Sinh viên Khoa Nông Lâm Ngư với nghiên cứu khoa học

        Sinh viên NCKH là một trong những phương thức học tập hiệu quả nhất hiện nay, bởi trong quá trình nghiên cứu, sinh viên có thể tiếp cận kiến thức lý luận và kiến thức thực tiễn thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau: qua bài giảng trên lớp, nghiên cứu tài liệu, sách, báo trên Internet, hoặc các sản phẩm thực tiễn trong cuộc sống… qua đó tạo cho mình cách học tập khoa học và khơi gợi khả năng sáng tạo. Có thể khẳng định rằng, sinh viên tham gia NCKH sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bản thân.     

      Mỗi sinh viên khi NCKH đều đòi hỏi phải có nền tảng kiến thức cơ bản, trong quá trình nghiên cứu sinh viên được củng cố kiến thức chuyên ngành, hình thành và rèn luyện các thao tác kỹ thuật trong chẩn đoán xét nghiệm phi lâm sàng, đặc biệt trong quá trình nghiên cứu sinh viên không ngừng bổ sung, hoàn thiện kiến thức của mình. Do đó, việc độc thêm các tài liệu bổ trợ là cần thiết, điều này tạo cho sinh viên có kỹ năng nghiên cứu và kiến thức phục vụ cho đề tài của mình sẽ tăng lên. Các bạn sinh viên có cơ hội được làm việc cùng với giảng viên hướng dẫn nên sẽ được định hướng và chỉ dẫn thấu đáo hơn đối với các vấn đề cần nghiên cứu.

      Trong năm học 2023 này, sinh viên ngành Thú y, Khoa Nông Lâm Ngư – đại học Kinh tế Nghệ An đã và đang thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học của minh do các giảng viên trực tiếp hướng dẫn.

      Nhóm sinh viên: Hồ Thị Lan, Phan Phương Nam, Trần Thị Như Quỳnh và một số các sinh viên khác đã thực hiện các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Khoa Nông Lâm ngư với đề tài: “Khảo sát tình hình nhiễm Salmonella trên thịt lợn tại một số chợ và lò mổ trên địa bàn thành phố Vinh, Nghệ An. Đề xuất biện pháp phòng tránh”

      Mục đích của nghiên cứu này nhằm khảo sát tình trạng nhiễm Salmonella trong thịt lợn được thu từ một số chợ, lò mổ trên địa bàn thành phố Vinh và từ đó làm cơ sở để xác định các biện pháp can thiệp nhằm từng bước cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay.

     

      Đây là vấn đề có tính cấp thiết và thực tiễn cao do bệnh truyền qua thực phẩm đã và đang trở thành vấn đề sức khỏe toàn cầu. Trong đó, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn là loại thực phẩm thường xuyên sử dụng trong khẩu phần ăn của hộ gia đình.Tuy nhiên thịt lợn có nguy cơ mang một số mầm bệnh như Salmonella, E. coli, giun xoắn, gạo lợn. Trong đó, vi khuẩn Salmonella là một trong 4 vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm/tiêu chảy hàng đầu ở các nước phát triển và trên toàn cầu. Đa số thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn được cung cấp từ các hộ kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ với điều kiện vệ sinh giết mổ thủ công, nguy cơ lây nhiễm vi sinh vật từ nguồn nước và phân vào thịt lợn tại nơi giết mổ là rất cao. Ngoài sản phẩm khoa học của đề tài, kết quả nghiên cứu đã rèn luyện cho sinh viên khả năng tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi tài liệu từ các nguồn khác nhau, trang bị cho các bạn khả năng tư duy và cách viết báo cáo khoa học. Dự kiến đề tài sẽ được nghiệm thu đúng theo tiến độ.

       Bên cạnh đó, nhóm sinh viên các lớp Đại học Thú y K6 và K8 phối hợp thực hiện đề tài: “Tình hình nhiễm ký sinh trùng đường máu do Babesia spp ở chó khám và điều trị tại phòng khám thú y 2vet –Nghệ An, 116 Nguyễn Thái Học”.

        Đây là một bệnh nguy hiểm thường gặp ở thú cưng, gây tác hại nhiều cho chó, mèo. Bệnh lây qua vết cắn trực tiếp hoặc qua sinh hoạt dẫn đến dính máu, làm cho thú cưng mệt mỏi, bỏ ăn và có thể tử vong.  Tác nhân truyền lây là do một loại là do ve truyền, chó có thể mắc bệnh do tiền sử bị nhiễm Babesia hoặc do yếu tố di truyền.  Nhóm sinh viên đã thực hiện việc thu thập số liệu trực tiếp, kiểm tra máu bằng cách nhuộm tiêu bản máu của chó nghi ngờ mắc bệnh và thực hiện các chẩn đoán lâm sàng khác, như kiểm tra thấy có nhiều ve ký sinh ở trong tai, vùng bẹn, dưới bụng, chỗ da mỏng thường bị ve ký sinh nhiều hơn. Quá trình nghiên cứu được thực hiện  tại phòng khám và chữa bệnh thú y. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm sinh viên có thể tư vấn cho chủ thú cưng các biện pháp chăm sóc, phòng bệnh.

                                             TS. Võ Thị Hải Lê – Phó trưởng khoa Nông Lâm Ngư


Bài viết khác