Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022

          Sáng 28/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trên cả nước để tổng kết năm học 2020 – 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 – 2022. Các đồng chí: Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Kim Sơn –  Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì hội nghị. 

Hội nghị trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ kết nối với Bộ GD&ĐT và 63 tỉnh/thành phố với hơn 400 điểm cầu

          Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

          Tại điểm cầu Trường Đại học Kinh tế Nghệ An có TS. Trương Quang Ngân – Phó Hiệu trưởng nhà trường tham dự hội nghị.

Toàn cảnh điểm cầu Nghệ An tham dự hội nghị

          Trình bày báo cáo tổng kết năm học 2020-2021, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm học vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng với cả nước, toàn ngành giáo dục đã tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid-19. Triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch với mục tiêu “đảm bảo sức khỏe, an toàn của học sinh, sinh viên, giáo viên lên trên hết” đồng thời thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.

          Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch; tăng cường thực hiện kế hoạch năm học, triển khai dạy học trực tuyến, kiểm tra, đánh giá, ôn thi tốt nghiệp THPT; tổ chức hoạt động dạy và học, kết thúc năm học và tuyển sinh trong thời gian dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục đại học. “Có thể khẳng định, mặc dù chịu tác động sâu rộng của dịch Covid-19, nhưng toàn ngành giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép trong năm học 2020 -2021, vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục”, báo cáo nhấn mạnh.

          Bộ GD-ĐT xác định, năm học 2021-2022, Bộ GD-ĐT xác định sẽ chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương.

          Trong đó, triển khai có hiệu quả các biện pháp về phòng chống dịch, phối hợp với ngành y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp. Tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát; không để bị động lúng túng, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học, giữ vững mục tiêu chất lượng giáo dục. Không tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục mầm non, có hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến đối với các lớp 1 và lớp 2, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh từng vùng miền…

          Tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021 - 2022; chuẩn bị các điều kiện thực hiện dạy học môn Tin học và môn Ngoại ngữ bắt đầu triển khai đối với lớp 3 từ năm học 2022 - 2023. Nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định, in ấn, xuất bản và lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10..

          Song song đó, ngành cần đặc biệt quan tâm và có giải pháp để ổn định tâm lý, tư tưởng của học sinh, sinh viên bị tác động do tình hình dịch bệnh kéo dài; tăng cường phối hợp giữa nhà trường - gia đình trong việc quản lý, hỗ trợ học sinh, nhất là học sinh tiểu học, trong việc học trực tuyến tại nhà. Đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng giáo viên theo hướng linh hoạt để các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được bố trí đủ định mức giáo viên theo quy định. Có giải pháp phù hợp để hỗ trợ giáo viên, người lao động trong ngành Giáo dục bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là giáo viên, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

          Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành y tế có giải pháp để sớm thực hiện việc tiêm vaccine cho học sinh, trước mắt là học sinh THPT. Đề nghị Chính phủ xem xét, bố trí kinh phí để ngành giáo dục thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái hoạt động thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học. Trước mắt tập trung xây dựng hệ thống bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử, kho học liệu số dùng chung cho học sinh phổ thông cả nước; tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy và quản lý lớp học trực tuyến; đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học.

          Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đề nghị Chính phủ xem xét các phương án miễn giảm học phí cho học sinh mầm non, phổ thông trong năm học 2021-2022.

          Bên cạnh đó, Chính phủ quan tâm, xem xét giao bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên đảm bảo các quy định hiện hành về vị trí việc làm và định mức giáo viên; không áp dụng quy định giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp, 10% chi trực tiếp từ ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, tổ chức thực hiện việc đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho các cơ sở đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116 của Chính phủ.

          Bộ cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương khi phân bổ ngân sách giai đoạn 2021-2025 cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm theo Luật Giáo dục 2019; chỉ đạo các địa phương bố trí ngân sách phát triển giáo dục tại địa phương, đảm bảo tỷ lệ chi chuyên môn tối thiểu 18% trong tổng chi thường xuyên theo Quyết định 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Các đồng chí chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

          Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhưng ngành GD&ĐT đã chủ động đổi mới, đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ GD&ĐT và đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt, bước đầu triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và Chương trình sách giáo khoa mới lớp 1.

          Trong thời gian qua, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngành GD&ĐT, tạo điều kiện để ngành thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của tỉnh.

          Giáo dục mũi nhọn của tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí tốp toàn quốc về học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; học sinh Nghệ An đạt 5 Huy chương Vàng, Bạc khu vực và Quốc tế. Nghệ An quan tâm công tác chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT và tổ chức tốt Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,2%, với hơn 34.300 thí sinh dự thi.

          Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp năm học 2021 - 2022, tỉnh Nghệ An xác định đây là năm học đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Vì vậy, ngành GD&ĐT tập trung nhiều giải pháp, biện pháp để đạt được các mục tiêu.

          Tỉnh xác định 3 nhóm giải pháp. Cụ thể, ưu tiên nguồn lực, tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng tốt hơn yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Chủ động, tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; thúc đẩy giáo dục thông minh và hội nhập quốc tế.

          Tạo bước đột phá trong đổi mới quản trị nhà trường, xây dựng mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề, phù hợp với đặc điểm vùng miền. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt ưu tiên phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn.

 

Tổng hợp ảnh, tin bài: Kim Dung (Ban truyền thông)


Bài viết khác