Bác sỹ Thú y tại sở thú – hướng đi tuy cũ mà mới cho sinh viên Khoa Nông Lâm Ngư

         Khi nói đến ngành thú y, đa số chúng ta sẽ nghĩ đến hình ảnh những nhân viên y tế mở phòng khám riêng cứu chữa cho những loài động vật bị thương, hoặc những cán bộ được phân công nhiệm vụ tiêm phòng  sức khỏe định kỳ cho động vật chăn nuôi tại các trang trại, gia trại, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật tại các lò mổ, chợ. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành thú y có cơ hội việc làm đa dạng với phạm vi hoạt động rộng hơn. Một trong những vị trí mà một người bác sỹ thú y hoạt động rất tốt đó là thăm khám, chẩn đoán và điều trị cho các loài động vật hoang dã tại các khu du lịch sinh thái, vườn bách thú.

          Bác sĩ thú y cho động vật hoang dã khác bác sĩ thú y cho động vật thường ở điểm nào? Tại sao họ lại chọn làm công việc này, một công việc nhiều thử thách hơn bao nhiêu công việc khác?

          Ðến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có ngành bác sĩ thú y dành riêng cho động vật hoang dã. Tất cả kiến thức mà các bác sỹ thú y làm việc tại các khu bảo tồn động vật hoang dã, vườn bách thú,.. có được đều nhờ vào các kiến thức chuyên ngành, sự nỗ lực cố gắng học hỏi và kinh nghiệm làm nghề để bảo vệ cho các con vật. Có những bữa cơm vội, những nguy hiểm khi đối mặt với động vật hoang dã là những sinh vật chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan nhưng chưa được phát hiện, hay đôi khi là những khó khăn khi tìm hiểu tập tính của mỗi loài vật khác nhau. Tuy nhiên nhờ tình yêu đối với động vật, niềm đam mê nghề nghiệp và sự hỗ trợ hết sức nhiệt tình của chuyên gia, bác sĩ thú y đến từ các Vườn nước ngoài, những bác sỹ thú y đã và đang làm việc với động vật hoang dã vẫn hết sức tận tâm, nhiệt tình với nghề.

          Trước thực tế  đó đối với sinh viên ngành thú y, dựa vào sự năng động, khả năng nắm bắt kiến thực, tay nghề thực hành, nhiệt huyết của tuổi trẻ và đặc biệt là sự tìm tòi, tò mò, muốn thử sức với lĩnh vực việc làm mới, môi trường mới nhưng đúng chuyên ngành của các bạn trẻ. Bên cạnh đó căn cứ kế hoạch thực tập rèn nghề thú y và sự liên kết đào tạo với Vườn bách thú Safari của Khu du lịch sinh thái Mường Thanh, Diễn Lâm, Diễn Châu; Tổ bộ môn Chăn nuôi Thú y, khoa Nông Lâm Ngư, trường Đại học Kinh tế Nghệ An đã tổ chức cho sinh viên Đại học Thú y Khóa 4 thực tập tại Vườn thú. Đây được coi là một hướng đi tuy cũ mà mới dành cho sinh viên khối Nông Lâm.

          Mường Thanh Safari Land thuộc Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm được đánh giá là vườn thú lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ với tổng diện tích lên tới 60 ha. Đây là nơi nuôi dưỡng và chăm sóc 60 loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm đang cần được bảo tồn như hổ trắng, tê giác, linh dương sừng kiếm…

Với không gian rộng rãi, khí hậu trong lành và thiết kế chuồng trại giống điều kiện sống tự nhiên của các loài vật, phần lớn các con thú ở đây tăng trưởng và sinh sản rất tốt. Các động vật quý hiếm như hổ trắng, hổ vàng, sư tử, linh cẩu, linh dương sừng kiếm… đều sinh được các con thú con khỏe mạnh.

          Do đó, khi được thực tập tại đây, các bạn sinh viên được phân vào mỗi  nhóm chăm sóc động vật khác nhau, được thực tập điều trị, chẩn đoán bệnh hay tham gia vào quy trình chăm sóc các loài động vật. Từ đó, trong mỗi sinh viên dần hình thành các kỹ năng mới, các kinh nghiệm mới, và sự yêu nghề nhiều hơn. Có sinh viên đã phải thốt lên với giảng viên hướng dẫn và cố vấn của Vườn bách thú rằng: “Em thích nơi này rồi ạ, em thích việc chăm sóc và khám chữa bệnh cho các con thú, em thích nghề này và thích được làm việc với động vật hoang dã. Thú vị lắm ạ”

          Lời nói đó dù chỉ bật ra theo cảm xúc nhưng đó chính là nhiềm vui của cô thầy khi đã hướng sinh viên đi đúng hướng, là niềm tự hào của những bác sỹ thú y đã và đang làm việc với động vật hoang dã.

          Điều trị cho động vật hoang dã – hướng đi tuy cũ mà mới đối với sinh viên !

          Một số hình ảnh sinh viên thực tập tại Safari Mường Thanh, Diễn Lâm, Diễn Châu:

Sinh viên tham gia vào chăm sóc cho động vật
Sinh viên thực tập khám bệnh cho động vật hoang dã
Sinh viên thực tập bắn thuốc mê và tiêm thuốc điều trị cho động vật hoang dã

                                                                                                       Bài: Nguyễn Thị Thu Hiền

                                                                                                       Ảnh: Long Võ


Bài viết khác