Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An năm 2020

          Kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An năm 2020, diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái do tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19. Đồng thời, kinh tế trong nước cũng chịu tác động không nhỏ, có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro và thách thức gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn với dịch tả lợn châu Phi. Trước tình hình đó, Lãnh đạo tỉnh nhà đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời ban hành các chương trình hành động, văn bản chỉ đạo cụ thể, tăng cường đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động. Khẩn trương, sáng suốt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, ổn định xã hội, quốc phòng và an ninh được đảm bảo.

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Tốc độ phát triển tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2020

 

 

Tốc độ phát triển tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (%)

6 tháng đầu năm 2020

6 tháng cuối năm 2020

Cả năm 2020

Tổng số

102,97

105,81

104,45

- Nông, lâm nghiệp, thủy sản

104,01

106,21

104,99

- Công nghiệp - xây dựng

106,03

109,34

107,92

    Trong đó: Công nghiệp

102,54

105,79

104,44

- Dịch vụ

100,89

103,41

102,22

- Thuế sản phẩm - trợ cấp SP

99,68

102,57

101,07

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2020 theo giá so sánh 2010 ước đạt 84.625 tỷ đồng, tăng 4,45% so với năm 2019, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 18.473 tỷ đồng, tăng 4,99%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 25.860 tỷ đồng, tăng 7,92%; khu vực dịch vụ ước đạt 36.023 tỷ đồng, tăng 2,22% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4.269 tỷ đồng, tăng 1,07%, do các nguyên nhân sau: Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hạn hán kéo dài thiếu nước phục vụ cho sản xuất (trong đó có sản xuất điện), Nghị định 100/CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường thủy, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành dịch vụ và ngành sản xuất đồ uống có cồn.

Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 tăng 4,45%, không đạt kế hoạch đề ra, trong đó 6 tháng đầu năm tăng 2,97%, 6 tháng cuối năm tăng 5,81%. Nguyên nhân do 6 tháng cuối năm ngành công nghiệp và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng mạnh, 6 tháng đầu năm ngành công nghiệp tăng 2,54% nhưng 6 tháng cuối năm tăng 5,79%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6 tháng đầu năm giảm 0,32%, 6 tháng cuối năm tăng 2,57%.

Trong 4,45% mức tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đã đóng góp 1,09 điểm %; khu vực công nghiệp - xây dựng đóng góp 2,34 điểm % (trong đó ngành công nghiệp đóng góp 0,73 điểm %); khu vực dịch vụ đóng góp 0,96 điểm % và thuế sản phẩm đóng góp 0,06 điểm %.

                Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng khá với mức tăng 4,99%. Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng do các nguyên nhân sau: Sản lượng lúa 969,8 nghìn tấn, tăng 2,50%; rau, các loại 565,1 nghìn tấn, tăng 3,24%; đỗ các loại 3807,4 tấn, tăng 2,53%; … Bên cạnh đó ngành chăn nuôi năm nay mặc dù dịch tả lợn châu Phi tiếp tục xẩy ra trên đàn lợn, nhưng sản lượng xuất chuồng vẫn tăng như trâu xuất chuồng tăng 3,08% (+508 tấn), bò xuất chuồng tăng 5,24% (+1.185 tấn), lợn xuất chuồng tăng 5,05%, gia cầm xuất chuồng tăng 9,06% (+6.936 tấn), do đó giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp tăng mạnh. Ngành Lâm nghiệp và Thủy sản cũng có mức tăng khá cao, do sản phẩm của các ngành tăng như sau: sản lượng gỗ khai thác năm 2020 ước đạt 1,30 triệu m3, tăng 12,18% so với năm 2019, ngành thủy sản có sản lượng ước đạt 242,7 nghìn tấn, tăng 8,33%.

Khu vực công nghiệp - xây dựng giá trị tăng thêm tăng 7,92% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó ngành công nghiệp tăng 4,44% do trong năm hạn hán xảy ra trên diện rộng gây nên tình trạng thiếu nước cho phục vụ sản xuất điện giảm 14,59%, cùng với ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19 đã làm cho nền kinh tế có mức tăng trưởng thấp nhất kể từ 10 năm trở lại đây, Nghị định 100/CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường thủy, đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành sản xuất đồ uống có cồn, …

Khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng đạt 2,22% so cùng kỳ năm 2019, trong đó doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 68.461,7 tỷ đồng, tăng 7,62%, luân chuyển hành khách giảm 0,79%; luân chuyển hàng hóa tăng 6,79%, dịch vụ lưu trú và ăn uống du lịch lữ hành ước đạt 7.422 tỷ đồng, giảm 17,36%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 5.989 tỷ đồng, giảm 5,93%, trong đó: doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản ước đạt 2.203,6 tỷ đồng, giảm 4,56%; doanh thu dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 1.052 tỷ đồng, giảm 7,05%; doanh thu dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước đạt 1.200,7 tỷ đồng, tăng 8,45%, dịch vụ y tế năm nay tăng do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên các khoản chi cho dịch vụ y tế tăng; …

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,07% do nhiều lĩnh vực thuế đạt thấp như thu từ doanh nghiệp trung ương quản lý giảm 0,9%, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,60%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch không đúng hướng: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng từ 22,55% năm 2019 lên 24,53% năm 2020; ngành công nghiệp-xây dựng tăng từ 27,83% lên 28,04%; ngành dịch vụ giảm từ 44,47% xuống 42,43%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm từ 5,15% xuống còn 5,01%.

2. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2020 ước đạt 15.991 tỷ đồng, bằng 105,09% dự toán cả năm, giảm 3,72% so với năm 2019, trong đó: thu nội địa ước đạt 14.791 tỷ đồng, bằng 110,25% dự toán, giảm 0,79%. Thu ngân sách năm nay giảm nguyên nhân do các khoản thu sau giảm: Thu từ doanh nghiệp trung ương quản lý bằng 72,0% dự toán và giảm 25,16%; thu từ doanh nghiệp địa phương quản lý bằng 95,65% dự toán và giảm 12,80%; thu từ khu vực CTN-DV ngoài quốc doanh bằng 90,06% dự toán và giảm 2,70%; thu lệ phí trước bạ bằng 92,22% dự toán và giảm 15,27%; thu phí và lệ phí bằng 89,47% dự toán và giảm 4,10%; Thu từ hoạt động XNK bằng 66,67% dự toán, giảm 29,40%...  Bên cạnh đó có một số khoản thu so với cùng kỳ tăng như: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bằng 104,17% dự toán, tăng 6,62% so với năm 2019; thuế thu nhập cá nhân bằng 100% dự toán, tăng 7,58%; thuế bảo vệ môi trường bằng 105,92% dự toán, tăng 12,52%; …

Tổng chi ngân sách năm 2020 ước đạt 29.687,2 tỷ đồng, bằng 109,47% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển 8.808 tỷ đồng, bằng 133,63% dự toán; chi thường xuyên 20.429,4 tỷ đồng, bằng 101,75% dự toán. Chi thường xuyên chủ yếu tập trung chi lương và các khoản có tính chất lương, đảm bảo hoạt động có tính chất thường xuyên của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và thực hiện chính sách an sinh xã hội cũng như phát triển kinh tế. Các khoản chi quan trọng trong chi thường xuyên đều bảo đảm như: Chi sự nghiệp kinh tế 1.991 tỷ đồng, bằng 101,43% dự toán; chi sự nghiệp giáo dục đào tạo 8.550 tỷ đồng, bằng 99,82% dự toán; chi sự nghiệp y tế 2.300 tỷ đồng, bằng 99,91%; chi đảm bảo xã hội 1.470,9 tỷ đồng, bằng 125,53% dự toán và chi quản lý hành chính 3.700,6 tỷ đồng, bằng 100,97% dự toán.

Ngành ngân hàng ở Nghệ An năm 2020 phát triển khá, tính đến ngày 31/12/2020, nguồn vốn huy động ước đạt 162.663 tỷ đồng, tăng 16,0% (22.436 tỷ đồng) so với đầu năm, dư nợ tín dụng ước đạt 202.992 tỷ đồng, tăng 6,5% (+12.389 tỷ đồng). Nợ xấu 1.870 tỷ đồng, chiếm 0,85% tổng dư nợ.

Ước tính đến hết tháng 12/2020, toàn tỉnh có 2.926.389 người tham gia BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đạt 99,35% kế hoạch, tăng 3,15% (+89.496 người) so với năm 2019. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,6% dân số. Số người tham gia BHXH là 309.965 người (đạt tỷ lệ bao phủ là 16,84%). Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN ước tính 6.608,3 tỷ đồng, tăng 3,9% (+248,2 tỷ đồng) so với năm 2019. Tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN (không bao gồm nợ lãi suất chậm đóng, nợ NSNN) ước tính 260 tỷ đồng, chiếm 3,93% kế hoạch số phải thu. Tháng 12/2020, ước tính toàn tỉnh giải quyết các chế độ BHXH cho 10.686 lượt người với số tiền là 103,2 tỷ đồng, tăng 61 người (0,57%) và tăng 1.087 triệu đồng (1,06%) so với tháng 11/2020; số lượt khám chữa bệnh BHYT là 504.220 lượt người với số tiền là 323.403 triệu đồng, tăng 2.772 lượt (1%) và tăng 4.324 triệu đồng (1,01%) so với tháng 11/2020.

3. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2020 tăng 0,06% so với tháng trước, giảm 0,07% so với tháng 12 năm 2019. Trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 4 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước đó là: may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,27%; giao thông tăng 2,19%; bưu chính viễn thông tăng 0,04%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%. Có 2 nhóm hàng đứng giá là thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục. Bên cạnh đó, có 5 nhóm hàng giảm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,58%; Đồ uống và thuốc lá giảm 0,17%; Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,06%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,09%; văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,09%.

Bình quân chung 12 tháng năm 2020 chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2019, tăng mạnh nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 9,68%; giáo dục tăng 3,59%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,54%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,35%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,61%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,15%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,90%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,72%. Bên cạnh đó, có nhóm hàng hóa giảm là: giao thông giảm 9,25%; Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,86%; bưu chính viễn thông giảm 0,09%. 

Chỉ số giá vàng tháng 12/2020 so với tháng trước giảm 0,17%, so với tháng 12/2019 tăng 29,62%, so với bình quân cùng kỳ năm 2019 tăng 25,53%; chỉ số đô la Mỹ tháng 12/2020 giảm 0,02% so với tháng trước, so với tháng 12/2019 giảm 0,05%, so với bình quân cùng kỳ năm 2019 tăng 0,13%.

4. Đầu tư và xây dựng

                Năm 2020 lĩnh vực đầu tư xây dựng tiếp tục phát triển ổn định và có nhiều khởi sắc. Vốn đầu tư phát triển tháng 12/2020 thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 703,3 tỷ đồng, tăng 41,18% so với cùng kỳ năm 2019; quý 4/2020 ước đạt 2.091,5 tỷ đồng, tăng 42,88%; cộng dồn cả năm ước đạt 7.769,5 tỷ đồng, tăng 41,29% so với cùng kỳ năm 2019.

                Ước tính tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn quý IV/2020 đạt 22.509,4 tỷ đồng, tăng 12,17% (+2.442,2 tỷ đồng) so với quý III/2019; trong đó vốn nhà nước ước đạt 4.510,6 tỷ đồng, tăng 16,63% (Vốn trung ương quản lý tăng 8,55%, vốn địa phương quản lý tăng 21,92%); vốn ngoài nhà nước 17.518,6 tỷ đồng, tăng 10,18%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 480,1 tỷ đồng, tăng 59,79%. Phân theo khoản mục đầu tư thì vốn đầu tư xây dựng cơ bản quý IV/2020 ước đạt 18.304,8 tỷ đồng, tăng 16,11% so với cùng kỳ năm 2019; vốn mua sắm tài sản cố định 2.476,9 tỷ đồng; vốn sửa chữa lớn, nâng cấp TSCĐ 1.329,3 tỷ đồng.

                Cộng dồn cả năm 2020 tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 78.604,9 tỷ đồng, tăng 12,10% (+8.484,5 tỷ đồng) so với năm 2019; trong đó vốn nhà nước ước đạt 16.397,6 tỷ đồng, tăng 11,59% (Vốn Trung ương quản lý tăng 4,82%, vốn địa phương quản lý tăng 15,68%); vốn ngoài nhà nước đạt 59.763,7 tỷ đồng, tăng 9,92%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.443,6 tỷ đồng, tăng 130,90%. Phân theo khoản mục đầu tư thì vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020 ước đạt 68.091,7 tỷ đồng, tăng 12,35% so với năm 2019; vốn mua sắm tài sản cố định 5.269,7 tỷ đồng, tăng 11,61%; vốn sửa chữa lớn, nâng cấp TSCĐ 3.924,4 tỷ đồng, tăng 23,40%.

                Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn nhà nước trong kỳ chủ yếu tập trung vào các công trình các dự án trọng điểm như: Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò, đường ven biển, đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền,...; đồng thời xây dựng các tuyến đường phục vụ phát triển TP Vinh, thị xã Cửa Lò và các vùng trọng điểm của tỉnh… Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, nhà đầu tư để sớm hoàn thành quy hoạch cụm cảng Cửa Lò, đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An, nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ, dự án LRAMP (hợp phần cầu); cảng hàng không quốc tế Vinh, cảng chuyên dụng Nghi Thiết, cảng Cửa Lò, nâng cấp luồng vào cảng Cửa Lò, đầu tư cảng Đông Hồi, đường bộ cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội... Tiếp tục đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hệ thống trạm bơm, hồ đập, hệ thống kênh mương để đảm bảo tưới, tiêu. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình thủy nông Bắc, hồ Bản Mồng; củng cố, nâng cấp hệ thống đê, kè ven biển, ven sông. Nâng cấp hệ thống truyền tải điện và các trạm biến áp.

Các công trình dự án thuộc vốn đầu tư thực hiện khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn: Khu liên hợp sản xuất vật liệu xây dựng Trung Đô, dây chuyền sản xuất mỳ ăn liền Omachi của Masan, trang trại chăn nuôi lợn tại Quỳ Hợp của công ty MNS Farm, dự án nâng cấp mở rộng nhà máy nước Cửa Lò, nhà máy xi măng Tân Thắng, nhà máy may An Hưng ở huyện Yên Thành, đầu tư cần trục chân đê 40 tấn tại cảng Cửa Lò, nhà máy thủy điện Châu Thôn…

Các dự án được thực hiện bởi nguồn vốn đầu tư nước ngoài: Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An (GĐ1), dự án đầu tư khu công nghiệp WHA Hemaraj 1- Nghệ An, nhà xưởng sản xuất cần câu cá của công ty Great Longview, nhà máy Em-tech Vinh, nhà máy chế biến hải sản ASKA, dự án sản xuất tai nghe Airpod Luxshare - ICT Nghệ An. Trong năm 2020 có dự án của công ty Biomass Fuel đã sản xuất thử nghiệm và chính thức sản xuất đầu quý III/2020; dự án sản xuất linh kiện điện tử của công ty Luxshare - ICT; dự án sản xuất hàng may mặc An Nam Masuoka đã cơ bản hoàn thành.

Bên cạnh đó, một số dự án lớn đang bị chững lại, điển hình như dự án nhà máy sản xuất gia công các sản phẩm giày dép Viet Glory ở Diễn Châu, hiện tại chưa thể tiếp tục triển khai thi công. Dự án nhà máy may Vinhtex, nhà máy may bao bì công nghiệp Intersack Nghệ An mặc dù được cấp phép đầu tư từ giữa năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.

5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Tính đến 30/11/2020, đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.716 doanh nghiệp, tăng 4,44% so với cùng kỳ; tổng số vốn đăng ký 14.260,9 tỷ đồng, bằng 94,7% cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 568 doanh nghiệp, tăng 0,9% so cùng kỳ năm 2019. Kinh tế tập thể tiếp tục có bước phát triển khá; đến tháng 11/2020, toàn tỉnh có 774 HTX, 03 Liên hiệp HTX; ước cả năm có 780 HTX (trong đó, thành lập mới 40 HTX), 03 Liên hiệp HTX; số HTX hoạt động có hiệu quả đạt khoảng 44,6%; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt khoảng 3-3,5 triệu đồng/tháng.  

Lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân. UBND tỉnh tổ chức giao ban, gặp gỡ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh để lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Chất lượng dịch vụ công ngày càng được nâng cao, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

                6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

                6.1. Sản xuất nông nghiệp

                6.1.1. Trồng trọt:

Năm 2020, tỉnh nhà tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa (VietGap, OCOP…) đảm bảo về các yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, trong năm gặp rất nhiều những khó khăn do thời tiết nắng nóng kéo dài, sâu bệnh gây bất lợi đến sản xuất nhưng với sự chỉ đạo điều hành tích cực của lãnh đạo chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã; Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của ngành theo dõi sát diễn biến của các đối tượng sâu bệnh, nguồn nước trên đồng ruộng của các địa phương, xác định cụ thể những vùng có khả năng ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng để tham mưu biện pháp kỹ thuật cho các cấp, các ngành. Đồng thời phối hợp kịp thời, hiệu quả trong công tác điều tiết cấp nước. Cùng với sự nỗ lực vượt khó của bà con nông dân cho nên sản xuất nông nghiệp năm nay được đánh giá được mùa, trong đó vụ Đông Xuân được mùa toàn diện trên cả các lĩnh vực, diện tích, năng suất và giá tiêu thụ, cụ thể như sau:

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm cả năm 2020 đạt 353.012,9 ha, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 2,39% (-8.659,5 ha), trong đó vụ Đông Xuân toàn tỉnh đạt 187.337,6 ha, giảm 1,89% (- 3.608,08 ha); vụ Hè thu đạt 81.696,6 ha, tăng 1,36% (+ 1.097,2 ha); vụ Mùa đạt 83.978,69 ha, giảm 6,82% (- 6.148,6 ha). Diện tích Vụ Mùa giảm là do đầu vụ nắng nóng kéo dài không thuận lợi cho việc gieo trồng, giữa vụ thường mắc mưa, bão lụt nên tâm lí bà con nông dân bỏ vụ, bỏ đất, không đầu tư cho sản xuất vụ Mùa, cụ thể:

Cây lương thực: Diện tích gieo trồng đạt 225.726,5 ha, giảm 1,61% (-3.701,8 ha) so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng cây lương thực có hạt năm 2020 sơ bộ đạt 1.171.827,9 tấn, tăng 0,99% (+11.468,92 tấn), trong đó:

                Cây lúa: Diện tích lúa cả năm đạt 180.213,7 ha, giảm 0,84% (-1.519,97 ha) so với năm 2019. Năng suất lúa cả năm sơ bộ đạt 53,82 tạ/ha, tăng 1,75 tạ/ha so với năm 2019 (trong đó: Năng suất vụ Xuân đạt 66,53 tạ/ha; năng suất vụ Hè thu đạt 46,69 tạ/ha; năng suất vụ mùa sơ bộ đạt 31,69 tạ/ha). Sản lượng lúa cả năm 2020 sơ bộ đạt 969.854 tấn, tăng 2,50% (+23.694,5 tấn) so cùng kỳ 2019.

                Cây ngô: Diện tích gieo trồng đạt 45.512,8 ha, giảm 4,53% (-2.161,8 ha) so năm 2019, trong đó giảm chủ yếu ở diện tích vụ Mùa (- 2.933,76 ha) do ảnh hưởng của lũ lụt, mất trắng sau gieo trồng và một số huyện thiếu nước không gieo trỉa được. Năng suất ngô cả năm sơ bộ đạt 44,38 tạ/ha, giảm 0,55 tạ/ha so năm 2019, sản lượng sơ bộ đạt 201.973,8 tấn, giảm 5,71% (-12.225,6 tấn).

                Cây lấy củ có bột: Diện tích gieo trồng đạt 18.063 ha, giảm 9,59% (-1.916,6 ha) so với năm 2019, trong đó:

                Khoai lang: Diện tích gieo trồng cả năm đạt 3.625,3 ha, giảm 251,39 ha; năng suất đạt 68,51 tạ/ha; sản lượng đạt 24.837,6 tấn, giảm 1.809 tấn so với năm 2019.

                Cây sắn: Diện tích gieo trồng đạt 13.478,9 ha, giảm 8,42% (-1.239,5 ha), nguyên nhân là do một số diện tích đã chuyển sang trồng cây lâu năm. Năng suất sắn bình quân đạt 238,8 tạ/ha; sản lượng đạt 321.874,1 tấn. Trong đó: diện tích sắn công nghiệp đạt 10.232,78 ha; năng suất đạt 268,75 tạ/ha, sản lượng sơ bộ đạt 275.008,1 tấn. Sắn thường diện tích đạt 3.246,17 ha, so cùng kỳ giảm 1.216,6 ha.

                Cây mía: Diện tích gieo trồng đạt 20.206,3 ha, giảm 13,04% (-3.029,1 ha) so với cùng kỳ năm 2019; năng suất đạt 590,39 tạ/ha; sản lượng đạt 1.192.962,4 tấn, giảm 13,10% (-179.906,1 tấn). Trong đó diện tích mía đường chỉ đạt 19.828,6 ha (-3.092,81 ha), năng suất đạt 590,53 tạ/ha (-0,26 tạ/ha), sản lượng đạt 1.170.943 tấn (- 183.231,4 tấn). Mía ăn diện tích đạt 377,68 ha, tăng 20,3%; năng suất sơ bộ đạt 583,02 tạ/ha, sản lượng sơ bộ đạt 22.019,37 tấn.  Nguyên nhân diện tích mía đường giảm là do giá thu mua mía giảm mạnh từ mức 760.000 – 800.000 đ/tấn như các năm trước xuống còn 730.000 – 750.000 đ/tấn nên người dân không còn mặn mà và chuyển diện tích sang trồng các loại cây khác cho hiệu quả kinh tế hơn. Diện tích mía giảm nhiều ở một số huyện như: Tân Kỳ giảm 771,35 ha, Anh Sơn giảm 360 ha, Quế Phong giảm 234 ha, Thanh Chương giảm 177 ha, Quỳ Hợp giảm 198,14 ha,…

                Cây rau, đậu, hoa cây cảnh: Diện tích gieo trồng đạt 40.679,6 ha, tăng 1,8% (+720,3 ha) so cùng kỳ, trong đó: Diện tích rau các loại đạt 36.397,5 ha (+739,4 ha); năng suất đạt 155,3 tạ/ha (+1,8 tạ/ha); sản lượng đạt 565.142,2 tấn, tăng 3,24% so với năm 2019. Trong đó tăng chủ yếu ở diện tích rau lấy quả (+ 899,57 ha) và dưa lấy quả (+ 667,09 ha). Đậu các loại: diện tích đạt 3.985,2 ha, tăng 2,05%; năng suất đạt 9,55 tạ/ha, tăng 0,48%, sản lượng đạt 3.807,4 tấn, tăng 2,53%. Nguyên nhân tăng do bà con nông dân tập trung gieo trồng phần lớn là các loại rau theo nhu cầu thị trường, tập quán và kinh nghiệm canh tác, trong đó chú trọng phát triển các giống rau cao cấp để tăng thêm hiệu quả kinh tế mở rộng diện tích rau an toàn đáp ứng nhu cầu của thị trường, hỗ trợ xây dựng thương hiệu các vùng rau làm hàng hóa.

                Cây lạc Diện tích gieo trồng cả năm 2020 đạt 12.901,9 ha, giảm 3,61% (- 483,13 ha); năng suất đạt 26,46 tạ/ha, giảm 7,7% (- 2,21 tạ/ha); sản lượng đạt 34.142,6 tấn, giảm 11,03% (- 4.231,7 tấn).

                Tổng diện tích cây lâu năm 2020 ước đạt 47.815 ha, giảm 3,43% (- 1.698,1 ha) so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể một số cây trồng chính như sau: cây ăn quả ước đạt 22.729,5 ha, giảm 0,38% (- 87,7 ha), một số cây lâu năm có sản lượng đạt khá như xoài sản lượng đạt 4.997,4 tấn, tăng 8,24% (+ 380,5 tấn); dứa 26.780 tấn, tăng 7,39%; mít 5.573 tấn, tăng 29,85%; cam 60.225 tấn, tăng 10,29%; bưởi 12.082 tấn, tăng 29,63%; …

                6.1.2. Chăn nuôi:

                Tại thời điểm 01/12/2020, tổng đàn trâu có 270.082 con, giảm 0,49% (- 1.343 con) so với cùng kỳ năm 2019, tổng đàn bò có 483.523 con, tăng 2,23% (+ 10.528 con), trong đó: bò sữa 61.425 con, tăng 9,01% (+5.075 con). Nguyên nhân tổng đàn trâu trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm vì diện tích chăn thả ngày càng bị thu hẹp và nuôi trâu thời gian sinh trưởng, phát triển dài hơn so với các loại vật nuôi khác. Bên cạnh đó nông dân không còn dùng sức kéo của trâu trong sản xuất nông nghiệp mà thay bằng ứng dụng cơ giới hoá vào khâu làm đất. Đàn bò tăng khá do hiện nay chăn nuôi bò hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao và nhu cầu tiêu dùng thịt bò luôn ổn định, phương thức chăn nuôi ngày càng được cải tiến do đó người dân đầu tư chăn nuôi bò nhiều hơn.

                Tổng đàn lợn ước đạt 903.821 con, tăng 0,86% (+7.672 con) so với cùng kỳ năm 2019. Tổng đàn gia cầm tại thời điểm tháng 12 năm 2020 ước đạt 28.528 nghìn con, tăng 6,19% (+ 1.662 nghìn con) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó tổng đàn gà ước đạt 22.813 nghìn con, tăng 7,95% (+1.680 nghìn con).

      Tình hình diễn biến dịch bệnh lợn châu Phi: Từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh, cụ thể: tính đến thời điểm hiện tại đang còn 16 ổ dịch thuộc 06 huyện (401 hộ ở 68 xóm) chưa qua 21 ngày. Số lợn tiêu hủy: 1.731 con. Trọng lượng: 85.479 kg. Các ổ dịch đều xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện về an toàn vệ sinh.

Bên cạnh đó xảy ra một số ổ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như: Bệnh Lở mồm long móng đã xảy ra 04 ổ dịch thuộc huyện Con Cuông chưa qua 21 ngày. Số gia súc mắc bệnh: 24 con (11 con trâu và 13 con bò).

                6.2. Sản xuất lâm nghiệp

                Diện tích trồng rừng mới tập trung quý 4/2020 ước đạt 6.465 ha, tăng 5,94% so với cùng kỳ năm 2019; tính chung cả năm 2020 ước đạt 18.192 ha, tăng 0,76%. Cây trồng phân tán cả năm ước đạt 5.846 nghìn cây. Diện tích rừng giao khoán bảo vệ đã giao được 965.057 ha, khoanh nuôi tái sinh 63.647 ha, tăng 4,13% (+2.525 ha) và rừng trồng được chăm sóc 54.686 ha giảm 3,63% (-2.062 ha). Sản xuất cây giống phục vụ công tác trồng rừng cả năm 213.578 ngàn cây, giảm 1,72% so với cùng kỳ năm 2019, ươm cây giống nhiều chủ yếu là các hộ dân ở xã Tân Hương, xã Nghĩa Hành thuộc huyện Tân Kỳ.

                Sản lượng khai thác lâm sản quý IV và cả năm đạt khá, quý IV/2020 gỗ khai thác các loại ước đạt 323.152 m3, tăng 13,26%; củi khai thác 187.884 ste, tăng 1,05%. Tính chung cả năm gỗ các loại khai thác 1,30 triệu m3, tăng 12,18% (+141.374 m3) so với năm 2019; củi 1,04 triệu ste, tăng 0,99% (+10.269 ste); các sản phẩm khác như luồng vầu, nhựa thông, lá dong, rau rừng đều tăng hơn so với năm trước.

                Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ cháy rừng, giảm 24,0% (-6 vụ) so với năm 2019, diện tích có rừng bị thiệt hại là 41,39 ha, nguyên nhân do thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, có nhiều đợt nắng nóng kết hợp gió tây nam kéo dài gay gắt, đã làm cho nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến công tác PCCCR.

Trong năm 2020 lực lượng kiểm lâm tỉnh đã phát hiện và bắt giữ, xử lý: 566 vụ vi phạm lâm luật, tăng 12,52% (+ 63 vụ); trong đó: Vi phạm quy định về quản lý rừng, sử dụng rừng là 52 vụ, vi phạm về phát triển rừng, bảo vệ rừng 200 vụ (Phá rừng là 192 vụ); vi phạm quy định về quản lý lâm sản 170 vụ; vi phạm khác 144 vụ; số lượng lâm sản tịch thu được 707 m3 gỗ tròn, xẻ các loại; động vật rừng: 170 con, trị giá 99 triệu đồng; thực vật rừng ngoài gỗ tính theo giá trị tịch thu 74 triệu đồng. Số tiền thu phạt 6.331 triệu đồng. Đã thu nộp ngân sách Nhà nước 5.665 triệu đồng.

                6.3. Sản xuất thủy sản

                Nuôi trồng thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản (không tính nuôi trong lồng, bè, bể, bồn) năm 2020 ước đạt 21.498 ha, tăng 0,43% (+91 ha) so với năm 2019. Trong đó: diện tích nuôi cá 19.018 ha, diện tích tôm 2.242 ha, diện tích thủy sản khác 238 ha.

                Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản trong quý IV và cả năm 2020 tăng khá do thời tiết tương đối thuận lợi cho ngư dân ra khơi, thời gian bám ngư trường nhiều hơn. Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý IV ước đạt 12.485 tấn, tăng 4,63% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng thủy sản khai thác đạt 43.705 tấn, tăng 4,46%. Tính chung tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản quý IV ước đạt 56.190 tấn, tăng 4,50%. Cộng dồn cả năm 2020 tổng sản lượng thủy sản ước đạt 242.661 tấn, tăng 8,33% (+18.666 tấn), trong đó: cá 201.763 tấn, tôm 9.860 tấn, thủy sản khác 31.038 tấn.

                Để đáp ứng đủ nhu cầu nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh, công tác sản xuất, phân phối giống thủy sản cũng phát triển khá, tháng 12/2020 sản xuất con giống ước đạt 61 triệu con, tăng 3,39% (+2 triệu con). Lũy kế 12 tháng ước đạt 3.329 triệu con, trong  đó: cá 674 triệu con, tôm 2.408 triệu con, thủy sản khác 247 triệu con.                   

                7. Sản xuất công nghiệp

Trong quý 4/2020, ngành công nghiệp Nghệ An gặp nhiều khó khăn như: ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, … nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo tỉnh nhà trong việc thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịc, vừa phát triển kinh tế, vì vậy đã đạt được những kết quả sau: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 12/2020 ước tính tăng 16,15%, trong đó ngành khai khoáng tăng 10,25%; ngành chế biến chế tạo tăng 14,01%; sản xuất và phân phối điện tăng 59,09%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 1,70%. Tính chung chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) quý 4/2020 tăng 13,13% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 15,19%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,93%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 23,42%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,58%.

                Nhiều sản phẩm chủ yếu trong quý 4/2020 có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: đá xây dựng 972 nghìn m3, tăng 35,98%; sữa tươi 62,1 triệu lít, tăng 21,46%; thức ăn gia súc 40.547 tấn, tăng 15,75%; vỏ bào, dăm gỗ 129.611 tấn, tăng 16,96%; xi măng 2,12 triệu tấn, tăng 24,27%; clanhke 2,19 triệu tấn, tăng 25,04%; tôn lợp 248.771 tấn, tăng 25,41%; cửa bằng sắt thép 746,96 nghìn m2, tăng 35,75%; điện sản xuất 884 triệu Kwh, tăng 26,71%; điện thương phẩm 879 triệu Kwh, tăng 9,42% ... Bên cạnh đó trong quý có nhiều sản phẩm chủ yếu giảm sút như: Đường RS, giảm 3,34%; bia đóng chai giảm 17,30%; bia đóng lon giảm 32,42%; Thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn), giảm 20,89%; Sản phẩm in khác, giảm 8,86%; Hộp lon bia, giảm 8,45%; Dịch vụ làm sạch bể phốt và bể chứa, giảm 13,60%; ...

Năm 2020 chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 6,36% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 6,55%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,82%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 10,37%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,67%.

Trong năm một số sản phẩm chủ yếu có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: Sữa tươi 215,2 triệu lít, tăng 8,24%; Thức ăn cho gia súc 145,3 nghìn tấn, tăng 7,34%; clanhke 7,4 triệu tấn, tăng 8,45%; xi măng 7,3 triệu tấn, tăng 15,94%; ống thép Hoa Sen 32,1 nghìn tấn, tăng 19,28%; tôn lợp 813,7 nghìn tấn, tăng 23,78%; cửa bằng sắt thép 2.217,1 nghìn m2, tăng 28,88%; điện thương phẩm 3.736,1 triệu kwh, tăng 8,50%; …Bên cạnh đó có nhiều sản phẩm chủ yếu giảm sâu như: Đường RS giảm 8,90%; bia đóng chai giảm 35,61%, bia đóng lon giảm 20,53%; vỏ bào, dăm gỗ giảm 6,16%; bê tông tươi giảm 1,28%; hộp lon bia, giảm 7,96%; Nắp lon bia, giảm 64,64%; Điện sản xuất, giảm 14,59%; …

8. Hoạt động thương mại, dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 12/2020 theo giá hiện hành ước đạt 6.820 tỷ đồng, tăng 21,09% so với cùng kỳ năm 2019. Trong quý 4/2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 20.480 tỷ đồng, tăng 22,39% so với cùng năm 2019, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa cả năm 2020 ước đạt 68.462 tỷ đồng, tăng 7,62% so với năm 2019. Chia theo nhóm hàng bán lẻ thì nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất với doanh thu trong kỳ ước đạt 22.731 tỷ đồng, tăng 12,55%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 8.616 tỷ đồng, tăng 8,17%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng 4.784 tỷ đồng, tăng 9,63%; ô tô các loại 10.217 tỷ đồng, tăng 3,69%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) 4.929 tỷ đồng, tăng 6,20%; xăng dầu 6.476 tỷ đồng, tăng 5,13%...

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 12/2020 ước đạt 711 tỷ đồng, tăng 4,74% so với cùng kỳ năm trước; quý IV/2020 ước đạt 2.068 tỷ đồng, giảm 0,19%. Cộng dồn cả năm 2020 doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 7.422 tỷ đồng, giảm 17,36% so với năm 2019; trong đó: dịch vụ lưu trú phục vụ 3.961 nghìn lượt khách, giảm 40,11% so với năm 2019 (2.939,4 nghìn lượt khách ngủ qua đêm, trong đó có 19,1 nghìn lượt khách quốc tế) với doanh thu 805,6 tỷ đồng, giảm 42,50%; dịch vụ ăn uống 6.533,7 tỷ đồng, giảm 11,89%; dịch vụ du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch 82,7 tỷ đồng, giảm 49,99%.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành) tháng 12/2020 ước đạt 592 tỷ đồng, tăng 7,02% so với cùng kỳ năm 2019; quý IV/2020 ước đạt 1.742 tỷ đồng, tăng 0,09%. Tính chung cả năm 2020 ước đạt 5.989 tỷ đồng, giảm 5,93%; trong đó kinh doanh bất động sản 2.203,6 tỷ đồng, giảm 4,56%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ 1.052 tỷ đồng, giảm 7,05%; dịch vụ y tế và hỗ trợ 1.201 tỷ đồng, tăng 8,45% do năm nay dịch bệnh covid-19, các khoản chi dự phòng tập trung cho chi phòng chống dịch; dịch vụ vui chơi giải trí 363 tỷ đồng, giảm 27,93%…

Hoạt động kinh doanh vận tải quý IV và cả năm 2020 đã đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, đời sống và đi lại của dân cư nhất là trong các ngày nghỉ lễ, công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động vận tải thường xuyên được duy trì nên đã hạn chế đến mức thấp nhất các hiện tượng chèn khách, ép giá, đảm bảo giao thông thông suốt.

Vận chuyển hành khách tháng 12/2020 ước đạt 8.899,8 nghìn lượt khách, tăng 16,06% so với cùng kỳ năm 2019 và khối lượng luân chuyển 738,8 triệu lượt khách.km, tăng 14,41%; quý IV/2020 ước đạt 27.793,8 nghìn lượt khách, tăng 11,07% so với cùng quý năm 2019 và 2.248,2 triệu lượt khách.km, tăng 10,90%. Tính chung cả năm 2020 khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 101,53 triệu lượt khách, giảm 3,20% so với năm trước; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 8.073,3 triệu lượt khách.km, giảm 0,79%.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 12/2020 ước đạt 13.895,7 nghìn tấn, tăng 12,18% so với cùng kỳ năm trước và khối lượng luân chuyển ước đạt 348,64 triệu tấn.km, tăng 12,12%; quý 4/2020 ước đạt 37,58 triệu tấn, tăng 12,83% so với cùng quý năm 2019 và 985,3 triệu tấn.km, tăng 9,97%. Tính chung cả năm 2020 khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 126,22 triệu tấn, tăng 8,45% so với năm 2019; khối lượng luân chuyển hàng hóa 3.646,43 triệu tấn.km, tăng 6,79%.

Doanh thu vận tải, bốc xếp tháng 12/2020 ước đạt 1.029,3 tỷ đồng, tăng 10,95% so với cùng kỳ năm 2019; quý 4/2020 ước đạt 2.959 tỷ đồng, tăng 9,31% so với cùng quý năm 2019. Tính chung cả năm 2020 ước đạt 10.613,5 tỷ đồng, tăng 3,89% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 6.801,9 tỷ đồng, tăng 5,57%; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 2.347,5 tỷ đồng, giảm 2,17% và doanh thu bốc xếp, dịch vụ vận tải 1.454,5 tỷ đồng, tăng 6,48%.

II. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động, việc làm, đời sống dân cư

Dân số trung bình tỉnh Nghệ An năm 2020 ước đạt 3,365 triệu người; trong đó lực lượng lao động có gần 2 triệu người đứng thứ 4 cả nước, hàng năm bổ sung hơn 30 nghìn người và đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”, đây là lợi thế về nguồn lao động dồi dào nhưng cũng là thách thức khi giải quyết việc làm cho người lao động.

Chất lượng nguồn lao động thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 21%. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động đang còn chậm; lao động trong ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đang làm việc 916 nghìn người chiếm tỷ lệ 47,98%, lao động công nghiệp-xây dựng khoảng 443,8 nghìn người chiếm 23,24% và dịch vụ tương ứng là 549,6 nghìn người chiếm 28,78%.

Phong trào Đền ơn đáp nghĩa được xã hội hóa sâu rộng, trong năm tình hình đại dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc thực hiện hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ được ưu tiên và đảm bảo. Tính đến ngày 20/10/2020, đã chi trả hỗ trợ đạt 99,8% đối với 637.191 đối tượng với tổng số tiền 610.127.750.000 đồng, là các nhóm đối tượng: người có công; bảo trợ xã hội; người nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời tiến hành hỗ trợ số tiền 26.818,2 triệu đồng, cho 22.323 đối tượng thuộc cho các nhóm đối tượng người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch trên địa bàn (Tính đến ngày 20/10/2020, đã ban hành Quyết định hỗ trợ cho 10.951 đối tượng, số tiền hỗ trợ 11.070 triệu đồng ). Tập trung nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động nhất là lao động Nghệ An ở nước ngoài về nước do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19.

Đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường giải quyết việc làm; tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu lao động, tổ chức các hội chợ việc làm tại các huyện, thành, thị. Đồng thời tập trung chỉ đạo xuất khẩu lao động vào các thị trường có thu nhập cao và ổn định được chú trọng. Trong 10 tháng đầu năm 2020 đã giải quyết việc làm cho 30.935 người (đạt 81,2% kế hoạch và bằng 91,95% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó: giải quyết việc làm lao động trong nước 23.345 người; đưa người đi làm việc theo hợp đồng lao động ở nước ngoài 7.590 người (đạt 55,32%  kế hoạch và bằng 78% so với cùng kỳ năm 2019); dự kiến cả năm 2020 phấn đấu giải quyết việc làm cho 38.098 người, trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 10.718 người. Giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho 15.774 người lao động với tổng số tiền hơn 211,4 tỷ đồng.

Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, các chế độ hỗ trợ đối với hộ nghèo; thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững năm 2020, tính đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo ước đạt 3%, giảm 1,14% so với năm 2019. Quan tâm và đảm bảo các chế độ trợ cấp cho người có công, cấp kinh phí hỗ trợ thường xuyên số tiền 133,6 tỷ đồng/tháng cho 71.165 người có công với cách mạng. Đồng thời phát động Phong trào Đền ơn đáp nghĩa sâu rộng trong mọi tầng lớp xã hội, đến nay toàn tỉnh thu Quỹ đền ơn đáp nghĩa được trên 16,5 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 119 nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng và thân nhân Người có công với cách mạng, với kinh phí 5.139,8 triệu đồng; tặng 52 sổ tiết kiệm cho người có công, với tổng số tiền 261,5 triệu đồng.

Quan tâm, triển khai thực hiện tốt công tác trẻ em. Thực hiện nhiều biện pháp tăng cường, bảo đảm quyền lợi và an toàn cho trẻ em, tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục về bảo vệ trẻ em, tuyên truyền về các chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em vùng dân tộc thiểu số; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ emˮ được thực hiện có hiệu quả hơn. Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được quan tâm thực hiện với nhiều hoạt động phong trào sôi nổi.

2. Giáo dục

Triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác chuẩn bị các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bắt đầu từ lớp 1 năm học 2020-2021: Tập huấn trực tiếp cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 1, lớp 6; bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được giữ vững (Nghệ An có 82 học sinh đạt giải quốc gia, trong đó có 13 giải Nhất, 31 giải Nhì, 25 giải Ba và 13 giải Khuyến khích; có 24 học sinh tham dự vòng 2, kỳ thi chọn học sinh tham gia đội tuyển học sinh giỏi Quốc tế và khu vực năm 2020, xếp trong 3 đơn vị tốp đầu toàn quốc). Chất lượng phổ cập giáo dục; công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm và có chuyển biến tích cực, đã góp phần tạo môi trường học tập suốt đời cho nhân dân; thành phố Vinh là 1 trong 2 thành phố của Việt Nam được UNESCO công nhận “thành phố học tập toàn cầu”. Ngành giáo dục đã điều chỉnh kế hoạch, hình thức dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh và đã hoàn thành chương trình, kết thúc năm học 2019-2020. Công tác công nhận trường chuẩn quốc gia được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để triển khai trong kế hoạch 2020. Dự kiến kết thúc năm 2020, sẽ có 1.055 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 72,66%.

Chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án triển khai Chương trình hành động số 33-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, các nhiệm vụ của ngành (Đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2030; Quyết định phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025; Chỉ thị về triển khai nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2020-2021; Chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo Nghệ An giai đoạn 2020- 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết quy định khung các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập; mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục tư thục từ học kỳ II, năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Nghệ An). Tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chấm dứt các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục: Tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm trái quy định, bạo lực học đường.. Tiếp tục xây dựng môi trường giáo dục nền nếp, kỷ cương, lành mạnh, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức, pháp luật, an toàn giao thông... Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhà giáo có phẩm chất, năng lực tương ứng với nhiệm vụ đổi mới.

Ngày 19/9/2020, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An tổ chức lễ tuyên dương học sinh đạt giải quốc tế, quốc gia và đạt kết quả cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và trao thưởng với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Tại buổi lễ, ban tổ chức đã tổ chức tuyên dương và trao thưởng cho 119 em học sinh đoạt giải quốc tế, quốc gia và đạt kết quả cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong đó, có 1 em đạt Huy chương Vàng tại Kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế năm 2020; 1 em vô địch Cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia", và 1 em đạt giải Nhất tại Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cùng 69 em đạt giải học sinh giỏi quốc gia (từ giải nhất đến giải ba); bốn em đạt giải cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học; 36 học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, 28,35 điểm trở lên ở năm tổ hợp xét tuyển Đại học; 7 học sinh người dân tộc thiểu số có điểm kế cận ở năm tổ hợp khối thi: A, B, C, D và A1.

3. Y tế

Trong năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỉnh đã Chủ động tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả (đã triển khai lấy 33.326 lượt mẫu xét nghiệm, kết quả 100% mẫu cho kết quả âm tính). Thành lập Đội phản ứng nhanh các tuyến; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng; kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, điều trị, đặc biệt tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở y tế, sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân và phòng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Cập nhật tình hình dịch bệnh hàng ngày, triển khai Kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra theo tình huống dịch. Triển khai kiểm tra các cơ sở kinh doanh các trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh như cồn y tế, khẩu trang, dung dịch vệ sinh tay. Công tác tổ chức cách ly được thực hiện chu đáo, trách nhiệm, trong đó đặc biệt ghi nhận lực lượng Quân đội, Công an, Biên phòng và ngành Y tế trong toàn tỉnh đã nỗ lực rất lớn trong phòng, chống dịch; đã huy động sức mạnh của toàn dân, kêu gọi ủng hộ, tổ chức quyên góp, xã hội hóa được khoảng 74,8 tỷ đồng (gồm tiền và hàng hóa) để phòng, chống dịch; đồng thời bố trí nguồn lực và thực hiện mua sắm phục vụ công tác phòng chống dịch với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng... Tích cực chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh thường xuyên nên không có dịch lớn và dịch nguy hiểm xảy ra. Khẩn trương kiểm soát, ngăn ngừa các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, bệnh dại, tiêu chảy, thủy đậu, bệnh sởi, tay chân miệng.

Tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển, hoàn thiện các kỹ thuật cao trong khám và điều trị cho nhân dân. Chú trọng công tác khám bệnh ban đầu tại tuyến dưới trên cơ sở tăng cường bác sỹ cho tuyến y tế cơ sở (Trong năm 2020, khám bệnh cho hơn 5,3 triệu lượt người, điều trị nội trú trên 553 ngàn lượt người, trên 171 ngàn ca phẫu thuật các loại). Đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng với giá cả hợp lý phục vụ cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh và phòng chống thiên tai, dịch bệnh tại địa phương. Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị y tế công lập, tạo ra nhiều đổi mới trong cung cấp các dịch vụ y tế từ việc xã hội hóa, tình trạng quá tải được cải thiện rõ rệt, làm hài lòng người dân với nhiều sự lựa chọn dịch vụ y tế có chất lượng và thuận lợi... Công tác xã hội hóa y tế ngoài công lập đã thu được kết quả quan trọng về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là cung cấp dịch vụ đa dạng và chất lượng. Ước đến cuối năm 2020, Tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 92,6%, Tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ đạt 90%, đạt 10 bác sỹ/vạn dân, 34,9 giường bệnh/vạn dân, Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đạt 16,5%...

Trong năm ngành Y tế đã phối hợp tốt với các ngành tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về công tác phòng bệnh, chữa bệnh tiêu chảy, công tác vệ sinh môi trường luôn được quan tâm, phun thuốc khử trùng tiêu độc, ăn chín uống sôi, không ăn thức ăn ôi thiu, tiết canh lòng lợn,... trong tháng tiêu chảy xẩy ra 910 ca, tăng 9,77% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 35,0% so với tháng trước, không có người nào bị tử vong do tiêu chảy. Cộng dồn cả năm xảy ra 7.673 ca giảm 17,27% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu chảy xảy ra nhiều nhất ở các huyện: Thành phố Vinh 200 ca,  Kỳ Sơn 170 ca, Quế Phong 107 ca, Tương Dương 82 ca, Hưng Nguyên 47 ca , Thanh Chương 46 ca, thị xã Hoàng Mai 42 ca, Diễn Châu 38 ca,... Trong tháng không xảy ra sốt rét, cộng dồn cả năm xảy ra 136 ca, giảm 23,16% so cùng kỳ năm 2019.

Sốt xuất huyết: Trong kỳ xảy ra 24 ca, giảm 55 ca so với cùng kỳ và giảm 24 ca so với tháng trước, xảy ở các huyện Diễn Châu 17 ca, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu cùng 3 ca, Quỳ Hợp 1 ca. Cộng dồn 12 tháng xảy ra 541 ca, tăng 51 ca so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng so với cùng kỳ do thời tiết mưa nhiều là môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và loăng quăng phát triển, khó kiểm soát.

Tính đến ngày 30/11/2020 số người bị nhiễm HIV là 12.360 người, trong đó có 10.121 người trong tỉnh (chiếm 81,89%) và người ngoại tỉnh là 2.239 người (chiếm 18,11%). Căn bệnh HIV đã xảy ra trên 21/21 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, cụ thể ở các huyện: Quế Phong 2.027 người, thành phố Vinh 1.866 người, Tương Dương 1.110 người, Quỳ Châu 943 người, Diễn Châu 551 người, Quỳ Hợp 446 người, Đô Lương 409 người, Thanh Chương 389 người, Con Cuông 307 người, Thái Hoà 303 người, Tân Kỳ 219 người, Yên Thành 214 người, Nghĩa Đàn 210 người, Hưng Nguyên 187 người, Nam Đàn 185 người, Nghi Lộc 181 người, Quỳnh Lưu 161 người, Cửa Lò 128 người, Kỳ Sơn 113 người, Anh Sơn 95 người, Hoàng Mai 77 người. Trong số người bị nhiễm HIV có 7.152 người đã chuyển sang bệnh AIDS, trong đó người nội tỉnh có 6.390 người chiếm 89,35%; ngoại tỉnh đến có 762 người chiếm 10,65%. Số người chết do AIDS là 4.439 người, trong tỉnh có 4.251 người chiếm 95,76%; ngoài tỉnh có 188 người chiếm 4,24%.

                4. Hoạt động văn hóa, thể thao

- Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, cổ động, khẩu hiệu, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể thao phục vụ chính trị trên địa bàn tỉnh trong các dịp lễ, Tết, kỷ niệm của đất nước và của tỉnh. Công tác bảo tồn, bảo tàng và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm.  Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở các địa phương; xây dựng mô hình “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao và thiết chế văn hóa thể thao ở khu dân cư”.

- Quan tâm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong đó tập trung hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể; rà soát, nghiên cứu, phục hồi các di sản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác trùng tu tôn tạo di tích, cắm mốc, bia biển ...các di tích trên địa bàn.

- Thực hiện Kế hoạch tổ chức Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; Kế hoạch xây dựng và nhân rộng mô hình phòng chống bạo lực gia đình gắn với giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Triển khai tốt cuộc vận động “Rèn luyện thân thể theo g­ương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”. Nhiều cơ sở, điểm tập luyện đã thu hút đông đảo mọi ngư­ời dân tham gia tập luyện thư­ờng xuyên. Phát động toàn dân tập luyện bơi lội, phòng, chống đuối nước năm 2020 cấp tỉnh. Tiếp tục rà soát, củng cố lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao ở các tuyến, tham gia thi đấu các giải đấu thể thao quốc gia, quốc tế theo kế hoạch. Ước thực hiện hết năm 2020: Tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 84%; Tỷ lệ làng, bản, khối xóm văn hóa đạt 65%; Tỷ lệ phường, xã, thị trấn có thiết chế văn hóa – thể thao 67,8 %...

                5. Trật tự, an toàn xã hội

Tình hình phạm pháp kinh tế diễn biến phức tạp. Trong tháng xảy ra 115 vụ, tăng 18,56% (+18 vụ); bắt giữ 125 đối tượng, tăng 19,05% (+20 đối tượng)  thu giữ 993 kg thịt động vật, 170 con gà, 8 cá thể chồn, 1 cá thể hoảng, 257 kg măng khô, 15 kg chất lưu huỳnh, 396 kg pháo các loại, 30 lọ mỹ phẩm lăn nách, 15 hộp kem đánh răng, 200 bộ quần áo, 15 m3 đất, cát, 5 m3 gỗ các loại và một số hàng hóa khác.

Phạm pháp hình sự trong tháng xảy ra 101 vụ, tăng 17,44% (+15 vụ); với 148 đối tượng, tăng 4,96% (7 đối tượng). Trộm 5 xe máy, 3 xe đạp điện, 2 điện thoại di động và một số hàng hóa khác ước giá trị khoảng 380 triệu đồng.

Buôn bán, vận chuyển tàng trữ ma tuý, trong tháng đã xảy 52 vụ tăng 1 lần (+26 vụ); với 74 đối tượng, tăng 76,19% (+32 đối tượng). Trong đó: Quế Phong 13 vụ 15 đối tượng, thành phố vinh 7 vụ 16 đối tượng, Diễn Châu  5 vụ 6 đối tượng, Quỳ Châu 5 vụ 5 đối tượng, Đô Lương 3 vụ 8 đối tượng và một số huyện khác. Thu 21 bánh hê rô in và 267,97 gam heroin, 5 kg ma túy đá, 665 viên ma túy tổng hợp.

Trong tháng xảy ra 32 vụ, giảm 15,79% (+6 vụ) với 54 đối tượng, tăng 38,46% (+15 đối tượng). Trong đó:  Diễn Châu 9 vụ 10 đối tượng, thị xã Hoàng Mai 6 vụ 6 đối tượng, thị xã Thái Hòa 5 vụ 6 đối tượng, thành phố Vinh 2 vụ 10 đối và một số huyện khác.

Trong tháng xảy ra 5 vụ, giảm 28,57% (- 1 vụ ) so cùng kỳ năm 2019; với 23 đối tượng, tăng 27,78% (+5 đối tượng) xảy ra ở huyện Anh Sơn 2 vụ 10 đối tượng, Diễn Châu 2 vụ 8 đối tượng, Nghi Lộc 1 vụ 5 đối tượng.

Trong tháng tai nạn giao thông xảy ra 49 vụ, giảm 10,91% (-6 vụ), làm chết 19 người, giảm 13,64% (- 3 người); bị thương 44 người, tăng 2,33%; ước giá trị thiệt hại 1.026 triệu đồng.

 Trong tháng phát hiện 16 vụ đánh bạc với 53 đối tượng tham gia. Thu giữ 53,1 triệu đồng và một số tài sản khác. Tính chung 12 tháng phát hiện 432 vụ đánh bạc thu giữ 1,98 tỷ đồng và nhiều tài sản khác.

6. Cháy, nổ, bảo vệ môi trường

Từ ngày 10/11/2020 đến 10/12/2020 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 09 vụ cháy (+tăng 06 vụ) so với cùng kỳ năm trước. Vụ cháy nhà xảy tại thành phố Vinh 4 vụ, huyện Kỳ Sơn 1 vụ, Diễn Châu 2 vụ và huyện Nghi Lộc 1 vụ, nguyên nhân do chập điện, đặc biệt vụ cháy xảy ra tại công ty cổ phần dược liệu Fù Mát ở huyện Con Cuông, giá trị ước thiệt hại 2000 triệu đồng. Tổng giá trị thiệt 9 vụ cháy trong tháng ước tính 2.254 triệu. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 99 vụ cháy, nổ, trong đó có 16 vụ cháy rừng; các vụ cháy, nổ đã làm 2 người bị chết, 9 người bị thương, tổng giá trị thiệt hại ước tính 29.505 triệu đồng.

Khái quát lại, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, kinh tế trong nước tăng trưởng khoảng 2,5%, trong năm 2020, tình hình nền kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, sức cạnh tranh của hàng hóa thấp, lãi suất có xu hướng tăng lên, dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành tích cực của Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 4,45%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,36%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 7,62%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 2,83%, thu ngân sách tăng 3,72%, văn hóa xã hội có chuyển biến tích cực, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường. Trong năm 2020, cùng với làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đây:

Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đồng bộ, toàn diện, thực chất hơn. Tập trung khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển nhanh, bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bám sát các chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dựa theo kịch bản tăng trưởng năm 2020 để tập trung chỉ đạo, nhất là những ngành, lĩnh vực so với kịch bản đang còn đạt ở mức thấp.

Hai là, thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, liên kết chuỗi giá trị, bảo đảm đầu ra cho nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ Chương trình xây dựng nông thôn mới, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới của tỉnh.

Ba là, tập trung chỉ đạo quyết liệt phát triển công nghiệp. Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển những dự án sử dụng công nghệ mới, tiên tiến, đảm bảo về môi trường. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Phát huy tối đa vai trò các ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh của tỉnh đã xác định như sữa, thủy điện, dệt may, MDF, xi măng, tôn Hoa Sen, linh kiện điện tử. Tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án công nghiệp.

Bốn là, nâng cao hơn nữa vai trò của các ngành dịch vụ đối với phát triển kinh tế. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao như bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... Đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng quảng bá, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; xây dựng thương hiệu du lịch, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ du lịch, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, văn minh, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách để du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Năm là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư. Chủ động tiếp cận các tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư chiến lược. Tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án; xử lý nghiêm túc các dự án chậm triển khai.

Sáu là, chăm lo, phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, tiền lương, giáo dục - đào tạo, y tế, dân số. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục - đào tạo cho vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách. Tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nhất là dịch Covid-19, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Quản lý chặt chẽ thuốc chữa bệnh, hành nghề y dược tư nhân; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng; giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Phát triển phong trào thể dục, thể thao trong mọi tầng lớp nhân dân và thể thao thành tích cao của tỉnh.

Bảy là, tiếp tục cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tổ chức vận hành có hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về đổi mới, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Siết chặt kỷ luật hành chính, tăng cường thanh tra công vụ.

Tám là, xây dựng nền quốc phòng vững mạnh. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tích cực đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội nhất là đấu tranh, triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia; thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, ngăn chặn hiệu quả hoạt động tín dụng đen, dịch vụ thu nợ, đòi nợ thuê./.

Nguồn: Ngụy Khắc Chiến, Cục Thống kê tỉnh Nghệ An

Nguồn: http://www.thongke.nghean.gov.vn/wps/portal/cucthongke/!ut/p/c5/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3i_MG9_TxPDUGcnPyczA09HU6NQYw8PY38XY6B8JJJ8kI-pi4GnmamFsbGRm5OrgSEB3eEg-_DrB8kb4ACOBvp-Hvm5qfqR-lHmuOwJDjbQj8xJTU9MrtQvyI0wyDIJVQQAq6Joqw!!/dl3/d3/L0lJSklna2shL0lCakFBTXlBQkVSQ0lBISEvWUZOQzFOS18yN3chLzdfTlZLT0k0MVVDQk5CNjBJQTUyVTNISDNTUzA!/?WCM_PORTLET=PC_7_NVKOI41UCBNB60IA52U3HH3SS0_WCM&WCM_GLOBAL_CONTEXT=/wps/wcm/connect/web+content+cuc+thong+ke/ctk/ttsk/tcn/67483000411d0ae595c2b741a9cb782e


Bài viết khác