Chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam. Ngành chăn nuôi phát triển không thể thiếu vai trò của ngành thú y, ngành gắn liền với việc phòng ngừa, chẩn đoán, trị bệnh cho các vật nuôi. Không chỉ chăm sóc sức khoẻ cho đàn vật nuôi, các bacs sĩ thú y đống vai trò tích cực và quan trọng trong bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường sinh thái. Kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm, bệnh truyền lây giữa động vật và người theo cách tiếp cận “Một sức khoẻ”. Hơn nữa, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu chăm sóc cho các người bạn của con người – các thú cưng cũng tăng cao. Các nhu cầu này đã giúp ngành thú y trở thành ngành được nhiều bạn trẻ quan tâm. Nếu bạn là người yêu mến động vật và muốn có nghề nghiệp gắn liền với đời sống của các loại vật nuôi, các thú cưng thì ngành thú y là một lựa chọn đáng cân nhắc. Hãy cùng tìm hiểu về ngành học này, cả những thuận lợi và khó khăn nhé.
1.Ngành Thú y là gì
Thú y (Veterinary Medicine) là một nhánh của y học liên quan đến việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh cũng như phòng chống dịch bệnh cho tất cả các loại động vật từ vật nuôi trong các trang trại, các vườn thú đến vật nuôi trong gia đình.
Phạm vi của thú y rất rộng, bao gồm tất cả các loài động vật, cả thuần hóa và hoang dã với một loạt các điều kiện có thể ảnh hưởng đến các loài khác nhau. Trong đó, một vai trò quan trọng của thú y là kiểm soát bệnh truyền từ động vật sang người, đóng góp vào việc bảo sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, khoa học thú còn phối hợp với các ngành y tế, công nghệ sinh học trong sản xuất và kiểm định vaccine, kiểm định dược phẩm hay nghiên cứu đa dạng sinh học và bảo tồn quỹ gene...
Việc cấp bằng Bác sĩ thú y hay cử nhân thú y phụ thuộc vào thời lượng đào tạo và chương trình của từng cơ sở đào tạo.
2. Triển vọng của ngành thú y
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, các loại dịch bệnh nguy hiểm có thể bị lây lan giữa các quốc gia một cách nhanh chóng thông qua các con đường như buôn lậu động vật qua biên giới hoặc khách du lịch quốc tế. Vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường cũng là nguyên nhân xuất hiện một số căn bệnh. Hơn nữa, vệ sinh an toàn thực phẩm chăn nuôi cũng đang được chú trọng liên quan đến môi trường sống, thức ăn, các loại thuốc sử dụng của vật nuôi. Do đó, thú y ngày càng trở nên quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề trên.
Thú y là ngành có đóng góp lớn cho nền kinh tế, nhất là ở đất nước có truyền thống chăn nuôi như Việt Nam. Thời điểm cuối năm 2023, tổng số lợn ở Việt Nam ước đạt 26,342 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023 là năm có số đầu con lợn cao nhất trong 05 năm trở lại đây. Đứng thứ 5 thế giới về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới; năng suất bò sữa và sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 trong khu vực Đông Nam Á… Ngành thú y giúp phát triển chăn nuôi, giảm đói nghèo, phòng chống và hạn chế dịch bệnh, chữa trị cho vật nuôi. Trong đó, ngành thú y Việt Nam đã đạt được những thành tựu. Nổi bật như loại trừ và kiểm soát tốt nhiều dịch bệnh nguy hiểm, bệnh truyền lây từ động vật sang người; nghiên cứu thành công và sản xuất được hầu hết các sản phẩm thuốc, vaccine thú y để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong nước và phục vụ xuất khẩu. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho cộng đồng ngày càng được cải tiến rõ rệt; ngăn chặn dịch bệnh động vật từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam, cũng như ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong nước, thể hiện năng lực tốt của một hệ thống kiểm dịch tương đối hoàn chỉnh. Với sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực chẩn đoán, xét nghiệm động vật cho thấy năng lực của ngành thú y Việt Nam đạt trình độ khoa học, kỹ thuật ngang tầm khu vực và trên thế giới.
Cùng với đó, khi mức sống tăng cao, nhu cầu khám – chữa bệnh, chăm sóc cho thú cưng cũng tăng theo, các bệnh viện, phòng mạch cho thú cưng đang nở rộ, nhất là ở các thành phố lớn.
Với vai trò quan trọng của mình, Thú y được nhà nước quan tâm phát triển. Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021- 2030, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến ngành Thú y.
Như vậy, với triển vọng của ngành Thú y Việt Nam, cơ hội việc làm và thu nhập trong ngành thú y cũng tăng cao.
3. Cơ hội việc làm ngành thú y
Sinh viên tốt nghiệp ngành thú y có thể làm việc tại
· Các cơ quan nhà nước như: Bộ/Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y, Trạm thú y, Trạm kiểm dịch.
· Các công ty chăn nuôi và thú y trong và ngoài nước, các công ty lớn hiện nay là: Cty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, Vemedim, Greenfeed, Sunjin, Japfa, Cargil, Navetco, Amavet, Cj, Hoà Phát, Anova…
· Các công ty sản xuất và phân phối thức ăn chăn nuôi
· Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
· Các khu bảo tồn động vật hoang dã vườn thú Safari hay thảo cầm viên, các trung tâm bảo vệ môi trường.
· Các công ty sản xuất và phân phối thuốc thú y.
· Các cơ sở sản xuất, lai tạo giống vật nuôi.
- Các trung tâm dịch vụ thú y.
- Phòng mạch thú cưng, dịch vụ thú cưng.
- Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Viện nghiên cứu lĩnh vực Thú y như Viện chăn nuôi, Viện thú y, Viện vệ sinh dịch tễ, viện khoa học kỹ thuật về Nông nghiệp.
- Mở công ty thuốc thú y, phòng khám thú y hoặc trang trại chăn nuôi của riêng mình.
Các vị trí có thể đảm nhận của ngành thú y
- Bác sĩ thú y
- Cán bộ kĩ thuật
- Chuyên viên kĩ thuật thú y
- Chuyên viên kinh doanh (thuốc thú y, thức ăn, con giống)
- Cán bộ giảng dạy và nghiên cứu
Đặc điểm của các cơ sở chăn nuôi là thường xa trung tâm và nếu bạn làm việc trong trại chăn nuôi, bạn có thể phải làm theo ca. Khi có dịch bệnh xảy ra, nhiều khả năng bạn sẽ phải bám trụ (tăng ca). Hơn nữa, ngành thú y tiếp xúc với vật nuôi, môi trường làm không sạch sẽ là không tránh khỏi. Vì vậy, bạn nên có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi theo học và sau khi ra trường.
Ngược với việc làm ở các trại chăn nuôi, các dịch vụ thú cưng lại phát triển chủ yếu ở các thành phố lớn nhưng có sự cạnh tranh cao và mức thu nhập nhìn chung thấp hơn các bác sĩ/kĩ sư tại các trại chăn nuôi.
Thú y cũng là một lĩnh vực rộng lớn tương tự như “bác sĩ đa khoa” trong lĩnh vực nhân y, có thể chuyên về chẩn đoán hoặc chữa trị, nội khoa- ngoại khoa, chuyên về các phần cơ thể hoặc các loại bệnh khác nhau như xương khớp, bệnh truyền nhiễm, ung thư…. Ngoài ra, thú y còn phức tạp hơn nhân y ở chỗ có rất nhiều loài động vật với đặc điểm sức khoẻ, các loại bệnh khác nhau.
4. Tố chất cần thiết để học ngành Thú y
- Yêu thích động vật, thiên nhiên và môi trường
- Thích chăm sóc vật nuôi
- Ham học hỏi và tìm tòi những cái mới.
- Không ngại khó, ngại khổ
Điểm thú vị của ngành Thú y là các loài vật nuôi luôn có những đặc điểm giống như một đứa trẻ vì thế nên khám chữa bệnh cho chúng luôn rất thú vị và bạn có thể trò chuyện với chủ nuôi. Qua các hoạt động, chiến dịch bạn có thể kết nối được với cộng đồng yêu thú cưng, yêu động vật. Việc cứu sống, giúp vật nuôi khỏe mạnh hay giải cứu động vật sẽ giúp cuộc sống của bạn thêm sâu sắc. Đặc biệt khi bạn làm việc tại các viện nghiên cứu hoặc các sở bảo tồn động vật, bạn sẽ được đi đến nhiều vùng đất khác nhau, tiếp xúc với nhiều môi trường thực địa. Khi làm công việc thú y, công việc của bạn không chỉ là khám chữa bệnh cho vật nuôi mà còn là phòng bệnh cho cộng đồng. Đây là một trong những ý nghĩa đẹp nhất của nghề thú y.
5. Ngành Thú y học những gì
Một số môn học tiêu biểu: Sinh lý động vật, Hoá sinh động vật, Dinh dưỡng động vật, Vi sinh vật đại cương, Vi sinh vật thú y, Miễn dịch học thú y, Bệnh lý học thú y, Giải phẫu động vật, Di truyền động vật, Vi sinh vật trong chăn nuôi, Thức ăn chăn nuôi, Công nghệ sinh học trong chăn nuôi, Chẩn đoán lâm sàng thú y, Sản khoa và Thụ tinh nhân tạo, Bệnh truyền nhiễm thú y, Bệnh nội khoa thú y, Ngoại khoa thú y, Chăn nuôi chuyên khoa, Kỹ năng chẩn đoán xét nghiệm, Luật chăn nuôi và thú y, Ký sinh trùng và bệnh ký sinh trùng thú y, Quản lý môi trường và chất thải chăn nuôi, Kiểm nghiệm thú sản, Dịch tễ học thú y, Bệnh dinh dưỡng vật nuôi, Bệnh truyền lây giữa động vật và người, Bệnh thú cưng, Bệnh thú hoang dã, Chọn và nhân giống vật nuôi, Dược liệu thú y, Chăn nuôi dê – cừu, Quản lý trang trại chăn nuôi, Quản lý dịch bệnh trang trại chăn nuôi./.
TS. Võ Thị Hải Lê – Trưởng bộ môn CN - TY