Bón phân NPK-S Lâm Thao cho cây cải bắp

  

 

Cây cải bắp (Brassica oleraceae var. capitata), thuộc họ Thập tự (Cruciferae), có tên tiếng Anh là Cabbage, Head Cabbage. Cải bắp có nguồn gốc từ loài cải bắp dại ở dọc bờ biển nước Anh và Tây Nam châu Âu.

Hạt cải bắp nẩy mầm tốt nhất ở nhiệt độ 18 - 20 độ C và cây phát triển thuận lợi nhất ở 15 - 18 độ C. Cải bắp có 3 loại: cải bắp trắng, cải bắp đỏ và cải bắp xoăn. Các giống cải bắp thường được trồng là CB26, CB1, giống Hà Nội (Phù Đổng), giống Sa Pa, giống Lạng Sơn, giống Bắc Hà, KK Cross, KY Cross, NS Cross...

 

 

 

Yêu cầu về đất và dinh dưỡng

 

Có thể trồng cải bắp trên nhiều loại đất, nhưng thích hợp nhất là đất thịt nhẹ, cát pha, đất phù sa trung tính có pH = 6 - 6,5, hàm lượng hữu cơ trên 1,5%. Độ ẩm đất thích hợp nhất đối với cải bắp là 75 - 85%, ẩm độ không khí là 80 - 90%. Khi gặp độ ẩm đất trên 90% kéo dài 3 - 5 ngày sẽ làm rễ cây bị nhiễm độc.

Cải bắp cần nhiều đạm và kali, lớn gấp 2 - 3 lần so với lân. Hàm lượng dinh dưỡng tính theo chất khô trong lá bọc ngoài bắp ở giai đoạn đã thành bắp là: 3,3 % N; 0,5 % P; 3,1 % K; 0,4 % Mg; 1,6% Ca; 0,2% S; 19 ppm Fe; 10 ppm Mn; 9 ppm Zn; 5 ppm Cu; 17 ppm B; 2 ppm Mo. Để tạo thành một tấn bắp cải, cây cải bắp lấy đi từ đất: 3,75 kg N; 1,23 kg P2O5; 4,30 kg K2O; 0,05 kg MgO; 0,21 kg CaO.

 

 

Thời vụ và kỹ thuật trồng

 

Trên vùng cao như Đà Lạt, Sa Pa, Bắc Hà, Tam Đảo có thể trồng cải bắp quanh năm. Ở vùng đồng bằng Bắc bộ, miền Trung và Tây Nguyên thì trồng vụ ĐX.

Có 3 vụ chính: Vụ sớm gieo cuối tháng 7 đầu tháng 8, trồng cuối tháng 8 và tháng 9, thu hoạch vào tháng 11, tháng 12; Vụ chính gieo tháng 9 và tháng 10, trồng giữa tháng 10 đến hết tháng 11, thu hoạch vào tháng 1, tháng 2 năm sau; Vụ muộn gieo tháng 11, trồng vào giữa tháng 12, thu hoạch vào tháng 2-3 năm sau.

Làm đất, lên luống rộng 1,0 - 1,2 m, luống cao 15 - 20 cm. Trồng hàng cách hàng 50 cm, cây cách cây 35 - 40 cm hoặc 50 cm tùy theo giống bắp to hay nhỏ. Mật độ khoảng 28 - 35 - 40 nghìn cây/ha. Rạch 2 hàng dọc theo luống, bón phân lót, trộn đều với đất, lấp lớp đất mỏng rồi trồng theo kiểu nanh sấu. Tưới nước đủ ẩm sau trồng và tưới nước hàng ngày đến khi cây bén rễ, hồi xanh.

 

 

Sử dụng phân bón Lâm Thao NPK-S

 

Bón phân theo các thời kỳ như sau: Bón lót trước khi trồng; Bón thúc lần 1 sau trồng 20 - 25 ngày; Bón thúc lần 2 khi cây trải lá bàng.

Lượng phân bón tính trên 1 ha như sau:

- Bón lót: Phân chuồng 14-20 tấn/ha; NPK-S 5.10.3-8 : 500 - 610 kg/ha.

- Bón thúc 1: NPK-S 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 360 - 500 kg/ha.

- Bón thúc 2: NPK-S 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 610 - 690 kg/ha.

Lượng phân bón tính trên 1 sào Bắc bộ (360 m2) như sau:

- Bón lót: Phân chuồng 0,5-0,7 tấn; NPK-S 5.10.3-8 : 18 - 22 kg.

- Bón thúc 1: NPK-S 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 13 - 18 kg.

- Bón thúc 2: NPK-S 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 22 - 25 kg.

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)


Bài viết khác