Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

       Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

      Đến thăm hơn 1,2ha na Đài Loan của anh Nguyễn Ngọc Cương ở xã Lý Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi trên vùng đất cát bạc màu nhưng cây na lá xanh biêng biếc, quả trĩu cành. Anh Cương, người mạnh dạn áp dụng lối canh tác mới "thuận thiên" cho cây na cho hay: “Canh tác thuận thiên là hướng đi mới, trong quá trình canh tác hạn chế tác động vào đất mà chỉ tạo môi trường cho hệ sinh vật phát triển tự nhiên, làm đối tác phục hồi dinh dưỡng cho đất bằng phương pháp hữu cơ”.

Anh Cương dùng máy cắt cỏ để cắt thảm thực vật trong vườn chứ không làm sạch cỏ.

      Canh tác “thuận thiên” để bồi bổ đất…

      Sau thời gian đi lao động ở nước ngoài, trở về quê với số vốn dành dụm được, anh Nguyễn Ngọc Cương chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp. Vùng đất gò đồi ở xã Lý Trạch vốn không màu mỡ bởi, nơi đây là đất cát pha bạc màu. Để cây trồng phát triển tốt và cải tạo đất, anh Cương đọc báo, xem truyền hình và chú tâm đến các giải pháp canh tác có hướng bồi bổ cho đất.

       “Canh tác theo hướng hữu cơ là cách thức tôi chọn đầu tiên vì lối cánh tác này dần dần sẽ cho đất có độ dinh dưỡng tăng lên qua hằng năm và cây trồng sẽ có sự phát triển bền vững hơn” - anh Cương bộc bạch.

       Trên diện tích đất của gia đình, anh Cương chọn phân hữu cơ để bón rải trên lớp mặt và cào xới đều. Những năm sau, anh không cào xới mà rải đều và để cho cỏ vườn mọc theo mùa. Ngoài ra, anh còn mua phân chuồng ủ hoai để bón cho cây trồng ở dưới gốc.

      Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, anh Cương cho biết, ngoài canh tác theo hướng hữu cơ, cây trồng được chăm bón bằng các loại phân organic, lựa chọn những chế phẩm vi sinh có nấm đối kháng với sâu bệnh để phòng trừ sâu bệnh cho cây na. Vườn để đất tự nhiên, không “làm phiền” đất, chỉ bón phân cho cây rồi dùng kéo, máy cắt để cắt cỏ.

      “Có nghĩa là chúng tôi ít tác động đến đất như cày xới, vun gốc cây… mà xem đất vườn như đất rừng để các vi sinh vật phát triển theo mùa, thích ứng với các loại cây cỏ. Cây cỏ này không bị nhổ, làm sạch mà chỉ dùng máy cắt cỏ cắt sát gốc mà thôi” - anh Cương chia sẻ.

Túi dùng để bao trái na Đài Loan cũng là túi có nguồn gốc hữu cơ tự hủy

      Cũng theo anh Cương, thảm cỏ sau khi được cắt sẽ trả lại chất hữu cơ về đất, giun dế trong đất sẽ làm cho bề mặt của đất giữ được độ ẩm và chất dinh dưỡng cung cấp cho cây. “Qua 3 năm, cách canh tác này đã cho kết quả là đất màu mỡ hơn, cây trồng xanh lâu bền hơn và năng suất cũng cao hơn” - anh Cương nói.

       Từ vùng đất cát bạc màu, khu vườn của gia đình anh Cương đã có màu đất khác, tươi mới và sẫm màu hơn. Khi đi băng qua khu vườn, chúng tôi có cảm giác đất tơi xốp, lún cả dưới bàn chân. Gần như toàn bộ bề mặt đất của khu vườn đều nổi lên lớp phân giun dày. Anh Cương dùng que tre cứng xiên xuống đất rồi bật lên cho chúng tôi thấy lớp đất mùn đầy phân giun rất tơi xốp và giàu dinh dưỡng.

      “Nói về canh tác và bồi bổ cho đất thì bước đầu chúng tôi đã thành công vì vùng đất này đã không còn bạc màu như trước nữa, thay vào đó là hệ sinh thái xanh tốt bởi cây ăn quả và thảm thực vật dày” - anh Cương nhìn nhận.

       Na Đài Loan bén duyên đất cằn

       Anh Cương cho biết, trước đây vườn cây chủ yếu trồng các loại ổi nữ hoàng, ổi không hạt… Tuy nhiên, giống ổi trồng khi đó không phù hợp lắm với thổ nhưỡng nơi đây nên hay bị nấm rễ, cây nhanh già, sâu bệnh. Vườn cũng đã thử phá bỏ những cây ổi bị già nhanh để trồng lại giống ổi mới (ổi lê) nhưng vì đất bị nhiễm nấm nặng nên ổi không phát triển được. Sau đó, vườn tiếp tục thử nghiệm thêm nhiều giống cây ăn quả mới và nhận thấy cây na Đài Loan là phù hợp nhất với chất đất ở đây nên quyết định đầu tư.

        Bằng đam mê với nghề trồng trọt, anh Cương đã mày mò, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức qua các phương tiện đại chúng, mạng xã hội. Nhờ đó, anh đã nắm được quy trình kỹ thuật chăm sóc và xử lý na Đài Loan phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương. Năm 2020, anh mạnh dạn bắt tay vào thực hiện mô hình trồng na. Sau một thời gian trồng thử nghiệm thành công, năm 2023, anh Cương quyết định mở rộng diện tích.

Vụ thu hoạch na Đài Loan đầu tiên cho anh Cương lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha.

       Theo anh Cương, na Đài Loan dễ trồng nhưng đòi hỏi phải chăm sóc đúng quy trình thì cây mới mang lại hiệu quả. Giai đoạn na ra đọt non rất dễ bị bệnh và côn trùng tấn công nên phải nghiêm ngặt từ các bước. “Đối với quả na, cần phải thụ phấn từng quả một và thời gian thụ phấn từ khoảng 19 - 23 giờ. Khi quả được 2 tháng tuổi, trước lúc bọc quả phải dùng bình xịt và bàn chải nhỏ làm sạch từng quả một nhằm bảo đảm sạch nấm bệnh, rong rêu không còn bám trên bề mặt vỏ quả” - anh Cương cho hay.

        Khi đã ổn định sản xuất, anh Cương đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tâm An (HTX Tâm An) với các loại cây ăn quả chủ yếu theo mùa như na, dưa hấu, dưa lê, ổi… “Có hợp tác xã, sẽ có nhiều người tâm huyết góp vốn, góp đất để cùng nhau xây dựng thương hiệu và phát triển vườn cây ăn quả trên vùng đất cát pha bạc màu này” - anh Cương nói.

       Để khách hàng có cơ hội biết đến vườn na, HTX Tân An có chương trình mở cửa nông trang cho mọi người đến tham quan, trải nghiệm miễn phí và mua na tại vườn. HTX Tâm An cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng na Đài Loan cho những ai có nhu cầu.

        Chị Lê Thị Minh Thái (phường Bắc Lý, TP Đồng Hới), một khách đến tham quan vườn na của HTX Tâm An cho hay, gia đình đã mua đặt mua na Đài Loan do HTX Tâm An trồng nhiều lần. “Theo cảm nhận của tôi, na trồng ở đây có vị thơm, ngọt hơn nhiều so với na Đài Loan nhập từ những nơi khác về. Vì muốn được khám phá khu vườn, hôm nay tôi cùng các bạn đến đây, thật thú vị khi vừa được tận mắt ngắm những quả na trên cây, chụp ảnh và mua quả tại vườn mang về” - chị Thái nói.

Những dân đến tham quan vườn na Đài Loan của HTX Tâm An

         Theo anh Nguyễn Ngọc Cương, na Đài Loan có thời vụ thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 1 âm lịch năm sau, thời gian còn lại là chăm sóc cây. Khi thu hoạch, na của HTX Tâm An nặng trung bình từ 0,4 - 0,8kg/quả, tùy theo thời điểm. Hiện tại, thị trường tiêu thụ na Đài Loan của HTX Tâm An là khách hàng, các cửa hàng nông sản sạch trong và ngoài tỉnh. Theo tính toán, với diện tích 1,2ha na, vụ thu hoạch đầu tiên cho sản lượng khoảng 3 tấn quả, giá bán từ 80 - 130 nghìn đồng/kg (tùy kích cỡ), trừ chi phí anh Cương có lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.

          “Thời gian tới, khi sản lượng na thu hoạch được nhiều hơn, HTX Tâm An sẽ quy hoạch, mở rộng diện tích sản xuất, tiến tới được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và xây dựng sản phẩm OCOP cho quả na” - anh Cương nói thêm.

          Đánh gia về mô hình nông nghiệp hữu cơ theo hướng “thuận thiên” này, ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch cho hay, đây là mô hình đầu tiên trồng giống na Đài Loan trên địa bàn huyện Bố Trạch, mang lại hiệu quả và triển vọng cao. Cây na Đài Loan cho thấy phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, đặc biệt là vùng đất Lý Trạch. Huyện dự kiến sau khi đánh giá mô hình na Đài Loan tại HTX Tâm An sẽ có chủ trương mở rộng diện tích, xây dựng vùng sản xuất na.

            “Chúng tôi ghi nhận phương thức canh tác mới bồi bổ đất ở mô hình này. Huyện cũng sẽ hướng dẫn, định hướng cho HTX Tâm An xây dựng sản phẩm na Đài Loan theo hướng VietGAP, hữu cơ và sản phẩm OCOP. Trên cơ sở đó, sẽ chỉ đạo nhân rộng mô hình trong thời gian tiếp theo” - ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch cho biết.

                                                                                           Vũ Bình (Theo Nông nghiệp Việt Nam)


Bài viết khác