Thang đo trong nghiên cứu khoa học

           Thang đo được vận dụng để đánh giá các khái niệm định tính khó có thể quan sát được như thái độ, quan điểm, niềm tin, ấn tượng, cảm nhận, ý định... Việc sử dụng loại thang đo phù hợp sẽ giúp nhà nghiên cứu thu thập tối đa lượng thông tin từ các đối tượng trả lời, nâng cao mức độ tin cậy của kết quả nghiên cứu.

1. Đo lường

            Đo lường là sự xác định số lượng hay mức độ đặc tính của sự vật, hiện tượng mà nhà nghiên cứu quan tâm. Đó là việc gắn con số cho đặc tính theo quy luật nhất định. Sự vật có thể là một đồ vật nhìn thấy, sờ mó được như con người, cái bàn, quyển sách… Mặt khác cũng có thể là những thứ không nhìn thấy được như thái độ, trí thông minh, sự hài lòng… của con người. Mục đích của việc đo lường là biến các đặc tính của sự vật, hiện tượng thành một dạng mà nhà nghiên cứu có thể phân tích được.

Đo lường thái độ con người được xem là phức tạp. Thái độ là một sự nhận thức lâu dài của cá nhân dựa trên sự hiểu biết, có tính chất đánh giá và là tiến trình đi đến hành động liên quan đến một sự vật, hiện tượng. Thái độ còn là thiên kiến về tinh thần hay hành động ở mức độ nào đó. Các thành phần cấu thành thái độ gồm có thành phần nhận thức, cảm xúc và hành vi.

2. Thang đo

          Có nhiều thuật ngữ định tính như thái độ, quan điểm, niềm tin, ấn tượng, cảm nhận, ý định… Việc đo lường các khái niệm này "rất không đơn giản" vì chúng rất khó để quan sát được. Để khắc phục khó khăn này, công cụ thường dùng là các câu hỏi trả lời sử dụng thang điểm đánh giá, hay còn gọi là thang đo. Có bốn kiểu thang đo, đó là:

           (1) thang đo định danh;

            (2) thang đo thứ tự;

            (3) thang đo khoảng; và

             (4) thang đo tỉ lệ.

          Thang đo định danh và thang đo thứ tự được gọi là thang đo non-metric hay thang đo định tính. Thang đo khoảng và tỉ lệ được gọi là thang đo metric hay thang đo định lượng. Phân tích dữ liệu đòi hỏi thang đo thích hợp cho từng biến, vì vậy cần lựa chọn thang đo phù hợp để thu được dữ liệu khả dụng.

2.1. Thang đo định danh (Nominal Scale)

           Thang đo định danh dùng số đo để tượng trưng cho một nhãn, nhằm phân loại đối tượng đo. Số của thang đo này tượng trưng cho một tên nên không thể dùng một giá trị để biểu diễn 2 đối tượng khác nhau cũng như không thể phân tích thống kê cho dữ liệu thu thập bởi kiểu thang đo này.

           Các dạng thường gặp của thang đo định danh bao gồm câu hỏi chỉ cho phép 01 lựa chọn và cho cùng lúc nhiều lựa chọn.

2.2. Thang đo thứ tự (Ordinal Scale)

          Thang đo thứ tự dùng số đo để thể hiện sự xếp hạng hay thứ tự của danh sách, không có ý nghĩa về lượng. Vậy nên giá trị trung bình không có ý nghĩa (dữ liệu định tính, không phân tích thống kê được). Các dạng thường gặp của thang đo thứ tự bao gồm câu hỏi yêu cầu chọn thứ tự trả lời và câu hỏi so sánh cặp.

          Ví dụ câu hỏi so sánh cặp như sau: Trong từng cặp thương hiệu nước ngọt dưới đây, xin bạn vui lòng đánh số 1 vào thương hiệu bạn thích hơn trong cặp theo hàng ngang.

Cocacola          …         Pepsi                …

Cocacola          …         Tribeco            …

Pepsi                …         Tribeco            …

RedBull            …         Cocacola         …

Redbull            …         Pepsi                …

(3) Thang đo khoảng (Interval Scale)

            Là kiểu thang đo dùng số đo để chỉ khoảng cách, không có mức 0. Thang đo khoảng bao hàm cả thông tin từ thang đo thứ tự. Người thực hiện nghiên cứu có thể dựa trên giá trị trung bình của câu trả lời để so sánh đối tượng. Dữ liệu thu được ở bảng câu hỏi sử dụng thang đo khoảng có ý nghĩa về định lượng và có thể xử lý, phân tích thống kê.

            Ví dụ: Sự khác biệt giữa “3” và “4” thì bằng sự khác biệt giữa “1” và “2”, hoặc sự khác biệt giữa “2” và “4” thì gấp đôi sự khác biệt giữa “1” và “2”.

            Đây là kiểu thang đo được sử dụng nhiều nhất trong nghiên cứu khoa học, các dạng thường được sử dụng trong nghiên cứu khoa học bao gồm:

          1. Thang đo Likert (Rensis Likert, 1932) là loại thang đo trong đó một chuỗi các phát biểu liên quan đến thái độ được nêu ra và người trả lời cho biết thái độ của họ bằng cách chọn một trong các trả lời, hoặc là rất đồng ý hoặc là rất không đồng ý. Thông thường có 5 sự lựa chọn – rất đồng ý, đồng ý, bình thường, không đồng ý và rất không đồng ý (được gán số thứ tự từ 1 đến 5 – các sự lựa chọn có thể khác 5 nhưng nên là thang lẻ tức là 3, 7 hoặc 9). Sự đồng ý mạnh cho biết thái độ đồng tình mạnh nhất đối với phát biểu và điểm 5 được gán cho trường hợp này.

          2. Thang đo đối nghĩa (Semantic Differential) tương tự thang đo Likert nhưng nhà nghiên cứu chỉ dùng hai nhóm từ ở hai cực có ý nghĩa trái ngược nhau trong mục hỏi nên còn được gọi là "thang đo tĩnh từ cực". Khi dùng các cặp từ như thuận lợi – không thuận lợi, dễ chịu – không dễ chịu thì gọi là tĩnh từ cực đơn, và khi dùng cặp từ như thuận lợi – bất lợi, hiện đại – lỗi thời thì gọi là tĩnh từ cực cặp.

           3. Thang đo Stapel là thang đo kết hợp của thang đo cặp tĩnh từ cực với số đo, trong đó nhà nghiên cứu chỉ dùng một phát biểu ở trung tâm thay vì hai phát biểu đối nghịch nhau ở hai cực.

         Ví dụ câu hỏi với thang đo Stapel như sau: Hãy cho biết đánh giá của bạn đối với thái độ nhân viên bán hàng (mức độ thân thiện) ở cửa hàng bán thức ăn nhanh. Chọn số dương nếu bạn nghĩ phát biểu mô tả đúng thái độ của bạn. Chọn số âm nếu bạn nghĩ phát biểu không mô tả đúng thái độ của bạn, số càng âm mức độ không đúng càng tăng.

                                              -3 O      -2 O      -1 O      +1O       +2 O     +3 O

(4) Thang đo tỷ lệ (Ratio Scale)

           Giống thang đo khoảng nhưng giá trị gốc là số 0; gốc 0 chỉ thuộc tính không tồn tại của thang đo. Là loại thang đo cao nhất, nó chứa đựng tất cả nội dung của thang đo định danh, thang đo thứ tự và của thang đo khoảng. Với thang đo tỷ lệ có thể nhận dạng, xếp hạng và so sánh sự khác biệt của đối tượng đo. Thang đo tỷ lệ không chỉ cho biết sự khác biệt giữa 2 và 5 bằng sự khác biệt giữa 14 và 17 mà nó còn cho biết thêm 14 thì gấp 7 lần của 2 vì biết giá trị gốc 0.

           Một dạng khác của thang đo tỉ lệ là thang đo tổng hằng số không đổi. Với thang đo này, câu trả lời được yêu cầu chia một số điểm theo một vài thuộc tính để cho biết mối quan hệ nào là quan trọng. Dạng này cũng được dùng để đánh giá tầm quan trọng của thuộc tính như được trình bày ở câu hỏi sau đây.

           Hãy phân bổ 100 điểm đánh giá cho các đặc điểm của dịch vụ phân phối tại một công ty giao nhận.

                        Hóa đơn chính xác      ______ điểm.

                        Uy tín                        ______ điểm.

                        Giá cả phải chăng       ______ điểm.

           Đặc điểm của 4 loại thang đo được tóm tắt ở Bảng 1.

Bảng 1. Đặc điểm của các loại thang đo

TT

Thang đo

Hệ thống số

Áp dụng

Thống kê sử dụng

1

Định danh

Định nghĩa (duy nhất) bằng các con số (0, 1, 2,…, 9)

Nhãn hiệu

Nam – Nữ

Phần trăm

Số Mode

2

Thứ tự

Thứ tự các con số (0 < 1 < 2 < … < 9)

Thái độ

Sở thích

Xếp loại

Số trung vị

3

Khoảng

Đẳng thức về hiệu số hay các khác biệt bằng nhau (2 – 1 = 7 – 6 = 1)

Thái độ

Chỉ số

Dữ liệu thu được có thể xử lý, phân tích thống kê.

4

Tỉ lệ

Đẳng thức về tỉ lệ hay bằng nhau giữa các tỉ số (2/4 = 4/8 = 0.5)

Chi phí

Số khách hàng

Doanh số

Dữ liệu thu được có thể xử lý, phân tích thống kê.

[Nguồn: nghiencuukhoahoc.edu.vn, 2022]

3. Lựa chọn thang đo

           Cấp thang đo dùng để biểu diễn độ mạnh của nó, thang đo cấp cao luôn có những thuộc tính của thang đo cấp thấp hơn. Như vậy, trong bốn thang đo (định danh, thứ tự, khoảng và tỉ lệ) thì thang đo định danh là thang đo có cấp thấp nhất, lần lượt tiếp theo là thang đo thứ tự, khoảng và tỉ lệ. Thang đo thứ tự có tất cả các thuộc tính của thang đo định danh, thang đo khoảng có tất cả các thuộc tính của thang đo thứ tự, và cuối cùng thang đo cấp tỉ lệ có tất cả các thuộc tính của các thang đo còn lại.

           Cần lựa chọn, sử dụng loại thang đo thích hợp cho từng trường hợp nghiên cứu. Để có được quyết định đúng đắn, nhà nghiên cứu cần lưu ý những vấn đề sau.

           Một là, lựa chọn loại thang đo sẽ thu nhận được thông tin tối đa dùng vào mục đích phân tích. Ở đây không chỉ đơn thuần là dựa vào tính chất của mỗi loại thang đo mà còn phải dựa vào tính chất của đặc tính cần đo lường.

          Hai là, thang đo được chọn phải dễ sử dụng đối với người được hỏi. Nhà nghiên cứu phải cân bằng giữa vấn đề thu thập được nhiều thông tin và vấn đề người được hỏi có sẵn lòng trả lời những câu hỏi sử dụng loại thang đo ấy hay không.

         Ba là, loại thang đo được lựa chọn phải phù hợp hay có khả năng phục vụ cho kỹ thuật phân tích mà nhà nghiên cứu sẽ sử dụng sau đó. Nếu nhà nghiên cứu chọn loại thang đo cấp thấp (định danh và thứ tự) thì không thể sử dụng các phương pháp phân tích dùng cho loại thang đo cấp cao (khoảng cách và tỉ lệ) được.

Tin bài: Lê Phương (st)