Ba ngày tại các trang trại bò sữa vinamlik

        Chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam hiện đang ngày càng phát triển, chuyên nghiệp hóa, đảm bảo đàn bò sữa luôn khỏe mạnh và cho năng suất sữa cao nhất. Áp dụng quy trình chăn nuôi, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên đàn bò sữa luôn được các trang trại bò sữa quan tâm chú trọng.

Trải nghiệm thực tế 3 ngày tại các trang trại bò sữa Vinamlik cho chúng tôi những hiểu biết bổ ích.

Ngày 1.

+ Sử dụng thức ăn xanh tươi (thân cây ngô, cỏ) được cắt, xay nhỏ, trộn với thức ăn tinh (ngô hạt, cám, sắn,...) theo tỷ lệ % phù hợp với từng giai đoạn và lứa tuổi của gia súc.

+ Về vệ sinh chuồng nuôi:

Sử dụng máy cào phân tự động làm sạch phân, chất thải. Hệ thống này giúp chuồng nuôi luôn đảm bảo sạch, giảm sự ô nhiễm, hạn chế được các bệnh về chân móng cho bò.

+ Khai thác sữa: hiện nay các trang trại bò sữa đều sử dụng hệ thống vắt sữa tự động, đảm bảo vắt kiệt sữa/lần vắt sữa. Đồng thời máy cho biết các chỉ số về sản lượng sữa/bò/ngày, cho biết con bò nào đến giai đoạn cạn sữa, các chỉ số về sinh lý, bệnh lý nhằm phát hiện sớm các chỉ số bất thường để xử lý.

Ngày 2. Tại khu điều trị

Chúng tối tìm hiểu một số bệnh thường gặp ở bò sữa. Trong đó phải kể đến một số bệnh thường gặp như sau:

+ Giảm Canxi huyết, chiếm 10% trong tổng số bò đang khai thác sữa.

+ Xeton huyết: là hiện tượng rối loạn dinh dưỡng sau khi sinh, chiếm tỷ lệ 2 – 3% ở bò sau khi sinh.

+ Viêm vú: là bệnh tương đối phổ biến ở bò sữa, chiếm tỷ lệ 5%, thường gặp vào mùa hè. Bệnh làm giảm khả năng cho sữa, sản lượng và chất lượng sữa giảm.

+ Viêm tử cung: chiếm 5% trong tổng đàn, bệnh làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, làm chậm động dục, nếu không điều trị kịp thời.

+ Áp xe: gặp trong trường hợp tiêm phòng một số bệnh như Lở mồm long móng.

+ Bệnh về chân móng: chiếm 5% so với tổng đàn.

Điều trị cho những bò bị bệnh

Đặc biệt, bò sữa còn bị lệch dạ múi khế, một bệnh mà ở bò vàng nuôi chăn thả hiếm khi mắc phải. Do bò sữa có khối lượng cơ thể lớn, bò thường nằm sau khi ăn no, vì vậy dạn múi khế bị lệch. Bệnh thường xảy ra ở bò sau khi đẻ 1 – 2 tuần. Lúc này nếu gõ vào vị trí dạ múi khế thường nghe thấy tiếng: ping ping, kết hợp kiểm tra trực tràng thấy không có phân, chẩn đoán là bò bị lệch dạ múi khế. Nếu phát hiện cần xử lý theo cách: truyền glucoza 30%, thay đổi khẩu phần ăn, tăng thức ăn xanh để cân bằng dinh dưỡng. Khi cần thiêt thì cố định lại dạ múi khế.

Ngày 3. Tại khu bê sơ sinh

Đối với bê sơ sinh: từ ngày 1 – 7: bê bú sữa bình, uống sữa được cho ăn cám hạt. Giai đoan tiếp theo sử dụng thức ăn có nhiều chất xơ, ví dụ: cỏ được ủ men, xay mịn phù hợp với tiêu hóa của bê con.

Trong giai đoạn sơ sinh, bê cần được chăm sóc chu đáo, giữ ấm cho bê để phòng tránh các bệnh thường gặp như tiêu chảy, bệnh về đường hô hấp, viêm rốn sau sinh.

Cho bê uống sữa

Ba ngày tại các trang trại bò sữa đã cho cung cấp cho chúng tôi những hiểu biết về quy trình chăn nuôi, các loại thức ăn dành cho bò sữa, các bệnh thường gặp ở bò sữa và cách xử lý. Đây là những kiến thức thực tiễn mà không sách vở hay tài liệu nào có được. Nên việc học tập để nâng cao trình độ chuyên môn từ thực tế là điều mà mỗi giảng viên cần phải cập nhật thường xuyên.

P/S: Trân trọng cảm ơn lãnh đạo các trang trại bò sữa Vinamlik đã tạo điều kiện để chúng tôi tham quan, học tập, tìm hiểu về chăn nuôi bò sữa hiện nay./.

                                                                                                              TS. Võ Thị Hải Lê        


Bài viết khác