Những khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp

TS. Hồ Thị Hiền

Ths. Nguyễn Thị Thanh Hải

          Một doanh nghiệp khởi nghiệp (hay còn gọi là Startup) là doanh nghiệp ở giai đoạn đầu của việc phát triển kinh doanh. Những dự án kinh doanh này thường được bắt đầu bởi 1-3 người sáng lập, họ tận dụng nhu cầu thị trường bằng cách phát triển một số sản phẩm, dịch vụ hoặc một công nghệ nào đó khả thi. Khởi nghiệp chưa bao giờ là một con đường bằng phẳng và dễ dàng. Khi đưa ra quyết định khởi nghiệp cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chấp nhận đối mặt với nhiều rủi ro và thử thách.

          Bài viết này sẽ đề cập đến những khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp và đề xuất hướng giải quyết cho các vấn đề thường mắc phải.

1. Những khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp

Nguồn vốn hỗ trợ

          Khi quyết định hỗ trợ khởi nghiệp chắc chắn việc làm đầu tiên các nhà đầu tư thực hiện đó là sẽ cân nhắc cơ hội thành công của dự án đó. Vì thế dù nguồn vốn đầu tư có thể rất dồi dào, nhưng không phải dự án nào cũng sẽ được nhận nguồn vốn đó.

          Điều này cũng không quá khó hiểu, bởi họ cần đảm bảo đồng tiền của mình luôn sinh lời từ phía các startup. Tuy nhiên, việc làm này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có ít cơ hội hơn cho các doanh nghiệp khi họ không thể thu hút được lượng khách hàng ban đầu sau một thời gian đầu tư. Tại Việt Nam, các nhà đầu tư thường thích đầu tư vào các startup đã ổn định và đang có sự phát triển

Hạn chế trong việc giới thiệu sản phẩm và khả năng kiểm toán yếu

          Nhiều dự án khởi nghiệp hiện nay chỉ biết cắm cúi làm để cho ra sản phẩm mà không biết cách giới thiệu chúng ra thị trường như thế nào cho hiệu quả, chính điều này cũng khiến cho khả năng thành công của dự án không cao.

          Bên cạnh đó, lại có những doanh nghiệp mặc dù đã có sản phẩm tốt nhưng khi tiếp cận các quỹ đầu tư thì việc định giá, sổ sách kế toán, tài chính lại không thuận lợi. Hầu hết, các nhà sáng lập kỹ thuật không có kế hoạch về cách thức hoạt động của tài chính mạo hiểm. Kết quả họ không thể dự trù chi phí dao động hợp lý, dẫn đến thua lỗ. Tương tự như vậy, chủ doanh nghiệp cần hiểu sự đánh đổi bằng cách huy động vốn với mức định giá cao. Vậy nên, nếu muốn nâng khả năng cạnh tranh dự án của mình thì cần có số liệu báo cáo được thực hiện bởi các đơn vị kế toán chuyên nghiệp.

Thiếu kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm

          Đây là một trong những vấn đề mà hầu hết dự án khởi nghiệp nào cũng gặp phải, nhất là trong những trường hợp chủ dự án là những người trẻ. Thậm chí với những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm thì kiến thức cũng chưa bao giờ là đủ. Bởi lẽ nguồn kiến thức là vô tận, trong khi những tri thức mới luôn được khám phá mỗi ngày, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Đây cũng chính là lý do khiến cho các dự án khởi nghiệp dù đang mọc lên như nấm sau mưa nhưng lại không phát huy nhiều hiệu quả.

          Tạp chí Harvard Business Review đã khảo sát các nhà sáng lập doanh nghiệp (Eisenmann etl al., 2017) - 141 cựu sinh viên Trường Kinh doanh Harvard và 20 người không có bằng MBA năm 2017. Họ đã xác định và xếp hạng các kỹ năng quan trọng nhất mà các doanh nhân Start-up cần có.

          Thứ nhất, khả năng xây dựng một đội ngũ tuyệt vời là số 1, với 88% số người được hỏi. Sau đó là những kỹ năng như lãnh đạo (82%), quản lý nhóm (74%), bán hàng (72%), tiếp thị (71%), thiết kế sản phẩm (69%) và xây dựng chiến lược (65%).

          Kỹ năng quản lý tài chính nhận được điểm ưu tiên thấp thứ hai trong 10 lĩnh vực kỹ năng. Như một người được hỏi đã giải thích, có thể dễ dàng tính ra chi phí đơn vị hoặc bạn có thể thuê ai đó phụ trách mảng tài chính giúp bạn. Tuy nhiên, một số người được phỏng vấn lại cho biết, quản lý tài chính là kỹ năng quan trọng nhất, vì chỉ có quản lý dòng tiền tốt chủ doanh nghiệp mới có chiến lược đầu tư hợp lý. Hầu hết, các nhà sáng lập kỹ thuật không có kế hoạch về cách thức hoạt động của tài chính mạo hiểm. Kết quả họ không thể dự trù chi phí dao động hợp lý, dẫn đến thua lỗ. Tương tự như vậy, chủ doanh nghiệp cần hiểu sự đánh đổi bằng cách huy động vốn với mức định giá cao.

          Những người được hỏi cũng nhấn mạnh khả năng chuyển trọng tâm từ chi tiết sang toàn cảnh là vô cùng quan trọng. Điều này cho thấy, việc tập trung vào xây dựng đội ngũ (sớm) để quản lý nhóm và xác nhận mô hình kinh doanh (khi nhân rộng) là cần thiết.

          Kỹ năng quan trọng nhất mà một doanh nhân có được là nhận diện đúng và khai thác thông minh tài năng của người khác. Để nhà lãnh đạo biết khi nào nên giao phó và nhờ người khác xử lý các nhiệm vụ là chìa khóa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm đúng người để hỗ trợ và lấp đầy các khoảng trống.

Nguồn nhân lực kém chất lượng

          Yếu tố con người là tiền đề thành công trong mọi lĩnh vực, nếu những người đồng hành cùng bạn yếu chuyên môn, non kinh nghiệm thì dự án khởi nghiệp của bạn cũng rất khó có thể thành công. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ, giữ chân người tài của các chủ doanh nghiệp cũng rất yếu.

          Tâm lý chung của những người có năng lực là họ muốn làm việc tại những doanh nghiệp lớn. Khi đó, họ sẽ có nhiều cơ hội để phát triển và chứng minh năng lực bản thân chứ ít khi muốn chịu rủi ro cùng những dự án khởi nghiệp.

          Hơn nữa, một người có năng lực, họ sẽ có những yêu cầu mức thu nhập tương xứng. Họ chỉ chấp nhận mức lương bình thường khi tại nơi làm việc đó có một số điều kiện khác thúc đẩy họ phát huy năng lực bản thân như người lãnh đạo giỏi, sản phẩm thực sự có tiềm năng lớn hoặc họ có khả năng sở hữu một phần doanh nghiệp.

2. Những giải pháp khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp khởi nghiệp

          Khởi nghiệp là quá trình chứa đựng không ít những khó khăn và thử thách. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp biết cách tháo gỡ và khắc phục thì khả năng thành công của doanh nghiệp cũng rất cao. Từ những khó khăn đã đề cập ở trên, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp khắc phục như sau.

Tập trung, chú trọng vào gọi vốn

          Các chuyên gia của Quỹ Jenfi cho rằng, để gọi vốn đầu tư thành công, các startup nên tìm nhà đầu tư thực sự phù hợp. Cộng tác với một nhà đầu tư giống như đồng hành cùng một người bạn. Doanh nghiệp cần tỉnh táo chọn được người bạn có chung hoài bão, chí hướng, tôn trọng mối quan hệ hợp tác thay vì chỉ biết rót tiền. Ngoài tài chính, hãy hướng đến những nhà đầu tư có thể hỗ trợ startup về chiến lược. Nhà đầu tư ấy cũng nên ưu tiên cho hiệu quả dài hạn hơn là tăng trưởng đột biến. Startup sẽ có nhiều cơ hội vươn đến thành công hơn khi chọn đúng bạn đồng hành.

          Bên cạnh đó, cần tiến hành rà soát để đảm bảo doanh nghiệp sở hữu đủ điều kiện gọi vốn. Ngoài sự chuẩn bị chu đáo, rà soát doanh nghiệp cũng giúp startup có thêm cơ hội làm nổi bật những lợi điểm khác biệt của bản thân. Những yếu tố cần rà soát bao gồm: pháp lý, hoạt động, tình hình tài chính. Trong đó, startup cần làm nổi bật triển vọng của doanh nghiệp giữa thị trường đầy cạnh tranh này.

          Cùng với đó, việc định lượng được giá trị doanh nghiệp để thấy rõ tiềm năng, lợi thế của doanh nghiệp cũng là vấn đề vô cùng quan trọng. Những dữ kiện cần có gồm: Số lượng khách hàng đã mua sản phẩm/dịch vụ; Số lượt mua hàng; Tần suất xuất hiện của thương hiệu trên các kênh truyền thông; Tỷ lệ tăng trưởng... Đây là những dữ liệu mà mọi nhà đầu tư đều muốn nhìn thấy và có quyết định rót tiền vào hay không.

Tham gia các khóa học giúp nâng cao năng lực quản trị

          Những người thầy sẽ trang bị cho chủ doanh nghiệp vốn kiến thức chuyên môn, những kiến thức mới về quản trị. Nâng cao năng lực quản trị là yếu tố tiên quyết đối với những người khởi nghiệp.  Ngoài việc trang bị kiến thức, hãy học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước, như vậy sẽ giúp dự án non trẻ tránh khỏi những rủi ro, những thất bại không đáng có.

Tham gia các chương trình khoa học và khoa học chuyên môn sâu để giúp nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, hoàn thiện sản phẩm

          Khoa học luôn thường thức để hỗ trợ mọi người tìm hiểu về các vấn đề khoa học chuyên môn sâu hơn, từ đó giúp nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Những vấn đề khoa học giúp nâng cao nhận thức, nâng cao giá trị cho từng sản phẩm, tạo thương hiệu trên thị trường.

Phát triển các kênh phân phối để giúp cho quảng bá sản phẩm rộng rãi

          Làm ra những sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đã khó, vấn đề tiêu thụ sản phẩm lại càng khó hơn. Trong bối cảnh cạnh tranh thị trường lớn như hiện nay, tiêu thụ sản phẩm kinh doanh là thách thức lớn đối với startup. Việc mà những công ty startup phải làm chính là đẩy mạnh các kênh phân phối sản phẩm, quảng bá sản phẩm rộng rãi.

          Nhìn chung, sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp là xu hướng mới trên toàn thế giới và xu hướng này rất hấp dẫn với thế hệ trẻ đã sinh ra và lớn lên cùng sự tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số. Tuy nhiên, khởi động một startup từ đầu rất khó khăn, đòi hỏi phải đối phó với nhiều rủi ro, yêu cầu về thời gian, nỗ lực và tiền bạc. Hy vọng với tất cả những chia sẻ trên đây của chúng tôi có thể giúp các bạn trẻ, những người đang có mong muốn khởi nghiệp chuẩn bị tốt mọi điều kiện thể có thể thực hiện dự án của mình một cách tốt nhất.

 

 Tài liệu tham khảo

  1. Vũ Yến (2020), Startup là gì? Cơ hội và thách thức khi khởi nghiệp tại Việt Nam, https://123job.vn/bai-viet/startup-la-gi-co-hoi-va-thach-thuc-khi-khoi-nghiep-tai-viet-nam-702.html [truy cập ngày 9/11/2021]
  2. Trần Ngọc (2021), Bí quyết gọi vốn thành công hàng triệu USD của các startup, https://diendandoanhnghiep.vn/bi-quyet-goi-von-thanh-cong-hang-trieu-usd-cua-cac-startup-206529.html [truy cập ngày 9/11/2021]

Bài viết khác