Bưởi siêu lợi nhuận

  

 

 

 

 

Những trái bưởi tròn trịa vàng óng kết thành chùm treo lủng lẳng khắp cành cây; những chiếc xe thồ, ô tô len lỏi vào từng vườn chất hàng. Không khí bán mua ồn ã khắp thôn quê. Có những nông dân đếm tiền mỏi tay sau thu hoạch vụ bưởi Tết. Đó là khung cảnh đang diễn ra tại các xã Hiệp Thuận, Vân Hà, Vân Nam (huyện Phúc Thọ, Hà Nội).

 

 

 

Bưởi từ vườn ra đồng

 

Chúng tôi đến xã Vân Hà, nơi nhà nhà đều trồng bưởi. Bưởi cắm rễ ở tất cả mọi nơi có thể trồng. Nhiều đến mức, ông Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Vân Hà, Đặng Văn Vụ dám tự tin mà khẳng định rằng: “Đố ai tìm được khoảng vườn nào rộng vài chục m2 mà bỏ trống”.

Người đời vẫn nói “tấc đất tấc vàng”. Nhưng giá trị của đất chỉ được nông dân Vân Hà ngộ ra cách đây hơn chục năm. Khi ấy, một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng chuối và cây ăn quả kém năng suất sang trồng bưởi Diễn trên đất vườn nhà mình.

Anh Đặng Văn Chung (35 tuổi), một trong số những người tiên phong trồng bưởi chia sẻ: Năm 2001, tôi lên thăm người bạn ở thôn Đức Diễn (xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Bước vào cổng, nhìn thấy vườn bưởi sai trĩu cành, mỗi cây "đeo" đến 100 - 120 quả. Thời ấy, giá mỗi quả bưởi Diễn phải đổi được 5 lạng thịt. Mê quá, tôi về bàn với gia đình mua 26 gốc bưởi đem về trồng ở khu vườn rộng hơn 2 sào thay thế đu đủ, chuối kém năng suất. Đến năm thứ 3, bưởi bắt đầu sai quả. Nhưng phải từ 5 năm trở lên, quả mới to, múi mọng nước và có vị ngọt như đường".

 

Từ năm 2006 đến nay, mỗi vụ, vườn bưởi của anh Chung đạt gần 3.000 quả. Với giá trung bình 25.000 đồng/quả như hiện nay, gia đình anh thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Chi phí cho phân bón, thuốc BVTV và ni-lông bọc quả khoảng 150.000 đồng/gốc bưởi. Lợi nhuận từ vườn bưởi đạt khoảng trên 30 triệu đồng/sào.

“Vì bưởi ít sâu bệnh, chỉ cần phun phòng sương từ tháng 1 đến tháng 10 (mỗi tháng 1 lần) nên rất nhàn hạ. Phân bón cũng chẳng phải mua nhiều, chủ yếu tận dụng tro rơm gia đình nấu, đào rãnh bón vào cây. Tro rơm rất giàu kali nên lúc nào bưởi cũng ngọt lừ”, anh Dũng chia sẻ.

Tận mắt chứng kiến sự thành công của một số hộ trồng bưởi tiên phong, từ năm 2004, khắp các thôn, xóm ở Vân Hà đã diễn ra một cuộc “cách mạng” ruộng vườn. Những khu vườn bỏ hoang, kém hiệu quả được chuyển sang trồng bưởi. Nhiều vườn rộng 5 - 6 sào như gia đình ông Doãn Văn Biên, Nguyễn Đình Thanh, Đặng Văn Lợi (thôn 4), hay ông Đặng Văn Đào (thôn 3) đều kín gốc bưởi. Trung bình mỗi nhà thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Ông Đặng Văn Vụ cho biết: Đất vườn bó hẹp, trong khi nhu cầu trồng bưởi để phát triển kinh tế của người dân lại tăng. Trước tình hình đó, năm 2007, Đảng uỷ, HĐND, UBND và HTX nông nghiệp xã Vân Hà đã bàn bạc, thống nhất cho nhân dân đấu thầu 15 ha khu đất bãi thuộc hai làng Bãi Đồn và Bãi Cháy (thuộc diện quỹ đất 2) để nông dân lập trang trại, kết hợp với trồng bưởi đường.

Trung tâm Phát triển Cây trồng Hà Nội đã hỗ trợ 20 triệu đồng/ha mua vật tư nông nghiệp, túi bọc quả và chuyển giao KHKT cho bà con để hình thành mô hình phát triển mô hình cây ăn quả tại địa phương.

Trước đây, toàn bộ diện tích này là những khu đất trũng, chỉ SX được ngô, đỗ và hoa màu vào vụ xuân và vụ đông. Vụ hè thu đất đai bỏ trống hoang hoải. Nhiều hộ dân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng thuê máy múc bóc lớp đất thịt lên, sau đó đổ cát cao hơn 1 m tôn nền, chống úng và trả lại lớp đất thịt lên bề mặt để trồng bưởi.

Sau 5 năm từ khi trồng, nhiều hộ thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như hộ ông Hoàng Văn Thế, Đào Văn Thìn, Hoàng Văn Tân… (trung bình mỗi hộ trồng khoảng 1 mẫu bưởi). Hiện tại diện tích trồng bưởi của toàn xã trên 40 ha.

Theo ông Hoàng Văn Ngân, Phó Chủ tịch HĐND xã Vân Hà: “Bên cạnh việc mở rộng diện tích, chúng tôi rất chú trọng đến công tác tập huấn kỹ thuật trồng bưởi. Trung bình mỗi năm xã tổ chức 3 lớp tập huấn với sự tham gia giảng dạy của những chuyên gia đầu ngành. Do gắn với lợi ích thiết thực của bà con, vì thế rất đông học viên đã đăng ký tham gia”.

 

 

Thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha

 

Không chỉ ở Vân Hà, tại các xã Vân Nam, Hát Môn; đặc biệt là Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ), diện tích trồng bưởi đang tăng lên rất nhanh.

 

 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ nhiệm HTX Hiệp Thuận cho biết: Hiện tại, xã có khoảng 50 ha trồng cây ăn quả, tập trung chủ yếu ở dải đất bãi ven sông. Trong đó, 45 ha được sử dụng để trồng bưởi. Những năm trước, khi cây bưởi chưa bén rễ đồng đất Hiệp Thuận, người dân vẫn thường gieo trồng ngô, lạc, đậu tương và dong riềng đỏ trên bãi đất này. Chi phí vật tư nông nghiệp cao, công lao động mất nhiều, năng suất lại không ổn định, vì thế nhiều nông dân chán ruộng, một số diện tích bỏ hoang, cây dại mọc um tùm.

 

Sau khi một số hộ ở xóm 9 trồng thử bưởi đường trên vùng đất bãi cho hiệu quả kinh tế cao, người dân đã học nhau chuyển đổi nhiều diện tích trồng rau và cây màu sang bưởi. Đầu năm 2013, Trung tâm Phát triển Cây trồng Hà Nội đã hỗ trợ nông dân túi bọc quả, phân bón và tập huấn kỹ thuật chăm sóc, xây dựng mô hình trồng bưởi tổng diện tích 23 ha với 200 hộ dân tham gia dự án.

“Đánh giá sơ bộ về hiệu quả năng suất và tính hiệu quả kinh tế, chúng tôi thấy rằng, trồng bưởi cho thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/ha. Trừ chi phí SX, ít nhất lãi khoảng 300 - 400 triệu đồng”, ông Tuấn chia sẻ.

Đến xóm 9, xã Hiệp Thuận, nhìn những vườn bưởi lúc lỉu vít oằn cành, phải dùng hàng trăm cây nứa chống đỡ và chằng níu bằng dây chạc cho khỏi gãy, chúng tôi đã tin lời vị Phó Chủ tịch HTX nói là sự thật.

 Anh Đỗ Xuân Dũng hái một quả bưởi vàng óng ả, mịn, tròn và nặng vào nhà, cầm dao bổ mời phóng viên ăn và khoe: “Vườn bưởi của nhà tôi được 10 năm rồi, 7 sào trồng 94 cây. Cây nào cũng từ 120 - 130 quả, hôm trước thương ở Hà Nội về đếm quả, đặt cọc 50 triệu mua đứt vườn bưởi này với giá 250 triệu đồng rồi. Mà chăm bưởi thì có gì là vất vả, một mình tôi làm vẫn còn chơi dài dài, không như trồng lúa, trồng lạc, mất bao nhiêu lao động mỗi vụ mùa”.

Để bưởi không nhiễm bệnh và cho năng suất cao, anh Dũng bật mí: Sau mỗi vụ thu hoạch, phải dành thời gian cọ rửa hết bụi bẩn trên thân cây, nhất là rong rêu, ẩm mốc để không có ký sinh trùng. Nếu diện tích vườn quá lớn, để tiết kiệm công lao động, có thể mua hẳn bình xịt người ta vẫn hay rửa xe máy để xịt vào thân cây. Muốn bưởi có mẫu mã đẹp, vỏ vàng óng thì cần phải sử dụng túi bọc, hoặc vỏ bao xi măng để buộc vào những quả lộ ánh nắng.

 

“Xã Vân Hà đang trồng 3 giống bưởi đường chính là tôm xanh, tôm vàng và tôm trắng. Những năm qua, chính quyền luôn vận động nhân dân sử dụng phân bón và các loại thuốc trừ sâu sinh học để SX bưởi sạch cung ứng cho thị trường. Chúng tôi đã liên hệ với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) để đăng ký nhãn hiệu Bưởi Vân Hà”, ông Hoàng Văn Ngân, Phó Chủ tịch HĐND xã Vân Hà cho hay.

 

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)


Bài viết khác