Trường Đại học Kinh tế Nghệ An tham dự Tọa đàm “Trao đổi về Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập”

          Ngày 21/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm khắc phục những hạn chế tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.

          Để nắm bắt được những nội dung mới của Nghị định so với trước đó, và có những phân, đánh giá và trao đổi, thảo luận để đưa ra những ý kiến trong việc tổ chức triển khai thực hiện, vào ngày 16/7/2021, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến trao đổi về Nghị định 60/2021/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập với sự hỗ trợ về măt kỹ thuật của Viện Đại học Mỡ Hà Nội.  

          Dự cuộc tọa đàm, về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch; Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch thường trực; Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch. Về phía Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính có bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính – Sự nghiệp.Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học. Điểm cầu trường Đại học Kinh tế Nghệ An gồm có ThS. Nguyễn Đình Tường - Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Trương Quang Ngân – Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng các lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các Phòng, Khoa liên quan. Cuộc tòa đàm còn có sự tham gia của 723 thầy cô là lãnh đạo và các phòng, khoa của 192 đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và các chuyên gia ở 329 đầu cầu.

Quang cảnh buổi tọa đàm trực tuyến trao đổi về Nghị định 60/2021/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại đầu cầu Hà Nội (ảnh: Viện Đại học Mở Hà Nội)

          Khai mạc tọa đàm, Giáo sư Trần Diệp Tuấn – Chủ nhiệm câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường thông tin ngày 21/6, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ 15/82021 trong có nhiều nội dung liên quan đến quản lý tài chính của các cơ sở giáo dục đại học. Đó là lý do mà Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường đề nghị để Hiệp hội cho tổ chức cuộc tọa đàm ngày hôm nay.

          Tại tọa đàm, bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính – Sự nghiệp (Bộ Tài chính) trình bày cũng như lắng nghe các ý kiến băn khoăn của các cơ sở giáo dục đào tạo để có giải đáp ở một số nội dung về quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế sử dụng tài sản, quy chế dân chủ cơ sở, quy chế công khai tài chính, kiểm toán nội bộ… theo quy định tại Nghị định 60.

Theo đó, Nghị định 60 phân loại và xác định mức độ tự chủ tài chính theo 4 nhóm:

Nhóm 1: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư

Nhóm 2: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên

Nhóm 3: Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên

Nhóm 4: Đơn vị do Ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Điều 24. Huy động vốn và vay vốn tín dụng nêu nguyên tắc: “Khi thực hiện vay vốn, huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản, đơn vị sự nghiệp công phải có phương án vay vốn, huy động vốn và hoàn trả vốn; tự chịu trách nhiệm trả nợ, cả gốc và lãi tiền vay theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hiệu quả của việc vay vốn, huy động vốn và hiệu quả sử dụng vốn vay, vốn huy động;”

          Về nội dung này, một số cơ sở giáo dục băn khoăn về chuyện lãnh đạo thì theo nhiệm kỳ, vậy vấn đề các nhiệm kỳ tiếp theo trả gốc và lãi như thế nào? Ai chịu trách nhiệm nếu không trả được ở các năm sau sau khi người ký vay đã về hưu hoặc hết nhiệm kỳ hoặc bị kỷ luật?

Bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính – Sự nghiệp (Bộ Tài chính) trình bày cũng như lắng nghe các ý kiến băn khoăn của các cơ sở giáo dục đào tạo để có giải đáp.

          Giải đáp băn khoăn này, bà Vũ Thị Hải Yến cho rằng, khoản vay này là của đơn vị nên trách nhiệm thuộc về cơ sở giáo dục chứ không phải thuộc về một cá nhân nào do đó trước khi vay vốn thì phải bàn bạc công khai. Trường hợp người ký vay đã về hưu hoặc hết nhiệm kỳ hoặc bị kỷ luật thì người kế nhiệm phải điều hành, tìm nguồn thu để trả nợ.

          Thẩm quyền phê duyệt huy động vốn và vay vốn tín dụng thì Nghị định nêu rất rõ đơn vị trình cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt phương án vay vốn, huy động vốn và hoàn trả vốn. Còn đối với đơn vị có Hội đồng quản lý hoặc Hội đồng trường, Hội đồng đại học, phương án vay vốn, huy động vốn và hoàn trả vốn do Hội đồng chịu trách nhiệm phê duyệt.

          Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục đại học còn chưa phân biệt rõ quy chế tài chính và quy chế chi tiêu nội bộ thì bà Vũ Thị Hải Yến đã có phân tích cụ thể như sau:

          Sau khi lắng nghe, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá: buổi tọa đàm đã diễn ra trong không khí sôi nổi và ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp hiệu quả, chất lượng. Thông qua những cuộc trao đổi như thế này sẽ giúp những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới các cơ sở giáo dục được thông suốt hơn.

          Theo Giáo sư Trần Diệp Tuấn, sắp tới Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 60/2021/NĐ-CP, do đó sau buổi Tọa đàm này, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường sẽ thống kê các ý kiến và gửi lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Điểm cầu trường Đại học Kinh tế Nghệ An tham dự Tọa đàm

Tổng hợp tin bài: Kim Dung (Ban truyền thông)


Bài viết khác