Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: Xu thế và những thách thức đặt ra

I. Đặt vấn đề

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại nhiều thành tựu khoa học công nghệ vượt bậc làm thay đổi đáng kể cuộc sống con người. Trong tiến trình phát triển ấy, chuyển đổi số (Digital Transformation) đã trở thành xu thế tất yếu của mỗi quốc gia. Bài viết này, trên cơ sở làm rõ khái niệm chuyển đổi số, chuyển đổi số trong giáo dục và xu thế của chuyển đổi số đồng thời chỉ rõ những thách thức mà các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số.

II. Nội dung 

2.1. Chuyển đổi số

Thời gian gần đây, chuyển đổi số là thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong các hội nghị, hội thảo, văn bản và công trình nghiên cứu. Trước hết, chuyển đổi số thường được sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh, tuy nhiên, nó cũng tác động đến các cơ quan nhà nước, các tổ chức y tế, giáo dục... bằng cách sử dụng một hoặc nhiều công nghệ hiện đại. Có quan điểm cho rằng “Chuyển đổi số là sự thay đổi về văn hóa, tổ chức và hoạt động của một tổ chức, ngành hoặc hệ sinh thái bằng cách tích hợp các công nghệ, quy trình và năng lực công nghệ ở tất cả cấp độ và chức năng theo cách có tổ chức và chiến lược” (I-Soop,2020).

Hầu hết các công ty công nghệ đều cho rằng, chuyển đổi số là “việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới (Microsoft, 2020).

Theo các nhà nghiên cứu thuộc dự án Enterprisers, chuyển đổi số sẽ trông khác nhau đối với mọi chủ thể, có thể khó xác định một định nghĩa áp dụng cho tất cả. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng, chuyển đổi số là sự tích hợp công nghệ vào tất cả lĩnh vực của một tổ chức, dẫn đến những thay đổi cơ bản đối với hoạt động của tổ chức đó (The enterprisers project, 2016).

Mặc dù chuyển đổi số có nhiều cách định nghĩa khác nhau, tuy nhiên, đều thống nhất, chuyển đổi số là sự thay đổi từ cách thức tổ chức, vận hành truyền thống sang các thức tổ chức, hoạt động mới với vai trò quan trọng của công nghệ bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big data), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa... truyền thống.

2.2. Chuyển đổi số trong giáo dục đại học 

Có nhiều quan điểm khác nhau về nội dung của chuyển đối số trong giáo dục và giáo dục đại học. 

Theo Ed Clark (Đại học ST. Thomas – Hoa Kỳ) (Ed Clark, 2018), Chuyển đổi số có nghĩa là tăng cường hoạt động kinh doanh cốt lõi của tổ chức để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng một cách hiệu quả bằng cách tận dụng dữ liệu và công nghệ. Trong ngành giáo dục, khách hàng mục tiêu có thể là sinh viên, giảng viên, nhân viên và cựu sinh viên và việc số hóa ngành giáo dục có thể mang lại lợi ích cho cả sinh viên và giảng viên.

Theo Akash Takyar (Akash Takyar, 2020), chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ có nghĩa là cải thiện trải nghiệm của học sinh; nó cũng tập trung vào việc tăng cường môi trường khuôn viên trường, phương pháp giảng dạy và học tập. Ông cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục được chia thành 3 loại: Chuyển đổi trong môi trường, khuôn viên nhà trường; Chuyển đổi trong phương pháp học tập; Chuyển đổi trong phương pháp giảng dạy.

Ở Việt Nam, chuyển đổi số trong giáo dục đại học cũng được đề cập trong một số văn bản, công trình nghiên cứu. Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số trong giáo dục được đề cập là “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục hướng tới đào tạo cá thể hóa” (Chính phủ, 2020).

Mặc dù có thể có những cách tiếp cận, diễn đạt khác nhau, nhưng hầu hết quốc gia, các nhà quản lý giáo dục đều xác định chuyển đổi số trong giáo dục là cung cấp trải nghiệm học tập chất lượng cao cho sinh viên trên toàn quốc bằng cách sử dụng công nghệ với mục tiêu mang lại sự công bằng và khả năng tiếp cận cao hơn tập trung vào các trụ cột đã được xây dựng trong Kế hoạch công nghệ giáo dục quốc gia Hoa Kỳ (Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, 2016): Học tập, Dạy học, Lãnh đạo, Đánh giá, Cơ sở hạ tầng.

2.3. Chuyển đổi số trong giáo dục là một quá trình tất yếu

Chuyển đổi số là một quá trình tất yếu, vì vậy, Việt Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế cũng không thể đứng ngoài quá trình đó. Ở nước ta, quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra trong nhiều lĩnh vực như tài chính, giao thông, du lịch, dịch vụ, y tế… Giáo dục với sứ mệnh đào tạo ra nguồn nhân lực trong tương lai cho đất nước, tạo ra đội ngũ lao động trong mọi lĩnh vực của cuộc sống cũng không thể không tiếp cận chuyển đổi số vì những lý do sau:

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước chủ trương thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có giáo dục. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta đã khẳng định phải đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để thực hiện được những mục tiêu này, việc cần thực hiện trước tiên là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn dân về chuyển đổi số. Giáo dục có nhiệm vụ quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng, truyền thụ tri thức, nâng cao dân trí…, vì vậy thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ cơ bản của giáo dục để đồng hành với những mục tiêu lớn của đất nước.

Thứ hai, Thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nhằm thực hiện thành công đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế. Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", nền giáo dục nước ta đã có những chuyển biến đáng kể. Chuyển đổi số đã cung cấp những công cụ số hỗ trợ đổi mới giáo dục, đào tạo theo hướng tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập, tăng khả năng tự học, tự nghiên cứu; tạo cơ hội học tập ở mọi lúc, mọi nơi và học tập suốt đời.

2.4. Những thách thức trong chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay

Bên cạnh những tiện ích mang lại giúp việc học và dạy trở nên nhẹ nhàng và thông minh hơn, chuyển đổi số tại các trường đại học vẫn gặp khá nhiều trở ngại và thách thức: 

Thứ nhất, thách thức chiến lược. Chuyển đổi số trong các trường đại học tại Việt Nam đang được nhận thức xuyên suốt và toàn diện, từ Chính phủ, Bộ GD&ĐT, đến lãnh đạo các trường đại học. Dù vậy, các trường còn chưa xây dựng và triển khai được chiến lược chuyển đổi số trong dài hạn.

Thứ hai, thách thức về chi phí đầu tư. Chuyển đổi số có rất nhiều chi phí ẩn, ngoài chi phí hiển nhiên là chi phí phần mềm thì các chi phí về thời gian, đào tạo, vận hành,... cũng là khoản rất đáng kể.

Thứ ba, thách thức về nguồn lực công nghệ. Để thực hiện giáo dục trực tuyến, toàn bộ đầu vào cho quá trình giáo dục phải được số hóa, trong đó quan trọng nhất là học liệu, tài liệu, sách giáo khoa. Toàn bộ dữ liệu về người học cũng cần phải số hóa để thực hiện quy trình quản lý người học và thực hiện đánh giá quá trình, kết quả học tập.

Ngoài ra, các vấn đề thách thức về nguồn nhân lực triển khai; thách thức thay đổi phương pháp sư phạm và chương trình giảng dạy; thách thức về bảo mật dữ liệu và các vấn đề pháp lý liên quan cũng là những khó khăn, thách thức lớn trong chuyển đổi số ở các trường đại học Việt Nam hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Hữu Đức (2020), Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, https://nhandan.vn

2. Nguyễn Bình Huy, Trần Hải Anh, Nguyễn Hữu Tâm,  Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu trong giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay, Tap chí công thương

3. Châu An (2019), Chuyển đổi số là gì. https://vnexpress.net