nhiều khó khăn.
          - Phát triển sản phẩm đặc sản “Dê Nghệ An” chất lượng, bổ dưỡng, góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, nâng cao ý thức về sản xuất nông nghiệp sạch.

c) Tác động môi trường

          Nguồn gây ô nhiễm môi trường từ các cơ sở chăn nuôi dê gồm chất thải rắn (phân, rác, thức ăn thừa) và chất thải lỏng (nước tiểu, nước rửa chuồng). Cho nên phát triển chăn nuôi dê phải đảm bảo đúng các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững.

 II. Giải pháp thực hiện

2.1. Giải pháp về tổ chức sản xuất

- Phát triển chăn nuôi dê theo quy mô nông hộ và chăn nuôi trang trại, xác định chăn nuôi nông hộ là cơ bản, chăn nuôi trang trại là hạt nhân tạo động lực thúc đẩy nhằm cung ứng chuyển giao KHKT-CN, làm nòng cốt tạo sự liên kết sản xuất chăn nuôi dê theo chuỗi giá trị.

- Phát triển chăn nuôi dê gắn với cơ sở giết mổ gia súc và thị trường tiêu thụ; Xây dựng vùng chăn nuôi dê thịt, dê sinh sản, dê đặc sản phù hợp với mỗi vùng sinh thái và thế mạnh đặc thù của địa phương.

- Tổ chức chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa; Tiến tới xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Dê Nghệ An”. Xây dựng phát triển trang trại ở 19 địa phương chăn nuôi dê để làm cơ sở phát triển sản xuất giống, chuyển giao tiến bộ Khoa học kỹ thuật và công nghệ.

- Nhân rộng các mô hình chăn nuôi dê hiệu quả; đẩy mạnh công tác khuyến nông, ưu tiên các dự án khuyến nông về phát triển chăn nuôi; xây dựng các mô hình liên kết; Hỗ trợ tập huấn chuyển giao KHKT và công nghệ cho nông dân.
- Củng cố, phát triển các tổ hợp tác, Hợp tác xã; tăng cường liên kết 4 nhà; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phát triển chăn nuôi dê theo chuỗi giá trị.
2.2. Giải pháp về khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

a) Giải pháp về con giống

- Chọn lọc đàn dê cái nền và dê đực giống tốt tại các địa phương. Tuyển chọn, nhập con giống (dê đực và dê sinh sản) phù hợp. Xây dựng kế hoạch, lộ trình thay thế đàn đực giống, nâng cao chất lượng đàn dê đực giống.
- Cải tạo chất lượng đàn dê: tăng cường thụ tinh nhân tạo ở vùng đồng bằng, một số địa phương ở vùng núi thấp; nhảy trực tiếp đối với vùng núi cao.

b) Quy trình kỹ thuật chăn nuôi dê
Thực hiện theo quy trình Kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan chuyên môn, quản lý chuyên ngành.

c) Giải pháp về Khoa học kỹ thuật, công nghệ và khuyến nông

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, chẩn đoán phòng trị dịch bệnh, công nghệ chế biến, công nghệ xử lý môi trường vào chăn nuôi dê.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các chủ trang trại, chủ hộ chăn nuôi dê ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ vào quá trình sản xuất chăn nuôi dê.
- Xây dựng quy trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi dê theo chuỗi sản phẩm từ khâu giống, chuồng trại, chế biến thức ăn, thị trường tiêu thụ.
- Tiếp tục đào tạo, đào tạo lại khuyến nông viên, kỹ thuật viên, người chăn nuôi dê hướng đến chuyên nghiệp.

2.3. Giải pháp về cơ chế chính sách

- Tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách hiện hành. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh bổ sung một số nội dung, mức hỗ trợ liên quan đến giống, vật tư phối giống, ..

- Rà soát cơ chế chính sách, thủ tục hành chính tạo điều kiện cho hộ gia đình, doanh nghiệp liên kết tích tụ ruộng đất, được mua đất, thuê đất hoặc sử dụng trên đất lâm nghiệp để tổ chức sản xuất chăn nuôi dê quy mô hàng hóa.
- Về Tín dụng: Thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Phối hợp với chính quyền, các tổ chức Chính trị-Xã hội để triển khai thực hiện kịp thời hiệu quả.

2.4. Giải pháp về thị trường và thu hút đầu tư; phát triển thương hiệu
- Khai thác hiệu quả thị trường nội tỉnh và mở rộng thị trường. Khai thác phát triển thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, EU và các nước trong khu vực.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
- Khuyến khích hỗ trợ các nông hộ chăn nuôi dê phát triển lên quy mô trang trại, liên kết với doanh nghiệp thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã. Xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận “Dê Nghệ An”.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; quản lý, kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất chăn nuôi dê đảm bảo an toàn; quản lý chất lượng sản phẩm theo chuỗi giá trị, áp dụng kỹ thuật, công nghệ để đạt các tiêu chuẩn ISO, VietGAP.
2.5. Giải pháp xử lý, bảo vệ môi trường

- Khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại kết hợp với đầu tư xây dựng hệ thống xử lý và kiểm soát chất thải; hạn chế nuôi chăn thả (thả rông).
- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi dê đối với các cơ sở chăn nuôi dê. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm khi phát hiện vi phạm gây ô nhiễm môi trường.

III. Tổ chức thực hiện

3.1. Sở Nông nghiệp và PTNT

          Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện Đề án; theo dõi, giám sát thực hiện; tham mưu, điều chỉnh, bổ sung các nội dung của Đề án phù hợp với yêu cầu phát triển; xúc tiến đầu tư, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Dê, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và chăn nuôi dê nói riêng.

3.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

        Chủ trì, căn cứ khả năng cân đối vốn ngân sách để tham mưu bố trí vốn thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhằm thực hiện Đề án hiệu quả.

3.3. Sở Tài chính

          Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện đề án phát triển chăn nuôi dê trên địa bàn tỉnh trong khả năng cân đối của ngân sách và phù hợp với các quy định hiện hành.

3.4. Sở Tài nguyên và Môi trường

        Hướng dẫn các địa phương và đối tượng chăn nuôi dê thực hiện đúng quy định của pháp luật về sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bảo vệ môi trường đối với các hoạt động chăn nuôi dê theo quy định.

3.5. Sở Công thương

          Tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm chế biến từ dê, tăng cường các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại và quảng bá phát triển thương hiệu sản phẩm “Dê Nghệ An”. Phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ, chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
3.6. Sở Khoa học Công nghệ

          Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận Dê: Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc; Dê leo núi Kỳ Sơn, Qùy Châu; Nhãn hiệu chứng nhận Dê Nghệ An. Nghiên cứu chuyển giao đưa khoa học kỹ thuật - công nghệ vào phát triển chăn nuôi dê hàng hóa.
3.7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã

          Xây dựng kế hoạch phát triển đàn dê; tuyên truyền vận động nhân dân, doanh nghiệp tổ chức phát triển chăn nuôi dê trên địa bàn; xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp liên kết với nông dân để phát triển chăn nuôi dê. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ để thực hiện Đề án.

3.8. Doanh nghiệp, hộ gia đình chăn nuôi dê

- Doanh nghiệp chủ động phối hợp với chính quyền địa phương liên kết, nông dân để tổ chức chăn nuôi dê; hợp đồng bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất tiên tiến. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Các hộ gia đình, cá nhân thực hiện nghiêm quy trình sản xuất theo hướng dẫn của doanh nghiệp liên kết và cơ quan chuyên môn để sản phẩm “Dê Nghệ An” đảm bảo chất lượng, phát triển hiệu quả, bền vững.

Sản phẩm thịt dê được xác định là đặc sản có nhu cầu tiêu thụ và giá trị chất lượng cao của Nghệ An, việc ban hành Đề án phát triển đàn dê tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025 là hết sức cần thiết, phù hợp với quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từng bước thay đổi tư duy tập quán sản xuất truyền thống chuyển dần sang sản xuất hàng hóa có chất lượng, thương hiệu; đáp ứng yêu cầu phát triển, thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, góp phần thực hiện mục tiêu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn./.

            Võ Thị Dung (Theo: Trung tâm Khuyến nông Nghệ An - Trích đề án phát triển đàn Dê tỉnh Nghệ An)


Bài viết khác