Hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai và phát triển thị trường quyền sử dụng đất

           Sáng 18/10, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với chủ đề: “Hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai và phát triển thị trường quyền sử dụng đất”. TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV và Th.S Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Chi hội trưởng Chi Hội Luật gia Văn phòng Quốc hội, ĐBQH khóa XV chủ trì Hội thảo.

          Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Công Phàn nhấn mạnh, Luật Đất đai tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội nhất là với người dân, doanh nghiệp. Trong đó, chính sách tài chính về đất đai là một trong những nội dung rất quan trọng, vì thế Hội Luật gia Việt Nam muốn lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu về nội dung này để tổng hợp gửi tới Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV và Th.S Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Chi hội trưởng Chi Hội Luật gia Văn phòng Quốc hội, ĐBQH khóa XV chủ trì Hội thảo.

          Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về nội dung giá đất, tài chính đất đai trong Dự thảo Luật. Trong đó, tập trung thảo luận về thẩm quyền định giá, cơ chế định giá đất, vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức tư vấn giá đất nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 18- NQ/TW, đồng thời, phù hợp với những đòi hỏi thực tiễn.

TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

           Góp ý vào Dự thảo luật, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, thể chế hóa Nghị quyết 18- NQ/TW, Dự thảo luật đã có nhiều sự thay đổi về các quy định về giá đất và chính sách tài chính về đất đai. Điểm nổi bật là bỏ khung giá đất của Chính phủ, chỉ sử dụng Bảng giá đất và giá đất cụ thể để điều tiết nguồn lợi từ đất đai. Định giá đất được tiếp cận gần hơn với nguyên tắc thị trường.

          Đặc biệt, quy định Hội đồng thẩm định giá đất là một trong những điểm mới nổi bật trong Dự thảo Luật lần này khi quy định về thành phần Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cấp tỉnh và cấp huyện. Tuy nhiên, với quy định trong Dự thảo còn tồn tại một số vấn đề như: UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất, giá đất cụ thể; UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng giá đất cụ thể. Như vậy, Hội đồng thẩm định này, không phải là một cơ quan thẩm định giá độc lập, do đó quá trình thẩm định giá, đưa ra giá để trình cơ quan định giá quyết định dễ dẫn đến lợi ích nhóm. Hơn nữa, đối với trường hợp sử dụng giá đất cụ thể để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất  ảnh hưởng đến trực tiếp quyền lợi của người dân nhưng không có sự tham gia của người dân là một sự thiếu sót.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

           “Tôi cho rằng thành viên Hội đồng Thẩm định giá đất phải là các chuyên gia, cơ quan chuyên môn có liên quan đến hoạt động định giá đất (giảm bớt thành phần của UBND); bổ sung đại diện Hội đồng nhân dân - cơ quan đại diện chủ sở hữu đất đai, đại diện người sử dụng đất có liên quan trong từng trường hợp cụ thể), bảo đảm tính độc lập với cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể”, PGS.TS Nguyễn Thị Nga chia sẻ.

          Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho rằng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng thành phần của Hội đồng để cơ quan này đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động. Cụ thể, khi HĐND là cơ quan quyết định thì không nên tham gia vào thành phần Hội đồng thẩm định giá đất.

Quang cảnh Hội thảo

            Ngoài ra, cũng không nhất thiết phải có vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong Hội đồng thẩm định giá đất. “Hãy để cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có chức năng thẩm định, giám sát một cách độc lập như đúng chức năng vai trò của họ chứ không nên quy định vào thành phần Hội đồng thẩm định giá đất như dự thảo”, ông Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

            Ghi nhận các ý kiến của các đại biểu, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế (Tổng cục Quản lý đất đai) Nguyễn Ngọc Tuyến cho biết, đơn vị sẽ tổng hợp, phân tích, nghiên cứu các ý kiến, đề xuất của các đại biểu để báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời, trao đổi về việc thể chế hóa Nghị quyết 18- NQ/TW của cơ quan soạn thảo về các nội dung chính sách, tài chính, giá đất… vào Dự thảo Luật.

                                                                       Trần Thị Vân (Theo Báo Tài nguyên môi trường)


Bài viết khác