Một số vấn đề pháp lý về quyền riêng tư của các thành viên trong gia đình

          Quyền  bí  mật  đời  tư  được  thừa  nhận  rộng  rãi  trong  pháp  luật  nhiều  nước  trên  thế  giới  và  được  ghi  nhận  trong  các  điều  ước  quốc  tế  quan  trọng.  Thời  gian  qua,  Việt  Nam  đã  rất  nỗ  lực  xây  dựng  một  hệ  thống  văn  bản  pháp  luật  hoàn  chỉnh  và  đầy  đủ  để  điều  chỉnh  về  vấn  đề  này.  Tuy  nhiên  với  sự  phát  triển  của  công  nghệ  thông  tin,  cụ  thể  là  các  trang  mạng  xã  hội,  thì  việc  xâm  phạm  quyền  riêng  tư  diễn  ra  phổ  biến  hơn.  Đặc  biệt,  nó  diễn  ra  giữa  các  thành  viên  trong  gia  đình  trong  việc  quản  lý  thông  tin,  điện  thoại,  theo  dõi,  thư  tín  hay  việc  chia  sẻ  các  hình  ảnh  thông  tin  lên  mạng  xã  hội  một  cách  thường  xuyên  và  phổ  biến.  Tất  cả  các  hành  vi  trên  có  thể  xem  là  xâm  phạm  quyền  riêng  tư  của  cá  nhân  cho  dù  họ  là  các  thành  viên  trong  gia  đình,  tuy  nhiên  pháp  luật  Việt  Nam  hiện  nay  vẫn  chưa  có  những  quy  định  pháp  lý  cụ  thể  để  điều  chỉnh  vấn  đề  này.  Do  đó,  bài  viết  tập  trung  phân  tích  một  số  vấn  đề  pháp  lý  về  bảo  vệ  quyền  riêng  tư  của  các  thành  viên  trong  gia  đình  và  đề  xuất  các  giải  pháp  hoàn  thiện

          Quy  định  của  pháp  luật  về  quyền  riêng  tư

          Quyền  riêng  tư  là  một  trong  những  quyền  nhân  thân  cơ  bản  nhất  của  con  người,  có  mối  quan  hệ  mật  thiết  với  các  quyền  khác  như  quyền  tự  do  ngôn  luận,  tự  do  hội  họp,  tự  do  kết  hôn,…  Có  rất  nhiều  cách  hiểu  và  tiếp  cận  khác  nhau  liên  quan  đến  quyền  riêng  tư,  hiểu  một  cách  đơn  giản  quyền  riêng  tư  được  hiểu  là  những  gì  thuộc  về  đời  sống  riêng  tư  của  cá  nhân  (thông  tin,  tư  liệu,  không  gian  riêng,…)  và  được  người  khác  tôn  trọng,  với  một  sự  can  thiệp  ít  nhất  từ  bên  ngoài.  Hiểu  theo  nghĩa  khái  quát  hơn  thì  tất  cả  các  quyền  con  người  đều  có  khía  cạnh  riêng  của  quyền  riêng  tư,  theo  đó  quyền  riêng  tư  được  nhận  thức  dưới  04  khía  cạnh  chủ  yếu  bao  gồm:  Một  là,  sự  riêng  tư  về  thông  tin  cá  nhân  như  thông  tin  y  tế,  tín  dụng,  hồ  sơ  chính  quyền  lưu  trữ  của  công  dân;  Hai  là,  sự  riêng  tư  về  cơ  thể:  liên  quan  đến  việc  bảo  vệ  thân  thể  của  người  dân  đối  với  hình  thức  xâm  hại  như  xét  nghiệm  di  truyền,  thử  nghiệm  ma  túy  và  thử  nghiệm  lâm  sàng  trên  cơ  thể;  Ba  là,  sự  riêng  tư  về  thông  tin  liên  lạc:  bao  gồm  bảo  mật  và  riêng  tư  về  thư  từ,  bưu  phẩm,  điện  thoại,  thư  điện  tử  và  các  hình  thức  truyền  thông  khác;  Bốn  là,  sự  riêng  tư  về  nơi  cư  trú:  liên  quan  đến  việc  ban  hành  các  giới  hạn  đối  với  sự  xâm  nhập  vào  môi  trường  sống  của  cá  nhân,  nơi  làm  việc  hoặc  không  gian  công  cộng. 

          Quyền  riêng  tư  trước  hết  được  đề  cập  trong  Điều  12  Tuyên  ngôn  Quốc  tế  Nhân  quyền  (UDHR):  "không  ai  phải  chịu  sự  can  thiệp  một  cách  tuỳ  tiện  vào  cuộc  sống  riêng  tư,  gia  đình,  nơi  ở  hoặc  thư  tín,  cũng  như  bị  xúc  phạm  danh  dự  hoặc  uy  tín  cá  nhân.  Mọi  người  đều  có  quyền  được  pháp  luật  bảo  vệ  chống  lại  sự  can  thiệp  và  xâm  phạm  như  vậy."  Quyền  bảo  vệ  đời  tư  được  nhắc  đến  từ  khá  lâu.  Trong  hiến  pháp  quốc  gia  của  trên  150  nước  đề  cập  tới  quyền  này.

          Ở  Việt  Nam,  đã  công  nhận  và  bảo  hộ  quyền  về  đời  sống  riêng  tư,  bí  mật  cá  nhân,  bí  mật  gia  đình  trong  các  văn  bản  pháp  luật  như  Hiến  pháp,  Bộ  luật  dân  sự  và  pháp  luật  chuyên  ngành,  cụ  thể:

          Điều  21  Hiến  pháp  năm  2013  có  quy  định  “1.  Mọi  người  có  quyền  bất  khả  xâm  phạm  về  đời  sống  riêng  tư,  bí  mật  cá  nhân  và  bí  mật  gia  đình;  có  quyền  bảo  vệ  danh  dự,  uy  tín  của  mình.  Thông  tin  về  đời  sống  riêng  tư,  bí  mật  cá  nhân,  bí  mật  gia  đình  được  pháp  luật  bảo  đảm  an  toàn;   

          2.  Mọi  người  có  quyền  bí  mật  thư  tín,  điện  thoại,  điện  tín  và  các  hình  thức  trao  đổi  thông  tin  riêng  tư  khác.  Không  ai  được  bóc  mở,  kiểm  soát,  thu  giữ  trái  luật  thư  tín,  điện  thoại,  điện  tín  và  các  hình  thức  trao  đổi  thông  tin  riêng  tư  của  người  khác.

Bên  cạnh  Hiến  pháp,  Bộ  luật  Dân  sự  đã  thể  chế  hóa  những  quy  định  của  Hiến  pháp  thành  các  quy  định  dân  sự  cụ  thể. Điều  38  Bộ  luật  dân  sự  năm  2015  quy  định:  “1.  Đời  sống  riêng  tư,  bí  mật  cá  nhân,  bí  mật  gia  đình  là  bất  khả  xâm  phạm  và  được  pháp  luật  bảo  vệ. 2.  Việc  thu  thập,  lưu  giữ,  sử  dụng,  công  khai  thông  tin  liên  quan  đến  đời  sống  riêng  tư,  bí  mật  cá  nhân  phải  được  người  đó  đồng  ý,  việc  thu  thập,  lưu  giữ,  sử  dụng,  công  khai  thông  tin  liên  quan  đến  bí  mật  gia  đình  phải  được  các  thành  viên  gia  đình  đồng  ý,  trừ  trường  hợp  luật  có  quy  định  khác. 3.  Thư  tín,  điện  thoại,  điện  tín,  cơ  sở  dữ  liệu  điện  tử  và  các  hình  thức  trao  đổi  thông  tin  riêng  tư  khác  của  cá  nhân  được  bảo  đảm  an  toàn  và  bí  mật.  Việc  bóc  mở,  kiểm  soát,  thu  giữ  thư  tín,  điện  thoại,  điện  tín,  cơ  sở  dữ  liệu  điện  tử  và  các  hình  thức  trao  đổi  thông  tin  riêng  tư  khác  của  người  khác  chỉ  được  thực  hiện  trong  trường  hợp  luật  quy  định. 4.  Các  bên  trong  hợp  đồng  không  được  tiết  lộ  thông  tin  về  đời  sống  riêng  tư,  bí  mật  cá  nhân,  bí  mật  gia  đình  của  nhau  mà  mình  đã  biết  được  trong  quá  trình  xác  lập,  thực  hiện  hợp  đồng,  trừ  trường  hợp  có  thỏa  thuận  khác.”.

          Khoản  2  Điều  46  Luật  giao  dịch  điện  tử  năm  2005  quy  định:  “Cơ  quan,  tổ  chức,  cá  nhân  không  được  sử  dụng,  cung  cấp  hoặc  tiết  lộ  thông  tin  về  bí  mật  đời  tư  hoặc  thông  tin  của  cơ  quan,  tổ  chức,  cá  nhân  khác  mà  mình  tiếp  cận  hoặc  kiểm  soát  được  trong  giao  dịch  điện  tử  nếu  không  được  sự  đồng  ý  của  họ,  trừ  trường  hợp  pháp  luật  có  quy  định  khác”.

Điều  16  Luật  an  toàn  thông  tin  mạng  năm  2015  quy  định  nguyên  tắc  bảo  vệ  thông  tin  cá  nhân  trên  mạng,  theo  đó:  “1.  Cá  nhân  tự  bảo  vệ  thông  tin  cá  nhân  của  mình  và  tuân  thủ  quy  định  của  pháp  luật  về  cung  cấp  thông  tin  cá  nhân  khi  sử  dụng  dịch  vụ  trên  mạng. 2.  Cơ  quan,  tổ  chức,  cá  nhân  xử  lý  thông  tin  cá  nhân  có  trách  nhiệm  bảo  đảm  an  toàn  thông  tin  mạng  đối  với  thông  tin  do  mình  xử  lý.”  Nhận  thức  về  quyền  riêng  tư  còn  được  luật  hóa  dưới  khía  cạnh  hình  sự  khi  trong  Bộ  luật  hình  sự  năm  2015,  sửa  đổi  bổ  sung  2017  tại  Điều  159  quy  định  tội  xâm  phạm  bí  mật  hoặc  an  toàn  thư  tín,  điện  thoại,  điện  tín  hoặc  hình  thức  trao  đổi  thông  tin  riêng  tư  của  người  khác.

          Bên  cạnh  đó,  Việt  Nam  đã  gia  nhập  Công  ước  quốc  tế  về  các  quyền  dân  sự  và  chính  trị  (ICCPR).  Tại  Điều  17  Công  ước  khẳng  định:  “(1)  Không  ai  bị  can  thiệp  một  cách  độc  đoán  và  bất  hợp  pháp  đến  đời  sống  riêng  tư,  gia  đình,  nhà  ở,  thư  tín;  hoặc  bị  xúc  phạm  một  cách  bất  hợp  pháp  đến  danh  dự  và  uy  tín.  (2)  Mọi  người  đều  có  quyền  được  pháp  luật  bảo  vệ  chống  lại  mọi  sự  can  thiệp  và  xúc  phạm  như  vậy”.

          Có  thể  thấy  rằng,  những  quy  định  pháp  luật  hiện  hành  của  Việt  Nam  cũng  như  những  Điều  ước  quốc  tế  mà  Việt  Nam  là  thành  viên  đã  có  sự  quan  tâm  và  điều  chỉnh  nhất  định  về  quyền  riêng  tư  của  con  người.  Tuy  nhiên,  trong  lĩnh  vực  hôn  nhân  –  gia  đình  quyền  riêng  tư  lại  chưa  được  nhìn  nhận  và  đề  cập  đến  một  cách  cụ  thể  và  chính  thống  trong  các  quy  định  pháp  luật  Việt  Nam.  Trong  khi  đây  là  một  trong  những  môi  trường  mà  sự  riêng  tư  dễ  bị  xâm  phạm  nhất  phát  sinh  từ  mối  quan  hệ  hôn  nhân  hay  giữa  các  thành  viên  trong  gia  đình,  đặc  biệt  sự  riêng  tư  đối  với  trẻ  em,  đối  tượng  dễ  bị  xâm  phạm  và  gây  ra  hậu  quả  lớn.

           Một số vấn đề pháp lý về quyền riêng tư của vợ chồng trong quan hệ hôn nhân

          Hôn nhân là sự gắn kết giữa hai cá thể độc lập nhằm hướng đến mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc, bản chất của hôn nhân là sự gắn kết giữa hai cá thể độc lập, hôn nhân không làm cho vợ và chồng hòa nhập thành một chủ thể duy nhất. Vì vậy, xét dưới góc độ quyền con người, họ vẫn có đầy đủ các quyền cơ bản trong đó có quyền riêng tư. Sau khi kết hôn, nhiều cặp vợ chồng vẫn tự cho mình quyền được tự xâm phạm đến đời sống cá nhân của nhau và xem như đó như một sự chứng minh về sự trung thực và gắn bó giữa vợ chồng với nhau. Chính điều này đã dẫn đến sự xâm phạm quyền riêng tư trong chính mối quan hệ vợ chồng với nhiều hình thức rất đa dạng xâm phạm đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật thư tín, điện thoại như vợ hoặc chồng tự ý xem lén, trả lời tin nhắn, lắp các thiết bị nghe lén hay cài đặt các thiết bị định vị quản lý thông tin liên lạc của nhau; sử dụng chung tài khoản xã hội như facebook, zalo, Twitter,… để quản lý thông tin của đối phương, đăng tải thông tin, hình ảnh khi chưa được sự cho phép từ một bên vợ hoặc chồng; hay hành vi xâm phạm quyền riêng tư về tài chính, tín dụng của nhau,

          Như vậy, chiếu theo những quy định trên thì những hành vi này xâm phạm đến quyền riêng tư trong quan hệ vợ chồng. Vì thế, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sụ theo quy định tại Điều 159 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, theo đó người có hành vi “xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác” thì Phạt phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 triệu đồng – 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: Đối với hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; Phạt tù từ 01 - 03 năm nếu có thêm các tình tiết tăng nặng: Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Làm nạn nhân tự sát; Phạm tội có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên. Hay nhẹ hơn có thể bị xử lý hành chính hành vi xâm phạm quyền riêng tư của người khác tại Điểm a, khoản 2, Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 với mức phạt tiền từ 1.000.000 đến 1.500.000 đồng.

          Tuy nhiên, trên thực tế rất khó để xử lý những hành vi này bởi một số nguyên nhân: thứ nhất, đa số bản thân vợ hoặc chồng cũng không biết được rằng hành vi của mình là hành vi trái pháp luật – xâm phạm đến quyền bí mật đời tư được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ; thứ hai, do đối tượng xâm phạm là vợ hoặc chồng của mình nên người bị xâm phạm quyền sẽ không mong muốn làm tổn hại đến người thân của mình, ảnh hưởng đến danh dự, hạnh phúc gia đình, uy tín, tài chính của cả gia đình và chính mình. Thứ ba, trên thực tế, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hiện hành không có bất kỳ quy định nào quy định về xử lý đối với hành vi “xem lén” điện thoại, điện tín, thư tín, email của vợ hoặc chồng. Do đó, nếu một bên vợ hoặc chồng chỉ “xem lén” mà không tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư thì rất khó xử lý.

          Bảo vệ quyền riêng tư của con cái trong quan hệ gia đình

          Với những trẻ nhỏ tuổi, việc đăng hình ảnh các em nhất thiết phải được cha mẹ, người giám hộ đồng ý. Tuy nhiên, vi phạm quyền riêng tư của trẻ trên môi trường mạng đa số lại đến từ cha mẹ, người thân, người giám hộ của trẻ. Hành vi của các bậc phụ huynh bắt đầu từ tình yêu với con cái, không có dụng ý xấu, nhưng vô tình lại phạm vào quy định của pháp luật về quyền riêng tư của con trẻ. Những hành vi như kiểm soát điện thoại, thư tín của trẻ hay đặc biệt là chia sẻ các thông tin của con trên mạng xã hội như đăng hình của trẻ, điểm số hay kết quả học tập của con,… mà chưa có sự đồng ý của con.

          Ở nước ta, nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa nhận thức hết các mối nguy hại mà con cái của họ phải đối mặt khi đưa hình ảnh con lên mạng cá nhân. Bởi nếu họ không cài đặt chế độ riêng tư, thì hình ảnh và thông tin của trẻ bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy.

          Ví dụ, một người mẹ đăng ảnh con đi học, mặc đồng phục rõ tên trường làm cho những kẻ xấu trên mạng có thể lần theo thông tin bạn tiết lộ trên trang cá nhân như: thường đón con muộn, hay chồng đi công tác vắng điều này vô tình đưa con trở thành mục tiêu của những kẻ bắt cóc hay tội phạm khác. Hay đưa ảnh con đang tắm (không áo quần) lên mạng cũng là hành vi nguy hiểm không kém. Kẻ xấu có thể sử dụng hình ảnh con bạn vào những mục đích khiêu dâm mà bạn không hề biết. Ngoài ra, hình ảnh đã đưa lên mạng thì thường tồn tại trên môi trường đó rất lâu, có thể khi con bạn lớn hơn, vô tình chúng nhìn thấy hình ảnh đó trên mạng, chúng sẽ xấu hổ, hoặc có tâm lý không tốt.

          Luật Trẻ em năm 2016 đã có quy định cụ thể về quyền riêng tư của trẻ em: "Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư" (Điều 21).

          Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, ghi nhận: "Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em" (Điều 33).

          Về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em, Luật Trẻ em năm 2016 xác định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật” (Khoản 2, Điều 54). Đồng thời, hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6).

          Hiện nay đối với những hành vi xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em chưa có một quy định pháp lý cụ thể nào về xử phạt vi phạm hành chính đối với xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em, tuy nhiên tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi, ta có thể căn cứ vào các văn bản pháp lý liên quan để xử lý.

          Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư giữa các thành viên trong gia đình

          - Thứ nhất, mặc dù một số quy định pháp luật bước đầu đã đề cập đến quyền riêng tư được bảo vệ bí mật thông tin, thư từ, điện thoại,... nhưng vẫn còn ở mức độ khái quát cao, còn thiếu chế tài xử lý cụ thể liên quan đến từng đối tượng cụ thể như việc xâm phạm quyền riêng tư trong quan hệ vợ chồng, con cái lại chưa được đề cập tới. Vì vậy, Việt Nam cần có một khung pháp lý cụ thể để bảo vệ dữ liệu cá nhân và xây dựng một đạo luật riêng về bảo vệ quyền riêng tư. Kinh nghiệm một số nước trên thế giới, Luật bảo vệ quyền riêng tư có thể ban hành với tư cách một luật độc lập, hoặc có các luật cụ thể gắn với từng lĩnh vực, chuyên ngành như Luật bảo vệ triêng tư tại gia đình; Luật bảo vệ quyền riêng tư trên mạng của trẻ; Luật riêng tư về tài chính,...Chúng ta có thể tham khảo một số mô hình trên thế giới đã thực hiện và chứng minh tính hiệu quả áp dụng phù hợp với điều kiện pháp lý và xã hội tại Việt Nam.

          - Thứ hai, cần sớm ban hành quy định cụ thể hóa một số quy định của Bộ luật dân sựu 2015 đối với quyền bí mật đời tư” hay đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” nhằm xác định giới hạn những thông tin, dữ liệu cá nhân, được xem là bí mật” và đặc biệt cần sớm ban hành các quy định pháp lý cụ thể về xử lý các hành vi xâm phạm đến sự riêng tư của vợ chồng trong quan hệ hôn nhân hay hành vi xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em bởi đây là những đối tượng đặc thù dễ bị xâm phạm nhất.

          Ngoài ra, quan trọng nhất trong quan hệ gia đình giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ với con cái và giữa các thành viên trong gia đình hơn ai hết cần có trách nhiệm tôn trọng quyền riêng tư của các thành viên trong gia đình; cha mẹ có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ quyền riêng tư của mình khi tham gia môi trường mạng lẫn cuộc sống.

Tác giả: Thạc sĩ. Nguyễn Thị Thảo


Bài viết khác