Bệnh dịch và đề xuất các biện pháp phòng trên đàn hươu nuôi tại nông hộ Hương Sơn - Hà Tĩnh

Nguyễn Đình Tường[1]

Trần Thị Hoài Thanh [2]

Nguyễn Trung Uyên [3]

 

          TÓM TẮT

             Thực tế chăn nuôi hươu ở nông hộ tỉnh Hà Tĩnh hiện nay vẫn còn nhiều bất cập về các vấn đề như chuồng trại, chăm sóc và đặc biệt là phòng chống bệnh dịch. Qua khảo sát thực tế chúng tôi thấy tình hình bệnh dịch trên đàn hươu vẫn thường xuyên xẩy ra, nhưng đến nay chưa có nghiên cứu cụ thể nào về tình hình bệnh dịch và các biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho đàn hươu. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có một kế hoạch tổng quát để khảo sát về bệnh dịch, cũng như đề xuất các biện pháp cơ bản nhất cho việc phòng bệnh tổng hợp trên đàn hươu. Từ đó, đề ra được quy trình phòng bệnh cho các hộ chăn nuôi hươu nhằm tăng cao năng suất và hiệu quả để đưa sản phẩm nhung hươu trở thành hàng hóa. Xã Sơn Trung huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh là một trong những xã có số hươu nuôi nhiều nhất của tỉnh do đó chúng tôi đã tiến hành khảo sát tình hình dịch bệnh trên đàn hươu nuôi tại xã và đề xuất các biện pháp phòng bệnh cho các hộ nuôi hươu.

         Từ khoá: Dịch bệnh ở hươu, biện pháp phòng bệnh ở hươu, hộ chăn nuôi hươu Hương Sơn – Hà Tĩnh.

            ABSTRACT

           The practice of stag raising still contains a lot of issues including animal lodging, care and especially epidemic prevention. Through actual surveys we found out that stag epidemic still happens frequently, and so far there has been no detailed investigation into epidemic status as well as synthetic prevention solutions. This indicates the need of a brief plan to both research on epidemic and put forward some basic precautions. As a result, the authors propose precaution process for farm households aiming to increase productivity and effectiveness and consequently bring stag products into market. Son Trung village (Huong Son district, Ha Tinh province) is one of the villages with most stags, so we carried out researches on epidemic status of stags in this village and propose some prevention solutions.

            Keywords: stag epidemic, prevention solution for stags, Huong Son – Ha Tinh farm households.

                Để đưa ra những kết luận về tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng bệnh trên đàn hươu nuôi tại Hương Sơn - Hà Tĩnh, nhóm tác giả đã thực hiện khảo sát tại các hộ chăn nuôi hươu của 11 thôn thuộc xã Sơn Trung huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh, thời gian khảo sát từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 4 năm 2015. Nội dung khảo sát tại các hộ chăn nuôi hươu gồm: quy mô, thức ăn, các bệnh, công tác phòng bệnh từ đó có cái nhìn tổng thể về thực trạng bệnh dịch trên đàn hươu nuôi tại nông hộ thuộc huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh.

1. Quy mô chăn nuôi, nguồn thức ăn cho hươu tại các nông hộ xã Sơn Trung - Hương Sơn - Hà Tĩnh.

Bảng 1. Quy mô chăn nuôi hươu ở Sơn Trung - Hương Sơn - Hà Tĩnh

TT

Quy mô

Số hộ

Tỷ lệ (%)

1

Từ 02 con đến 05 con

89

46,60

2

Từ 06 con đến 10 con

93

48,69

3

Từ 11 con đến 15 con

9

4,71

 

Cộng

191

 

                Xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh là một xã có số hươu nuôi tương đối cao so với các xã trong huyện với gần 3100 con hươu. Tuy nhiên qua kết quả điều tra của chúng tôi thì quy mô nuôi hươu của các hộ dân đang ở dạng nông hộ với quy mô nhỏ từ 2-10 con/hộ là chủ yếu, các hộ chăn nuôi nuôi hươu ở quy mô từ 11-15 con đang còn ít. Với thực trạng quy mô như trên để chăn nuôi hươu phát triển theo hướng hàng hoá và tăng nhanh sản xuất các sản phẩm từ nhung hươu trong thời gian tới là tương đối khó khăn.

                Về nguồn thức ăn: Hương Sơn là một huyện miền núi nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh có tổng diện tích có 110.420 ha trong đó rừng và đất rừng chiếm 91.159 ha. Qua điều tra chúng tôi thấy thức ăn của hươu được bà con tận dụng từ các sản phẩm phụ của ngành trồng trọt như cám gạo, cám ngô, sắn,....và cỏ trồng, các loại lá cây. Nguồn thức ăn của hươu nuôi tương đối đa dạng, phù hợp và đầy đủ cho hươu.

2. Thực trạng tình hình dịch bệnh và nguyên nhân mắc bệnh trên đàn hươu nuôi tại các nông hộ xã Sơn Trung - Hương Sơn - Hà Tĩnh.

Bảng 2. Tổng hợp kết quả điều tra các bệnh trên đàn hươu nuôi

tại các nông hộ xã Sơn Trung - Hương Sơn - Hà Tĩnh

TT

Tên bệnh

Số con điều tra

Số con mắc bệnh

Tỷ lệ mắc bệnh (%)

Ghi

chú

Nhóm bệnh truyền nhiễm

 

 

 

 

1

Tụ huyết trùng

1172

242

20,65

 

2

Bệnh tiêu chảy

1172

182

15,53

 

Nhóm bệnh ký sinh trùng

 

 

 

 

1

Ký sinh trùng đường máu

1172

674

57,51

 

2

Ve vét ký sinh

1172

363

30,97

 

3

Giun đũa

1172

607

51,79

 

4

Sán lá gan

1172

310

26,45

 

5

Sán lá dạ cỏ

1172

344

29,35

 

Nhóm bệnh nội khoa

 

 

 

 

1

Bệnh viêm phổi

1172

210

17,92

 

2

Bệnh chướng hơi

1172

199

16,98

 

3

Bệnh nghẽn dạ lá sách

1172

192

16,38

 

Nhóm bệnh ngoại sản

 

 

 

 

1

Bệnh hẹp hậu môn

1172

286

24,40

 

2

Bệnh hà móng

1172

150

12,80

 

3

Bệnh đẻ khó

624

165

26,44

 

Số lượng hươu đực và cái

 

 

 

 

1

Tổng số con hươu đực

548

 

 

 

2

Tổng số con hươu cái

624

 

 

 

Qua số liệu phản ánh ở bảng kết quả điều tra rút ra kết luận về tình hình dịch bệnh và nguyên nhân mắc bệnh trên đàn hươu nuôi nông hộ tại Sơn Trung - Hương Sơn - Hà Tĩnh như sau:

          Đối với nhóm bệnh truyền nhiễm

             Chủ yếu mắc 2 bệnh là tụ huyết trùng (20,65%) và tiêu chảy (15,53%). Theo kết quả điều tra của chúng tôi, hầu hết người chăn nuôi đã không sử dụng thuốc phòng các loại bệnh truyền nhiễm cho hươu theo định kỳ. Bệnh tụ huyết trùng hươu thường xẩy ra vào mùa hè thu, điều kiện khí hậu, thời tiết nóng ẩm làm mầm bệnh xâm nhập dễ dàng vào cơ thể vật chủ và phát bệnh. Bệnh ỉa chảy xẩy ra ở hươu con do hươu mẹ ăn nhiều thức ăn đã giảm chất lượng. Các hộ chăn nuôi hươu ở đây thường dự trữ các sản phẩm nông nghiệp (thân cây ngô, dây lạc, ...) nhưng chưa đảm bảo chất lượng. Yếu tố chuồng trại cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến dịch bệnh, vì bà con làm chuồng nuôi hươu mang tính chất tận dụng, chưa làm đúng theo các chỉ số kỹ thuật về chuồng trại dẫn đến tiểu khí hậu chuồng nuôi chưa phù hợp với đặc điểm sinh học của hươu.

            Đối với nhóm bệnh ký sinh trùng

            So với nhóm bệnh truyền nhiễm thì nhóm bệnh ký sinh trùng (chủ yếu là tiên mao trùng) mắc với tỷ lệ cao hơn. Với tỷ lệ mắc bệnh 57,51% đã nói lên bệnh ký sinh trùng đường máu ở hươu là tương đối phổ biến, mặc dù bệnh này cũng đã được khống chế bởi người chăn nuôi ít nhiều ý thức được việc tiêm phòng bệnh nhằm hạn chế bệnh nặng hơn. Tuy nhiên do thời gian bệnh mãn tính quá lâu làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển của hươu cũng như khả năng mọc nhung hươu. Nguyên nhân mắc bệnh cao ở đây chủ yếu do vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển nhiều tại vùng này. Do đó, đối với bệnh này thường xuyên phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp là điều kiện bắt buộc để phòng được bệnh ký sinh trùng đường máu.   

            Đối với bệnh giun sán thì hươu tại vùng này thường mắc các bệnh giun đũa, bệnh sán lá gan, bệnh sán lá dạ cỏ. Trong đó bệnh giun đũa với tỷ lệ cao nhất (51,79%), nguyên nhân chủ yếu do môi trường phát triển ấu trùng giun đũa rộng khắp từ không khí, đất ẩm, trứng giun có mặt trong thức ăn, trong thành chuồng, trong các dụng cụ chăn nuôi, điều kiện chuồng nuôi hươu hầu như luôn tồn đọng chất độn chuồng, chất thải, thức ăn dư thừa ở trong chuồng nuôi, mặt khác các hộ chăn nuôi vẫn nuôi hươu theo phương thức chăn nuôi truyền thống, trong khu vực chuồng chung của các giai đoạn hươu từ hươu mẹ, hươu đực, hươu con…

            Đối với nhóm bệnh nội khoa

            Các bệnh nội khoa thường xẩy ra ở hươu gồm: Bệnh viêm phổi tỷ lệ nhiễm (17,92%), bệnh chướng hơi dạ cỏ (16,98%), bệnh nghẽn dạ lá sách (16,38%). Nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi, phải kể đến là do điều kiện chuồng nuôi quá chật chội, được làm ghép vào phía đầu hồi nhà ở của người, lại thường xuyên ẩm ướt, bẩn. Nên mầm bệnh rất dễ phát sinh và gây bệnh cho hươu ở các giai đoạn tuổi chưa trưởng thành và giai đoạn hươu trên 7 đến 8 năm tuổi. Bệnh nghẽn dạ lá sách và bệnh chướng hơi dạ cỏ thường xẩy ra do hươu ăn phải thức ăn kém phẩm chất, như lá cỏ bị thối, mốc, hoặc lá cỏ tươi còn ướt nước hoặc đẫm sương. Khi cho hươu ăn nhanh quá hay no quá, nhất là ăn no xong lại vận động ngay, việc thay đổi thức ăn đột ngột, từ thức ăn tươi chuyển sang thức ăn khô, hoặc cho ăn no đói thất thường.

            Đối với nhóm bệnh ngoại sản khoa

                Với tỷ lệ hươu cái chiếm khoảng 53% so với tổng đàn, các hộ dân ở đây đều nuôi hươu vừa sinh sản vừa lấy nhung. Trong nhóm bệnh ngoại sản khoa chủ yếu là bệnh hẹp hậu môn ở hươu (24,4%), bệnh đẻ khó (26,44%). Nguyên nhân của bệnh hẹp hậu môn thường do mẹ liếm đít con hoặc di truyền từ bố, bệnh đẻ khó thường do chế độ dinh dưỡng và chăm sóc chưa hợp lý.

               Với điều kiện kỹ thuật như chuồng trại chủ yếu làm chuồng nuôi sát nhà ở, nền chuồng khá thấp và ẩm ướt, diện tích chuồng nuôi chưa đảm bảo. Đối với khẩu phần ăn chưa định lượng, tiêu chuẩn ăn rõ ràng cho từng loại con và cách cho ăn, các hộ dân chủ yếu cho ăn tự do. Về điều kiện vệ sinh, phòng bệnh trong nuôi hươu tại đây chưa thực hiện đầy đủ và đúng quy trình, do vậy các bệnh trên ở hươu vẫn xẩy ra hoặc là bệnh theo mùa, hoặc là bệnh thường xuyên trong năm. Do đó nó liên quan rất lớn đến khả năng sinh trưởng, phát triển của hươu, khả năng sinh sản và cho sản phẩm nhung hươu. Lợi nhuận trong chăn nuôi hươu chưa được khai thác triệt để đối với bà con nông dân.

3. Biện pháp phòng bệnh trong chăn nuôi hươu tại các nông hộ

Tiêm phòng vác xin đối với các bệnh truyền nhiễm

              Bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi hươu bởi bệnh có khả năng lây lan mạnh, tỷ lệ chết khá lớn và giảm năng suất cho nhung. Đối với hươu nuôi bệnh truyền nhiễm thường xẩy ra là bệnh tụ huyết trùng, do đó dùng vác xin tụ huyết trùng trâu bò để tiêm phòng cho hươu theo lịch sau:

- Đối tượng tiêm phòng: hươu từ 6 tháng tuổi trở lên

- Liều lượng và đường tiêm: tiêm bắp hoặc tiêm dưới da, liều 2ml/con và sau 5 tháng tiêm nhắc lại một lần.

Phòng bệnh ký sinh trùng

            - Đối với ký sinh trùng đường máu: Dùng các loại thuốc Tripamidium, Azidin, Naganin để tiêm, liều lượng theo quy định của nhà sản xuất, mỗi năm 2 lần vào tháng 4 và tháng 9 hàng năm.

            - Đối với bệnh sán lá gan: Dùng các loại thuốc Fasciolid, Dertil B, mỗi năm 2 lần vào tháng 4 và tháng 9 hàng năm, liều lượng theo quy định.

            - Đối với bệnh giun đũa: Thường mắc ở hươu non dưới 6 tháng nhiều nhất, tẩy giun định kỳ bằng một trong các loại thuốc levamisol, ivermectin, tetrasol, mebendazole.

            Phòng bệnh tổng hợp

            - Chuồng nuôi hươu xây dựng phải có sự đầu tư nhất định theo quy mô đàn, cơ cấu đàn. Đảm bảo điều kiện về kỹ thuật bao gồm vị trí đặt chuồng, hướng chuồng, diện tích chuồng, diện tích sử dụng bảo quản thức ăn, diện tích sân chơi, hố ủ và xử lý chất thải.

Về vị trí chuồng nuôi hươu: Đặc tính của hươu sao rất ít quen người. Trong đó, hệ thần kinh vẫn còn nguyên vẹn các phản xạ tự nhiên của con vật hoang dại yếu hèn, luôn chạy trốn trước những biến động đột ngột. Vì thế, vị trí chuồng phải đảm bảo các yếu tố sau đây:

+ Chuồng nuôi phải cách nhà ở một khoảng hợp lý, tránh ô nhiễm, tiếng ồn.

+ Phải đảm bảo kín về mùa đông, mát về mùa hè. Không nằm ở ngay nút giao lưu qua lại của người và các động vật khác thường gây ra tiếng động, mùi vị.

+ Phải cao ráo, không có các loại cây thường xuyên rụng lá, rụng cành gây tiếng động tự nhiên (nếu đã có cây cối thỉ phải chặt ngay).

+ Cần phải tạo ra một khoảng cách thích hợp giữa chỗ đi lại của con người, gia súc và chuồng, để không làm cho con vật sợ hãi khi có người hoặc vật nuôi xuất hiện…

Về hướng chuồng chuồng nuôi hươu: Việt Nam do khí hậu nhiệt đới gió mùa nên ta chọn hướng chuồng là hướng Nam hoặc Đông Nam để mát về mùa hè, ấm về mùa đông và ánh sáng được điều hòa suốt trong ngày, không gây ra chênh lệch cường độ ánh sáng lớn.

Về nền chuồng chuồng nuôi hươu: Phải có độ dốc từ 1 – 20 để thoát nước bẩn. Phải cao hơn vùng đất xung quanh. Nền chuồng tuỳ điều kiện có thể là nền đất nện, nền gạch, nền xi măng, nền gỗ...

Vê diện tích chuồng nuôi hươu: Với hươu đực ít nhất cũng phải được 6m2/con (theo kích thược 3m x 2m hay 2,5m x 2,5m) và có điều kiện thì nên làm rộng hơn. Những con đực đã được chọn làm đực giống để phối cho các con cái của nhiều gia đình thì chuồng phải đủ rộng để chúng giao phối trong chuồng tốt. Với hươu cái khoảng 5 – 6m2/con là vừa, ít nhất phải được 4m2/con.

- Thức ăn cho hươu phải đảm bảo về thành phần, chất lượng, khẩu phần ăn, tính chất thức ăn ưa thích của hươu. Thức ăn của hươu rất đa dạng gồm cỏ voi, cây chuối, rau khoai, rau muống, lá mít, các loài hoa quả khác, cám công nghiệp, khoáng....

- Công tác vệ sinh chuồng nuôi phải được thực hiện thường xuyên định kỳ, như phun thuốc sát trùng, thay chất độn chuồng...

- Lên giống cho hươu đúng độ tuổi, đúng công thức, tránh cận huyết.

Tóm lại, trong tình hình chăn nuôi hiện nay công tác phòng bệnh cho hươu nuôi hết sức quan trọng ở các nông hộ chăn nuôi cũng như công tác quản lý dịch bệnh của các cấp ngành liên quan. Tuy nhiên công tác này chưa thật sự được quan tâm đúng mức tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Sơn Trung huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh, điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả chăn nuôi của các hộ dân dẫn đến năng suất chăn nuôi giảm về số con sinh ra và sản lượng hươu xuất bán hàng năm. Vì vậy, cần phải tăng cường công tác chủ động phòng bệnh từ phía các hộ chăn nuôi để tăng nhanh về số lượng cũng như chất lượng đàn hươu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

            [1]. Phan Vũ Hải (2005), Kỹ thuật chăn nuôi hươu sao, Đại học Nông Lâm Huế.

            [2]. Nguyễn Tiến Hùng (2005), Quy trình kỹ thuật phòng trị bệnh cho hươu sao, Công ty Cổ phần chăn nuôi hươu giống Hương Sơn - Hà Tĩnh.

            [3]. Huounaigiong.com

            [4]. Huougiong.com

            [5]. www.khoahocnhanong.com.vn

            [6]. www.2lua.vn

            [7]. www.nhunghuou.com

            [8]. Naihuou.com

 

[1] ThS, Khoa Nông Lâm Ngư, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Email: ndtuong75@gmail.com

[2] KS, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Hà Tĩnh

[3] BSTY, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Hà Tĩnh


Bài viết khác